“Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh” Một Tấm Gương Kiên Nhẫn Cho Giới Trẻ 

Trong một bài viết bằng tiếng Anh để gửi tới giới trẻ trong buổi hoàng hôn của cuộc đời mình, nhà văn, nhà khoa học và cũng là một vị Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã tâm sự:

Our journey across life can be compared to the flight of an aircraft across a vast ocean. Sometimes we are favored by a tail wind which gives us a faster ground speed. But sometimes on other occasions, we may face a head wind with adverse effects. As the first generation of immigrants, we are the pioneers, and we may run into obstacles. Just as the aircraft has to get to the other side of the ocean because it has passed the point of no return, when facing the head wind in our life, such as in the case of social injustice, we should keep our heads high, our chins up, and then with physical endurance, technical expertise, and with spiritual strength, by dedication and dignity, we shall join force together to overcome adversity and fulfill our dream of equal opportunity, equal rights and equal responsibility, and in so doing, make it a reality.

Đoạn văn có ý khuyên người đọc rằng trong cuộc đời nếu muốn thực hiện một điều gì cho riêng mình hay cùng nhau chiến đấu cho một lý tưởng quốc gia mà gặp khó khăn trở ngại thì cứ nên giữ vững lòng tin vào chính nghĩa, để với quyết tâm và tự trọng và cùng nhau liên kết thì cũng như một chiếc phi cơ phải bay qua đại dương, sẽ có lúc sang được phía bờ bên kia.

Câu viết này có thể dùng cho những đoạn đời đã qua của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. Con người ông đã là một kết hợp của một loạt những ước mơ thường là tương phản nhau mà ông đã hoá giải được để cùng thực hiện. Ông mơ những giấc mơ mâu thuẫn nhau và ông thường làm ngược với những người cùng hoàn cảnh. Nhưng cuối cùng ông đã thực hiện được tất cả những ước mơ tưởng chừng như không thể nào kết hợp được trong cùng một con người và trong thời gian hạn hẹp của đời người .

Trước tiên, thấm nhuần nho học gia đình nhưng chàng tuổi trẻ NXV lại ham mê Tây học và Khoa học và có ước mơ canh tân đất nước. Trong một xã hội Việt Nam thời đó, khi mà người ta thường nói “phi cao đẳng bất thành phu phụ!” nghĩa là nếu không có bằng Bác Sĩ, Luật Sư thì không được người đời quý trọng, tuy ông có khả năng để đạt được những mảnh bằng đó một cách dễ dàng, mà ông lại không theo con đường chung của mọi người. Ông chọn môn Toán học mà ông mê thích và đi theo con đường này thì vừa khó khăn gấp bội mà lại chẳng có danh, cũng không có lợi. Người sinh viên theo ngành này, nếu không phát minh được một lý thuyết nào và đạt được trình độ Tiến Sĩ thì sẽ chỉ trở thành một ông giáo bình thường mà thôi. Ông mê học Toán tới độ khi kháng chiến bùng nổ, ông theo gia đình tản cư nhưng vẫn tiếp tục học để lấy chứng chỉ Toán đại cương trong hoàn cảnh thiếu thầy, thiếu lớp và thiếu cả sách vở. Giữa năm 1950, vừa theo gia đình hồi cư về Hà Nội, ông tiếp tục ghi tên theo học ngay hai trường Đại Học Dược Khoa và Đại Học Khoa Học để học lại lần thứ nhì lớp Toán đại cương mà ông chưa hoàn tất ở khu kháng chiến. Tại Đại Học Hà Nội, ngoài giờ trong lớp ông còn làm phụ tá cho giáo sư để lấy tiền theo đuổi việc học. Và ông đã đỗ đầu kỳ thi chứng chỉ Toán đại cương vào đầu hè năm 1951 và được tuyển làm giáo sư trường Trung Học Nguyễn Trãi Hà Nội.

Năm 1951, bất ngờ ông nhận được giấy gọi nhập ngũ theo học khoá I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định và được chuyển theo học chuyên môn về Công Binh ở Thủ Đức. Ông là một trong số chỉ chừng vài chục người có thể tự nhận rằng đã được theo học tại cả hai quân trường Võ Khoa Nam Định và Võ Khoa Thủ Đức. Ra trường ông là một Sĩ Quan  Công Binh và nơi đồn trú đầu tiên của ông là tỉnh Thái Bình.

