..Đang tơ lơ mơ với giấc mộng dĩ vãng êm đềm của thời thơ ấu, thì đèn trong cabine máy bay bổng bật sáng, tiếng người phát thanh viên vang ra từ buồng lái : « Xin quí khách vui lòng cài lại dây an toàn, chúng ta sắp sửa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất ».
Ba chữ Tân Sơn Nhất đã làm tôi choàng tỉnh thực sự, đây rồi, quê hương dấu yêu của tôi đây rồi ! Sau khi chỉnh lại ghế ngồi và kiểm tra dây an toàn xong, tôi đưa tay kéo khung cửa sổ lên và ngoái đầu nhìn ra ngoài : khung trời quê hương của tôi kia, đất nước của tôi đang ở dưới kia, những mái nhà, con đường, bóng cây thân yêu của tôi đang chờ tôi bên dưới kia rồi !!!
Tôi hồi hộp nghe tiếng tim mình đang rung nhẹ trong lồng ngực, những nhịp yêu thương của đứa con trên đường về quê mẹ :
Nhịp nầy thương nhớ quê hương
Bao phen dầu dãi nắng sương khôn lường
Nhịp nầy nhớ những con đường
Làng xưa xóm cũ sao dường xa xôi
Nhịp nầy là tiếng lòng tôi
Mong sao quê Mẹ đổi đời mới yên.
Thơ NTH
… Tiếng bánh xe máy bay chạm nhẹ trên đường băng càng làm cho sự hồi hộp trong tôi tăng dần, tăng dần mãi cho đến khi máy bay ngừng hẳn mới thôi. Khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh xong, lấy hành lý bước ra phòng ngoài, những khuôn mặt Việt Nam thân yêu, những nét Á Đông thuần túy của nòi giống Lạc Hồng, đang hiển hiện khắp nơi bên cạnh vòng rào chắn, quanh những thân nhân vừa từ nửa vòng trái đất trở về mà trong đó có tôi.
Sự vui mừng tíu tít của gia đình con cháu vây quanh đã làm tôi vụt quên hẳn lời dặn dò của một người thân bên Cali. : “Khi về đến VN, nhớ hôn giùm mãnh đất quê hương nghe !”.
***
Quê Tôi …. Bây Giờ ….
Trên đường về, quay ra ngoài cửa xe để tìm lại bóng dáng những con đường, những căn phố, quán sá thân quen của ngày nào, nhưng sao mà tất cả đều xa lạ quá. Nhìn khắp nơi cũng không tìm được một khu phố thân quen, một con đường giữa hai hàng me xanh mượt quanh năm suốt tháng hay những cây dầu to cao lêu nghêu với vài cánh hoa chuồn chuồn rơi vừa bay bay vừa quay tít theo chiều gió ….sự thất vọng tràn ngập trong tôi.
Nhưng có thể đấy là khu vực quanh phi trường, nơi có nhiều du khách nên người ta phải đổi mới tân trang cho hợp thời, còn các nơi khác thì vẫn như xưa thôi mà, tôi tự an ủi mình như vậy.
– Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nhất định phải đi ra phố để thấy là mình có lý.
Đứa cháu biết ý định nầy của tôi nên tình nguyện xin nghỉ phép vài hôm để làm tài xế, tôi tán thành ngay vì nhớ có lần có một người bạn đã dặn dò khi biết tôi về Việt Nam là : “Đường sá Saigon bây giờ không phải như ngày xưa đâu, phải có người cầm tay dắt đi chứ không thì bị lạc mút chỉ đó”.
Và thế là hai chúng tôi lên đường như đoàn hùng binh trong Lục Quân Việt Nam của nhạc sỉ Văn Giảng :
Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang …
Nghe tiếng hát đâu đây mà chợt bật cười một mình, vì tụi nầy chỉ có một con ngựa sắt chứ làm gì có đến muôn vó câu để vượt đường trường xa !!!
Ra khỏi nhà độ năm phút là đến ngã tư Phú Nhuận, cái ngã tư có một cái chốt vuông vức bằng gỗ sơn trắng đặt ngay chính giữa để các anh Cảnh sát với đồng phục trắng thay nhau cầm cane ra đứng điều khiển xe cộ qua lại; một bên thì có bệnh viện Cơ Đốc của người Mỹ nằm ngay góc ngã tư, còn chéo góc ngã tư bên kia là một Ngân Hàng rất lớn, nhưng tìm mãi không thấy đâu những hình bóng ấy nơi đây …. bây giờ !!!
Qua chợ Phú Nhuận, cái khung chợ vẫn còn phảng phất đôi chút hình dáng cũ, nhưng nội dung thì thay đổi mất rồi, trước mặt chợ là những hàng ăn lúc nào cũng có thực khách, chẳng biết ai đâu mà dư thời giờ thế; quay sang tìm rạp Văn Cầm bên kia chợ thì cũng chẳng biết nó ở nơi mô, mà chẳng thấy tăm hơi chi cả.
