Nhóm Lửa Tình Thương

Tôi ghé thăm ông Tam. Nhìn căn nhà rộng rãi ông đang thuê, tôi cười, nói: “Thế nầy thì anh là vua rồi đó. Một mình mà ở căn nhà thênh thang, khang trang sạch sẽ. Ngon lành quá chừng”

Ông Tam cười cười: “Nhà nầy mà đem về Việt Nam, thì có thể ở được cả chục mạng. Rồi gọi là khu biệt thự.”

Tôi tiếp: “Bây giờ người ta gọi là ‘biệt thự cao cấp’ đó. Mà sao anh xài phí vô ích thế? Thuê chi căn nhà nầy cho tốn tiền. Để mà tiêu việc khác, có ích lợi hơn không?”

Ông Tam gãi đầu: “Mình nghèo rớt mồng tơi, đâu đủ sức mà chơi ngông. Tiền thuê căn nhà nầy, được chính phủ gánh trả phần lớn, người ở chỉ trả phần còn lại, chừng khoảng 30% lợi tức hàng tháng của mình mà thôi.”

Tôi ngạc nhiên: “Anh đã làm nên công trạng ghê gớm gì, mà nhà nước ưu đãi anh đến thế?”

Ông Tam: “Chả có cái công trạng gì cả. Mình chỉ ăn hại thêm thì có. Nhờ nghèo, nên chính phủ thương, phụ trả giúp phần lớn tiền thuê nhà. Anh biết đó, mấy người có lợi tức cao, thuê căn nhà trong khu nầy cũng phải trả khoảng một ngàn rưỡi đô mỗi tháng.”

“Thế thì anh phải trả bao nhiêu?”

“Khoảng dưới hai trăm rưỡi thôi. Chừng 30% tiền tôi lãnh hàng tháng. Tiền an sinh xã hội của tôi thấp, nên được Liên Bang cho thêm để ngang bằng với ‘tiền già’. Tiền già là tiền trợ cấp cho những người nghèo, tuổi từ 65 trở lên.”

 Tôi nháy mắt: “Anh đúng là vua rồi đó.”

Tôi nhìn ra ngoài cửa, thấy khu gia cư nầy như một cái công viên rộng rãi, bãi cỏ xanh mướt mênh mông, cây cao tỏa bóng mát. Những con đường sạch sẽ tráng xi măng chạy vòng vèo nối những dãy nhà trệt có bốn căn đâu lưng nhau. Mỗi căn dành riêng cho một gia đình. Ông Tam cho biết, khu nầy có đúng một trăm gia đình.

Tôi quan sát cái phòng khách rộng rãi thông với phần bếp, có tủ trên, tủ dưới, bàn rửa chén bát rộng bằng đá mài. Cái bếp có bốn lò, cũng khá rộng. Cạnh bếp có khoảng rộng kê bàn làm phòng ăn. Ông Tam đẩy cửa phòng ngủ cho tôi xem, phòng nầy có thể để được hai cái giường lớn. Phòng tắm cũng thênh thang và sáng láng.

Tôi nói đùa: “Anh có quen biết thế thần chi không? Có đút lót tiền bạc chạy chọt chi không, mà được ưu đãi thế nầy. Trong lúc cũng có một số người Mỹ chính cống, sinh đẻ ra và lớn lên trên đất nước nầy, mà không nhà cửa, đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, xin ăn hàng ngày?”

Ông Tam lắc đầu: “Đút lót tiền bạc để ở tù cho sớm à? Nước Mỹ chứ đâu phải xứ mình. Tôi làm chi mà có thần thế quen biết. Còn những người Mỹ đi lang thang không nhà, ngủ hè ngủ chợ, xin tiền, đói khát, thì ngoài sự hiểu biết của tôi. Có lẽ họ cũng có vấn đề và uẩn khúc chi đó. Chứ như tôi đây, lãnh tiền an sinh xã hội, có nhiều tháng không cần tiêu một xu tiền ăn nào cả.”

