MƯỜI HAI THÁNG SÁU – thơ Vũ Hoàng Chương

Trăng của nhà ai? trăng một phương!
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi! Hỡi nhớ thương

Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh

Tháng sáu mười hai – từ đấy nhé
Chung đôi – từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai!

Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi

Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta đương lửa đốt tơi bời mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ Xừ Xang Xế bàn tay điên cuồng

Kiều Thu hề trọn kiếp thương!
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên

Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng
Xế Hồ Xang khói mờ rung
Nhịp vương sầu tỏa năm cung ngút ngàn …

TỐ CỦA HOÀNG ƠI!

Năm 12 tháng, ai không biết ! 
Đã tháng nào không tháng 6 chưa ? 
Tháng có 30 ngày để giết 
Ngày 12 vẫn sống như xưa. 
Lịch treo giữa ngực kêu thành tiếng 
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa 
Rả rích từ hôm con én liệng 
Vào lồng son…tủi áng mây đưa. 
Thời gian từng giọt buông theo máu 
Lại trở về, không gọi cũng thưa 
Còn đó 12, còn tháng 6 
30 năm lẻ vẫn chưa vừa ! 
Còn khóc trong tim này bất tuyệt
Chừng như rối loạn cả đường tơ, 
Trăng-nhà-ai vẫn là Trăng-khuyết 
Đứng sững từ đêm ấy đến giờ ! 
Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống 
Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp Thơ 
Đập nát ra cho trời đất uống 
Thì em sẽ rụng xuống đêm mờ ! 
Phút giây Trăng-một-phương tròn lại

Rồi tự hoà tan Rượu-đắng-mơ 
Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi 
Không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ. 
12 tháng 6… cung Hồ Xế… 
Một mối tình si một mối thù 
Giây phút cũng tan thành biển lệ, 
Trả cho cát bụi nhé Kiều-Thu !

Vũ Hoàng Chương 
12 tháng 6 Nhâm Tý, 1972

Tình tri âm giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nữ sĩ Ngân Giang

Tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, nửa phía Bắc dưới sự cai trị của chính thể Cộng sản. Cuối tháng 8 năm ấy, cùng với gia đình (gồm mẹ, vợ) và gia đình thi sĩ Đinh Hùng (em vợ, đồng thời cũng là bạn thân), nhà thơ Vũ Hoàng Chương lánh vào miền Nam. Ông giải thích lý do ra đi trong bài “Gấm hoa” làm ở Sài gòn năm 1967, được in ra trong tập Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Sàigòn : Lửa Thiêng, 1970):

Anh ra đi, cánh phiêu-hồng trốn tuyết
Hay cánh thiên-nga trốn vạc dầu sôi?

Khi phải đi xa như thế, ông nghĩ rất nhiều đến người yêu đầu tiên trong đời nhưng đã “mười năm thôi thế mộng tan tành” từ một ngày 12 tháng 6 hơn 13 năm trước (1941):

Sông núi đã chia rồi
Em ở lại sầu gương tủi lược
Bồ-hòn kết đắng hoa môi.

Những năm sau, từ miền Nam ông nhớ người ở lại một cách thiết tha, vô vọng:

Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến
Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi.

Nhân vật thứ hai ông nghĩ đến là một người bạn thơ. Cuối năm Giáp Ngọ tức đầu năm 1955, nhân các chuyến qua lại giữa hai miền Nam Bắc còn thực hiện được, ông gửi một người quen có việc ra Bắc một bài thơ, nhờ đưa đến một thi sĩ ở lại Hà Nội. Bài thơ này sau được ông cho in vào thi tập Trời Một Phương (Sàigòn, 1962) với nhan đề “Nổi trôi” và có lời như sau:

Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Rằng hư, rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao hề, nước vẫn sâu!

Lời thơ quá kín đáo. Khi in bài ấy trong tập Trời Một Phương, thi sĩ Vũ Hoàng Chương không cho biết ông muốn nói điều gì hoặc đã nghĩ đến ai. Mãi 12 năm sau, 1974, trong tập bút ký Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn : CSXB Trương Vĩnh Ký, 1974), Vũ Hoàng Chương mới giải thích ông làm bài ấy cuối năm Giáp Ngọ 1954 và để gửi nữ sĩ Ngân Giang

https://tranhuybich.blogspot.com/2019/05/duyen-tho-no-kich-nhung-van-tho-cua-thi.html

Từ Mai – Trần Huy Bích

Scroll to TOP