Xuân và Tết

Thế là những ngày chuẩn bị Tết đã xong. Sáng nay đi chợ Đại Hàn mua trái cây cúng. Hoa đã có người tặng hai chậu cúc, một giỏ lan tím và một chậu đào Nhật. Tất cả đều tươi đẹp. Ngoài vườn ba cây đào đều nở hoa , tuy không nhiều bằng những năm trước nhưng tôi lại yêu vẻ đẹp của hoa lác đác trên cành hơn là chen nhau nở rộ. Cây bích đào thì bao giờ cũng nở sau một tháng.

 Không có buổi sáng nào mà tôi không đứng bên cửa sổ ngắm….tác phẩm của mình.

Nhìn hoa lại nhớ Mẹ . Nhiều hôm nhớ thiết tha.

Mẹ yêu hoa đào, nếu được nhìn thấy vườn nhà tôi mỗi mùa xuân, chắc Mẹ vui lắm.

 Ăn ngon lại nhớ Cha. Cụ chỉ cần một chút thịt, một ly rượu nhỏ là đủ ngon miệng bữa cơm chiều. Ngày ấy, mỗi lần mang về biếu cụ một chai rượu lễ, cụ vui lắm. Bây giờ tôi có thể mua hàng chục chai thì cụ chẳng còn trên cõi đời này.

Riêng Mẹ, tôi không thể nào quên được lần nhà cần tiền sửa chữa gì đó, Mẹ phải bán đi chuỗi ngọc. Mẹ tiếc mãi vì màu ngọc xanh biếc và nước lên bóng láng. Mỗi lần mẹ đeo, các bác bạn mẹ trầm trồ. Phải chi mẹ còn tôi sẽ mua biếu mẹ. Sau này các con có tiền nhưng không sao tìm được chuỗi ngọc đẹp như thế nên Mẹ chỉ đeo chuỗi hạt trai anh Thế đi Nhật mua về.

Chẳng bao giờ còn được dịp làm vui lòng cha mẹ nữa rồi…

Những ngày chuẩn bị Tết trong gia đình tôi ngày xưa sao rộn ràng quá.

Nhớ nhất là món cá lóc kho, vại dưa hành. Mẹ tôi kho cá từ một tháng trước Tết. Thật công phu.

 Cá lóc tươi, mỗi con to bằng cùi tay, rửa sạch, cắt khúc. Sườn heo, chặt từng miếng nhỏ. Củ riềng xắt miếng theo chiều rộng. Sau đó xắp một lớp riềng kín đáy nồi, một lớp sườn và từng lớp cá. Nêm nước mắm ngon, đường, nước màu (đường cho vào nồi với một chút nước, đun cho vàng đậm, bốc hương thơm). Cho nước sôi ngập cá. Ngày đầu đun khoảng 20 phút. Sau đó mỗi ngày lại đặt lên bếp đun sôi rồi lại nhắc xuống để ngày kế tiếp lại làm như thế cho đến khi nước thấm vào cá. Khi nước trong nồi còn ít thì phải nghiêng nồi, dùng chiếc muỗng múc nước đổ đều lên lớp cá trên và đun tiếp. Khoảng một tháng thì nước đã thấm hết vào cá. Khi đó, mỗi khúc cá khô lại có màu vàng đậm óng ả, thơm ngon. Sườn giúp cho cá thêm ngọt béo, riềng giúp cho cá thơm và có độ cứng bên ngoài.

Ăn cá kho với dưa hành nén. Tuyệt vời!

Dưa hành thì làm trước một tuần. Tôi thường theo mẹ đi chợ Cầu Ông Lãnh mua dưa hành. Hành không non mà cũng không già. Bán từng bó, lựa những bó củ to đều và lá hơi héo. Khổ nhất là nhặt hành, mùi cay xông lên chảy cả nước mắt. Bỏ những chiếc lá héo và cắt sơ rễ. Nếu cắt sâu quá vào củ, hành sẽ thấm nước, mất độ ròn vì ngấm nhiều nước quá. Sau khi rửa sạch, xếp từng lớp vào vại. Một lớp dưa, một lớp hành, rắc một lớp muối rất mỏng. Cứ như thế cho đến hết. Mẹ tôi lấy một cái rế mới mua rửa sạch, đè nén lên dưa. Để một vại nhỏ khác làm vật chống đỡ cái cối đá. Đậy lại bằng cái rổ. Chỉ vài ngày là nước từ dưa, hành chảy ra, thơm lừng. Miếng dưa, miếng hành mới còn mùi hăng nhưng đã ròn tan trong miệng.