Tôi ngạc nhiên: “Ủa, anh không ăn uống, nhịn đói sao? Hay là có bà nào quanh đây cung phụng, dâng cơm, bưng nước cho anh hàng ngày?”

Ông Tam kéo tôi vào bếp, mở mấy cánh cửa tủ ra, chỉ cho tôi thức ăn chất đầy ngập bên trong. Nào là gạo, bánh mì lát, bánh mì ổ, phô-ma, bánh ngọt, mì ống, thịt hộp, cá hộp, khoai tây, hành củ, dầu ăn, và nhiều thứ khác nhau nữa. Rồi ông kéo cửa tủ lạnh ra, cho tôi xem nhiều loại rau cải, và nào là sữa, bơ, xúc xích, mứt trái cây vân vân. Ông vỗ vai tôi và nói: “Mỗi tuần hai lần, đi lãnh hai bao to tổ bố các thức ăn nầy. Một mình tôi ăn không hết, phải đem chia cho các nhà khác. Nhiều người không dám lãnh vì không có nơi chứa, cất, để hư hỏng uổng của trời. Có người vô ý thức, lãnh về, cái gì không ăn, thì đem quẳng vào thùng rác. Phí của trời, phí của hội từ thiện. Họ không nghĩ đến công lao của những người làm ra, không nghĩ đến tấm lòng của những người đem cho. Đôi khi tôi muốn nhắc nhở, nhưng rồi ngại mất tình láng giềng. Họ cũng không nghĩ đến trên thế giới nầy, còn có cả bao nhiêu tỉ người thiếu ăn. Đừng nói chi xa, bên Việt Nam mình cũng còn không biết bao nhiêu người hàng ngày không đủ thức ăn cho no bụng. Ngay cả chúng mình, từng đói rã họng trong thời tù tội, và đói cả sau khi ra tù, khoai sắn độn. Phí bỏ thức ăn là có tội lớn lắm.”

Tôi gật đầu tán đồng. Ông Tam tiếp: “Được cho thức ăn ê hề như thế nầy, không ngốn hết, thì việc chi mà vung tiền ra mua thứ khác? Bởi vậy, nên có nhiều tháng, tôi còn nguyên tiền lãnh về. Nhưng không phải dễ đâu nhé. Nếu sở xã hội thấy kết toán trong trương mục ngân hàng của mình, còn trên hai ngàn đồng, thì họ cắt phăng ngay trợ cấp trong tháng tới. Bởi vậy, tôi phải canh chừng và kéo tiền mặt ra cất riêng. Làm như thế, mình cũng đã là gian rồi. Theo đúng luật, nếu còn có tiền tiêu, thì không có quyền lãnh thêm. Để tiền đó cho người khác, hoặc làm việc công ích. Nhưng mà nầy, mình đâu phải là ông thánh mà chê tiền trên trời rớt xuống. Luật đặt ra, không thể bao biện hết tất cả các ngõ ngách, các hoàn cảnh của xã hội, tương đối thôi. Không lẽ luật phạt cái thằng tiện tặn, và khuyến khích ăn hiêu hoang phí. Riêng tôi đây, nếu cho ăn tiêu thả dàn, thì chừng đó tiền, mình tiêu vèo đi ngay, trong một hai ngày là sạch bách, không còn một xu. Chừng đó tiền, mình ăn tiêu thong thả mà không hết, nhưng với người Mỹ, thì chật vật khổ sở lắm lắm.”

Tôi hơi lo lắng: “Anh có biết cất tiền mặt trong nhà vô cùng nguy hiểm không? Bọn cướp biết được, sẽ viếng thăm, và đôi khi còn tra tấn, đánh đập, bẻ răng, bắt chỉ chỗ cất giấu tiền. Nhiều ông già, bà già bị cướp tấn công, giết chóc cũng vì cất tiền mặt đó.”

Ông Tam cười hì hì: “Tôi biết. Tôi biết. Nhưng tôi đâu có ngu dại gì.”

