Chúng ta hãy lùi lại đến đời Hùng Vương thứ 17 để tìm một người ngoại lai, tên là Mai An Tiêm, mới 7 tuổi do thuyền buôn chở đến. Người này có lẽ thuộc giống Mã Lai, hoặc Indonésien, là những sắc dân có tiếng bơi lội và chèo ghe rất giỏi. Hùng Vương bèn mua về làm con nuôi, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhờ biết nhiều việc.
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp soạn vào cuối nhà Trần, thì An Tiêm rất được vua Hùng Vương yêu chuộng. An Tiêm sinh ra kiêu mãn, thường nói rằng tất cả những của cải là vật tiền thân, chớ không phải trông nhờ vào nơi ơn Chúa.
Vua Hùng Vương nghe nói cả giận, bèn đày An Tiêm ra một hòn đảo ngoài cửa biển Nga Sơn. thuộc tỉnh Thanh Hóa, gần cửa bề Thần Phù. Nơi đây không có dấu chân người lai vãng. Vua chỉ cho mang theo ít lương thực đủ sống bốn, năm tháng mà thôi, ăn hết tất phải chết. Dụng ý nhà vua là muốn cho AnTiêm hồi tâm mà chấp nhận rằng không có vật tiền thân, mà tất cả là ơn vua lộc nước.
Mai An Tiêm không một chút sờn lòng, bèn bảo vợ là Việt Nga rằng: “Trời đã sinh thì Trời phải dưỡng, có lo gì?”
Chẳng bao lâu, vào cuối xuân đầu hạ, An Tiêm bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu trên một mỏm núi cao, kêu lên ba tiếng, thì sáu bảy hạt dưa rơi trên cát, rồi đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi thành trái dưa, nhiều không kể xiết.
An Tiêm mừng rỡ nói rằng: “Đây đâu phải là quái vật, đó là Trời cho để ta nuôi ta đó!”
An Tiêm bèn bổ dưa ra ăn thì thấy mùi vị thơm tho ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn, rồi cứ mỗi năm trồng tỉa thêm, ăn không hết bèn đem thả trôi ngoài biển mỗi ngày 10 trái, có khắc chữ, với mục đích làm cho các ghe thuyền chài lưới và buôn bán trong vùng duyên hải để ý mà tìm tới xuất xứ. Quả thật ít lâu sau, có nhiều ghe thuyền tìm tới đổi gạo lấy dưa, đem về đất liền mà bán.
Mai An Tiêm cũng nhân cơ hội đổi dưa lấy gạo nuôi vợ con. Nhưng vì không biết dưa ấy tên gì, mới nhân chim tha từ phương Tây đem đến, bèn đặt tên là “Tây qua”. Về sau An Tiêm gây được giống dưa thật tốt mới nghĩ tới vợ, là con quan lạc tướng mà phải chịu đựng bao cảnh nhọc nhằn, mới đặt tên là “Việt Nga qua”.
Từ đó những dân chài lưới, những kẻ buôn bán ưa thích mùi vị của Tây qua, đều đem phẩm vật hàng hóa của mình tới đây đổi lấy dưa. Nhân dân các nơi xa gần, từ trên nguồn xuống tới biển, tấp nập tìm tới tranh nhau mua hạt giống, đem về gieo trồng tỉa khắp nơi Hòn đảo của An Tiêm cũng trở thành một hải cảng phồn thịnh khác thường. Nhân dân bèn suy tôn vợ chồng An Tiêm là “Tây Qua Phụ Mẫu”.
Sau một thời gian khá lâu, Hùng Vương nghe tiếng đồn mà nhớ tới An Tiêm, bèn sai người tìm tới chỗ An Tiêm để dò thăm tin tức. Người ấy trở về tâu sự thực lên Hùng Vương. Vương than rằng: ”Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực quả không nói dối vậy!”
Hùng Vương bèn triệu Mai An Tiêm về, cho phục chức và cho thêm tỳ thiếp, rồi đặt tên chỗ An Tiêm khai phá là “An Tiêm Sa Châu”; thôn ấy là Mai An, đến nay dân địa phưong còn thỉnh trái Tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự hàng năm.
Hòn đảo của An Tiêm còn có tên là Qua Châu, nơi sản xuất quả dưa dỏ, thưòng có tên là dưa hấu. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Quảng Bình, mục Thổ Sản thì dưa hấu danh tiếng nhất được sản xuất tại Hữu Cung, huyện Phong Lộc, tức là phủ Quảng Ninh bây giờ.
Dân địa phương gọi nơi đây là Hoa Cai, Hậu Cai, thay vì dùng danh từ Hán-Việt Hữu Cung. Còn quả dưa đỏ dân miền Nam gọi là dưa hấu, do danh từ “hảo qua” của người Tàu mà biến thành. Hảo qua có nghĩa là quả dưa ngon ngọt, hiền lành.
Trước ngày đảo chánh Nhật, mồng 9 tháng 3 năm 1945, tôi đã nhiều lần đến sân bay Hữu Cung mua dưa hấu. Dưa hình thuẫn, to lớn, cân nặng tới năm,bảy kí, vỏ xanh lòng đỏ như đôi môi thắm tuơi của trinh nữ, hạt huyền đen nhánh như hàm răng của giai nhân nước Việt cổ điển. Khi ăn vào thì mát ruột, khoan khoái trong người, tưởng như xua đuổi được mọi sự ưu phiền, mệt nhọc trên cõi trần ai. Rồi ta tưởng nhớ tới An Tiêm, anh chàng Robinson đầu tiên của nước Việt, đã tự túc tự lập trên hoang đảo Qua Châu, nhờ sức phấn đấu kiên cường và niềm tin tuyệt đối nơi Thượng Đế.
Hương Giang Thái Văn Kiểm
Trích “Việt Nam Gấm Hoa”
Làng Văn xuất bản tháng 1 năm 1997