Tình tri âm giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nữ sĩ Ngân Giang – Thi nhạc giao hòa “Tố Của Hoàng Ơi!”
Tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, nửa phía Bắc dưới sự cai trị của chính thể Cộng sản. Cuối tháng 8 năm ấy, cùng với gia đình (gồm mẹ, vợ) và gia đình thi sĩ Đinh Hùng (em vợ, đồng thời cũng là bạn thân), nhà thơ Vũ Hoàng Chương lánh vào miền Nam. Ông giải thích lý do ra đi trong bài “Gấm hoa” làm ở Sài gòn năm 1967, được in ra trong tập Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Sàigòn : Lửa Thiêng, 1970):
Anh ra đi, cánh phiêu-hồng trốn tuyết
Hay cánh thiên-nga trốn vạc dầu sôi?
Khi phải đi xa như thế, ông nghĩ rất nhiều đến người yêu đầu tiên trong đời nhưng đã “mười năm thôi thế mộng tan tành” từ một ngày 12 tháng 6 hơn 13 năm trước (1941):
Sông núi đã chia rồi
Em ở lại sầu gương tủi lược
Bồ-hòn kết đắng hoa môi.
Những năm sau, từ miền Nam ông nhớ người ở lại một cách thiết tha, vô vọng:
Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến
Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi.
Nhân vật thứ hai ông nghĩ đến là một người bạn thơ. Cuối năm Giáp Ngọ tức đầu năm 1955, nhân các chuyến qua lại giữa hai miền Nam Bắc còn thực hiện được, ông gửi một người quen có việc ra Bắc một bài thơ, nhờ đưa đến một thi sĩ ở lại Hà Nội. Bài thơ này sau được ông cho in vào thi tập Trời Một Phương (Sàigòn, 1962) với nhan đề “Nổi trôi” và có lời như sau:
Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Rằng hư, rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao hề, nước vẫn sâu!
Lời thơ quá kín đáo. Khi in bài ấy trong tập Trời Một Phương, thi sĩ Vũ Hoàng Chương không cho biết ông muốn nói điều gì hoặc đã nghĩ đến ai. Mãi 12 năm sau, 1974, trong tập bút ký Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn : CSXB Trương Vĩnh Ký, 1974), Vũ Hoàng Chương mới giải thích ông làm bài ấy cuối năm Giáp Ngọ 1954 và để gửi nữ sĩ Ngân Giang… (tiếp theo)
https://tranhuybich.blogspot.com/2019/05/duyen-tho-no-kich-nhung-van-tho-cua-thi.html
Từ Mai – Trần Huy Bích –