Ảnh vua Hàm Nghi
Thái tử An Nam, 1896, tại Algérie, Fonds Capek, ANOM, Pháp. Sau 10 năm lưu đày, vua Hàm Nghi nhận được thư của Thân Trọng Huề ngày 20/03/1900 và thư của vua Khải Định ngày 10/07/1922, Triển lãm l’Art en exil, Hàm Nghi, Prince d’Annam, Bào tàng AAA, Vichy, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Giữa vua Hàm Nghi và thành phố Vichy là mối nhân duyên kéo dài 45 năm. Từ năm 1893 đến 1938, ông đến Vichy khoảng 25 lần để điều trị gan bằng nước khoáng. Quãng thời gian ở Vichy cũng là lúc vua Hàm Nghi tĩnh dưỡng, thỏa sức với đam mê hội họa ở vùng nông thôn ven đô và có thêm những người bạn mới. Tròn 80 năm qua đời, vị vua bị lưu đày trở thành trung tâm của triển lãm mang tên ông và triển lãm Vichy, thành phố quốc tế (Vichy, l’Internationale).
Bức chân dung tự họa năm 1896 tại Algérie được sử dụng làm áp phích cho triển lãm L’Art en exil – Hàm Nghi, Prince d’Annam (1871-1944) (Nghệ thuật lưu đày – Hàm Nghi, Thái tử An Nam) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á (Musée AAA) ở Vichy từ ngày 04/05-03/11/2024. Có lẽ Vichy, cũng như quãng thời gian vua Hàm Nghi lưu lại thành phố, ít được biết đến. Nhưng theo tiến sĩ lịch sử Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ năm và cũng là người dày công nghiên cứu về vua Hàm Nghi, giữa thành phố Vichy và thái tử An Nam – tước hiệu được giữ lại lúc ông bị đi đày – có một mối liên hệ chặt chẽ.
“Mối liên hệ đó đơn giản xuất phát từ việc vua Hàm Nghi đến điều trị bằng nước khoáng ở Vichy bởi vì trước khi bị đi đày, ông bị mắc bệnh sốt rét lúc ở trên núi chống quân Pháp và gan của ông bị hỏng. Để chăm sóc gan, cứ hai năm một lần từ năm 1893, ông theo một đợt trị liệu ở Vichy. Sau khi kết hôn, ông tới thường xuyên hơn, gần như năm nào cũng tới.Mục đích ban đầu là đến để trị bệnh nhưng rồi Vichy thực sự trở thành nơi nghỉ dưỡng của ông. Ông tới đây gần như hàng năm để gặp bạn bè trước là những sĩ quan mà hầu hết ông quen trước đó ở Alger. Sau khi kết hôn, ông không đến với vợ con, nên đó là khoảng thời gian ông dành riêng cho mình, cho sức khỏe và cho đam mê hội họa. Ông có các buổi trị liệu vào buổi sáng nên hoàn toàn rảnh rỗi vào buổi chiều và thế là ông vẫn quen ra vùng nông thôn để vẽ. Người ta biết là ông vẽ rất nhiều tranh ở Vichy”.
Amandine Dabat, cháu đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, phụ trách Triển lãm L’Art en exil – Hàm Nghi, Prince d’Annam, tại Bảo tàng AAA, Vichy, Pháp, ngày 04/05/2024. © RFI / Thu Hằng
Biến cuộc sống lưu đày thành cuộc đời nghệ sĩ
Vua Hàm Nghi trở thành nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, ông được nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc Pháp hướng dẫn, đào tạo, trong đó có Auguste Rodin. Ông có bạn là những nhật vật tên tuổi ở Vichy, ông cũng nổi tiếng dù luôn cố kín đáo, có lẽ vì tước hiệu thái tử An Nam. Một đoạn video được chiếu trong gian trưng bày thứ hai cho thấy vua Hàm Nghi hòa nhập với xã hội Vichy lúc bấy giờ. Cũng tại gian này có rất nhiều đồ dùng cá nhân của vua Hàm Nghi, hầu hết được giới thiệu đến công chúng lần đầu tiên :
“Trong số những đồ vật được trưng bày ở đây, có ống điếu và hộp đựng thuốc lào của vua Hàm Nghi. Chúng ta cũng thấy có nhiều cuốn sách chữ Hán của vua, thư từ trao đổi và những bức thư mà ông nhận được từ vua Khải Định và Thân Trọng Huề. Bộ đồ vẽ và tạc tượng được trưng bày trong tủ kính đằng kia. Gần đó là bộ mầu vẽ của Thái tử An Nam. Đó là những vật dụng hàng ngày nhưng cũng là công cụ trong cuộc đời nghệ sĩ của ông. Những vật dụng thường nhật của nghệ sĩ được ông dùng để đi vẽ phong cảnh, để tạo hình”.
Ở một tủ kính khác, Amandine Dabat, người phụ trách triển lãm, giải thích tiếp :
“Ở đây còn có vài đồ dùng cá nhân của vua Hàm Nghi, được trưng bày lần đầu tiên, như những cái khuy từ bộ quần áo được ông đặt may ở Paris. Khuy được khắc hai chữ Hán “Tử Xuân”. Đây là nghệ danh được ông ký dưới các tác phẩm. Chiếc hộp nhỏ bằng bạc này cũng được khắc hai chữ Tử Xuân, hoặc trên những chiếc dĩa này cũng có. Điều thú vị ở đây là trong các gia đình quý tộc Pháp, thường thì người ta khắc họ lên trên dĩa, nhưng vua Hàm Nghi chỉ khắc nghệ danh.
Bức tranh Chiều Tà do Vua Hàm Nghi vẽ
Trên nhiều bức tranh, vua Hàm Nghi cũng ký “Tử Xuân” theo chữ quốc ngữ, nhưng ông viết cũng không đúng tiếng Việt, thay vì “Tử Xuân” ông viết thành “Tứ Xuân”. “Lỗi chính tả” này cho thấy vua Hàm Nghi cũng không rành chữ quốc ngữ. Điều này cũng giải thích cho tên của trưởng nữ của ông là Như Mai, nhưng ông viết thành “May” thay vì “Mai”. Đó là vì ông viết theo cách riêng của mình. Chúng ta thấy rõ chữ ký của vua Hàm Nghi trên nhiều bức tranh khác trong triển lãm này hoặc ông cho khắc tên trên nhiều vật dụng cá nhân hàng ngày”.
Một gian trưng bày trong Triển lãm L’Art en exil – Hàm Nghi, Prince d’Annam, tại Bảo tàng AAA, Vichy, Pháp, ngày 04/05/2024. © RFI / Thu Hằng
Xem tiếp –Vua Hàm Nghi và mối duyên với thành phố Vichy, Pháp – Tạp chí văn hóa (rfi.fr)