“Thế thì anh cất đâu số tiền lớn như vậy? Tôi nghĩ bây giờ chắc anh đã giàu sụ rồi đó. Không ăn tiêu chi cả. Mặc thì toàn đồ cũ của thiên hạ thải ra. Không có xe cộ. Không tốn tiền xăng nhớt, bảo hiểm, bảo trì. Cũng chẳng có chơi gì ngoài mấy cái máy vi tính cũ mèm đó. À, hay là anh có nuôi mấy ‘con gà’ chân dài móng đỏ? Các thứ nầy, tốn kém không biết bao nhiêu cho vừa.”

Ông Tam phát vào vai tôi: “Đừng nghĩ bậy. Tôi đâu có ngu dại. Tuổi nầy khôn có sạn. Dễ chi ai lừa được.”

“Thế thì anh để dành cho nhiều tiền làm chi? Mai mốt chết đi ai xài? Đáng ra bây giờ anh phải tiêu xài cho chính bản thân anh. Phải biết tự thương mình trước, rồi mới thương người khác sau. Anh có thấy những kẻ nói câu ‘lo cái lo của thiên hạ trước, và vui với cái vui của mình sau’ toàn cả bọn bịp bợm, gian ác, lừa phỉnh không?”

Trầm ngâm một lúc, Tam nói: “Tôi không có nhu cầu vui chơi tiêu xài. Có thể đó cũng là một thiệt thòi cho bản thân. Nhưng tôi bằng lòng với cái hiện tại đang có. Thế nầy là đã quá dư, quá đủ rồi. Anh có hỏi tôi cất tiền mặt ở đâu cho an toàn? Tôi đã cất vào trái tim, vào tình thương.”

“Tôi chưa hiểu ý anh nói.”

Với giọng trầm trầm, ông Tam kể: “Chắc anh không biết, ngày xưa bố tôi bỏ đi đâu biệt tích. Mẹ tôi không nghề, chẳng vốn để buôn bán, đi làm công lặt vặt, ngày có, ngày không. Anh em tôi đói rách, ăn mỗi ngày một bữa là thường. Mùa đông, nhiều khi không có cháo húp. Thế mà mẹ tôi cũng rán cho tôi đi học. Những khi đến trường với cái bụng rỗng, ngồi trong lớp ruột sôi sột soạt, mắt hoa mày váng. Mỗi đêm, tôi phải lặn lội trong mưa gió, rét mướt, ướt át, của thành phố mưa dầm, đi bán hột vịt lộn kiếm thêm tiền cho mẹ. Những khi vào bán cho các nhà quen, tôi kéo nón che mặt, và đổi giọng nói ồm ồm, vì sợ bị nhận diện, xấu hổ. Nhưng rồi lũ bạn học cũng biết được, vào lớp trêu chọc, đặt cho tôi biệt danh là “Tam vịt lộn”. Chúng nó bêu rếu dai dẳng, làm tôi đến phát khóc. Đáng ra tôi phải vênh cái mặt lên mà hãnh diện vì biết làm việc giúp mẹ, nhưng khi đó tự ái, xấu hổ. Tôi về khóc với mẹ, không chịu đi bán hột vịt lộn nữa. Mẹ không nói, chỉ ôm tôi mà khóc theo. Một thời gian sau, tôi chuyển qua bán bánh mì nóng ban đêm. Tôi che kín mặt, đổi giọng mà rao, có khi bán cho những thằng bạn trong lớp, mà chúng cũng không nhận ra tôi. Đi bán suốt đêm, đến khuya mới về, mệt lăn ra ngủ, không có thì giờ học bài, nên những khi thầy giáo kêu đến tên tôi khảo bài học, thì cả lớp đều cười ồ lên, vì chúng biết chắc tôi không thuộc bài. Những lúc đó, tôi đỏ mặt xấu hổ muốn độn thổ. Nhưng tôi vẫn được lên lớp đều đều, nhờ biết chăm chú nghe trong khi thầy giảng bài. Dù không còn bán hột vịt nữa, nhưng cái tên “Tam Vịt Lộn” vẫn cứ đeo chặt theo tôi cho đến mấy chục năm sau chưa xoá được. Tôi rán theo học, vì nghe lời mẹ nói rằng, muốn tránh đói nghèo, thì con phải rán học. Tôi vì sợ đói mà gắng học. May mắn, một cô giáo cũ thời tiểu học, biết được hoàn cảnh khó khăn của mẹ con tôi, nên tận tình giúp đỡ. Mỗi năm, cô kiếm sách vở cũ của những học sinh trên tôi một lớp, đem cho. Cho một vài bộ áo quần cũ, có cái đã rách sờn, nhưng đối với tôi là quá sang trọng. Thỉnh thoảng, cô giúp mẹ tôi chừng chục lon gạo, dù cô cũng nghèo. Có khi cảm động, tôi ấp úng nói sau nầy sẽ tìm cách trả lại ơn cho cô. Cô cười hiền, bảo đừng trả cho cô, mà trả cho những người khó khăn cần giúp đỡ. Lời cô tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Như mới nghe hôm qua. Bởi vậy, từ mấy chục năm nay, tôi vẫn đều đều cấp học bổng cho các cháu con nhà nghèo, để có điều kiện theo học. Đó cũng là cách trả nợ, đền đáp lại mối ân tình của cô giáo ngày xưa. Anh đừng ngạc nhiên thấy tôi ăn tiêu keo kiệt, tiền để dành, tôi tiêu hết vào việc làm từ thiện.”