Khoảng thời gian này, một lần nữa ông lại phải lấy một trong hai chọn lựa mâu thuẫn nhau. Là một người ham học, đáng lẽ ông có thể vừa ở nhiệm sở vừa ghi tên theo học Toán tại Đại Học Hà Nội, nhưng vì ôm mộng hải hồ nên trước khi đi nhận nhiệm sở Sĩ Quan  Công Binh, ông đã nạp đơn dự thi vào trường Không Quân Pháp. Vào thời điểm đó, Không Quân Việt Nam chưa được thành lập. Một Đại Úy Không Quân được cử từ Pháp sang Saigon để phát bài thi cho thí sinh đồng thời ông ta cũng sẽ là giám khảo phần thi vấn đáp. Có chừng 20 người dự thi. Nhưng có lẽ bài thi viết của ông quá xuất sắc nên vị Sĩ Quan giám khảo thay vì khảo hạch ông trước bảng đen cuả lớp học thì lại mời ông ra đứng ở lan can phòng thi kể cho ông nghe viễn tượng đang chờ đợi ông ở quân trường Không Quân ở miền Nam nước Pháp. Nghe thấy vậy ông đã tin gần chắc là ông sẽ đỗ. Quả nhiên mấy ngày sau, trong số 5 thí sinh trúng tuyển, ông đã được chọn đỗ đầu, trong khi lúc chính thức vào phòng vấn đáp ông không phải nói một câu nào ngoài câu chào lúc bắt đầu và câu cám ơn lúc kết thúc.

Sau mấy tháng làm Sĩ Quan  Công Binh tại Thái Bình ông nhận được giấy vào Saigon đi học trường Không Quân Ecole de l’Air cuả Pháp nằm ở tỉnh Salon de Provence. Trước đó điều kiện để được nhập học trường này rất khó, vì phải vừa là dân Tây vừa phải theo học một lớp Toán học cao cấp sau Tú Tài 2. Cho nên trước đó mới chỉ có 2 người Việt quốc tịch Pháp được theo học, trong đó có Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh. Trước ông 2 năm cũng có một Sĩ Quan người Việt là ông Lê Trung Trực, sau này là Chuẩn Tướng Không Quân, được nhận như là một sinh viên ngoại quốc. Như vậy ông Nguyễn Xuân Vinh là một trong 5 khóa sinh Việt Nam đầu tiên học trường này qua một kỳ thi tuyển lựa như thí sinh Pháp và cũng là một trong 3 người Việt nam đầu tiên được trúng tuyển theo học ngành phi hành với 2 người nữa theo học ngành kỹ thuật.

Sang Pháp, trước tiên ông được gửi tới trường phi hành (École de pilotage) ở Marrakech. Sau chín tháng được huấn luyện bay ông NXV nhận được giấy tới Salon de Provence để nhập học Khoá Sĩ Quan Không Quân 1953. Tại thời điểm này, NXV lại kết hợp 2 con người mâu thuẫn trong ông, một con người quân sự, vẫy vùng, ngang tàng, và con người sinh viên chăm chỉ nơi giảng đường Đại Học. Trước ngày khai trường, được nghỉ hai tháng hè, lợi dụng thời gian này ông tới Nice để học thi chứng chỉ Toán Vi Phân và Tích Phân mà ông đã ghi tên học từ đầu năm ở Đại Học Marseille. Ông đã từng viết lên tâm sự rằng, trong khoảng thời gian những năm cuối cùng sống trên đất Pháp, ông cố thu thập những lý thuyết quân sự, tổ chức hành chánh, kỹ thuật và hành quân trong Không Quân, và đồng thời cũng nhân dịp còn ở nước người, học thêm về Toán học, về những môn chưa được giảng dạy tại quê nhà để sau này có dịp đưa kiến thức và sở học ra phục vụ quê hương một cách đắc lực hơn. Với suy nghĩ như vậy cho nên, sau đó, cùng với việc tốt nghiệp một trường Sĩ Quan phi công nổi tiếng cuả Pháp, ông cũng đã lấy được bằng Cao Học Toán tại Đại Học Marseille. Trong một lần tâm sự, tôi có hỏi ông rằng, trong thời gian học phi công quân sự tại Pháp, nhất là tại kinh thành Ánh Sáng, cuối tuần các sinh viên sĩ quan thường đưa đào đi chơi, uống rượu, nhảy đầm, thì làm sao GS lấy được bằng Cử Nhân rồi Cao Học Toán. Ông nhìn tôi bằng đôi mắt to và lúc nào trông cũng có vẻ hiền lành, thản nhiên cho biết: “cuối tuần, trong lúc các sinh viên sĩ quan khác đi chơi thì tôi đi học.” Thật không thể tưởng tượng được! Ông đã kết hợp được trong ông, hai con người có hai thái cực khác nhau.