Khi đi ngang cầu Kiệu, nhìn xuống dòng sông tuy nhỏ nhưng ngày xưa lúc nào nước cũng theo thủy triều lên xuống tràn bờ soi bóng những ghe thuyền tấp nập đem nông phẩm từ miền Tây lên cung cấp cho chợ Phú Nhuận và Tân Định.
Bây giờ, cũng chiếc cầu đó, cũng dòng sông kia, nhưng sao mà nó không còn cái nét trù phú sống động của ngày nào nữa; nhìn mặt nước sông lờ đờ như không còn muốn trôi, như đã mất hết nguồn sống của cái thời vàng son xa xưa mà tôi chợt thấy có một cái gì đó nhói buốt trong lòng, se thắt trong tim !
Hết đường Võ Di Nguy Phú Nhuận thì bên kia cầu là đường Hai Bà Trưng (đó là những tên đường trong ký ức của tôi ngày xưa), chứ tên mới bây giờ không đáng để tôi ghi nhớ.
Đến chợ Tân Định, tôi quay sang tìm rạp Kinh Thành mà ngày xưa tuị nầy thường chui vô mua vé học sinh đồng hạng để xem phim Tàu. Nhưng giờ tìm hoài không thấy đâu hết cái bóng dáng bọn học trò thuở xưa cùng rạp hát quen thuộc của ngày nào nữa !
Qua chợ Tân Định một chút là nhà thờ Tân Định, ngôi nhà thờ cổ kính từ thời Pháp với khuôn rào ciment bao quanh, vẫn vọng tiếng chuông ngân mỗi độ lễ sáng, lễ chiều.
Vượt ngã tư Hiền Vương – Hai Bà Trưng là Nghĩa Trang Đô Thành, với vòng rào ciment bao quanh của ngày xưa mà nếu không có việc thì chẳng mấy ai vào, nhưng bây giờ, chỉ là một khu công viên, chẳng biết linh hồn của các vị đã an nghỉ nơi đấy có ngậm ngùi khi bị di tản hay không nhỉ !
Tôi vẫn thích thẳng một đường mà đi nên bảo đứa cháu cũng cứ thẳng đường Hai Bà Trưng mà tiến.
Và thế là chúng tôi đi qua trụ sở chính của Công Ty Điện Lực Việt Nam số 72 Hai Bà Trưng, nơi mà ngày xưa tôi đã được Ông Tổng Giám Đốc ký giấy cho nhận việc và cũng là nơi mà tất cả nhân viên ngành Điện miền Nam đều trân trọng như một mái tổ ấm của đại gia đình mình; nơi ung đúc và phát triển hàng hàng lớp lớp những chuyên viên ưu tú để đáp ứng cho nhu cầu điện năng thời bấy giờ.
Khi đi ngang qua Công Ty, nhìn vào để tìm lại chút dư hương xưa… thì tôi hoàn toàn thất vọng, thất vọng đến não nề ….cũng vị thế đó, cũng mái building đó nhưng bây giờ họ đã cho vây quanh bằng những tấm biển quãng cáo đủ thứ dịch vụ tạp nhạp từ cho thuê khách sạn đến điện thoại nhà hoặc cell phone, rồi cài đặt cáp truyền hình, cáp internet… nhìn sao mà giống cái chợ chồm hổm thời nay quá đi mất !!!
Tôi tự hỏi, ngày xưa cũng bấy nhiêu diện tích hoạt động, cũng một dịch vụ cung cấp và bán điện đó, mà sao Công Ty Điện Lực VN làm ăn ngày càng phát triển, công việc ngày càng tốt đẹp, lương công nhân hết sức thoải mái, tiền thưỡng mỗi năm mỗi tăng. Còn bây giờ dân Saigon đông hơn, số khách hàng cũng tăng theo, vây thì thu nhập của Điện Lực không đủ chi hay sao mà lại phải kinh doanh thêm các dịch vụ khác ???
Một câu hỏi không lời giải đáp, nhưng tôi là một con người, tôi có quyền đặt câu hỏi khi thấy bức xúc chứ, làm sao cấm được, cho dù câu hỏi không lời giải đáp.
Đối diện với Công Ty Điện Lực là phía sau lưng của tòa nhà Quốc hội, nay là nhà hát lớn Thành Phố, nhìn xéo qua là nhà hàng Caravelle lúc nào cũng có người gác dan mặc đồng phục cầm súng đứng gác, nhà hàng nầy chỉ dành cho các chính khách nước ngoài mà thôi.
