Chuyện nầy xãy ra vào khoảng năm 1978-1979, nên tôi xin nói trước, không phải là chuyện thơ mộng của thời Nông Lâm Mục Blao xa xưa. Tôi là người cô đơn từ thuở nhỏ, ít bạn bè, sống nhiều về nội tâm. Tuy nhiều tình cảm, tôi ít khi bộc lộ ra ngoài. Tôi hay “rơi lệ” khi xem những phim xã hội tình cảm và che dấu việc nầy rất kỹ. Tôi thường nhìn đời qua cặp mắt chủ quan của mình, giai đoạn và nhiều sai hơn đúng. Sau ngày rời trường Blao, tôi chỉ nhớ Thầy Hà Văn Thân qua môn học Cơ Khí Nông Nghiệp mà Thầy dạy tôi ở trường. Ai cũng biết Thầy đẹp trai, trắng trẻo, hiền lành như một thư sinh. Thầy hay mắc cở và đỏ mặt trước các cô nữ sinh. Thầy nói rặc giọng Nam Kỳ. Sau nầy nhờ đọc bài Hồi Ký Tập Sự Canh Nông của chị Trần Thị Cẩm Tuyến trong Âm Hưởng Blao, Kỷ Yếu Hải Ngoại của Khóa 2, tôi mới biết Thầy gốc người miền Trung.
Thầy Hà Văn Thân và Thầy Lê Văn Ký
Năm 1977, sau khi dự khóa tu nghiệp tại Long Thành, Thầy được tiếp tục đi học lớp cao cấp ngoài biên cương. Có lẻ đó là nhờ trước kia Thầy có giữ những chức vụ cao như GÐ Học Vụ Nông Lâm Súc, TGÐ Nông Nghiệp v.v… Trong khi Thầy theo đuổi nghiệp dĩ của mình, ở nhà Cô và các cháu phải sang Pháp định cư. Tội nghiệp Thầy lúc trở về rất cô quạnh. Tôi gặp lại Thầy trong bối cảnh nầy. Lần đầu tiên, tôi gặp Thầy ở Hội Trí Thức Yêu Nước. Chúng tôi thỉnh thoảng cùng tham dự sinh hoạt của Hội nầy. Sau nầy, vì định mệnh khắc nghiệt, tôi trở thành người độc thân, nên tôi có dịp gặp lại Thầy nhiều lần hơn.
Nhờ có ít vốn liếng trí óc, chúng tôi được giới thiệu đến Cơ Quan Dịch Vụ Kỹ Thuật của Thành Phố làm việc. Chúng tôi được tuyển dụng ngay mà không phải qua một thủ tục đặc biệt nào. Công việc làm nhàn: họp trình diện mỗi buổi sáng, chia nhu yếu phẩm và lảnh lương cuối tháng. Nhờ đó tôi có nhiều thời giờ gần gủi và chuyện trò thân mật với Thầy. Ở đây chúng tôi có dịp gặp lại nhiều người quen biết như: Anh Nguyễn Văn Hải – Công Ty Ðường Việt Nam, Chị Thuấn Anh – Y Tế, Anh Ðoàn Minh Quan mà trong ngành nông nghiệp ai cũng biết, Anh Trần Minh Hiệu – Tổng Cuộc Gia Cư, Anh Phạm Minh Dưởng – Thủy cục, Hỏa Xa, Kỹ Nghệ, Anh Hồ Tấn Phát – Ðiện Lực Việt Nam…
Chúng tôi thường họp lại nhà Anh Phát ở đuờng Sương Nguyệt Ánh để ăn uống và đánh bài kiều (bridge). Sau khi các anh Hải, Quan, Hiệu xuất ngoại, chúng tôi chỉ còn lại có bốn người: Anh Phát, Anh Dưởng, Thầy Thân và tôi. Bốn người độc thân trong đó Anh Phát, Anh Dưởng và Thầy Thân độc thân tại chỗ. Chỉ có tôi là thật sự độc thân nên tâm tư tôi lúc nào cũng ngổn ngang, phức tạp, không có chiều hướng ổn định như các anh ấy. Chương trình của chúng tôi mỗi ngày, ngày nào cũng gần như ngày nấy. Sáng sớm thể thao đi xe máy đạp đến gặp nhau ăn sáng lúc khoản 7:00 giờ. Tiệm hủ tiếu ở bên kia đường đối diện trường Collette và bịnh viện Hoa Liễu. Hủ tiếu và mì ở đây ngon không chỗ chê. Ăn xong chúng tôi mới đến cơ quan trình diện và họp hè nếu có phiên họp. Sau đó chúng tôi về nhà Anh Phát đánh bài.
