Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm vừa kể (1306), thì ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, như sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”.
Vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”.
Một số đặc điểm về đèo Hải Vân
Vị trí: Đèo Hải Vân nằm trải dài theo sườn núi Hải Vân, giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng.
Đặc điểm: Đây là đèo cao nhất (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển.
Đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Dãy núi hiểm trở kiến tạo nên đèo Hải Vân cắt ngang đất nước từ biên giới phía Tây đến tận sát bờ biển Đông nên đã tạo ra những đặc điểm khí hậu, văn hóa và con người hai vùng miền rất khác nhau.
Giao thông qua đèo Hải Vân trước khi có hầm Hải Vân nhìn chung khá khó khăn. Đi xe con qua đèo mất một tiếng đồng hồ, bù lại khách qua đường có cơ hội ngắm cảnh đèo lúc nắng ráo hoặc chứng kiến màn sương mù ngoạn mục và cũng gây nguy hiểm cho phương tiện nếu quá dầy.
Tháng 6/2005, Hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng đã làm giảm lượng phương tiện qua đèo rất nhiều. Chỉ còn các phương tiện là xe máy mới đi qua đèo, đa số các phương tiện ô tô, xe tải đều qua hầm đường bộ làm đèo trở nên vắng vẻ hơn. Nhưng cũng từ đây con đường du lịch được hình thành, Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.
Khách du lịch đi trên đèo Hải Vân được khám phá Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây. Gió như đàn ngựa giong ruổi dặm trường, mây như từ trên trời tuôn xuống. Có những lúc mây nhiều che phủ cả đoạn đèo, quấn quýt níu lấy chân du khách làm bước chân người đến đây như lạc vào cõi nào khác lạ, huyền ảo khói sương.
Theo Wikipedia