Ngày 30 đãi đậu, ngâm gạo để  buổi chiều thổi xôi. Chị em xúm nhau làm. Thái dưa leo, cà rốt để trộn gỏi. Không bán sẵn như ngoài chợ ngày nay.

Các con cháu tề tựu ngày mùng 1, bao giờ cũng xin mang về hai món ăn độc đáo mẹ làm.

Món ăn chia đều cho 3 ngày Tết gồm có vịt tần, súp măng cua, nộm sứa (gỏi), bát bửu, xôi gà luộc, giò lụa, giò thủ, giò bì, canh gà nấu bóng, canh măng khô hầm chân giò…

Con cháu đông nên làm bao nhiêu cũng hết.

Lại còn món mắm tép ăn với thịt luộc, chuối chát, khế thái mỏng vắt sơ cho bớt nước chua, cùng với rau xà lách, rau thơm đủ loại.

Tép mua ở chợ loại tép riu còn nhảy xoi xoi. Để vào rổ, đặt trong chậu nước, nhặt vẩn rác rửa sạch sẽ. Khi ráo nước , cho tép vào cái thố. Trộn muối, gừng riềng giã nhỏ, thính và rượu đế. Đậy kín lại vài hôm màu tép bắt đầu ửng hồng . Khoảng 10 ngày là đỏ au và có mùi thơm quyến rũ.

Khi ăn, pha thêm nước mắm ngon, chanh đường, tỏi, ớt. Đôi khi mẹ tôi còn chưng tép với dầu phi tỏi cho thơm, cho một chút đường , chút nước mắm, vỏ quýt khô, và ăn với cơm nóng cũng ngon.

Các con vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Chị Dung lấy giấy ra ghi cách làm mắm tép. Anh Điểu cười “hình như mỗi năm Dung đều hỏi mợ và ghi chép đàng hoàng nhưng…chưa bao giờ thực hành!”

Sống trong Nam nhưng cha mẹ tôi vẫn giữ nguyên món ăn của người Bắc. Mãi đến khi tôi đi dạy, hay tiếp xúc với đồng nghiệp người Nam, được ăn những món mắm miền Nam như mắm nêm, mắm lóc, mắm cá linh…Không những thích mà tôi còn mê nữa. Chén mắm nêm tôi pha chế ai ăn cũng tấm tắc khen. Ngon hơn tiệm.

Sau mấy ngày Tết, nhìn thấy thịt là ngán nên tôi thường đề nghị Mẹ cho ăn món mắm. Màu xanh tươi của rau , màu vàng của khế, của dứa, màu trắng của bún, của thịt luộc, màu đỏ au của con tôm, ớt…rồi chuối chát, gừng riềng thái sợi thật mỏng…Mỗi thứ một chút bỏ vào bát cho vừa miệng ăn. Ai thích bánh tráng thì gói tất cả những thứ kể trên cuốn lại chấm với nước mắm chanh ớt chua cay ngọt. Món này ai ăn tự làm nên không khí bàn ăn rất vui vì hai bàn tay ai cũng phải …hoạt động.

Mẹ tôi kể Tết ngày xưa nơi quê nhà kéo dài tới mùng 5 .

Mùng 5 là ăn bún thang và cuốn. Vật liệu là tất cả những thực phẩm còn thừa của  mấy ngày Tết. Gà luộc xé nhỏ, giò lụa thái chỉ, trứng gà chiên mỏng cũng thái chỉ, tôm khô luộc giã nhỏ và chấy khô… Nước dùng gà nấu thêm xương heo, rau răm rắc lên trên, chan nước dùng nóng vào. Ăn tô bún thang với giọt cà cuống nhỏ vào, tỉnh cả người. Ai đói thêm vài cái cuốn. Chỉ cuốn tôm thịt trứng bằng lá rau xà lách, lấy cây hành lá chụm sơ nước sôi buộc chặt, chấm với nước mắm pha chanh đường ớt.

Hai món này đi đôi với nhau, ăn rất thanh.

