Tạp Ghi lan man trên BT.THDLVNHN
Ở đây, tôi xin mượn hai chữ Cho và Nhận để thay thế hai chữ “bố thí” trong cái HẠNH Bồ Tát của nhà Phật.
Tôi không phải là người đạo Phật, không là Phật tử, mà lại cũng không có cái đam mê đi chùa lễ Phật, nghe kinh. Tuy nhiên, tôi lại rất ái mộ những triết lý cao siêu của nhà Phật. Dường như bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần đọc được một trích đoạn, một vài câu văn, nghe được vài lời nói, thấy được vài hành động nào có liên quan đến sự bao dung, quảng đại của nhà Phật là tôi cứ thấy như có một sức mạnh vô hình nào đó tác động vào tận tâm cang và âm hưởng rất lâu trong tư tưởng và suy nghĩ của tôi.
Đó chính là cái lý do mà tôi muốn nói đến chữ HẠNH của nhà Phật khi tôi đọc Bản tin THĐL số 14, đọc được những bài viết đã qua 10 năm, có thể là đã cũ đối với các thân hữu, nhưng lại rất mới, rất tuyệt đối với tôi (xin cám ơn Anh Thuần đã gởi cho tôi những bản tin cũ, đã cho tôi được sống lại cái xúc cảm của quí bạn hữu 10 năm về trước).
Thú thật, khi đọc bài “Về Hạnh Bố Thí” của Du Li, tôi mới thực sự “ngộ” được thế nào là chữ “Hạnh Bồ Tát”. Quả thật là nó cao siêu, quảng đại,và bao la đến vô cùng…
Tự trong thâm tâm tôi, suốt gần cả cuộc đời này, tôi cũng đã từng có biết bao trăn trở, băn khoăn khi nhận của ai một cái gì mà chưa có dịp trả ơn, đền đáp. Và cũng đã có không ít lần, tôi đã thầm thắc mắc Trời cao sao không công bằng, sao lại phân chia không đồng đều cái diễm phúc, cái may mắn, sự sung sướng ấm no cho con người trên thế gian. Và, cũng đã có đôi lúc, tôi tự hỏi rằng tại sao tôi luôn sẵn sàng trang trải tấm lòng mình cho bạn bè, cho mọi người, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho người thân, cho những cảnh đời cùng khổ, vậy mà sao mình vẫn không có được cái gì hết, vẫn chưa tìm được một chút nào bình an, hạnh phúc trong tâm hồn.
Có phải chăng đó là do sự ích kỷ, do cái chữ Tôi của con người luôn hiện diện nhiều hơn, rõ rệt hơn lòng bao dung và sự thánh thiện. Thật là một điều hết sức sai lầm, một khiếm khuyết không thể khỏa lấp nếu như tôi không được “ngộ” cái chữ” Hạnh” mà Du Li đã đề cập đến trong bài ” Hạnh bố thí ” này.
Và, đấy cũng là dịp để tôi nhớ lại những tình nghĩa nồng ấm mà các thân hữu đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua, tôi đã thực sự nhận được cái Hạnh “Cho” của “Hội” THĐL, đã thấy được tấm chân tình ấy nó lớn lao và to tát đến dường nào!
Tôi nhớ lại, cách đây độ mươi năm, lúc còn ở trong nước, tôi có nghe nói ở hải ngoại, có một “đoàn thể” qui tụ những vị đã từng làm việc trong ngành Điện phía Nam trước 75 để sinh hoạt, gặp gỡ, thăm hỏi nhau trên đất khách. Tôi rất vui và hồ hởi với hy vọng sẽ có một ngày nào đó, mình cũng sẽ được gặp lại các vị lãnh đạo, bạn bè thân thiết cũ. Do đó, khi chuẩn bị làm hồ sơ xuất cảnh, tôi có hỏi thăm một người đã sinh sống ở Mỹ khá lâu, (đã từng là một nhân viên kỳ cựu, đã có môi trường quen biết rộng khắp trong Cty ĐLVN, và cũng có tên trong danh sách của Bản tin THĐL VNHN) để nhờ giới thiệu tôi vào “Hội”. Nhưng, tôi lại được phán một câu nghe mà chợt vỡ mộng : “Em nên nhớ ngày xưa em chỉ là một nhân viên quèn, chỉ là loại tép riêu, bây giờ em có qua Mỹ, thì lại càng thấp kém hơn so với những người đã đi trước, đã có sự nghiệp, tài sản, mà đa số lại là những người đã từng có chức vụ cao, liệu em có được nhìn nhận, có cho đứng cùng hàng ngũ, có coi là đồng nghiệp không?” Và, thế là, sau khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi không dám liên lạc với ai hết, mặc dù trong lòng tôi rất muốn.
