Đặt máy điện thoại xuống, tôi vẫn còn say sưa với cuộc điện đàm cùng người bạn gần 30 năm mới được nói chuyện lại. Thằng con đang đứng cạnh ngạc nhiên lắm vì thấy ông bố nó nói chuyện gì mà lâu đến cả tiếng đồng hồ, chắc hãng điện thoại viễn liên đang mừng thầm vì mới vớ được một khách hàng ngớ ngẩn, ôm cái điện thoại long distance lâu đến thế.
Chờ cho ông bố gật gù xong vì sung sướng đã thỏa mãn được cái mà người đời gọi là nhu cầu tình cảm, thằng con đặt ngay một câu hỏi :
– Con biết lúc nãy bố nói chuyện với một người bạn cũ của bố, mà tại sao đầu tiên bố lại tự xưng tên là “Mỹ Bà Quẹo” hả bố? Hay là lúc trước lái xe, bố hay quẹo qua, quẹo lại lắm hay sao hả bố?
Vỗ vai thằng con lớn của mình vài cái, ông bố hẹn thằng con, sẽ có một lúc nào đó, bố sẽ cho con biết lý do tại sao cái tên Bà Quẹo lại được dùng để cho người khác nhận ra ngay người nói chuyện với mình, sau một thời gian thật lâu không có dịp nói chuyện với nhau.
Thằng nhỏ nói đúng, nó chỉ thấy trong các buổi lễ lạc quan trọng, người ta xưng tên với nhau là ông A. Giám đốc, ông B. Chủ hãng; hay là trong những dịp gặp mặt thân mật, các chú, các bác của nó gọi nhau là “Trấn đen, Chí mù, Long hôi, Đỉnh chột”, chứ nó chưa bao giờ thấy bố nó tự xưng là “Mỹ Bà Quẹo” cả.
Đọc đến đây, chắc có người lại tự hỏi rằng, cái anh chàng viết này chắc đang bị cơn sốt nó vật vã hay sao, Bà Quẹo làm gì có liên quan tới Thân hữu Điện lực đâu mà nói lung tung beng như thế. Dạ xin thưa rằng có chứ, thằng nhỏ đã nhắc tôi nhớ đến một địa danh mà không biết tại sao nó lại dính liền với tôi trong một thời gian không dài lắm làm việc tại Điện lực. Bắt đầu từ Bà Quẹo, trôi nổi lung tung và rồi cuối cùng cũng kết thúc chương trình “Tùng Lâm” tại … Bà Quẹo!!!
Ôi cái tên cũng rắc rối thật! Các cụ ngày xưa đặt cho con cái những cái tên tượng hình thật giản dị; thằng lùn, con lác, thằng rớt, con rơi; đúng với những dị hình bên ngoài hay là đúng với tình trạng gia đình lúc lọt lòng với cái lý do là để cho dễ nuôi.
Bố mẹ tôi mới hơn một chút, đặt cho tôi cái tên là Mỹ (chắc chắn lúc đó các cụ cũng không nghĩ là đặt tên như thế, để đến năm 2000, tôi sẽ sinh sống tại Mỹ đâu), một cái tên hơi con gái một chút, để đến độ đã có người trong Thân hữu của chúng ta đã lầm, một cái lầm thật đáng yêu chứ không đáng trách gì cả, gọi tôi là … “chị” Mỹ!!!
Một ngày đẹp trời đầu năm dương lịch, mở Email ra và nhận được một thiệp chúc đầu năm thật đẹp với đúng địa chỉ Email của mình, nhưng với tên người gửi thật xa lạ. Đoán là có người đang lộn địa chỉ, tôi trả lời ngay là đã lộn địa chỉ rồi đấy; nhưng chỉ trong nửa giờ sau đó, tôi lại nhận được một thư khác trả lời lại là : Thưa chị Mỹ … !!!
Chỉ mới đọc đến đây tôi đã giật nẩy cả mình, tự hỏi hay là mình thích nấu bếp, hay nấu mì gói ăn liền trong lúc vợ đi làm không có gì để ăn cả, hay là “nó” rụng mất rồi, hay là mình đã thành đàn bà rồi sao đây??? Nhìn quanh quẩn không thấy ai chung quanh cả, tự mình kiểm soát một lần nữa xem sao. Không sao, không sao cả, “nó” vẫn còn đó, vả lại Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ Trung ương mà đã xét nghiệm rồi thì làm sao mà nhầm được nhỉ!
