Ngày Xưa Tôi Đi Học – tùy bút của Sương Lam

Học trò các trường đã bắt đầu đi học trở lại sau mấy tháng hè.  Tôi đã nhận được nhiều điện thư của bạn hữu gửi đến tôi bài viết  “Tôi Đi Học” Của Thanh Tịnh”. Hình  như những người ở lứa tuổi U70- U80 như chúng tôi rất thích bài văn này vì gợi nhớ nhiều kỷ niệm ngày đầu tiên đi học chứ học trò học trường Mỹ  như con  cháu chúng ta hiện tại làm sao thấy được cái thi vị của bài viết đầy tình cảm này. 

Tôi thích nhất là đọc văn dưới đây:

“……Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã….. (Trích Tôi Đi Học ” của Thanh Tịnh)

Tôi lại lan man nhớ lại thời học trò  ngây thơ, hồn nhiên của tôi thuở thanh bình thạnh trị nơi quê nhà, xin được ghi lại đây gọi là chút “gợi nhớ hương xưa” đối với các bạn bây giờ đã bắt đầu bước vào tuổi “lảnh lương của chính phủ nơi xứ người. Ngày xưa chúng tôi 6 tuổi mới bắt đầu đi học trường tiểu học.  Bắt đầu là lớp năm,  chứ không có lớp mẫu giáo như bây giờ ở Mỹ  là phải đúng 5 tuổi tính đến ngày sinh mới được nhận vào lớp mẫu giáo (Kindergarten).

Học hết lớp năm, mới được lên lớp tư và cứ tuần tự lên lớp ba, lớp nhì, lớp nhất mỗi năm, nếu  có học lực trung bình thi đậu kỳ thi cuối năm, đừng có làm biếng học thì sẽ bị ở lại lớp ngay. 

Thời gian học tiểu học là vui nhất vì có giờ ra chơi được chạy nhảy tự do và được mua bánh trái , cà rem, me ngào, chuối chiên, bắp rang v…v… nếu ba má cho tiền mua quà  ăn vặt.

Người viết học trường tiểu học Võ Tánh ở Phú Nhuận. Được làm trưởng lớp phụ lấy phấn,  lau bảng, dọn dẹp bàn viết của thầy,  cầm giấy tờ của thầy, cô  giáo lên văn phòng hiệu trưởng, tóm lại là làm “tà lọt” cho thầy, cô giáo là một vinh dự, không phải trò nào muốn làm cũng được.  Bạn phải là học trò giỏi hay có quen biết với cô, thầy giáo mới được chọn làm trưởng lớp.  

Ba tôi là người sống cố cựu và có “mặt mũi” ở  Phú Nhuận nên  quen biết rất nhiều người, kể cả thầy cô giáo, ông hiệu trưởng, ông phó hiệu trưởng trường Võ Tánh. Người viết hồi nhỏ cũng lanh lợi, dễ thương, sáng dạ nên thường được chọn làm “tà lọt” cho thầy cô giáo. Ngon lành lắm chứ bộ!

Học hết lớp Nhât thì phải thi lấy bằng Tiểu Học.  Có đậu bằng tiểu học rồi thì mới được dự thi vào trường trung học công lập.  Vào thập niên 50, ở Sài Gòn chỉ có trường nữ Trung học Gia Long dành cho nữ sinh, và trường Petrus Ký dành cho nam sinh. Nữ sinh, nam sinh học riêng chứ không học chung như bây giờ và phải mặc đồng phục màu trắng khi đi học. 

Sau năm 1954 mới có thêm trường  Trưng Vương, Chu văn An  dành cho con em đồng bào  miền Bắc di cư vào  miền Nam năm 1954. Về sau số lượng học sinh tăng nhiều  nên nhà nước  mới lập thêm trường Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, Trần Lục v..v.. Học trò giàu có thể học trường Lasan Taberd hay học trường tư bên ngoài nếu không đậu vào trường trung học công lập.

Thi đậu vào các trường trung học công lập không phải là chuyện dễ vì bạn phải là học sinh giỏi mới có thể có tên trên “bảng giấy”  sau một kỳ thi tuyển toàn quốc để chọn “nhân tài”.  Một phần khác, bạn phải là người có số may mắn nữa mới được.  Nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học mà cũng bị “trợt vỏ chuối” hoài. 

Người viết có số may mắn nên thi đâu đậu đó, có lẽ nhờ má tôi  cho ăn chè đậu đỏ nhiều trước khi đi dự thi hay chăng?   Người viết vẫn nhớ ngày đi nghe kết quả trúng tuyển, mẹ tôi và tôi hồi hộp lắng nghe loa phóng thanh đọc tên và số báo danh của “sĩ tử” được trúng tuyển,   Lo sợ, hồi hộp lắm bạn ạ!  Khi nghe tên mình được xứng danh, tôi đã la lớn và nhảy tưng lên, xong rồi lại chen lấn dò xem có tên mình trên bản danh sách trúng tuyển được dán trong một khung lưới  trước cổng trường rồi mới chịu theo má tôi về nhà. 