Sự thể là sau ba năm du học, vào năm 1955 từ Pháp trở về, ngoài bằng phi công quân sự, Thiếu Úy phi công NXV còn mang theo về nước một bằng Kỹ Sư Hàng Không và một bằng Cử Nhân cộng thêm Cao Học Toán.

Khi mới về nước, đồn trú tại căn cứ Không Quân Nha Trang, nơi có biển đẹp và những người con gái có làn da ngăm ngăm, săn chắc, xinh đẹp, và quyến rũ, thay vì theo đuổi một bóng hồng nơi miền thuỳ dương cát trắng để có những buổi chiều mơ mộng sau giờ bay đưa người đẹp đi uống nước bên bãi biển như những chàng phi công khác, ngoài giờ công tác và đi bay, theo lời yêu cầu của bộ Quốc Gia Giáo Dục, và với giấy phép đặc biệt của Bộ Quốc Phòng, chàng Sĩ Quan Không Quân trẻ NXV, cũng để mỗi tuần vài giờ tới trường Trung Học Võ Tánh ở Nha Trang, để truyền đạt kiến thức toán học của ông cho thế hệ sau.

Ông gắn bó với nghề giáo từ đây. Lại một lần nữa ông kết hợp trong ông hai con người hoàn toàn mâu thuẫn nhau: một con người không quân trẻ tuổi, hào hùng và hào hoa, và một con người nhà giáo, mô phạm, nghiêm túc.

Với khả năng văn võ của ông, ông được cả Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia lẫn Bộ Quốc Phòng sử dụng trong nhiều chức vụ mà một Sĩ Quan cấp Úy trung bình không thể đảm đương nổi. Trong vòng 2 năm từ một Trung Úy phi công ở Phi Đoàn Liên Lạc và Tác Chiến ở Nha Trang, ông được chuyển về Phòng Tổng Nghiên Cứu và Kế hoạch ở Bộ Tổng Tham Mưu, rồi được Bộ Tham Mưu Không Quân xin về để giữ chức vụ Trưởng Phòng Tư, sau đó lại được Bộ Quốc Phòng cử sang Sứ Quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn như là một vị Đại Úy Phụ Tá Tùy Viên Quân Lực. Chưa đầy một năm sau, vì nhu cầu quân vụ khẩn thiết nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh được Bộ Quốc Phòng gọi về để giữ chức vụ Trưởng Phòng Báo Chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Thật ra trong chúng ta ít người biết là trong chức vụ này đã có một thời ông là chủ bút của hai tờ báo Quân Đội và Phụng Sự của Quân Đội Quốc Gia với một ban biên tập có những nhà văn nhà thơ và nhà báo nổi danh đương thời như Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Sơn, Huy Quang, Tường Linh, Nguyễn Ang Ca, …. Nhưng nghiệp bay vẫn trở lại với ông và cuối năm 1957 Thiếu Tá Nguyễn Xuân Vinh được bổ nhiệm vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam và năm tiếp theo, khi mới 28 tuổi, Trung Tá phi công Nguyễn Xuân Vinh, qua những nhiệm vụ liên tiếp, đã chứng tỏ được khả năng tham mưu và chỉ huy để được Tổng Thống VNCH giao cho đảm nhận chức vụ Phụ Tá Không Quân cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trong cương vị này, với tổ chức buổi đầu của Không Quân Việt Nam vẫn còn sơ sài, ông Nguyễn Xuân Vinh là người đầu tiên chịu trách nhiệm hoạch định tất cả các chương trình phát triển để Không Quân thành một quân chủng riêng biệt, có một Bộ Tư Lệnh Không Quân, có khả năng kỹ thuật và hành quân, tạo được sự kính nể của các Không Quân bạn trong vùng Thái Bình Dương.