Rồi, biết rồi, anh bạn ta đang nhầm mình với một người khác đây. Viết một vài dòng cho người đang gửi thư lộn: Thưa anh Đ., chị Y. Tên tôi là Nguyễn Xuân Mỹ, một cái tên hơi giống phái yếu một chút, nhưng tôi là nam giới đặc anh ạ, có giấy chứng nhận đàng hoàng. Trước lạ sau quen, vả lại chúng ta cũng cùng là thân hữu nên cũng chả xa lạ gì, mong sẽ có dịp được gặp anh chị. Rất vui khi có những cơ hội lầm lẫn vô hại như thế này, mới có những chuyện để viết tầm phào chơi. Rất mong và hân hạnh được làm quen với anh chị, những người bạn mới của chúng tôi. Tôi có nhiều bạn lắm : Bạn đi học, Bạn cùng xóm, Bạn cùng nghề, Bạn cải tạo, Bạn ở tù, Bạn cờ bạc và đến nay, với anh, một người bạn mới quen, tôi lại có thêm được người bạn gọi là Bạn … lộn giống!!!
Tại Mỹ, khi vào quốc tịch, người nhân viên nhập tịch hỏi là có muốn đổi tên không? Dạ thưa không, tên tôi đẹp lắm, tôi vẫn hãnh diện với cái tên Việt nam mà bố mẹ tôi đã đặt cho tôi khi vừa khóc chào đời. Tôi không muốn có một cái tên như “Bác sĩ Giọt”, giống như cái bảng của một bác sĩ du học tại Pháp về hành nghề tại Sài gòn dạo nào đó. Nhưng không phải bất cứ cái gì mình muốn là được các bạn ạ, cuộc đời là thế đó. Dân bản xứ không ai gọi đúng tên tôi được, khiến cho lắm khi lại trở thành trớ trêu, làm trò cười cho thiên hạ. Đứa gọi là “Mi”, đứa gọi là “Mai”, lại càng giống tên con gái hơn nữa.
Rồi cũng phải chọn cho mình một cái tên ngoại quốc để cho tụi nó dễ gọi hơn. Ôi sao mà ngượng ngùng đến như thế, rõ ràng một ông “an nam” 100% mà lại có cái tên như mấy ông mắt xanh mũi lõ. Mà thôi, chả có gì để lo lắng cả, mình cứ coi như ngày xưa nhà mình, các cụ mướn vú em, mướn người làm; tên thật mấy người đó xấu lắm, mộc mạc lắm, nhưng rồi họ cũng chọn những cái tên thật kêu, thật sang của những loài hoa quí chứ chả ai gọi là thằng Rơi thằng Rớt cả!!! Và cứ coi cái tên đó là “tên đi ở đợ” đi là xong cả. Vội vàng để chọn ngay một cái tên dễ gọi. Thôi gọi là Robert đi, một thoáng qua nhanh trong đầu nhớ cái câu hát mà hồi còn tắm ở “phông ten” nước đầu ngõ, tôi vẫn nghêu ngao ngoài đường: “Tò le Rô-be đánh đu, Tặc giăng nhảy dù, Zô rô bắn súng”. Vả lại cả tụi Mỹ cũng như Pháp cũng dùng cái tên này cả, chắc có lẽ cái tên này hay lắm đây. Và thế là tôi đã có tên mới, tôi không bao giờ nói cho bạn bè biết, để khi nào có người gọi là Robert, tôi biết ngay đó chỉ là mấy thằng mắt xanh mũi lõ trong sở của tôi mà thôi. Mà rồi lại thấy rằng cái tên mới đó cũng có chuyện chả hay ho gì cả, có thằng gọi là Robert, còn có thằng gọi là “Bóp” cho nó tiện. Eo ôi, tiếng Việt nam mà đọc như thế thì nghe ghê lắm, chỉ mới nghe không đã thấy tục tĩu lắm rồi. Cũng còn may, tôi họ Nguyễn, chứ nếu mà vô phúc là họ Vũ thì chắc phải độn thổ mất, hoặc nếu mà không thì chắc cũng phải ra tòa về cái tội “công xúc tu sỉ” khi đọc nguyên cả tên họ … “Bop Vu” trước mặt cử tọa toàn là người Việt nam!!!