          Nghe mà cảm động. Tôi hỏi: “Anh cấp học bổng bằng cánh nào, cho ai?”

Ông đưa cho tôi hai tập hồ sơ dày cộm, bên trong có những tờ thư kể hoàn cảnh khó khăn của gia đình, để xin trợ giúp. Tôi chưa kịp đọc, ông Tam tiếp: “Tôi trợ cấp cho các cháu sinh viên, học sinh hiếu học bên Việt Nam để tiếp tục học vấn, không bỏ cuộc nửa chừng. Nhiều cháu được cấp học bổng từ khi vào đại học, cho đến khi ra trường. Tiền học bổng có khi để phụ vào chi phí sách vở, áo quần, tiêu pha vặt vãnh. Nhưng cũng có nhiều cháu được cấp đủ cho tất cả mọi chi phí ăn, trọ, di chuyển, sách vở. Khi cấp, tôi không gọi là học bổng, mà gọi là cho vay. Vay danh dự. Khi vay, các cháu phải hứa lúc thành tài, bất cứ lúc nào trong đời, khi có công việc làm ăn khá, điều kiện kinh tế vững vàng, sẽ tiếp tục cho vay lại, ít nhất là hai cháu khác ăn học, giống như các cháu đang được vay bây giờ. Vay tiền của tôi, không trả cho tôi, mà sẽ thay tôi cho ngưòi khác vay lại. Tôi hy vọng, cứ một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám, cứ nhân lên mãi. Như thế cái vốn bỏ ra ban đầu không bao nhiêu, mà sau nầy lan rộng theo cấp số nhân theo thời gian. Ngoài mục đích giúp cho các cháu ăn học, tôi còn muốn gieo vào lòng chúng một niềm tin, rằng không phải đời toàn cả đấu tranh, chà đạp lên nhau để tiến thân, mà còn nhiều điều tử tế khác nữa. Tôi nhóm lên một ánh lửa tình thương, xua bớt những ý niệm đen tối đã được trui rèn, nhồi nhét trong xã hội đó, như hận thù giai cấp, đấu tranh gay gắt, tận diệt giới nầy, giới kia…”

Tôi thở dài: “Ở tuổi gần đất xa trời nầy mà anh còn lý tưởng quá. Tôi mong rằng, niềm hy vọng của anh mai sau sẽ không là viển vông. Khi anh cho vay với lời hứa suông, chẳng có gì ràng buộc, anh có nghĩ rằng, sẽ có nhiều con nợ lờ đi, giả vờ quên món nợ không?”