Nguyễn Xuân Vinh tiếp đón Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson năm 1961 với cương vị Tư Lệnh KQVNCH

Trong thời điểm này, một bí mật quân sự quốc gia được thực hiện, và nay đã giải mật, đó là chương trình thả “Biệt Kích nhảy Bắc.” Lại chính con người có bề ngoài hiền lành này, với tư cách là Tư Lệnh quân chủng Không Quân, là một trong những người đầu tiên tham gia cùng với các vị Tư Lệnh quân binh chủng và đại đơn vị khác hoạch định kế hoạch. Trong những phi vụ thả “Biệt kích Nhảy Bắc” đầu tiên, Tư Lệnh Không Quân NXVinh, không những là người tham gia hoạch định kế hoạch mà còn là người tiễn chân các “Kinh Kha” tại ngay phi đạo.

Tiếp kiến Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (1961)

Nhưng Tư Lệnh Không Quân NXV không từ bỏ được nghề giáo, môi trường duy nhất lúc đó có thể giúp ông sống với Toán học. Với giấy phép của Bộ Quốc Phòng vẫn còn hiệu lực, ông xắp xếp công việc để có thể dạy thêm ít giờ tại hai trường Trung Học Chu Văn An và Petrus Ký về hai môn Hình học Không gian và Thiên Văn học. Trong khoảng thời gian này, con người mê thơ văn từ thủa thiếu thời trong ông lại trỗi dậy. Ông đã từng nhắc lại một câu của Toán học gia lừng danh Đức quốc là ông Karl Weierstrass (1815-1897) rằng, “một toán gia, nếu không là một thi sĩ thì không thể nào là một toán gia toàn vẹn được!”. Cho nên, vừa chỉ huy đại đơn vị, vừa nghiên cứu toán học, vừa dạy học, ông vừa làm thơ. Và có lẽ chính ông đã mở đường cho một trào lưu thơ, mà nhiều người đã gọi một cách vui là “Thơ Tình Toán Học.” Tôi xin nhắc lại vài câu mở đầu trong bài “Tình Hư Ảo” cuả Toàn Phong sau đây: Tình Hư Ảo

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong toạ độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao ước mơ, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, qui chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
 Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.

Cũng chính trong thời gian này, cuốn “Đời Phi Công” ra đời làm nô nức mọi thanh niên thiếu nữ, đang mơ mộng hải hồ hay mơ có người yêu là một chàng không quân hào hoa cưỡi gió, đè mây. Cuốn tiểu thuyết này đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.

Định mệnh đã làm cho hoạt động của người không quân NXV vượt khỏi tầm vóc quốc gia để sau này tên ông được thế giới biết đến.

