Lục Súc Tranh Công

Lục súc là sáu giống gia súc: trâu, chó, ngựa dê, gà, lợn. Sáu con tranh nhau kể công, cho nên gọi là tranh công. Đầu tiên, trâu tị với chó, chó cãi lại, đến lượt chó tị với ngựa, rồi ngựa với dê, dê với gà, gà với lợn; không con nào chịu con nào. Nhờ có lời giảng giải của chủ nhà, sáu con lại hiểu nhau và con nào cứ yên phận làm tròn công việc con ấy. Cuốn văn này đặt thành lối tuồng, là biến thể của lối song thất, cộng được 570 câu, đoạn đầu 12 câu là đoạn lung, đoạn thứ nhì đến đoạn11, là những lời tranh luận của lục súc, đoạn cuối có bốn câu là lời tổng kết. Tác giả chưa rõ là ai, nhưng xét những tiếng dùng trong cuốn văn: ghe (nhiều), lóng (nghe), ben (bì, ví), mè (vừng), bươi (bới) v.v…phần nhiều là tiếng miền trong, thì tác giả có lẽ là một nhân vật trong phái cựu học ở vùng Nghệ Tĩnh trở vào. Còn về giọng và lối văn, thì thuộc về Lê mạt, Nguyễn sơ chi đó, vì từ lý chải chuốt, âm vận du dương, khác với những thể văn chất phác ở thời cổ nhiều. Tác giả là một nhà học vấn uyên bác, dùng nhiều điển cổ để tả rõ cái tình trạng, cảnh huống của loài gia súc, mỗi một con có một khẩu khí, một địa vị, thỉnh thoảng lại thêm vài câu trào phúng, rất tao nhã và có nhiều ý vị. Nay thử trích ra trong mỗi đoạn mấy câu như sau này: Trâu kể công:


Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ.
Ơn Tề vương vô tội bảo tha,
Tưởng chừng khi sức mỏi tuổi già,
Cám Điền tử dạy con chớ bán.
Lời cổ nhân còn dặn,
Sao ông chủ vội quên
Chẳng nhớ câu: “Dĩ đức hành nhân”.
Lại lấy chữ: “Báo ân dĩ oán” Trâu chê chó:
Chưa rét đã phô rằng rét,
Xo ro đuôi quít vào trôn,
Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc. Chó kể công:
Đêm năm canh, con mắt như chong,
Đứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh. Chó chê ngựa:
Dại không ra dại
Khôn chẳng ra khôn
Ngất ngơ như ốc mượn hồn,
Nuôi giống ấy làm chi cho rối. Ngựa kể công:
Mỏi gối nưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội quân vương.
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề long giá. Ngựa chê dê:
Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,
Hình con con, bụng lớn chang bang.
Cáng náng như đứa có hạ nang,
Sớn sác tựa con chàng kẻ cướp. Dê kể công:
Dê vốn thật thuộc về vật lễ,
Để hòng khi về hạng tư văn,
Để dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thủa kỳ an, kỳ phước,
Hễ có việc lấy dê làm trước,
Dê dâng vào, người mới lạy sau. Dê chê gà:
Ba cái rác nằm không yên chỗ,
Mấy bụi rau nào đã bén dây
Cả ngày thôi những khuấy cùng rầy,
Nuôi giống ấy làm chi vô lối. Gà kể công:
Đã cứu nạn Mạnh thường đặng thoát,
Lại khuyên người Tống sĩ năm canh,
Hễ ai toan cãi dữ, làm lành,
Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp.
Nhân đến chuyện Chu gia bá nghiệp,
Coi giò gà xét biết thịnh suy.
Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y,
Cất tiếng gáy toại lòng người đãi đán. Gà chê lợn:
Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại biết gì việc chủ,
Ngắm diện mạo dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi.
Chạy rau cám như tiền nội án. Lợn kể công:
Kìa những việc hôn nhân giá thú,
Không heo ra tính đặng việc chi ?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng,
Việc hoà giải heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.

Xem đại khái như mấy câu trích ra trên đây, lời lẽ rất đúng, giọng hài hước cực hay, thì nội dung cuốn văn có giá trị là chừng nào. Tác giả có ý nói về việc đời, bất cứ lớn hay nhỏ, mỗi người có một chức vụ, làm trọn được, tức là giúp cho đời, và không nên ganh tị lẫn nhau. Tuy đó là lý tự nhiên ai ai cũng hiểu, song sự xao nhãng chức vụ của mình lại thường là cái thông bệnh của loài người, tác giả muốn lấy cuốn văn này làm một bài châm biếm thiết thực và đích đáng, thật là một văn gia rất quan tâm đến thế đạo nhân tình vậy.

Bùi Ưu Thiên

Scroll to TOP