Thôi, đầu cua tai nheo dài quá đi, thế còn chuyện Bà Quẹo tới đâu rồi? Để từ từ thong thả các bác ạ, cũng như chuyện dài “nhân dân tự vệ” ấy mà, dục tốc bất đạt, các cụ ngày xưa dậy như thế thì phải theo mới được.
Trước hết phải giới thiệu về địa danh cái đã. Cũng chỉ là cái tên gọi thôi, chả có nghĩa gì cả. Có người còn nói đuà là “bà mà quẹo thì ghê lắm đấy”. Cứ đi trên đường Lê Văn Duyệt nối dài, đang đi thẳng mà tự nhiên QUẸO trái thì đúng là bạn đang vào cái địa phận Bà Quẹo rồi đấy. Trên đường đi, nếu bạn ngửi thấy một cái mùi thơm phức của thịt nướng, nhìn thấy những miếng thịt vàng ngậy treo lủng lẳng trên những cái quầy, thì rõ ràng là quí vị đang đi đúng đường chứ không phải lạc đường đâu!!! Trong xe buýt trên đường về nhà sau khi tan sở, bụng đang đói mà ngửi thấy mùi này thì ai cũng thèm cả, duy chỉ có mấy cô là vội vàng nín thở, cầu mong cho bác tài nhấn ga cho xe chạy mau qua khỏi vùng này. Chỉ có mấy thanh niên thấy thế lại thích thú chọc ghẹo thêm: “Thịt chó đó, ngon lắm đó, đậu xe lại đi bác tài ơi, cho mấy cô này mua vài ký về ăn cơm chiều!!!” Bây giờ những chuyện đó đã trở thành xa vời rồi nhỉ; muốn thèm, muốn nhịn thở, muốn trêu ghẹo người khác cũng chả thế nào mà thực hiện được; đôi lúc người ta cũng cảm thấy hối tiếc thời gian đã trôi qua, không làm sao trở lại được!!!
Chúng tôi 6 đứa học cùng lớp, những đứa em út của gia đình Điện lực, trình diện Nha SXTĐ những ngày đầu trong cuộc đời mới lớn. Sợ hãi, lo lắng vì mới rời khỏi ghế nhà trường, xa lạ với những văn phòng rộng lớn quá, e thẹn trong những chiếc cà vạt không quen diện mà một ông thầy đàn anh dặn dò phải đeo vào khi nhận nhiệm sở mới. Mọi thủ tục đã xong, vẫn còn bẽn lẽn bên nhau thì may quá, đàn anh LD Trường đã ghé tai nói nhỏ: “Cởi mấy chiếc cà vạt ra đi”. Ôi sao mừng quá, cám ơn anh, tụi em đâu có muốn mang như vậy đâu, đeo bất đắc dĩ đó thôi. Thế là đã giải phóng được cái cổ, không có gì sung sướng bằng lúc đó.
Rồi những ngày sau đó, tôi được phân phối về trình diện ban quản đốc công trường nhà máy SACM BA QUEO. Lần này đã có kinh nghiệm rồi, tối thiểu có được một tuần kinh nghiệm, không cần đeo cà vạt nữa, kiếm đôi giầy đẹp nhất trong cuộc đời sinh viên, lấy xe Honda trực chỉ Bà Quẹo; hỏi đường mãi mới đến nơi, tìm mãi chả thấy bóng dáng nhà máy phát điện nào cả … Rồi, đây rồi, như là những hướng đạo sinh tìm được cục đá bên đường thay cho cái dấu hiệu nơi đến, một cái bảng nhỏ đề là Công trường Nhà máy. Theo mũi tên chỉ vào, bao nhiêu hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi mất tiêu cả, thần tượng trong tôi đã sụp đổ; trước mặt tôi là một cái nhà tranh nho nhỏ, làm nơi tạm trú của ban Quản đốc, bước khởi đầu của một công trường mà … Không dám nói ra, nhưng trong tôi vừa mới chực nghĩ đến, nếu không có cái bảng nho nhỏ ấy, mình cứ tưởng cái nhà này là cái lều của mấy anh … chăn vịt!!! Giữa những thửa đất ruộng rộng mênh mông, những con ruồi xanh to gần bằng … con dế, những vũng nước phèn loang lỗ, những đôi giầy bốt cao su to tướng để lội ruộng, những xe cơ giới đang đào đất rào rào, những đàn anh NV Thích, PĐ Nghi, VV Hoàng, TS Thực đón nhận thằng đàn em còn mới toanh gia nhập đại gia đình Điện lực. Có thể những đàn anh của tôi cũng không nhận ra, nhưng với những câu chuyện vui này, xin thay cho lời cảm ơn về những chỉ dẫn quí báu cho các đàn em của các anh.
