Bích Huyền với đại gia đình : Bố Mẹ, bác sĩ Phạm Sĩ Thế , bác sĩ Phạm Anh Dũng và các em
Bỗng dưng hôm nay tôi lại tìm đọc được bài này trong rừng email …Bài viết của tôi đã nhiều năm qua để ghi lại cảm xúc của tôi về một người anh trai lớn trong đại gia dình họ Phạm chúng tôi: Bác sĩ Phạm Sĩ Thế, Thiếu tá Quân Y , Tổng Y Viện quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Xin chia xẻ cùng các bạn:
Bây giờ là hai giờ sáng.
Một đêm thao thức không ngủ, vào email chợt thấy tựa đề bài của mình viết năm rồi do anh Vi Sơn gửi. Ngạc nhiên vì quả thật tôi không nhớ là mình đã viết gì? Cám ơn anh Vi Sơn đã lưu trữ, càng cảm phục anh, một người điều hành nhóm rất xứng đáng được mọi người yêu quý, nể trọng.
Đêm nay tôi không ngủ được vì buồn khi biết là sắp mất người anh yêu thương: Bác sĩ Phạm Sĩ Thế.
Được tin anh tôi đang hấp hối, chúng tôi đang lo thu xếp công việc Tết để kịp sang Houston, Texas với anh để tiễn đưa anh, người anh trai thứ ba của gia đình chúng tôi, nhưng lại là người anh lớn nhất trong gia đình, vì năm 1954 chia đôi đất nước, khi di cư vào Nam, chỉ có anh là người theo trường Y Khoa di cư trước. Hai người anh lớn bị kẹt lại sau khi bố mẹ tôi dắt díu đàn con nhỏ dại vào Nam.
Anh vào Nam trước nên được chính phủ cho ở trong Đại học xá Minh Mạng, còn bố mẹ tôi và 5 chị em tôi thuê một căn phòng khách đường Trịnh Minh Thế, Khánh Hội.
Nhớ trời mưa, nước lụt cả nhà nằm chen chúc trên một chiếc giường lớn.
Sau đó bố mẹ tôi mua được một căn nhà nhỏ khoảng 3 x 7 mét, có gác xép.
Bài luận văn đầu tiên năm học đệ thất trường Trưng Vương, tôi được điểm trung bình là bài : Em hãy tả căn nhà của em đang ở , tôi mơ mộng tả một căn nhà rất xinh có vườn, có hoa có bướm. Trong khi bài luận văn của bạn tôi viết rất thật, được điểm cao nhất và được đọc cho cả lớp nghe.
Căn nhà bạn tôi viết nhỏ bé y chang như căn nhà tôi đang ở trong khu hẻm sâu đường Đỗ thành Nhân. Cũng là khu lao động mới thành lập. Anh chị em ngủ la liệt trên chiếu trải dưới sàn gỗ căn gác xép, sau mỗi tối ngồi học phải mang vali ra làm bàn viết ….
* Nhờ bài văn ấy của người bạn tôi mà tôi thực tế hơn .
Cuối tuần anh Thế tôi thường về nhà. Có phim nào hay ở rạp chiếu phim thường trực Lê Lợi, anh lại cho tôi và chị Dung đi xem. Hai chị em lúp xúp ngồi trên yên sau chiếc mobilette, anh chở tới rạp Lê Lợi, mua vé cho hai chị em vào, xem hết phim thì anh lại đến đón về.
Một hai năm sau, chúng tôi lớn hơn anh cho tiền để uốn tóc, làm dáng, nhưng hai chị em chỉ đi lên phố mua bản nhạc, đóng thành tập và xin học đàn.
Anh tôi đã thổi vào tâm hồn chúng tôi những gì tươi đẹp nhất qua những dòng nhạc tình ca , những hình ảnh khó quên qua những chuyện phim nổi tiếng thời ấy như Vacance Romain, My Fair Lady …
Anh tôi đẹp trai, học giỏi, được bạn học trường Y Khoa quý mến, là tấm gương sáng cho đàn em trong gia đình chúng tôi noi theo. Mỗi kỳ thi anh lại về nhà và dạy tôi ôn bài học.
Khi anh có gia đình riêng thì chị Dung vừa được học bổng 4 năm du học Mỹ, bố mẹ tôi khuyên tôi thi vào Quốc Gia Sư Phạm cấp tốc một năm để gia đình có đồng lương thay thế bố tôi chuẩn bị về hưu.
Tốt nghiệp ra trường với hạng cao nên tôi được chọn nhiệm sở ở Saigon , vì dạy có ít giờ nên tôi lại vừa tiếp tục đi học.
Anh Thế vẫn mua cho tôi thật nhiều quà như ví, nước hoa, son phấn, áo quần vải vóc mỗi khi anh có dịp xuất ngoại. Chị Dung cũng cho tôi rất nhiều quà ngoại quốc khi trở về nước.
* Dù sao, thời bên mái ấm gia đình vẫn là hạnh phúc nhất.
Anh Thế vẫn là chỗ dựa tinh thần của chúng tôi. Thương yêu chúng tôi rất mực.
* Gia đình nhỏ bé của tôi bị kẹt lại Saigon trong biến cố tháng 4/1975.
Năm 1990, khi tôi được sang Mỹ thì anh đã bị ngã bịnh rồi.
Biết anh đi là một giải thoát nhưng lòng tôi vẫn đau đớn lắm….
Bích Huyền