Mẹ tôi kể mâm cỗ Tết ngày xưa  bày biện món ăn làm sao cho màu sắc hài hòa, kết tinh tài hoa , nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ dân tộc. Ngồi ăn  là để gần gũi với nhau hơn, rộng lượng hơn, dễ tha thứ cho nhau và gắn bó với nhau…

Ngày cuối năm với những hình ảnh quá khứ lưu giữ trong ký ức mỗi năm chìm sâu thêm vào quên nhớ. Đôi khi quên điều này, nhớ điều khác. Nhưng dù quên hay nhớ, cả hai đều là nguyên cớ của một nỗi buồn tiếc khó phai.

Nó đánh thức kỷ niệm, thắp lại ước mơ…

Kỷ niệm giống như một cuộc tình, giống như một người tình, nếu không yêu, làm sao ta biết được người ta thương nhớ ra sao?

30 Tết

Tôi đã làm xong mâm cúng 12g trưa nay. Đêm Giao Thừa chỉ cúng trái cây và bánh chưng.

Chỉ có mấy mẹ con nên tất cả đều giản dị gọi là nhớ ơn Tổ Tiên. Với tôi, tất cả là hình thức, chỉ có tấm lòng thành mới đáng kể. Đang chuẩn bị thì có phone của Hiền Vy. Hai vợ chồng đang đến thăm anh Thế trong Nursing Home. Thật cảm động nghe tiếng anh trên đầu giây điện thoại. Anh hỏi N đang làm gì đấy. Em đang làm cỗ cúng . Hôm nay 30 Tết rồi. Anh nói anh không biết Tết là gì nếu Hiền Vy không vào thăm và mang chậu cúc biếu anh. Em nhờ HV thay em thăm anh đấy. Anh cảm động nói rằng N có những người bạn thật tốt. HV vừa đẹp, vừa dễ thương quá.

Nghe anh nói mà nước mắt tôi cứ rưng rưng. Thương anh tôi quá. Tôi hứa sẽ thu xếp đi Houston mỗi năm thăm anh.

Rồi phone từ Pháp chúc Tết vì bên ấy đang Giao thừa.

Thật cảm động được nhiều nguời nhớ đến. Từ bạn hữu cho đến các em văn nghệ của tôi, ai cũng tuyệt vời.

Nhiều năm tôi thường theo mẹ đi lễ Giao thừa ở đền Đức Thánh Trần hái lộc mang về tự xông nhà. Dưới trời đêm, cây cỏ ướt hơi sương. Mẹ dừng lại bên gốc cây ngâu, hái một nhánh rất nhỏ nhưng có đầy đủ hoa và vài ba chiếc lá nõn nà. Mùi hương hoa ngâu thơm ngát. Trong không gian bao la của đêm trừ tịch, tôi cảm thấy mình như nhỏ bé hẳn lại. Tôi đứng sát bên mẹ tìm hơi ấm. Nghe cả tiếng thầm thì của mẹ khấn cầu Trời Đất bình an. Khí thiêng như đọng  vào cành lộc mẹ xin.

Cử chỉ khi mẹ hái rất kính cẩn nhẹ nhàng. Chỉ bằng mấy ngón tay, mẹ khẽ hái một cành con như sợ cây đau. Cành lộc đó là sẽ mang đến cho gia đình mọi sự tốt lành. Mẹ nói “Người ta có thể tặng cho người mình yêu quý nhất”. Riêng mẹ tôi, bao giờ cũng cắm vào bình hoa tươi trên bàn thờ kính dâng lên ông bà Tổ tiên  đã về sum họp cùng gia đình trong ba ngày Tết.

Những mùa Xuân và Tết sau năm 1975 gia đình tôi không đến nỗi nghèo khó như đời sống người dân chung quanh nhưng vẫn cảm thấy vô cùng thiếu thốn. Làm sao có được cái không khí rộn ràng ngày Tết, tiếng nói cười vang khắp các phòng khi mỗi người mỗi nơi mỗi ngả. Đêm 30 một mình tôi ngồi trong phòng khách không hoa mai, hoa cúc, nhìn lên bàn thờ sơ sài hoa trái, nến đèn mà cảm thấy xót xa.

Nhớ thương những người thân yêu, thương cả miền Nam. Nỗi đau lúc nào cũng vò xé tâm can, nhất là vào dịp lễ thiêng liêng của dân tộc.

Người mới tới muốn xóa bỏ tất cả .Nhưng càng làm cho người ta hơn bao giờ hết âm thầm giữ gìn tinh hoa đất nước.

Dưới những mái nhà là một sức sống cố vươn lên…

Bích Huyền

Scroll to TOP