Rồi ngày tháng qua đi, lại công trường Chợ quán với anh NT Ngọc, HM Cần và với các bạn bè Lợi, Tùng, Phương, Bẩy, Khánh và nhiều lắm không nhớ nổi nữa. Có những người nay đã thành người thiên cổ, có những người nay chả biết trôi giạt nơi đâu, nhưng dầu sao vẫn là những người anh, người bạn quý, những người đã cho tôi những kỷ niệm thật đáng trân trọng trong ký ức của tôi.
Sau những ngày dài trên quân trường trong thời gian Mùa Hè Đỏ Lửa, tôi lại được biệt phái về một nơi mà mấy năm trước đó, tôi đã đi giầy bốt cao su lội nước lõm bõm ở đó: BA QUEO, cho tới ngày mà người ta thường gọi đùa là … “đứt phim”.
Nơi đây bây giờ không còn là cái “lều chăn vịt”õ nữa, thay vào đó là một nhà máy lớn thật, với những ông Tây lúc nào cũng chỉ mặc quần sọt áo thun, miệng lúc nào cũng “Mẹc xà lù”, vẽ cái đầu lâu to tướng trên cái hòm đồ nghề. Chả bao giờ quên được những ngày cùng NH Thu, LT Phúc, Sơn trong cư xá bên cạnh nhà máy. Chả bao giờ quên được Phúc những ngày trong trại Trãng Lớn!!
Chiếc bè trôi giạt mang theo tôi, tắp vào cái miếng đất có cái kho to tướng có cái tên T&D đã dành cho ký ức tôi nhiều cái nhớ. Vẫn còn nhớ đến ông anh cả LT Căn sáng sớm đã đến sở trước cả tiếng đồng hồ, đứng ngoài cổng chờ nhân viên lục tục xuống xe buýt vào làm việc.
Vẫn còn nhớ đến anh Phạm Hữu Bình, người xếp trực tiếp của tôi, sau mấy chục năm không liên lạc mặc dù vẫn nhìn thấy hình ảnh trên Bản tin Thân hữu và lần đi Pháp năm ngoái, gọi điện thoại cho anh tại Pháp, xưng tên là Mỹ Bà Quẹo, anh đã nhận ngay ra tôi, gọi đúng tên họ, không phải là cái “tên ở đợ” như nói ở trên, mà là tên của cha mẹ đã đặt cho tôi. Anh hãy vui đi, vì có một thằng đàn em, tự nó tìm đến thăm anh tại một nơi xa xăm, trong một thời điểm mà anh chả còn một tý gì gọi là “power” đối với nó cả. Điều này chứng tỏ rằng trong quá khứ, anh đã không có điều gì khiến cho mất lòng ai. Một điều tôi vẫn tự nhủ và vẫn nói với các con mình là hãy sống và đứng bằng hai chân mình, đừng bao giờ đi bằng hai đầu gối cả các con nhé!!!
Vẫn nhớ tới anh Nguyễn Công Thuần, Nguyễn Văn Di. Một ý nghĩ, một câu hỏi bông đùa vừa mới thoáng qua trong đầu là sao 2 cái chữ đầu tiên tên của các anh lại trúng ngay chữ chương trình T&D này vậy ??? Quả là một sự tình cờ, trùng hợp lý thú đấy nhỉ!!! Và cùng với những người bạn lớn hơn tôi, bằng tuổi tôi và cả những người kém hơn tôi chừng vài tuổi, kể ra thì không hết được, chắc phải cả trang mới hết, tôi lúc nào cũng nhớ đến những kỷ niệm với các bạn. Dân T&D sao mà đông thế, nhưng sao ai cũng dễ thương và vui vẻ cả !!! (lấy điểm ghê quá, o bế để không biết có mục đích gì đây ???).