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra được cả. Chắc chắn, sẽ có đứa quên mất lời hứa, quên món nợ. Ngày xưa cô giáo cũ giúp tôi, giúp không điều kiện, chẳng bắt hứa hẹn gì cả, nay tôi buộc các cháu vào một tiếng ‘vay’, thì cũng đã là nặng lắm rồi, mất bớt cái ý nghĩa ‘thiện’ một phần nào rồi. Dù sao, tôi cứ tin tưởng, những hy sinh của tôi sẽ có kết quả tốt cho mai sau. Tôi gieo một nhân lành, và tin sẽ sinh nhiều quả tốt.”

Ông Tam mời tôi ở lại ăn cơm trưa. Ông vào bếp loay hoay một lúc, rồi bưng ra hai dĩa cơm, và hai chén canh rau nấu bằng lò vi ba. Dĩa cơm có năm cọng măng tây, một quệt nước ‘xốt’ béo màu trắng, một nhúm cơm, hai đùi gà chiên, mấy lát cà chua, mấy khoanh dưa leo, đậu nấu, cà dê tím nướng.

Tôi ngạc nhiên: “Trời. Bày vẽ quá. Còn sang hơn ăn tiệm nữa đấy!”

“Toàn cả là thực phẩm lãnh được mà thôi. Vấn đề là làm sao mà chế biến cho ngon, cho đặc biệt.”- Ông Tam cười cười trả lời.

Ăn xong, còn được tráng miệng bằng lát bánh bông lan dày cộm. Tôi nói: “Bánh nầy thì phải mua ngoài tiệm rồi, ai mà cung cấp cho anh?” Ông Tam nói: “Tội chi mà mua cho tốn tiền. Người ta cung cấp, mình tội gì không hưởng?”

Sau bữa cơm, nghỉ một lát, ông Tam dẫn tôi đi ra thư viện của khu gia cư nầy. Có một phòng họp lớn, phòng tập thể dục, phòng đọc sách, phòng máy vi tính, văn phòng điều hành, và một khu sinh hoạt bên ngoài. Trên cái bàn lớn bằng đá mài, có bánh trái, nhiều loại rau cỏ, trái cây, mì ống, bánh mì mềm, bánh mì cứng, bánh mì ổ loại rất đắt bán trong các siêu thị, nhiều bao “oat meal”, nho khô, hộp nước cốt gà, thịt hộp, hai ổ bánh bông lan, mấy chai nước ngọt. Chừng gần hai chục thứ thức ăn để đầy bàn. Bàn bên cạnh, có hai cái máy pha cà phê, ly giấy và trà gói trong bao. Tôi nghĩ hôm nay có tiệc tùng đặc biết chi đó.

Ông Tam hỏi tôi có ăn uống gì thêm không. Nếu muốn thì cứ lấy ăn tự do. Các thức ăn nầy dành cho các gia đình ở trong khu cư xá. Ai muốn ăn gì cứ thì lấy, nhưng mỗi món, không được lấy quá ba cái, vì cần để dành cho người đến sau. Tôi càng ngạc nhiên, vì đã ở Mỹ hơn ba chục năm, mà chưa biết có nơi thức ăn cho không để ngổn ngang như thế nầy. Những loại bánh mì đặc biệt, nhiều khi tôi muốn mua thử, nhưng thấy giá đắt quá, chùn tay lại, vì sợ không ăn được thì bỏ phí. Thế mà nó cũng có trên cái bàn nầy.

