Mài Kiếm Dưới Trăng

Nợ nước chưa xong đầu đã bạcDưới trăng mấy độ tuốt gươm mài

Nếu ngươi lấy một tất đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.
(Vua Lê Thánh Tông 1442-1497).

 Đầu bạc giang san thù chưa trả 

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi

Danh tướng Đặng Dung, sinh không rõ mất năm 1413. Ông người Nghệ An nhưng theo gia đình vào lập nghiệp tại vùng đất nay thuộc quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy rước Trần Quý Khoách về Nghệ An lập lên vua Trùng Quang quyết liệt kháng Minh. Năm 1413 ông cùng vua Trùng Quang bị bắt giải về Tàu, nửa đường ông trầm mình tự tử. Ngoài gương anh hùng tiết liệt, Đặng Dung còn được xem như một nhà thơ lớn của dân tộc mặc dù ông chỉ để lại một ít bài thơ, trong đó có bài Thuật Hoài nổi tiếng. Sau đây là một bài viết phân tích bài thơ Thuật Hoài của ông.

Thuật Hoài – Đặng Dung

Thế sự du du nại lão hà 
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca 
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa 
Trí chúa hữu hoài phù địa trục 
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà 
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch 

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am văn tập, khi đọc bài thơ này đã hết lời ca tụng người sáng tác ra nó là “phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể sáng tác được như vậy).
Trong lịch sử có những tráng sĩ, danh tướng ngẫu nhiên làm một vài bài thơ. Thơ của họ được người đời sau biết đến là nhờ danh tiếng của họ lưu trong lịch sử. Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư nằm trong trường hợp này. Nói đến Lý Thường Kiệt người ta nhắc tới bài thơ có câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư“. Nói tới Trần Quang Khải người ta kể “Đoạt sáo Chương Dương độ“. Và nói tới Trần Khánh Dư người ta đề cập tới bài Bán Than.

Đó là trường hợp từ danh của tướng người ta liên tưởng tới thơ của họ. Trường hợp của Đặng Dung ngược lại: từ thơ người ta liên tưởng tới cuộc đời của ông. Đặng Dung làm thơ nhiều hay ít không rõ, chỉ biết ông có một bài duy nhất được lưu lại, đó là bài Thuật hoài (hay Cảm hoài). Với bài này tên ông đã có chỗ đứng trong văn học sử, và người đời sau khi đọc bài thơ không thể không khen cái hay của nó. Yêu thơ, muốn tìm hiểu thêm về tâm sự và cuộc đời tác giả, người ta sẽ thích thú khi biết rằng ông là một nhà ái quốc tuyệt vời, một dũng tướng can trường, một nhân kiệt hiếm có, một tráng sĩ hiên ngang, khí phách sống vào thời Trần mạt.

Bài Thuật hoài của ông nguyên tác bằng chữ Hán, phiên âm như sau:

Thế sự du du nại lão hà  
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca  
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa 
Trí chúa hữu hoài phù địa trục 
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà 
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch 

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am văn tập, khi đọc bài thơ này đã hết lời ca tụng người sáng tác ra nó là “phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể sáng tác được như vậy). Ta hãy lược qua thân thế của tác giả để có thêm chất liệu soi sáng thêm cho phần thưởng thức bài thơ. Đặng Dung sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông là người làng Tả Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông là Đặng Tất làm quan triều Trần. Khi quân Minh do Trương Phụ thống lãnh chiếm nước ta, năm 1407 Đặng Tất cùng đồng liêu là Nguyễn Cảnh Chân theo giúp Giản Định Đế chống quân Minh. Nhưng Giản Định Đế nghe lời xiểm nịnh giết cả Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, con Nguyễn Cảnh Chân, vì đại cuộc quên thù nhà, đem quân từ Thuận Hóa về Thanh Hóa, tôn Trần Quý Khoách lên làm vua, đó là Trùng Quang Đế, để tiếp tục sự nghiệp chống Minh. Chiến công đáng ghi nhớ nhất trong đời ông là đánh úp doanh trại quân Minh trong một đêm của tháng 9, năm 1413. Ông và một vị tướng khác là Nguyễn Súy cầm đầu một toán quân xung kích nhảy lên thuyền tướng giặc, tính bắt sống, nhưng nhờ đêm tối Trương Phụ đã thoát hiểm. Thời Trần mạt, tráng sĩ, nghĩa sĩ khá đông, ngoài cha con ông, và cha con Nguyễn Cảnh Dị còn có kẻ sĩ can tràng Nguyễn Biểu, dũng sĩ hiên ngang Nguyễn Súy, v.v.. nhưng vì nghiệp nhà Trần đã hết, vận nước gặp hồi điêu linh, nên tất các cuộc khởi nghĩa chống quân thù đều thất bại, và bao nhiêu kiệt sĩ đã phải ngậm đắng nuốt cay vì vận mạt. Sau khi cuộc kháng chiến thất bại, vua Trùng Quang và các tướng tá bị bắt, có sách ghi là ông ở trong đám người bị bắt đó.

