Tình Yêu trong Dân Ca Việt

Người ơi! Người ở đừng về

Dân tộc Việt Nam có một nền dân ca lâu đời và rất phong phú.

Người Kinh chỉ có hát chứ không có múa như các sắc tộc khác cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam. Dân ca trữ tình hay hát giao duyên hay hát đối đáp giữa trai gái được nghe khắp nơi.

Từ Bắc tới Nam, từ loại hát làm việc ngoài đồng (hò cấy) đến các việc làm khác như chèo thuyền (hò mái đẩy, hò mái nhì, hò sông Mã), như đập đá (hò nện) hay các công việc có tính cách tập thể (hát phường vải). Rồi các loại hát hội (Quan Họ, Trống Quân) được thịnh hành nhiều nhứt ở miền Bắc.

Tình yêu không phải chỉ có trong thể loại dân ca trữ tình.

Chúng ta có thể gặp chủ đề “tình yêu” trong những bài vịnh ca, anh hùng ca, loại hát chọc ghẹo. Tình yêu nam nữ chiếm một số lượng rất quan trọng trong loại hát giao duyên. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng dân ca đối đáp đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ như Hát Quan Họ ở Bắc Ninh đã được nói tới từ thời nhà Lý (thế kỷ XI) do các quan tướng tổ chức chào mừng vua khi vua trở về thăm nơi chôn nhau cắt rún.

Thời nhà Trần, cũng có sách vở nói tới loại hát đối nam nữ và một số người hát nổi tiếng về nghệ thuật tức hứng nhạc và lời. Những bài hát trữ tình cũng được thấy trong các thể loại khác: Hò giã gạo miền Trung, hò miền Nam, các loại hát nghi lễ và luôn cả được sân khấu hóa để làm thành những nhạc cảnh hay hoạt cảnh múa hát (điệu Xin Hoa, Đố Chữ trong Hát Xoan, điệu Tiên Cuội tỏ tình trong Tiên Cuội, v.v.)

Từ thời hậu bán thế kỷ XX, có một số nhà nghiên cứu đã công bố những kết quả đáng được chú ý về những lối hát giao duyên (“Quan Họ Bắc Ninh” do Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Tú Viêm, Nguyễn Chung Anh biên soạn; “Hát Ví Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Chung Anh; “Hát Giặm Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giáo; “Dân ca Người Việt” của Tú Ngọc, v.v.) Các loại hát giao duyên: Có ba loại hát giao duyên hay hát trữ tình:
1. Loại hát dính liền với tục lệ kết bạn
2. Loại hát dính liền với cộng việc làm
3. Loại hát dính liền với đời sống hàng ngày.

Hát Ghẹo
Loại hát giao duyên với tục lệ kết bạn như trong Hát Ghẹo (Phú Thọ) và Quan Họ (Bắc Ninh) chỉ có thể thấy ở miền Bắc mà thôi. Hát Ghẹo và Quan Họ thường được ca hát trong dịp hội hè, lễ Tết. Điều đáng chú ý là chuyện ca hát chỉ xảy ra trong khung cảnh của những nhóm ở những làng có kết bạn với nhau. Tục lệ này ở Hát Ghẹo còn gọi là “hát nước nghĩa”. Sự kết nghĩa giữa hai làng là một tục lệ có từ lâu đời ở Việt Nam. Trong Hát Ghẹo, những người đi hát không tổ chức thành phường, thành họ hay thành bọn. Hàng năm, khi làng mình hoặc làng kết nghĩa mở hội thì dân làng lựa những cậu trai cô gái có giọng hát đẹp và biết rõ các bài bản để hát đối đáp. Nếu đón các người hát “kết nghĩa” thì làng cử một đoàn phụ nữ và một “bà trùm” (một người đàn bà có tuổi) ra đón tiếp và ca hát. Khi đi hát ở một làng khác thì có “ông trùm” và một nhóm đàn ông hát giỏi được gởi đi. Trong năm, những người được lựa chọn đi hát thường gặp nhau để hát chung và ôn lại những bài hát chánh của Hát ghẹo. Khi đi hát hội, những người hát ngồi trên chiếu hoa hát đối suốt đêm với nhóm bạn “kết nghĩa”. Một đội nam đối đáp với một đội nữ, và thường phải hát có cặp, có đôi, hát đồng âm, với một giọng “dẫn” (giọng chánh), và một giọng “luồng” (giọng phụ). Mỗi một cuộc thi hát gồm có 4 giai đoạn: 1. Hát mời ăn trầu bằng những câu hát Ví gọi là Ví Trầu
Các bạn hát nói năng rất lịch sự, gọi nhau bằng “quan anh” “quan chị” và xưng bằng em. Em thưa với anh:”


Đôi nước anh em ta
Áo vải, dải gai, cổ kim chi nghĩa
Anh đưa chân ra tôn thần đã đoạn
Chị em nhà có cơi trầu đưa tay nâng lại hầu anh.”
Hay là:
Em thưa với chị:
“Miếng trầu ăn nặng bằng chì.


Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn.2. Chặng thứ hai gồm những bài hát thuộc giọng “sổng”. Những câu hát trong chặng này bày tỏ tâm sự, ước vọng về hạnh phúc lứa đôi. Qua hai chặng trên (giọng ví và giọng sổng), cách hát của Hát Ghẹo chỉ dừng lại ở đối lời chứ chưa có đối giọng. Cả hai bên nam nữ chỉ dựa trên một làn điệu duy nhứt mà thay đổi lời ca khác nhau. 3. Chặng thứ ba là phong phú nhứt với nhiều làn điệu chung quanh chủ đề tình yêu. Chặng này được gọi là “sang giọng”. Thường thì bắt đầu bằng câu:
“Tình tang tình, tích tang tích
Anh sang giọng nào cho em sang với.
Vậy là mở màn cho chặng ba với các loại “giọng vặt” 4. Chặng thứ tư là chặng chót gồm các bài Ví tiễn để hẹn gặp nhau lần tới hát với nhau. Có khi luyến tiếc nhau hát cả mấy tiếng đồng hồ, bịn rịn không chịu chia tay và do đó, Hát tiễn kéo dài cho tới hừng đông.

Quan Họ

Hát Quan Họ là một sản phẩm âm nhạc dân gian đặc sắc nhứt của Việt Nam, có thể so sánh ngang với tranh dân gian làng Hồ (Hà Bắc), nghệ thuật xòe Thái (Tây Bắc), nghệ thuật khảm trai làng Ngô Xá (Hà Tây), và Cũng như Hát Ghẹo, Quan Họ là loại hát giao duyên có nhiều giọng điệu. Do đó đòi hỏi người hát phải có sự tập luyện công phu về sự sáng tạo giai điệu mới. Những người đi hát thường tập hợp với nhau trong một tổ chức nhứt định, gọi là Quan Họ. Quan Họ là một tập thể người gồm nam và nữ. Những tập thể như vậy bao giờ cũng ở cùng một làng. Số người chung một nhóm có từ 4 tới 7 người. Đứng đầu nhóm là một người đứng tuổi gọi là “Anh cả, Chị cả” hay còn gọi là “Ông già Quan Họ”, “Bà già Quan Họ”. Do đó trong các điệu hát Quan Họ người ta thường nghe những danh từ “anh hai, anh ba”, “chị hai, chị ba” do vai vế trong gia đình Quan họ. Một làng ngày xưa ở vùng Bắc Ninh có thể có tới 10 bọn Quan Họ. Nhưng họ không có quyền kết bạn với nhau mà phải lựa một bọn ở một làng khác để kết nghĩa. Thường là một bọn nam của thôn làng này kết nghĩa với một bọn nữ của thôn làng khác.

Cuộc kết nghĩa bắt đầu là cuộc gặp gỡ tại một cuộc hát hội. Bên trai vô quán mua trầu cau mời bên nữ. Nếu bên nữ nhận trầu tức là muốn nói là họ chưa có kết bạn với ai. Nếu hai bên hát tâm đầu ý hiệp ở một cuộc hát thì bọn trai mới đi tới nhà gia đình chị cả hay chị hai của bọn gái để xin phép cha mẹ của chị cả chị hai để xin kết bạn. Sau đó họ hát với nhau suốt cả đêm theo lề lối trình tự của một cuộc hát Quan họ.

Các tổ chức Quan Họ thường hát nhân dịp hội đình, chùa, đám cưới, lễ hội hàng năm. Khi đi hát, trai thì áo lụa, áo the, quần ống sớ, khăn xếp, ô lục soạn; gái thì nón thúng quai thao, mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiễu điều, nhiễu tía, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, khuyên vàng và xà tích bạc.

Khi gặp nhau, họ ăn nói rất lịch sự khách sáo. Thí dụ khi mời ăn cơm thì nói: “Hôm nay liền chị đã có lòng sang chơi bên đất nước nhà em, anh em nhà em chạy được mâm cơm thì đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa vừng, mâm đan bát đàn để xin mời đường quan họ dựng đũa lên chén, để anh em nhà em được thừa tiếp, ạ” Trong bữa ăn, nếu bên nữ ăn nhỏ nhẹ thì bên nam mời khéo:


“Cơm hẩm ăn với rau dưa
Quan họ làm khách em chưa bằng lòng”

Các chị liền đáp lại như sau:
“Liền anh nói vậy chứ
Cơm trắng ăn với thịt gà
Tuy rằng ăn ít nhưng mà no lâu đấy ạ”
Khi muốn mời bên nữ hát, bên nam lên tiếng:

“Cung môn treo cửa mành mành
Gần mà chẳng được nghe canh đồng hồ”
Khi được bên trai mời hát, bên gái lại nhún mình: “Các liền anh như ông trăng sáng khắp cả bàn dân thiên hạ, chúng em như bóng đèn dầu thấp thoáng trong nhà”.