Vẫn còn nhớ đến những nhà kho lớn, những máy lạnh vĩ đại khiến cho các cô có cơ hội diện những chiếc áo lạnh đẹp nhất, nhưng chỉ ngồi trong phòng thôi chứ đi ra ngoài là mồ hôi tuôn ra như tắm. Những giàn xe công trường mầu đỏ chót, đậu kín cả sân trong những buổi chiều tan sở. Những xe buýt chở nhân viên, cái thì như là chiếc tầu ngầm, chiếc thì như là cái xe tăng, nhưng không lúc nào vắng tiếng cười đùa trong xe. Những ngày ăn cơm trưa không phải trả tiền, đi ăn cơm mà mang theo bộ bài tây, ăn trong lo lắng, không biết hôm nay mình có bị số xui phải trả hết không đây? Những câu nói bông đùa của “Thượng Sĩ”õ, không biết bây giờ cái túi cười của anh ta có còn phong phú không nhỉ, chỉ vẫn thấy ốm tong ốm teo. Những ngày gác Nhân Dân tự vệ, với những khẩu súng cũ kỹ, nặng như cái cùm, mà không biết khi bắn, đạn có ra được khỏi nòng hay không nữa? Những tà áo thướt tha của các cô sao mà lâu phai trong trí nhớ thế, chắc không phải chỉ riêng tôi đâu mà còn nhiều ai nữa đấy!!! Những ngày đi du lịch Đà lạt cả mấy xe buýt, sao vui thế nhỉ, hãy nhắc cho nhau nhớ lại đi chứ. Cái hình ảnh mà tôi thích nhất có lẽ là 2 cái ảnh cuối trong tập Thân Hữu Điện Lực năm 2001, những hình ảnh năm xưa của các bạn bè mình; có những người tôi chưa lần nào gặp lại, Khanh và Cường thì gặp luôn. Những hình ảnh đó theo tôi là quý nhất.
Mong rằng có một ngày, tình cờ gặp nhau ở một nơi nào đó, hay là tự nhiên chuông điện thoại reo vang và một người bạn đã vài chục năm chưa lần nào nói chuyện, gọi đến, chỉ để nhắc lại cho nhau nghe những chuyện đã qua. Những người già thường nói chuyện quá khứ, người ta hay nói như thế, phải chăng mình đã đến lúc đó rồi sao?
Cuộc vui nào cũng qua mau, có khi quá mau là đằng khác. Muốn thời gian ngưng lại cũng không được, thôi thế thì hãy vui lên để sống, hãy cho nhau những giây phút tốt đẹp, hãy gọi điện thoại cho nhau để cùng ôn lại những thời gian đã trôi qua. Mong ước chỉ nhỏ nhoi như thế mà không biết có được không nhỉ? Không, hy vọng chứ, hy vọng các bạn vẫn còn nhớ đến nhau, cho dù nhớ lơ mơ đi chăng nữa. Cám ơn những người đã có công thực hiện công việc nối vòng tay lớn, nối những liên hệ rời rạc để những người khác có cơ hội gặp nhau trong tình thân ái thật sự, không còn chức tước, cấp bậc, danh vọng, tiền tài. Gặp nhau không phải để khoe khoang thành tích, để phô trương mà chỉ có một mục đích nhớ lại những tình cảm năm xưa.
Cuối cùng đất nước đã đến hồi mạt vận, chúng tôi lại dẫn nhau đi đến một cái lều tranh khác mà người ta gọi là … trại cải tạo.
– Anh có tội không?
– Thưa không, tôi làm công tác kỹ thuật, tôi chả có bao giờ cầm súng nhả đạn vào ai cả.
– Không được, anh về suy nghĩ tiếp đi.
Suy nghĩ mãi đến bạc cả đầu. Rồi một hôm, chợt nghĩ ra, không đến nỗi như cái ông nào đó quên mất tên rồi, chạy ra khỏi phòng tắm mà quên mặc quần áo la hốt hoảng, tôi đã nhận một cái tội mà người ta chấp nhận :
“Tôi có cái tội là đã làm cho Điện lực, điện khí hóa nông thôn, mang điện về nhũng nơi hẻo lánh, làm cho các vùng nhà quê sáng sủa, cho mọi nhà có thể thắp đèn ngoài sân nên không ai có thể làm chuyện phá hoại được”.
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao. Xin Chúa tha cho con cái tội đã nói dối và lừa bịp, nhưng chả có hại đến ai cả!!!!!!
Nguyễn Xuân Mỹ
Trích tử BảnTin THDLVNHN