Trên đường bị giải về Yên Kinh ông và vua Trùng Quang đã nhảy xuống sông tự vẫn.

Bây giờ chúng ta lắng nghe

Đặng Dung giải bày nỗi cảm hoài qua 8 câu thơ của ông :

Việc đời còn dằng dặc mà mình đã già mất rồi,
 (vậy nên) Đất trời mênh mông thu lại là một cuộc say hát (mà thôi).
 Gặp thời bọn giết heo, bọn câu cá cũng thành công dễ,
 (nhưng) Lỡ vận thì anh hùng cũng đành nuốt hận nhiều  
 Giúp chúa có lòng đỡ trục trái đất,
 (nhưng tiếc rằng) Rửa binh không có đường kéo sông trời 
 Nợ nước chưa báo được đầu đã sớm bạc,
 (đáng tiếc thay) Đã bao phen mài gươm Long Tuyền dưới ánh trăng.


Bài thơ mở ra bằng cái bi phẫn của thi-nhân-tráng-sĩ, ngao ngán vì việc đời còn ngổn ngang mà tuổi đã xế chiều. Bi phẫn đó dẫn đến lời ngậm ngùi: trời đất mênh mông rút lại không chừng chỉ còn là một cuộc say hát nghêu ngao. Ta bắt gặp ý niệm tương tự nơi Tiêu Sơn Tráng Sĩ thời Lê mạt. Khi cuộc phục Lê đã vô vọng, tình yêu với Trương Quỳnh Như không thành, Chiêu Lì Phạm Thái đã trốn vào rượu, suốt ngày ngâm câu “Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu, không đong đầy đôi mắt mỹ nhân”.

Nếu bốn câu đầu của bài thơ phản ảnh suy tư và triết lý thời vận của nhà thơ thì bốn câu sau phản ảnh tâm sự và tấm lòng của ông đối với dân, với nước. Người hào kiệt ấy dốc lòng nhận trách nhiệm, sẵn sàng ghé vai khiêng trái đất, kéo sông trời mà gột giáp binh để đem độc lập về cho đất nước, mang thanh bình lại cho muôn người. Bao phen mài gươm kiên nhẫn đợi chờ mà thời vẫn chẳng chiều. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh của một bạch đầu tráng-sĩ dưới nguyệt mài gươm đầy thơ mộng, hào hùng, và lồng lộng một tấm lòng phục quốc khôn nguôi.

Đem tiểu sử soi chiếu vào thơ, người ta càng thêm cảm phục tấm lòng của kẻ đã vì nợ nước coi nhẹ thù nhà, đã tận tụy với quê hương cho tới khi lâm tử. Bài thơ của ông quả thật tuyệt vời cả ý lẫn lời.                  

Gợi hình nhất của bài thơ là hai câu cuối, đúng là thi trung hữu họa. Rất nhiều người sẽ yêu hai câu thơ này vì hình ảnh hào hùng của của một tráng sĩ bạc đầu vẫn kiên gan mài kiếm dưới trăng. Nó rực rỡ hơn nhiều hình ảnh Tôn Thất Thuyết ngồi cầm gươm chém đá trong những ngày tàn của cuộc đời. Nó tuyệt vời hơn nhiều hình ảnh một thi sĩ Cao Tần vác thanh kiếm gẫy lên non vạch đất nhớ quê hương. Bài thơ, về khía cạnh riêng, phản ảnh hoàn cảnh, tâm sự và hoài bão của tác giả, nó gây cảm ứng đồng điệu nơi người đọc. Về khía cạnh chung nó làm rung động sâu xa mỹ cảm nơi người đọc vì hình ảnh và nhạc điệu phong phú của nó. Vì bài thơ có quá nhiều ưu điểm nên người ta khó lòng dịch được hết cái hay. Để thưởng thức trọn vẹn bài thơ, có lẽ ta nên đọc và thưởng thức thẳng vào nguyên tác. Tuy nhiên ở đây chúng tôi cũng xin chép lại mấy bản dịch đã sưu tầm được, và chúng tôi cũng dịch một bản, hy vọng những bản dịch này sẽ gây thêm hứng vị cho độc giả.

Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?

Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.

Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,

Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.

Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,

Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.

Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,

Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng

***

Bản dịch của Tản Đà

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chửa trả,

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

***

Bản dịch của Phan Kế Bính

Việc đời bối rối tuổi già vay,

Trời đất vô cùng một cuộc say.

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày

***

Bản dịch của Nguyễn Văn Trình

Việc đời dặc dặc tuổi già đây

Trời đất miên man nhịp hát hay

Bần tiện gặp thời thành nghiệp dễ

Anh hùng lỡ vận hận căm đầy.

Mong xoay trái đất lo phù chúa

Muốn rửa sông trời khó kéo mây.

Thù nước chưa đền đầu đã bạc

Mài gươm dưới nguyệt mấy thu rày.

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Scroll to TOP