Tấc Lòng Cố Quận – phần 4 và hết

Huế qua thơ và ca dao

     (Phần 4 tiếp theo và hết)

Trở lại các cô gái Huế với chiếc áo dài, bài thơ hay nhất là bài Áo Trắng của Huy Cận. Nhà thơ Bùi Giáng có hai câu:

Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

Nhà thơ Nguyễn Duy tả nỗi lòng của mình khi về Huế vào một chiều mưa tìm cô gái áo trắng ngày xưa nhưng tìm đâu thấy:

Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?

Về nhạc, chiếc áo dài xuất hiện trong 2 bài “Diễm Xưa” và “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn; bài Hạ Trắng có câu về chiếc áo dài thật hay:

Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay Các cô gái Huế thích mặc áo dài màu xanh, tím và trắng. Riêng về áo dài màu tím, danh từ “màu tím Huế” thường được nhắc đến; nhiều người thắc mắc về xuất xứ của danh từ ấy. Một học giả ỏ Huế đưa ra giả thuyết theo đó “vào cuối mủa hè ở Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu trên môi cũng trở thành màu tím; và sông Hương trở thành sông tím, hoang đường như một dòng sông trong tranh siêu thực”. Từ đó kết luận là danh từ “màu tím Huế” có nguồn gốc thiên nhiên rõ rệt; nó có đủ độ nóng nhưng màu vẫn ửng sáng.

Luận giải ấy có đúng hay không, xin các bạn tùy nghi phê phán. Và sau đây là vài đoạn của bài thơ “Áo tím thôi bay” khá dài:

Ngày tháng cũ anh lỡ yêu màu tím
Màu áo dài tha thướt khẽ bay bay
Dệt tình yêu theo suốt mấy năm dài
Em gái nhỏ mái tóc thề thuở ấy

Nhìn hoa tím hồn anh thêm ngây dại
Màu tím kia lịm ngắt ở nơi đâu
Trái tim khô thổn thức mối tình đầu
Tà áo tím đã thôi bay theo gió

(…….)

Động hoa vàng lấp lánh những vì sao
Lòng nhớ mãi một vì sao đã tắt

(Áo tím thôi bay – Tịnh Phan) Đã có lúc áo dài xanh, áo dài tím lần lượt được chọn làm màu áo đồng phục của các nữ sinh trường Đồng Khánh và có thể, của nữ sinh một số trường trung học khác. Nhưng về sau, áo trắng đã thay thế áo xanh và áo tím, có lẽ vì “áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong” nên thích hợp hơn với các cô gái ở tuổi học trò.

Thời tiết ở Huế không giống như các nơi khác. Huế thuộc khu vực gió mùa nên thường có hai mùa nắng mưa rõ rệt; nói cách khác, hai mùa ngự trị trê đất Huế là mùa hè và mùa đông.

Vào mùa hè trời nóng nực, thường kéo dài đến đêm:

Trời nắng băm bốn độ
Đèn sao khắp đế đô
Mặt trăng vàng trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô
(Huế đêm hè – Nam Trân)

           Đến mùa đông, cảnh vật trở nên tiêu điều với những cơn mưa dầm dề:

Trời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày         (Nguyễn Bính)

Và cơn mưa không những kéo dài trong mấy ngày, mà có khi tới cả tháng. Người Huế có thành ngữ “mưa thúi đát”để mô tả những cơn mưa ”độc nhất vô nhị”của xứ mình.                          

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, thỉnh thoảng lại có thiên tai bão lụt, những người dân sinh ra, lớn lên, sinh sống ở Huế và có những ràng buộc sâu xa với quá khứ, vẫn phải cố gắng chịu đựng, chờ cho đến mùa xuân và mùa thu để được ngắm nhìn sự thay đổi kỳ diệu của cảnh vật, dù là thời gian hai mùa xuân thu đến với Huế rất là ngắn ngủi, tựa như người tình trong thơ của Nguyễn Đình Thư:

Tình anh như nắng thu đông ấy
Lưu luyến nhân gian chả mấy ngày

Dù thời gian ngắn ngủi, Huế cũng có niềm vui khi xuân sang:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tám vàng
Sột soạt gíó trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý
Bóng xuân sang

(Mùa xuân chin – Hàn Mặc Tử)

Và lúc thu về:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng Thu – Lưu Trọng Lư) Người Huế còn được đền bù phải chăng khi mùa hè tới: tuy mùa hè nóng nưc, nhưng ban ngày có nắng vàng rực rỡ, đêm đến có gió mát trăng trong.

