Waves of Danube
tiếng Romania : Valurile Dunării;
tiếng Đức : Donauwellen;
tiếng Pháp : Flots du Danube;
tiếng Mỹ : Waves of Danube
là điệu valse được nhà soạn nhạc Iosif Ivanovici (1845–1902) biên soạn vào năm 1880, và nó đã trở thành một trong những giai điệu Romanian nổi tiếng nhất trên thế giới.
Ở Mỹ nó thường được biết đến với cái tên The Anniversary Song, đó là tiêu đề do Al Jolson đặt khi ông và Saul Chaplin phát hành một bản phóng tác của nhạc phẩm này vào năm 1946 với cái tên “Khúc nhạc kỷ niệm” (“Ôi, chúng ta đã nhảy như thế nào vào cái đêm chúng ta cưới”).
Lần đầu trông thấy bức họa vẽ cô thôn nữ với vẻ đẹp mộc mạc và trang phục đơn sơ, tôi đã liên tưởng ngay đấy là hình ảnh biểu tượng cho người phụ nữ ở một miền quê mộc mạc dịu hiền nào đó ở Âu châu xưa cũ. Bức tranh được một người bạn rất thân thiết của tôi, tình cờ tìm thấy trên internet và gửi tặng lại tôi. Sau khi tìm kiếm tư liệu để biết rõ về nguồn gốc của bức tranh, tôi được biết đó là tác phẩm The Flower Girl của danh hoạ Daniel Ridgway Knight, với gương mặt dịu hiền của thiếu nữ đứng giữa nương hoa hồng, bên cạnh bờ hồ, đầy ấn tượng, đã làm tôi nhớ ngay đến tình ca Sóng Nước Biếc – một khúc nhạc nước ngoài có tên Waves of Danube, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời Việt vô cùng nên thơ.
Lời Việt : Sóng Nước Biếc (Phạm Đình Chương – Thái Thanh hát)
Yêu nàng thiếu nữ ven sông hiền hòa
Yêu vì đôi mắt em không hoen mờ
Cho lòng ta nhớ bâng khuâng mong chờ
Cho dòng sông xanh lại trôi lững lờ…
Tác giả của Waves of Danube là nhà soạn nhạc Iosif Ivanovici người Romanian, ông đã sáng tác trên 350 bản nhạc trên suốt chặng đường nghệ thuật của ông, nhưng chỉ có Waves of Danube là bản cổ điển nổi tiếng, được người đời nhớ đến nhiều nhất.
Thế mới nói, khi một nhà soạn nhạc sáng tác được một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tuy nhiên, bản nhạc đó cũng phải được khán thính giả thưởng thức và cảm nhận một cách sâu sắc, thì tác phẩm mới được thành công và trở nên bất hủ.
Nhớ lại thời thơ ấu, khi chập chững chơi đàn bản này, tôi thường gọi tựa bản nhạc bằng tiếng Pháp là Flots du Danube – theo cách gọi của hai người thầy dạy nhạc khả kính của tôi, thuộc thế hệ trước. Những năm sau này, khi ngoại ngữ tiếng Anh được phổ biến hơn, bản giao hưởng được thu âm và phát hành trong các CD được in bằng tựa tiếng Anh là Waves of Danube. Tôi được biết đến bản nhạc này, sau bài Dòng Sông Xanh tức Blue Danube của Johann Strauss II.
Từ đó, mỗi lần có dịp chơi nhạc hoà tấu cùng bạn bè, tôi luôn đàn cả hai bài Valse liên tiếp như một liên khúc về dòng Danube, dòng sông của cảm xúc tiềm ẩn, đầy thơ mộng chảy ngang qua Vienna và Romania – quê hương của hai tác giả của hai khúc cổ điển lừng danh năm châu bốn bể ấy.
Phiên bản lời Việt – Sóng Nước Biếc, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác thật hài hoà về nội dung cũng như ca từ. Lời ca khúc lãng mạn nhưng đặc biệt trong sáng, phảng phất u buồn như một bài thơ nhưng không quá thống thiết.
Là một nhạc phẩm được chuyển thể từ nhạc cổ điển sang tình ca Việt Nam, có giá trị tình tự lãng mạn, tuy nhiên lời ca được chọn lọc, vì vậy phiên bản này vẫn giữ được nét sang cả của một tác phẩm giao hưởng thuộc dòng nhạc bác học của Tây phương và cũng là của cả nhân loại.
Bức tranh thiếu nữ trên cánh đồng hoa, bên cạnh bờ hồ, đã làm tôi ngơ ngẩn, mường tượng đây là hình ảnh người thiếu nữ trong Sóng Nước Biếc của Phạm Đình Chương, đang mòn mỏi trông chờ người yêu trở lại bến sông xưa. Sự xúc cảm về một mối tương tư lại tràn trong tâm khảm, nỗi niềm riêng chôn giấu lại đau đáu bên lòng.
Tôi như cảm thấy văng vẳng bên tai mình âm thanh vang xa từ tiếng hát người ca sĩ hát khúc luân vũ nhanh dồn hơn, nhưng cũng ai oán hơn, khi mà giờ đây:
Ngày vui đã qua, bờ sông riêng có ta đứng nhìn sóng tuôn về phương trời xa mịt mờ.
Xót xa, chiều nay ta tới đây để thấy trên dòng sông duyên- tình- tàn- phai…
(Hương Thời Gian)