Thế là con bé nhỏ nhắn bé tí tẹo kia bây giờ là nữ sinh một trường nữ trung học  danh tiếng nhất Việt Nam rồi đấy nhé.  Mẹ tôi đặt may ngay cho tôi hai bộ áo dài trắng để thay đổi khi đi học. 

Ngày đầu tiên đi học Gia Long, mẹ tôi phải dẫn tôi đi đến trường, tìm xe chở học trò   đón tôi  đi học và đưa tôi về nhà sau khi tan học. 

Chương trình  học ở trung học gồm có hai phần: Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp. Chương trình Trung học đệ nhất cấp dành cho học sinh lớp đệ thất (Mới vào năm thứ nhất), đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Cuối niên học mỗi lớp  sẽ có một kỳ thi lên lớp.  Nếu đậu  kỳ thi cuối niên học mới được lên lớp kế tiếp, nếu rớt thì phải ở lại lớp.  Thi rớt hai lần ở mỗi lớp  sẽ bị đuổi ra khỏi trường.  Cuối năm lớp Đệ Tứ là phải thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.  Nếu đậu, mới được tiếp tục lên học chương trình Trung học đệ nhị cấp.

Chương trình đệ nhị cấp gồm có lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Bắt đầu lớp đệ tam là học sinh phải chọn ban ngành để học cho đến hết chương trình đệ nhị cấp này.  Học sinh có thể chọn ban học tùy theo sở thích, khả năng của mình.  Có ba ban: ban A là ban  Lý Hóa Vạn  Vật, Ban B là ban Toán và Ban C là ban Văn Chương.  Tôi thì  “văn dốt toán dở” nên chỉ có ban A là thích hợp nhất tuy rằng  tôi cũng khoái thơ văn, thích làm thi sĩ lắm.

Hồi mới vào  học lớp Đệ thất, người viết rất khâm phục các bậc đàn chị học các lớp trên mình  nhất là các chị học chương trình đệ nhị cấp. Tôi thấy họ sao mà giỏi quá, không biết sau này mình có học được như vậy không?  Các chị lại là thiếu nữ 17, 18 tuổi rồi nên nhiều chị đẹp lắm.   Đám nhóc con như  tụi tôi đến giờ chơi là chạy về dãy lớp các chị để ngắm nhìn người đẹp rồi xuýt xoa, bàn tán, khen chê.  Thỉnh thoảng có mấy anh các lớp lớn  ở các hiệu đoàn khác đến bán báo  cho nhà trường, tụi tôi chạy theo nhìn với ánh mắt ngưỡng phuc.  Con nít mà!

Cuối năm Đệ Nhị là học sinh phải thi bằng Tú Tài 1. Đây là kỳ thi quan trọng, nhất là đối với nam sinh vì cuộc đời anh sẽ phải thay đổi  rất nhiều nếu anh rớt Tú tài 1 như câu hát dưới đây:

“Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ

 Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”

Anh sẽ không còn ôm mộng hải hồ, hoặc làm quan to chức lớn được vì anh sẽ phải lên đường đi thụ huấn ở Đồng Đế  học làm trung sĩ  mà thôi.

Còn phía nữ sinh thì cũng chỉ  còn con đường đi lấy chồng hay đi làm việc thư ký mà thôi,  nhưng không đến nỗi “thê thảm cuộc đời” như các anh nam sinh.

Đậu Tú tài 1 rồi thì mới được lên học lớp Đệ Nhất để tiếp tục thi Tú Tài 2 cuối năm và con đường tương lai mới được rộng mở sau cánh cửa Đại học, nếu bạn đậu Tú tài 2. Thi Tú Tài 1 và 2  ngày xưa  phải thi cả phần viết lẫn phần vấn đáp. Có đậu thi viết rồi mới được vô thi vấn đáp để gạn lọc lại thành phần “thi tủ” hay “quay phim”. Trời ơi! Cá muốn  vượt  được  “vũ môn” cũng mệt lắm  đấy! 

Theo thiển ý của người viết, thời áo trắng các trường trung học là thời kỳ  đẹp nhất, thơ mộng nhất  của đời học sinh vì khi bước chân vào đại học rồi thì bạn chỉ lo học làm sao cho ra trường sớm để đi làm việc cho rồi mà thôi chứ không có những phút giây mơ mộng nhiều như lúc còn học trung học. 

Sương Lam – Sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn.

Sương Lam

Scroll to TOP