Dân thành phố còn đuợc ngắm hoa phượng nở đỏ ối trên sân hai trường Đồng Khánh và Khải Định và trên nhiều nơi, nhiều con đường trong thành và ngoài phố. Đối với các bạn trẻ thì mùa hè, dù có khi nóng cháy da, vẫn là mùa lý tưởng: các cậu được nghỉ hè, tha hồ mà rủ nhau đi tắm và bơi lội trên sông Hương, hoặc về cửa Thuận tắm biển, nằm dài trên bãi cát nghe gió thổi ri rào trên các rặng phi-lao và đến chiều vào quán ăn một bát cháo cá tươi thật là ngon; hoặc, nếu có phương tiện, họ có thể đi Lăng Cô tắm mát và thưởng thức món sò huyết tuyệt ngon.

Bến Lăng Cô

Những bạn thích ngắm cảnh thì lên núi Ngự Bình nghe tiếng thông reo, hay đến vãng chùa Thiên Mụ rồi lên đỉnh đồi ngắm trời mây sông núi; hoặc đi viếng các lăng tẩm, đặc biệt là lăng Tự Đức thơ mộng; hay vào hồ Tịnh Tâm nghe tiếng chim hót trên cành cây và nhìn hoa sen đủ màu nở đầy mặt hồ. Nếu bạn đã thành niên, phải chăng điều mà bạn thích hơn và hằng mơ ước là cùng với ai đó ngắm trăng dãi trên sông Hương hay sánh vai đủng đỉnh dạo chơi trên con đường trăng quen thuộc?        

                                                 *** ***

Thời gian còn ở trong nước, từ khi còn ấu thơ đến khi đi học rồi ra trường, một số lớn trong chúng ta phải sống xa nhà, hoặc để tiếp tục học ở các trường đại học Hà Nội và Sài Gòn hoặc nhận việc ở các công, tư sở xa Huế hay để nhập ngũ. Khi xa nhà lâu ngày, chúng ta nhớ nhà, hay đúng hơn, nhớ cha mẹ, anh chị em lúc đó vẫn ở Huế, nhưng chúng ta chưa lúc nào cảm thấy mình xa Huế. Cho đến khi phải bỏ nước ra đi để rồi được nhận vào định cư tại một nước lạ hoắc về ngôn ngữ, lối sống và phong tục tập quán; sau khi đã trở thành công dân của quốc gia đã đón nhận chúng ta, chúng ta vẫn không quên mình là người Việt. Và quan trọng hơn, chúng ta không hề quên mình là người Huế. Chúng ta xa Huế, nhưng Huế không xa chúng ta; Huế vẫn ở trong chúng ta, trong tâm hồn chúng ta dưới dạng những kỷ niệm vui buồn trong thời gian sống ở Huế và, từ đó đến nay, vẫn được gìn giữ trong ký ức của chúng ta. Nay trong cuộc sống tha hương, mỗi khi có bất cứ gì liên hệ xa gần với Huế – một câu nói, một hình ảnh, một nét nhạc, một câu thơ… – thì kỷ niệm tương ứng bừng dậy trong tâm tư, khiến chúng ta cảm thấy vấn vương, nhớ nhớ thương thương. Như Kim Trọng thấy nhớ nàng Kiều vì:

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình

Bài thơ “Hương vị quê hương” sau đây của nhà thơ Nguyễn Phúc Huyên Vi là môt ví dụ về quá trình gây nhớ:  

Dưới trời tây vẫn đủ
Món đặc sản quê hương
Thức ăn mỗi lần thử
Tình nhà lại vấn vương