Trong những ngày hội các Quan họ gặp nhau hát ở cửa đình (“Cây trúc xinh”) sườn đồi, bờ ao, dọc đường cái quan. Nhưng cũng có khi hát trên thuyền thúng ở ao, hồ vừa chèo thuyền vừa hát. Do đó có các bài “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Chén son để cạnh mạn thuyền”, “Thuyền thúng”.

Khi hát ở ngoài trời tất cả đều phải che dù cho phía nam và đội nón quai thao cho phía nữ. Cuộc hát Quan Họ phải theo một trình tự cố định:

1. Mở đầu là hát giọng lề lối. Giọng xưa nhứt là Phong thu, Gửi thư, Thơ Đúm, Đàn Đúm. Ngày nay các Quan họ trẻ chỉ hát được các giọng Hừ Là, Là Rằng, Tôi Rằng, Bạn lan, Cây Gạo.

2. Sau đó tới giọng sổng và giọng vặt. Trong giọng vặt có đủ loại hát bắt nguồn từ các điệu dân ca, hát tuồng, chèo, chầu văn, v.v. Nhiều bài hát có quan hệ với bài lý (dân ca miền Trung và miền Nam) như “Lý con sáo”, “Lý Mười Thương”, “Lý cây đa”. Từ bài “Lý Cây Đa” nẩy sinh ra nhiều biến dạng như “Chẻ tre đan nón”, “Trèo lên quán dốc”… Trong dân ca Quan Họ tình yêu được bộc lộ một cách bỏng bẩy, khéo léo:
“Vợ anh như ngọc như ngà
Anh còn tình phụ nữ là thân em” “Em đi đêm lại sợ Ông thầy
Em đi ban ngày sợ Mẹ mấy Cha
Yêu em, anh mở cửa ra” “Ở nhà có mẹ cùng cha
Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người”
3. Có những bài quan họ mới được sáng tác gần đây. Bài “Ông Tơ” bắt nguồn từ bài “Nỗi dương sông” trong một vở tuồng sân khấu dân gian. Năm 1944, bài quan họ “Ca Đàn” được sáng tác dựa trên bài “Thu trên đảo Kinh châu” của Lê Thương, bài “Hát giã” dựa trên bản dân ca “Cò lả”.

Bài “Trống Cơm” được sáng tác vào năm 1954 dựa trên một giai điệu xưa. 4. Sau cùng là các giọng Giã bạn, tiễn bạn kéo dài cho tới sáng như trong hát Ghẹo.

Trống Quân
Trống Quân là một hình thức hát giao duyên rất phổ biến từ Thanh Hóa trở ra. Tục truyền rằng hát Trống Quân xuất hiện từ thời nhà Trần vào thời nhân dân ta chống giặc Nguyên. Binh sĩ chia làm hai bên vừa xướng vừa đối trong khi gõ vào trống đánh thành nhịp điệu.

Ông Phan Kế Bính, trong quyển Việt Nam phong tục, cho rằng hát Trống Quân có từ thời Nguyễn Huệ Binh lính giả thành trai gái để hát đối giải sầu trong khi hành quân đánh nhà Thanh.

Lời hát đối rất tình tứ.
Trai hỏi:
“Cái gì mà thấp cái gì cao
Cái gì mà sáng tỏ hơn sao trên trời.
Cái gì mà anh giải cho em ngồi
Đêm nằm thời mơ tưởng dạo chơi vườn đào.
Cái gì mà nó sắc hơn dao
Cái gì mơn mởn lòng đào thì anh bảo em.”
Gái trả lời:
“Anh hỏi thì em xin thưa
Thưa rằng thời đất thấp giời cao
Ngọn đèn thời sáng tỏ hơn sao trên giời
Chiếu hoa thời anh giải cho em ngồi
Đêm nằm thời mơ tưởng dạo chơi vườn đào
Nước trong thời nó sắc hơn dao
Trứng gà thời mơn mởn, lòng đào thì em bảo anh.”