Bên hông nhà hát lớn là nhà hàng Continental, một nhà hàng của người Pháp nên bán toàn thức ăn của Pháp, cách trang trí, đầu bếp, bồi bàn đều ăn mặc cũng lịch sự không kém người Pháp. Nhưng bây giờ thì đâu còn cái khung cảnh lịch sự đó nữa.
Hơi xéo Công Ty Điện Lực Việt Nam bên kia đường Hai Bà Trưng là tiệm bánh mì Đỗ Hợi, một hiệu bánh mì nổi tiếng và duy nhất ở Saigon với tất cả các loại bánh mì làm theo công thức của Pháp nên rất được dân Saigon và người nước ngoài ưa chuộng. Nhưng bây giờ thì không mấy ai còn nhớ cái mùi vị của bánh mì Đỗ Hợi, cũng như không còn ai biết Đỗ Hợi là gì nữa rồi, tiếc thay !
Trước khi đến Bến tàu thì đi ngang hãng La De Con Cọp, một hiệu bia duy nhất nổi tiếng của Saigon thời bấy giờ và cũng là một nơi sản xuất bia bằng lúa mạch của người Pháp, nhưng giờ thì đã bị đổi tên tộc và đổi cả bao bì bên ngoài lẩn chất lượng bên trong hết rồi.
***
Con đường nằm chắn ngang cuối đường Hai Bà Trưng là đường Bạch Đằng và bến tàu cũng được đặt tên là bến Bạch Đằng để ghi nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Nguyên ở sông Bạch Đằng.
Những chiếc tàu to có, nhỏ có đang nằm trong bến kia, sao mà nó xa lạ đến thế, tôi đi dọc bến cảng để tìm lại bóng hình thân quen của những thương thuyền ngày xưa, tìm hình ảnh những cái mỏ neo được vẻ ở hai bên mũi tàu của những anh chàng :
Với biển cả anh là thủy thủ,
Với lòng nàng anh là hoàng tử…..
(Thủy Thủ và Biển Cả )
của ngày xưa ấy, giờ đâu hết cả rồi … thoáng một chút xót xa đến cay xè nơi khoé mắt khi nhớ về hình ảnh oai hùng của những anh chàng Hải Quân ngày nào !
Tôi đứng tần ngần trên bến tàu để chờ bóng con đò nhỏ sang sông, nhưng chờ hoài vẫn không thấy liền quay sang hỏi chú bé bán bánh kẹo đứng xớ rớ kế bên thì mới biết bây giờ ngươì ta đã xây cây cầu vượt qua sông Saigon để sang Thủ Thiêm nên từ vài năm nay không ai đi đò qua sông nữa. Vậy là các bác lái đò đã thất nghiệp, y như mấy chiếc phà vượt sông Mỹ Thuận ở miền Tây đã phải dẹp nghề từ khi có cầu Mỹ Thuận, sự cải tiến có đôi khi làm tăng thêm vẻ lịch sự cho bộ mặt thành phố, nhưng bên cạnh đó làm mất đi nồi cơm của biết bao người lao động !!!
Tôi không cầm được sự xót xa trong lòng, nhưng tôi chỉ là hạt cát trong bãi hoang mạc, làm được gì cho các bác lái đò, cho những bác lái phà Mỹ Thuận và nhiều, nhiều hoàn cảnh khốn cùng hơn nữa trên quê hương đây.
Không thể đứng mãi đó vì không khéo tôi sẽ khóc mất, do vậy tôi quay ra và bảo đứa cháu đi dọc theo bến Bạch Đằng qua đường Nguyễn Huệ để tôi được nhìn thấy con đường có giải phân cách bằng những kiosque bán đủ loại hoa tươi cho đám cướí và cả cho đám tang, bán các đồ thủ công mỹ nghệ bằng mây, tre, nứa, và có cả tiệm chụp ảnh Đống Đa nữa.
Nhưng trước khi bước vào các dãy kiosque thì một sự ngạc nhiên bất ngờ làm cho tôi thực sự hụt hẩng … cái đồng hồ vuông có 4 mặt quay về 4 phía gắn trên một bục cao ngay ngã tư Nguyễn Huệ và con đường gì ăn thông qua đường Tự Do ấy, sao bây giờ lại là cái đồng hồ khác nằm trong một cái khung gì như có hai ba cái cánh chỉa lên trời như muốn che hết cái đồng hồ, nhìn chả ra cái gì hết, lạ thiệt.
Và, các kiosque ngày nào giờ cũng hoàn toàn xa lạ với tôi, không phải là những hình ảnh đã một thời khắc sâu trong ký ức nữa, tôi băn khoăn tự hỏi hay là tại mình lúc nào cũng hoài cổ nên không nhận thức được sự cách tân chăng ?