Sống xa quê, mỗi lần “thử” những món ăn Huế lại thấy “vấn vương tình nhà”; hai chữ “tình nhà” cho phép chúng ta nghĩ là nhà thơ nhớ đến những bữa ăn trong không khí đầm ấm của gia đình; cũng có thể nhà thơ nhớ đến những món ăn “thanh đạm mà ngon” như món cá bống thệ kho khô thật săn để ăn với cháo vào buổi sáng, hay món canh cá ngạnh nguồn nấu với măng giang:

Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Đến đây ta phải bán buồn mua vui

Một nguyên nhân gây nhớ khác được thấy trong bài “Tĩnh dạ tư” (Suy tưởng trong đêm yên tĩnh) của thi hào Lý Bạch:

Ngẩng đầu, nhìn trăng sáng
Cúi đầu, nhớ cố hương (5)

Nhìn trăng ở xứ người mà nhớ đến trăng ở quê nhà ?. Điều đó đúng đối với người Huế tha hương, nhất là khi thú ngắm trăng ở quê nhà chỉ còn là một giấc mơ không bao giờ hiện thực! Những người sính thơ trong chúng ta thường làm thơ để gởi nhớ về quê nhà. Kỷ niệm mỗi người mỗi khác, nỗi nhớ của mỗi người hình trạng khác nhau, thơ “nhớ Huế” ắt phải có nhiều và rất phong phú. Số người Huế tha hương có thể lên tới mấy chục nghìn, thi ca của ngưòi Huế tha hương chắc phải đến hàng trăm, biết chọn bài nào gọi là tiêu biểu để chép vào đây? Cho nên, đành phải chọn một bài theo lối ”bắt thăm”. Và đây là bài “Nhớ Huế” của Tô Kiều Ngân:

Anh nhìn em như nhìn thấy quê mình
Ôi xứ Huế thân yêu chừ xa khuất
Nghe em ngâm những âm thanh trong vắt
Anh hình dung thấy bóng
Một con thuyền
Như dải sương mờ
Một khóm trúc nghiêng nghiêng
Những kỷ niệm ngày xa xưa bừng dậy
Âm thanh ấy thoát từ câu mái đẩy
Tiếng “hò…ơ” nghe đứt ruột buồn sao
Biết mấy đau thương biết mấy ngọt ngào
Lưu luyến ngàn đời
Như không muốn dứt
Giàn mướp vàng con ong bay hút mật
Trưa thiu thiu chày giã gạo buồn tênh
Giọng hò ru em rười rượi cất lên
Em đã ngủ sao chị còn ru mãi

             “À…a…ời…

           Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng, tao dài, tao nhớ, tao thương”
Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để ru lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương, nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu thêm xé ruột bào gan
Tiếng Nam Ai rung tận đáy tâm hồn
Tiếng sáo Huế dài thêm thổn thức
Và tiếng em ngâm lơi lơi dìu dặt
Chở buồn về vây kín phủ hồn anh
Bọn chúng mình bỏ Huế tha phương
Tiếng thổ ngữ lâu ngày quên lửng mất
Bỗng hôm nay em ngâm lên như nhắc
Ôi vui sao giọng Huế của quê mình
Tưởng như mình đang đứng ở Bao Vinh

Đang thơ thẩn bên bờ sông Gia Hội Vỹ Dạ, Kim Luông,, Nam Giao, Đất Mới…

Nghe thân yêu biết mấy tiếng quê ta
Nhớ giọng hò, điệu hát, lời ca
Nhớ hương thầu đâu ngát đường Giao Thủy
Nhớ mái chèo khua bên bờ thôn Vỹ
Nhớ bánh bèo, cơm hến, nhớ chè sen
Nhớ phấn thông vàng rụng lối đi quen
Hột móc, hột muồng, trái sim, trái vả
Nhớ hồ Tịnh Tâm thơm sen chiều hạ
Nhớ bờ tre vọng mãi tiếng chim cu
Ngâm nữa đi em bài thơ giọng Huế
Chúng ta sẽ đưa nhau về thăm quê mẹ
Bằng con thuyền êm ái của thanh âm
Ngâm nữa đi em ngâm nữa đi em
Cho vợi nhớ thương thầm…