Tuy nhiên, tôi nhớ lại, tôi hãy còn một vị Quản đốc rất tốt, rất quý mến nhân viên, do đó tôi phải tìm Ông để thăm hỏi cho phải đạo. Và, thế là tôi đã dò hỏi và tìm được địa chỉ của Ông, đã viết thư thăm Ông, vì tôi tin Ông hãy còn nhớ đến tôi.
Và, cũng thật là bất ngờ, sau đó không lâu, tôi nhận được hai cuốn Bản tin mới và một thư mời dự Đại hội Paris, tôi vui mừng khôn xiết, vì cứ ngỡ như mình đã “Ước gì được nấy”, nhưng chưa biết đó là do tấm lòng, do sự quan tâm đến nhân viên của vị Quản đốc ngày xưa, đã dành cho mình, đã “CHO” mình cái mà mình đang mong ước.
Để rồi, qua những ngày đầu bỡ ngỡ, xa lạ, tôi đã được các thân hữu đón tiếp một cách hết sức chân tình, đã được giúp đỡ, chỉ dẫn cặn kẽ những điều tôi chưa biết, chưa hiểu, đã xem tôi như một đồng nghiệp thật sự mà không hề phân biệt, đố kỵ hay suy hơn tính thiệt gì hết.
Những ân tình nồng ấm đó nới xứ lạ quê người quả thật là quí hóa, thân ái đối với tôi biết là chừng nào. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thực sự “ngộ” được chữ “Hạnh” trong tình thân ấy nếu như tôi không được đọc Bản tin THĐL số 14, không được đọc mẩu đối thoại giữa Anh T. và Anh D. trong mục thư tín, trong đó, Anh T. đã nhắc lại một chuyện cũ của những ngày đầu Anh vừa vượt biên tới đảo, một nghĩa cử hết sức cao đẹp của một người bạn từ bên Pháp đã gởi cho Anh một mandat 500 francs kèm đôi dòng chữ: “Tớ giúp cậu bây giờ, trong hoàn cảnh nầy, cậu đừng thắc mắc ơn nghĩa gì hết. Nếu cậu muốn trả ơn cho tớ, thì ngày sau, khi có điều kiện, cậu hãy giúp một người bạn nào khác của chúng ta”. Anh T. đã kết luận,”hơn 13 năm qua, tức là vào cái năm 1994 ấy, chính cái tình nghĩa nầy đã là động lực và năng lượng hàng đầu giúp Anh giữ vững được nghị lực trong đời sống hàng ngày và cố gắng duy trì sinh hoạt thân hữu Điện lực ngày càng tốt đẹp hơn.”
Đấy là một minh chứng giúp cho tôi “ngộ” thêm được cái nghĩa của chữ “Hạnh” nó to tát, bao la đến dường nào. Và cũng chính cái hạt giống mà Anh B. đã gieo đó, cây “Hạnh” của “Hội” THĐL VNHN ngày càng vững mạnh và phát triển không ngừng, lan tỏa trên khắp năm châu bốn bể, hễ chỗ nào có thân hữu Điện Lực là có vườn cây “Hạnh”, có những tấm lòng quảng đại, từ bi, biết “Cho” và biết “Nhận”.
Tôi thật không biết nói gì hơn là xin được gởi nơi đây sự trân trọng, kính mến của một người đến sau với tất cả tấm lòng của mình, tôi trân quý những gì mà các thân hữu đã “Cho” và tôi cũng đã “Nhận” được trong những tháng ngày lưu vong nơi đây…
(Tháng 06/2004 Dallas TX. NguyenThuHoa – Một kẻ đến sau)