Ngoài ra còn nhiều loại hát giao duyên như Hát Ghẹo Thanh Hóa, Hát Ghẹo Long Xuyên, Trống Quân Phú Thọ, Trống Quân Đức Bắc, Trống Quân Hữu Bổ, Hát Đúm Hải Dương. Hát đò đưa thuộc huyện Thụy Anh, Thái Bình chỉ hát lúc đò đi trên sông, chứ không hát khi đò cặp bến.

Có hai loại hát đò đưa: Hát đường trường được hát lúc đông thuyền bè cùng đi trên sông, trai gái hát đối đáp tỏ tình với nhau, và hát bỏ lửng là hát một mình mang tính chất kể chuyện trong các sinh hoạt làm việc có loại hát Ví và hát Giặm rất thịnh hành ở miền Bắc nhứt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Loại hát ví được đổi thành những tên khác nhau theo sinh hoạt: Hát phường vải (Nghệ An), hát phường cấy, hát phường buôn, hát chặt củi, hát ví đò đưa, hát phường chiếu, hát phường vá lưới, hát chăn trâu, vv.. Hát Phường Vải ở Nghệ An chú trọng về thi thố văn chương. Hát phường cấy thịnh hành hơn. Mỗi ngành làm việc đều dùng cách hát đối đáp tình tứ để vơi bớt cơn mệt và chọc phá cho thoải mái.

Hò, Lý miền Trung và Nam
Miền Trung và miền Nam có nhiều điệu Lý, Hò thuộc loại hát giao duyên. Hò Sông Mã, Hò Mái Nhì, Hò Mái Đẩy trên sông Hương, Hò Giã gạo, các điệu Lý mười thương, lý con sáo ở miền Trung. Trong Nam, hò rất phong phú và đa dạng: Hò Đồng Tháp, Hò Cần Thơ, hò Bạc liêu, hò Gò công, hò Lơ, hò cấy,v.v. Khi đi dạo qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta thường nghe những câu chọc ghẹo rất tình tứ theo loại Hò Đồng Tháp. Một cậu trai bắt giọng:
“Ơ à ơi, ời à.
Ơi à. Gặp mặt em đây không biết chừng nào anh gặp nữa này bạn chung tình,
Ôi em có phân điều chi thì phân một bữa cho tận a tình à.
Ơ à.Kẽo mai sau đây anh về nơi chốn cũ rồi thương bóng nhớ a à hình
Mà tội nghiệp cho thân anh, ơ á à..”Một cô gái trả lời:
“Ơ a à. Ngó lên trời thì trời trong mây trắng
Dòm xuống nước thì nước trắng lại trong.
Nhỏ như ai chứ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à.
Bền lòng ơ à
Ơ à.. Lỡ duyên thời em chịu lỡ chớ đóng cửa loan phòng ờ ơ à.. Em chờ anh, ơ à..”
Dân miền Nam ăn nói cục mịch, biết sao nói vậy, không màu mè hoa lá, không chải chuốt văn chương. Họ có thể hò như sau:
“Hò ơ à..
Cô kia má đỏ hồng hồng
Xin cô cho biết (cô) có chồng hay chưa”
Nếu cô bị chọc thấy anh chàng đó dễ thương thì trả lời:
“Hò ơ à
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai”
Tại miền Nam, cách tán tỉnh rất trực tiếp, không màu mè trong loại hát đối đáp trữ tình.
Một chàng trai có cách chọc gái mạnh bạo như thế này:
“Hờ ơ à.
Thấy em hồi nhỏ cứt mũi chảy lòng thòng
Bây giờ em bới tóc bỏ hai ba vòng anh thương”Cô gái có lúc cũng la lớn:
“Đứng xa kêu bớ anh Mười
Không thương anh nói chớ đừng cười đẩy đưa”
Hay:
“Thương không thương em hổng có cần
Trầm hương khó kiếm chớ ổi bần thiếu chi”
Hò, Lý, hát hội với Quan Họ hát ghẹo, Trống Quân, hát phường vải, hát xoan, cò lả, vv.. rất gần với chúng ta qua lời ca đơn giản, diễn đạt tất cả hình ảnh sống động của xã hội nông thôn Việt Nam và mỗi người hát là một nhà thơ, có khi là một nhà sáng tác nhạc. Đề tài tình yêu được khai thác từ các loại hát làm việc, hát giao duyên, giúp cho trai gái có dịp bày tỏ tấm lòng của mình. Trong phạm vi của bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn đưa ra một vài khía cạnh đặc thù của loại hát trữ tình trong nhạc dân ca Việt Nam của dân tộc Kinh để giúp cho các bạn trẻ có một cái nhìn tổng quát về kho tàng dân nhạc và từ đó tự khám phá thêm những khía cạnh khác của vườn hoa âm nhạc đa sắc, đa âm của nhạc truyền thống Việt Nam.

Trần Quang Hải

Scroll to TOP