             (Nhớ Huế- Tô Kiều Ngân)

Xứ Huế đẹp, Huế thơ của ngày tháng cũ nay không còn nữa. Xứ Huế mà những người con tha hương hằng tưởng nhớ, nay đã đổi chủ. Cuộc sống bây giờ rập theo khuôn các thành phố khác trong nước với những nét văn hóa đặc thù du nhập từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Xứ Huế đẹp, Huế thơ của ngày tháng cũ nay không còn nữa. Xứ Huế mà những người con tha hương hằng tưởng nhớ, nay đã đổi chủ. Cuộc sống bây giờ rập theo khuôn các thành phố khác trong nước với những nét văn hóa đặc thù du nhập từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau nhiều cuộc tang thương biến đổi của đất nước, khung cảnh thanh bình của Huế ngày xưa, như thi ca đã miêu tả, chỉ còn là một ấn tượng đẹp trong lỏng người hoài cổ, như một giấc mộng, đến rồi đi, để không bao giờ trở lại.

  • Bút ký này chỉ là một lược khảo, mục đích duy nhất là gợi lại hình ảnh thân yêu của quê cha đất mẹ, hầu làm vơi niềm nhớ cố hương, nỗi sầu viễn xứ. Trong ý hướng đó, bài viết kết thúc bằng hai câu thơ tập Kiều:

Tấc lòng cố quận tha hương
Niềm kia nỗi nọ vấn vương canh dài
(6)

  London, Xuân Ất Mùi
Tôn Thất Uẩn (*)

Chú Thích: Vào khoảng năm 1947, Huế trở lại với chủ cũ, Đại Nội được xử dụng làm trụ sở cho một số công sở và một vài lớp học của trường Khải Định (trong một thời gian ngắn), không còn là hoang phế nữa nhưng vì không được bảo quản tử tế nên vẫn tiếp tục bị hư hỏng. Năm 1975, Huế đổi chủ lần nữa, vấn để bảo quản vẫn không được đặt nặng nên tinh trạng hư hỏng trở nên tồi tệ hơn. Mãi cho đến năm 1993, Huế mới được UNESCO thực sự chiếu cố và vận động cấp ngân khoản trùng tu. Giai đoạn đầu của kế hoạch trùng tu được thực hiện bắt đầu từ năm 1996 và dự án trùng tu được dự trù phải hoàn tất trong vòng 15 năm. Đến nay đã được 10 năm, việc trùng tu bị chỉ trích rất nhiều. Nhưng đó là chuyện về sau, không nằm trong khung thời gian (time frame) của bài viết này.

  1. Vua DuyTân nuôi ý chí chống Pháp, đã giả làm người đi câu ở bến Phu Văn Lâu để hẹn gặp chí sĩ Trần Cao Vân bàn quốc sự. Có người cho rằng bài ca dao này là thơ của thi ông Thúc Giạ.Thúc
  2. Câu này được phỏng theo câu:
  3. Các bạn có thể đọc bản dịch đoạn “thơ tản văn” ấy ở Tập San Khải Định 48-55, số 14, trang 82.
  4. Nguyên văn chữ Hán:
  5. Phỏng theo hai câu Kiều:

Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Vì ở Huế không có Thọ Xương, nên các học giả đã đề nghị nên đổi là Thọ Cương. Thọ Cương là Long Thọ Cương (đồi Long Thọ) ở phía bên kia sông Hương, đối diên với chùa Thiên Mụ. Và hai câu ca dao về chùa Thiên Mụ phải là:

Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

       (Tĩnh dạ tư – Lý Bạch)

Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời          

  (Kim Vân Kiều – Nguyển Du)

 

Tôn Thất Uẩn       

Nguyên quán – Cố Đô Huế
           Giáo Sư trường Khải Định
           Trung Tá trong QLVNCH
     Thượng Nghị Sĩ trong Chính Phủ VNCH
           Tốt nghiệp khóa 3 CĐĐH Phú Thọ
    Ủy Viên Ban Kế Hoạch trong Cty. ĐLVN     

Sau 1975 định cư tại London, England

Scroll to TOP