Cho nên, sau khi đã tạo ra được cái khung để lực lượng Không Quân non trẻ của VNCH dưạ theo đó mà phát triển, tư lệnh NXV, có lẽ một phần cũng do bản chất lớn lên trong một gia đình thấm nhuần nho giáo, nên ông đã xuất xử theo phong cách cuả kẻ sĩ Đông phương, là “gác kiếm từ quan!” Ông đệ đơn xin từ chức Tư Lệnh Không Quân để đi du học. Năm 1962, ông lên đường đi du học nhưng vẫn còn là một quân nhân. Có lần tôi hỏi ông thế không phải ông bị Tổng Thống Diệm cho bãi chức Tư Lệnh và đẩy ông đi du học vì vụ hai phi công Quốc và Cử ném bom dinh Độc Lập à? Ông ngạc nhiên, không biết rằng bên ngoài dân chúng người ta tưởng và tin như thế. Như thường lệ, ông nhỏ nhẹ cho biết việc ông nghỉ chức Tư Lệnh Không Quân không liên quan gì tới vụ ném bom của hai phi công Quốc, và Cử. Ông đã làm Tư Lệnh Không Quân gần 5 năm trong khi ở các nước tân tiến nhiệm kỳ của các Tư Lệnh quân chủng thường chỉ là 4 năm mà thôi. Ông cho biết tiếp lúc vụ ném bom xảy ra ông đang ở nước ngoài. Và sau khi xảy ra biến cố này phải 6 tháng sau ông mới lên đường du học. Ông có vẻ tin ở số mạng. Ông cho biết thêm trong đời ông có nhiều may mắn, và thường trong công việc bao giờ cũng được trên thuận dưới hoà. Ông tâm tình cho biết, các cấp chỉ huy trong Không Quân Hoa Kỳ rất nể trọng ông và họ đã đặc biệt dành trong ngân sách viện trợ một học bổng cho ông được đưa theo cả gia đình theo học chương trình Tiến Sĩ Khoa Học Hàng Không và Không Gian tại University of Colorado. Ở nơi đó họ cũng mời ông tới thuyết giảng hai lần ở trường Võ Bị Không Quân ở Colorado Springs.

Chỉ ba năm sau, vào năm 1965, vị Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH đã được ghi tên vào lịch sử của tiểu bang Colorado như là người đầu tiên được cấp bằng Tiến Sĩ (Ph.D) về ngành Aerospace Engineering Sciences tại trường Đại Học Colorado. Ông được mời ở lại dạy học và xin được Bộ Quốc Phòng VN cho từ dịch và được cấp thẻ thường trú của Hoa Kỳ để nhận chức Giảng Sư của Đại Học Colorado. Năm 1968, Ông được mời tới dạy ở Đại Học Michigan và năm 1972 ông được thăng chức Giáo Sư thực thụ (tenured full professor). Tới khi về hưu năm 1998, ông được phong chức “Giáo sư vĩnh viễn” (Professor emeritus) tại trường Đại Học này.

Cũng năm 1972 ông giành được thêm bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Toán Học tại Đại Học Paris. Giáo Sư NXVinh đã là thầy dạy cho vào khoảng gần hai ngàn kỹ sư hàng không và không gian cho nhiều trường Đại Học ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Học trò của ông nhiều người đã trở thành Giáo Sư Đại Học và nhà nghiên cứu xuất sắc. Ông đã xuất bản 3 cuốn sách và gần 100 bài khảo luận về Toán học, về chuyển động của các thiên thể và phi thuyền không gian và về quĩ đạo tối ưu. Nhiều bài viết của ông đã được chuyển dịch sang Pháp, Nga và Hoa ngữ. Nhiều công thức ông tìm ra đã được dùng trong những sách giáo khoa ở các nước Pháp, Nga và Nhật Bản mà những tác giả đã căn cứ lên những tài liệu và sách ông viết ở Hoa Kỳ.

Thành quả về nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học không gian tại các trường Đại Học trên thế giới cuả ông được liệt kê khá nhiều trong những tài liệu để ở những thư viện chuyên khoa. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng trên nhiều lãnh vực, chưa kể trong lãnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học không gian là lãnh vực chuyên môn của ông. Tôi thấy thật là khó viết cho đầy đủ hay nói cho trọn vẹn trong một khuôn khổ hạn hẹp những thành quả của Giáo Sư NXVinh. Tôi nhớ là nhà thơ và triết gia Võ Thạnh Văn đã có lần nói ông muốn có dịp để nói trong ba giờ liền sự nghiệp của Giáo Sư NXVinh. Suốt năm qua, có dịp cùng với bác sĩ Phạm Đức Vượng làm việc chung với ông, tôi được biết thêm nhiều điều mà người ngoài không biết.

Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh không chỉ là một Khoa Học Gia Không Gian “đầu tiên” và “hàng đầu” cuả Việt Nam, mà ông còn có vị trí rất lớn trong ngành không gian thế giới. Điều này ngày xưa ở Việt nam tôi chỉ nghe nói nhưng cũng không hiểu thấu đáo nhất là Việt Nam ta hay “nói quá” về những thành tích cuả người mình. Nhưng có lần cùng bác sĩ Vượng đứng với ông trong căn phòng làm việc nhỏ bé tràn đầy sách vở dưới sàn, bít cả lối đi, tôi giật mình rung động trước những tấm plaques và bằng khen ngợi của các cơ quan quốc tế và Hoa Kỳ dành cho những đóng góp cuả ông cho Khoa Học  Không Gian thế giới. Đặc biệt tôi chú ý tới cái bằng và huy chương của American Institute of Aeronautics and Astronautics (viết tắt là AIAA) là Hiệp Hội của tất cả các Kỹ Sư và Khoa Học Gia Hoa Kỳ trong ngành Hàng Không và Không Gian mới khen ngợi các đóng góp của ông trong cả 2 lãnh vực vừa trong bầu khí quyển (atmosphere) vừa trong không gian ngoại từng khí quyển (space). Huy chương này, mỗi năm AIAA chỉ tặng cho một Khoa Học Gia Không Gian duy nhất. Gần ông và được thấy những chồng sách trong phòng làm việc của ông tôi mới được biết ông là người Á châu đầu tiên và là người Việt Nam độc nhất được bầu vào Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp Quốc, một Hàn Lâm Viện mà số hội viên hạn chế, đã có những danh nhân như nhà kiến trúc Hàng Không Marcel Dassault, như Cựu Thủ Tướng Michel Debré, một trong 40 ông viện sĩ bất tử trong Hàn Lâm Viện Pháp. Sau GS Vinh, người Á châu thứ nhì được bầu vào Hàn Lâm Viện này là Kỹ Sư Hàng Không Bacharuddin Habibie, Cựu Tổng Thống của Nam Dương. Trong những bảng lưu niệm tặng cho những thuyết trình viên danh dự ở các hội nghị, tôi thấy ông được mời tới nói chuyện ở Hội Nghị Thường Niên của Ủy Ban Điều Hợp Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ ở Maryland và ở Hội Nghị Lưỡng Niên Toàn Cầu của Công ty Hoá chất Dupont ở Delaware. Tôi không ngờ là ông cũng nổi tiếng trong hai lãnh vực Nguyên Tử Lực và Hoá Học nên hỏi ông về điều này. Ông lắc đầu trả lời: “Kiến thức về Vật Lý và Hoá Học của tôi chỉ ở mức trung bình như một người thường. Họ không mời tôi đến nói về những môn khoa học chuyên môn mà về một đề tài tôi tự lựa chọn. Như ở Hội Nghị Nguyên Tử Lực tôi nói về đề tài “Exploration of Inner Space” có ý nghĩa là con người đã có những thám hiểm ở ngoài không gian (outer space) thì cũng nên có lúc tìm hiểu về nội tâm (inner space) của chính mình.”

Nguyễn Xuân Vinh nhà khoa học cự phách của cơ quan Quản Trị Hàng Không – Không Gian Quốc Gia Hoa Kỳ (NASA)

Câu nói trên của ông có thể dùng để biểu hiện con người và thành tích của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. Ông là một kết hợp của những mâu thuẫn; nhưng đó là một sự kết hợp hài hoà khiến ông trở thành một con người tài hoa, đa dạng. Vừa là một quân nhân, vừa là một phi công, vừa là một Tư Lệnh, vừa là một nhà giáo, vừa là một nhà văn, vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà hoạt động quần chúng, nhưng thành quả to lớn nhất trong cuộc đời ông theo tôi nghĩ đã vượt biên giới quốc gia, và vượt thời gian là những đóng góp của ông trong ngành hàng không không gian thế giới. Với công trình to lớn đó, mà tôi nghĩ là ông đã thành tựu với ý nguyện góp phần của một người Việt vào sự tiến hoá của nhân loại, ông thực đã mang lại sự hãnh diện chung cho dân tộc.

Nguyễn Tường Tâm 4/10/2005

http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/l-ch-s/25542-toan-phong-nguy-n-xuan-vinh-m-t-t-m-guong-kien-nh-n-cho-gi-i-tr-nguy-n-tu-ng-tam

Scroll to TOP