Anh Dưởng cao bài nhất, tôi kém nhất nên họp một phe. Anh Phát và Thầy Thân phe kia. Sau khi chia bài, tôi thường hay liếc Thầy Thân để đoán bài. Có lần đoán trật nên gọi bài trật, Anh Dưởng lớn tiếng la tôi “Sao mày không đếm bài mà cứ ngó thằng Thân hoài!” Tôi không cảm thấy gì vì Anh Dưởng, người lớn tuổi nhất trong nhóm, gọi ai cũng bằng thằng hoặc bằng mày. Thầy Thân thì hơi đỏ mặt dù không lý do. Chúng tôi cá bài và ăn thua với nhau rất tận tình, không bằng tiền, mà bằng các điếu thuốc lá do cơ quan cung cấp như một thứ nhu yếu phẩm. Sau đó những điếu thuốc lá được đem đi bán ở chợ đen lấy tiền mua thực phẩm ăn chung. Hai anh Phát, Dưởng và Thầy Thân có tiếp tế từ bên ngoài.Tôi được các anh ấy đùm bọc vì không có ai gởi quà. Ai trong nhóm được giấy báo nhận quà, chúng tôi cũng vui như chính mình nhận được quà. Chúng tôi thường cùng nhau đi lảnh quà. Lảnh quà xong, ai cũng được chia phần.
Anh Phát và Anh Dưởng hơn tôi gần hai con giáp mà lúc nào tôi cũng gọi bằng anh. Thầy Thân hơn tôi có vài ba tuổi mà tôi luôn luôn gọi bằng thầy. Chắc chắn Thầy còn nhỏ tuổi hơn nhiều anh chị em sinh viên chúng mình. Thầy tuổi trẻ mà tài cao. Tôi cảm thấy Thầy áy náy cách tôi xưng hô với Thầy như thế trước mặt Anh Phát, Anh Dưởng và mọi người khác. Một lần ngồi ăn hủ tiếu, Thầy có đề nghị với tôi nên gọi Thầy bằng anh nghe cho gần gủi và thân mật. Tôi từ chối khéo viện lý “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôi thật sự rất hảnh diện là học trò của Thầy, không có một chút ngại ngùng gì khi gọi Thầy bằng thầy. Nhưng trong thâm tâm, đôi lúc tôi cũng muốn gọi bằng anh cho rồi. Rồi Anh Dưởng, kế đến Anh Phát được giấy bảo lảnh xuất ngoại và thật sự ra đi để lại còn một mình Thầy Thân và tôi. Tình cảm chúng tôi càng trở nên khắn khít vì đâu có còn bạn bè nào khác để chia sẽ những đắng cay của cuộc đời. Nhà Thầy ở trên đường chạy ngang chợ Tân Ðịnh. Biệt thự rộng lớn, từng dưới được mượn làm cơ quan. Thầy ở từng trên một mình. Tôi đến thăm Thầy gần như mỗi ngày và có thể xác nhận rằng lúc đó Thầy không có bạn trai hay bạn gái thân thiết nào khác ngoài tôi. Ngược lại, tôi cũng không có một bạn trai hay gái nào khác ngoài Thầy. Lúc đó không còn nhà Anh Phát để chúng tôi đến chơi nữa. Mỗi lần ăn hủ tiếu, chúng tôi nhớ và nhắc đến các bạn đồng thuyền: Anh Quan, Anh Hiện, Anh Phát, Anh Dưởng….Tuy Thầy còn nhà rộng lớn, Thầy không biết nấu ăn, tôi lại không tiện nấu cho Thầy. Chúng tôi luôn luôn đi ăn uống bên ngoài.
Thích nghi với hoàn cảnh mới, chúng tôi thay đổi thông lệ sinh hoạt hằng ngày. Công việc làm để sinh tồn cho qua ngày không có gì đáng nói. Chúng tôi sáng ăn cháo lòng ở Cầu Bông, trưa ăn phở ở Hiền Vương, tối ăn chè ở Tân Ðịnh… Có đôi lần tôi ngủ lại nhà Thầy. Thầy được vui mà tôi cũng thích vì tôi đâu còn có ai thân thiết. Chúng tôi nói cho nhau những suy tư và dự tính, chia sẽ những vui buồn. Tôi rất thông cảm với Thầy về những lo âu cho gia đình và tương lai. Trong hoàn cảnh đầy thử thách, Thầy lúc nào cũng nghỉ đến Cô đang chờ Thầy. Thầy nhớ đến các con đang lớn, trông chờ cha. Thầy mong xum hợp gia đình từng giờ, từng phút, từng giây… Chuyện gì phải đến đã đến. Thầy nhận được giấy báo tin cho biết ngày xuất ngoại. Tin vui của Thầy làm xáo trộn tình cảm của tôi. Tôi ích kỷ buồn vì rồi sẽ không còn dịp gặp Thầy, đi chơi, và cùng chia sẽ những nỗi vui buồn. Tôi không nhớ rỏ Thầy ra đi ngày nào và sự quyến luyến của tôi ra sao. Tôi đi đường tôi lúc nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết không có dịp gặp lại Thầy và không có thăm hỏi Thầy từ lúc đó. Thật là đáng trách! Tôi muốn kết luận rằng: “Tình bằng hữu hiếm có. Tình bằng hữu pha lẫn với tình thầy trò lại hiếm hơn. Tuy nhiên tình bằng hữu chỉ có thể tô điểm thêm, chớ không thay thế được tình thầy trò”. Các bạn nghỉ sao?
Phí Minh Tâm K2
Anh Chị Phí Minh Tâm đầu năm 2002