Do vậy tôi không còn muốn đi tiếp nữa mà chỉ muốn về nhà thôi. Trên đường về đi ngang rạp Mini Rex, một rạp hát với phòng chiếu phim nhỏ nhưng rất ấm cúng lịch sự cho những cặp tình nhân, tôi nghe người ta nói như vậy, vào thời đó. Và qua góc đường một chút là rạp Rex, một rạp hát de luxe nhất Saigon với chiếc thang cuốn, tôi nhớ có lần đến xem phim, tôi đâu nào dám bước chân lên vì sợ té.
Nhìn qua bên kia đường là Passage Eden, đi qua hết những gian hàng trong đấy là rạp Eden, một rạp hát lưu rất nhiều kỷ niệm trong tôi với những cuốn phim không thể nào quên như Cuốn Theo Chiều Gió với Vivien Leigh và Clark Gable, La Violettera với Dalida, Tơ Vương Đến Thác với Alain Delon và Romy Schneider, Vũ Điệu Trong Bóng Mờ với Vivien Leigh và Robert Taylor… những cặp tài tử nổi tiếng mà tôi không thể nào quên qua cách diễn xuất hết sức sống động đã làm cho cuốn phim sống mãi trong tôi cho đến tận bây giờ.
Đang mơ hồ quay về dĩ vãng thì lại thêm một bất chợt làm cho tôi ray rứt khôn nguôi khi đi ngang nhà thờ Đức Bà, nhìn hai cái tháp cao trên nóc nhà thờ với hai cây thánh giá vươn trên nền trời xanh thẩm mà ngày xưa mỗi khi đến chụp ảnh tôi thường cố thu hết vào ống kính phần cảnh trí đó, vì cảnh thực và thiên nhiên hòa quyện vào nhau làm cho tấm ảnh thêm sinh động.
Thế nhưng bây giờ, hai ba tòa cao ốc xanh rờn sừng sửng mọc lên chung quanh Nhà Thờ mà thoạt nhìn vào cứ thấy như nó muốn bao chụp lấn át lên hai tháp nhà thờ vậy.
Thật là chua xót và đau lòng, các đấng linh thiêng chắc chắn cũng não nề với phong cách cải tiến vô mỹ thuật của thời nay !!!
Và không một giây phút chần chừ tôi phải quay về nhà ngay, không còn muốn đi một nơi nào nữa, rồi sau đó ở miết trong nhà để vui với gia đình cho đến ngày về Mỹ.
…Giờ đây, khi ngồi ghi lại những kỷ niệm trong chuyến đi vừa qua, cái xúc cảm khi từ giã gia đình để ra về ngày ấy đã làm cho tôi không thể nào quên được …
***
Hôm đó, sau khi chuẩn bị xong hành trang, tôi vào nhà thản nhiên nói : “ Thưa Ba Má con đi về”
Ba tôi liền mau miệng hỏi; “Về đâu, Cha Mẹ, anh chị em, con cái đều ở đây thì về đâu ?” một câu nói bất chợt làm cho tôi giật mình và mới nhận ra là mình hết sức vô lý.
Đất nước Việt Nam là quê hương tôi, là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, là nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên, là nơi đã chứng kiến từng bước chân chập chững của tôi vào đời cho đến ngày tôi khôn lớn, rồi thành nhân, là nơi có Ông Bà Cha Mẹ, anh chị em tôi, con cái tôi sinh sống… vậy mà tôi đã thốt lên 2 chữ “đi về” một cách hết sức tự nhiên, quả là vô lý không thể tưởng.
Tôi đã nói sai rồi, Cha Mẹ ơi, Quê Hương ơi, Tổ Quốc ơi ! xin hãy thứ tha cho đứa con vô ý thức nầy, con trăm vạn lần cúi đầu xin được nhận lỗi. …
Tiếng hát Cao Minh đang văng vẳng đây đây :
Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh pha mờ
Tiếng sáo bay dật dờ đường về cô thôn
Tình quê lai láng dưới trời thu
Khói xây thành chập chùng xa đưa
Cành tơ liễu thấp, thoáng bên nương
Mùa nhớ nhung dòng nước lững lờ..
Ta ra đi một chiều thắm
Vang lời ca buồn trong khóm lá
Nỗi u hoài ngày tháng khôn nguôi
Niềm xa thương nhớ
Tình quê hương thiết tha buồn lắng
Nhắn theo lờì gió, mùa trăng êm
Tiếng tơ một trời còn vương …
Ôi buồn nhớ quê hương !!!
….Và tôi đã gục đầu trên đôi cánh tay nức nở, tôi không biết là mình đã khóc vì phạm lỗi hay vì nhớ thương quê hương đang nghìn trùng xa cách. …
Dec. 2009 NguyễnThuHoa-Dallas.TX