Trở lại nhà, ông Tam bỏ một ít thức ăn vào hộp nhựa xốp, rồi nhờ tôi chở ra phố. Bảo dừng lại ở một góc đường. Ông đến đưa hộp thức ăn cho một cụ già không nhà, râu ria rậm rạp, bạc phơ, áo quần nhiều lớp căng phồng, đang nằm bên hè phố, ôm con chó lớn kê mõm lên tay ông. Ông cụ không nhà thấy ông Tam thì vùng dậy, đỡ hộp thức ăn, và cám ơn rối rít. Ông khạc khạc mấy tiếng và hỏi: “Không có lon nước ngọt nào sao?” Ông Tam lắc đầu, và lên xe, dục tôi đi. Tôi hỏi: “Anh quen biết với ông cụ nầy thế nào?” Ông Tam cười: “Không quen biết chi cả. Cứ một vài hôm, tôi đem cho một phần cơm. Cho y đỡ đói. Cũng là trả lại một phần ơn nghĩa cho xứ sở nầy, đã mở rộng vòng tay cưu mang, khi chúng ta bị ruồng rẫy, áp bức, hăm dọa chính ngay trên quê mẹ mình.” Tôi thắc mắc: “Sao xã hội ưu đãi chúng ta, những người không sinh ra trên đất nước nầy, chưa đóng góp chi nhiều, gọi là xứng đáng, mà không ai lo cho những người như ông cụ nầy, con dân chính gốc?” Thở dài, ông Tam nói rất nhỏ: “Có lẽ không ai giúp cho những người bệnh tâm thần nầy được, vì họ từ chối sự trợ giúp. Nước Mỹ có đến hơn nửa triệu người lang thang như ông nầy. Cũng có rất nhiều cơ quan từ thiện, cơ quan chính quyền, muốn giúp đỡ họ, nhưng cũng không giải quyết hết, vấn đề chính là họ bị bệnh, không muốn hợp tác, không chịu xin trợ cấp xã hội. Mà đôi khi luật lệ cũng cứng nhắc, họ không xin được, vì không có giấy tờ gì cả, không còn nhớ số an sinh xã hội, và cũng không có địa chỉ nhất định. Thì cũng chịu thua.”

Buổi chiều, ông Tam kỳ kèo mời tôi ngủ lại một hôm, hàn huyên chuyện trò. Cơm tối cũng thịnh soạn, ngon lành. Tôi nghĩ không chừng ông nầy ăn ngon và vệ sinh hơn nhiều bạn già khác.

Trong lúc uống trà, tôi tần ngần hỏi: “Thế thì vợ anh mất năm nào? Các cháu có ở gần đây không?”

Im lặng một lúc lâu, ông Tam thở dài nhè nhẹ: “Vợ tôi, ừ, vợ tôi vẫn còn sống đấy chứ, đang ở Việt Nam. Khi tôi đi tù về, lang thang lùng tìm suốt hai năm mới được gặp. Khi đó, bà đang ở khu kinh tế mới Bình Tuy, đã có chồng khác. Sau khi tôi đi tù, mẹ con bơ vơ, cùng quẫn, đói rét, trôi dạt về vùng kinh tế mới. Phải kiếm nơi nương tựa để sống còn. Chúng tôi gặp lại nhau, có cả anh chồng mới. Anh nầy cũng hiền lành, tốt bụng. Tôi có đề nghị vợ tôi quay về, nhưng bà lắc đầu bảo thôi, chuyện đã lỡ rồi, bây giờ cũng tạm yên thân. Tôi thì đang sa cơ lỡ vận, lêu bêu không nhà không cửa, nếu vợ tôi có quay về, thì biết đem đi đâu. Chúng tôi chỉ có một đứa con gái. Sau nầy nó theo bạn đi vượt biên và mất tích trên biển. Tất cả đều là nạn nhân của thời cuộc. Mỗi năm, tôi cũng có nhờ người gởi giúp cho gia đình của vợ tôi năm bảy trăm đô, cho đỡ khổ. Làm rẫy thì may lắm khỏi ăn độn khoai sắn. Người gởi là bạn cũ của bà ấy, tôi dấu mặt, cho mọi sự xuôi chèo mát mái.”

Tôi hỏi nhỏ: “Thế thì anh cũng còn thương bà ấy?” Ông Tam lắc đầu, lẫy Kiều, đổi hai câu: ‘Tiếc thay chút nghĩa cũ càng. Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng’, thành câu sau, để xác định lòng ông đã thanh thản, lãng quên:

“Tiếc chi chút nghĩa cũ càng ?
Đã lìa ngó ý, thôi vương tơ lòng”

Đêm đã khuya, có con chim hạc nào đó đang bay qua trên thành phố, kêu vài tiếng nghe buồn buồn vang xa giữa trời. Tôi nghe tiếng ngáy của ông Tam, và tôi cũng chìm mau vào giấc ngủ yên bình ./.

Tràm Cà Mau

Scroll to TOP