Chuyện lẩm cẩm khi về hưu – Tràm Cà Mau

Tôi về hưu đã gần một năm, thì giờ nhàn  rỗi, không có cháu ngoại cháu nội để bận bịu,  để thương mê, thương mệt, mà bám vào chúng,  nâng niu chăm sóc, cho cha mẹ chúng khỏe  khoắn, sung sướng thong dong, mà ông bà thì  mệt nhọc phờ phạc, lo lắng, thì giờ eo hẹp,  không dám đi đâu, vì kẹt cháu không ai chăm  sóc cho đàng hoàng. Đôi khi còn bị con cái  nghi ngờ là ông bà không chăm sóc chu đáo, để các cháu mắc bệnh, cảm mạo. Tôi cũng không  có dự định tương lai nào để phải hoàn thành,  ước mơ nào để thực hiện trong thời gian hưu trí  rảnh rỗi. Tội chi mà mang vào thân cho mệt.  Khi trẻ, còn nhiều hăng hái, nhiệt huyết, mà  chưa làm, thì mong chi làm được trong thời  gian ngắn ngủi còn lại khi sức cùng lực kiệt.  Tôi thả nổi thời gian, tận hưởng cái nhàn nhã,  cho nó trôi qua, mà không tiếc nuối chi cả.  

Đang định đi chơi xa một chuyến, thì nghe  tin ông nhạc gia tôi bị đứng tim, chết ngất mấy  phút trong lúc đang ăn trong tiệm. Được đưa  vào bệnh viện cấp cứu, sống lại, đang nằm nhà  thương. Bà xã tôi hối phải về thăm.  

Buổi sáng ra đi khi trời đất còn mù tăm.  Không khí trong lành, mát mẻ. Xa lộ trống trải,  xe cộ lưa thưa. Thong dong khỏe khoắn. Tôi  vặn nhạc vui buổi sáng, nghe những chuyện tếu  trên đài phát thanh. Đi dần về hướng đông và  một hồi sau, thấy chân trời ửng hồng, như một  đám cháy lớn, càng lúc càng lan rộng. Rồi một  mặt trời đỏ ối, chín như sắt nung, dần dần trồi  lên cao. Tôi lái đi trong thanh thản, thả xe  buông trôi theo cùng vận tốc của đám người  phía trước. Vận tốc cho phép là 70 dặm một  giờ, mà kim đồng hồ thường chỉ 85. Cứ đi  chừng hai giờ, thì tôi ghé vào trạm nghỉ ngơi  bên đường, để giãn gân cốt cho cái lưng già,  rửa mặt, và xả nước thừa trong bụng. Đồng thời  đi bộ một vài vòng, vươn vai, hít thở, lấy lại khỏe khoắn, đề tìm cái tỉnh táo cho đoạn đường  tới. Tôi nói với vợ rằng, cứ thong thả mà đi như thế này, thì có thể đi quanh trái đất vài vòng  cũng được, không sợ gì cả.  

Khi đã đi được 300 dặm, đến một trạm đổ xăng, móc tiền trả, tôi mới giật mình, biết rằng,  tất cả giấy tờ nằm trong cái ví mà tôi để quên  lại tại nhà. Cũng tại vì cởi cái áo khoác ra trong  khi đi vào nhà cầu, và mặc lại cái áo khoác  khác rồi ra đi. 

– Kẹt quá chừng. Bằng lái xe, giấy  chủ quyền xe, chứng minh bảo hiểm, thẻ tín  dụng, tất cả đều nằm trong cái áo kia. Nếu có ai  hỏi giấy tờ, thì tôi trơ thân cụ ra mà thôi. Tôi  nhớ, có nhiều ông bạn bị phạt vì quên bằng lái  xe ở nhà, mà tội danh là lái xe không bằng lái,  và họ phạt cả tội lái xe không có giấy chủ quyền, không có chứng minh bảo hiểm. Dù là  để quên ở nhà. Không xuất trình được, là xem  như không có. Nghĩa là không có quyền quên.  Với pháp luật, quên là có tội, quên là bị phạt vạ cho lần sau sau khỏi quên. Nhưng tôi không  ngại pháp luật, vì pháp luật thì phạt vạ, tốn tiền,  cứ chấp nhận, mà chỉ ngại bị vợ cằn nhằn khổ cái con ráy. Tôi như người có tội, tần ngần mở lời thú tội:  

“ Em đưa cho anh một ít tiền đổ xăng. Anh  quên cái ví ở nhà rồi. Tất cả giấy tờ đều không  có.”  

Vợ tôi hốt hoảng, nhăn mặt và nói:  

“ Em đã nhắc anh không biết bao nhiêu lần  rồi, mà cũng thế. Mỗi khi nhắc, thì lại giận.”  Tôi biết vợ nhắc vì thương, nhưng nhắc đi  nhắc lại mãi những điều không cần thiết, xem  tôi như một đứa trẻ con, thì tôi bực mình nên  thường làm mặt giận. Tôi nắm lấy cái tội già  của mình, mà đổ riết cho nó, thì xong chuyện :  “Già thì phải quên, đó cũng chuyện thường.  Thôi mà. ”  

“ Nhưng sao mà lại để quên bằng lái xe, để quên ví ở nhà. Sáng nay em đã nhắc rồi.” 
“Em nhắc chuyện khác, chứ có nhắc bằng  lái xe đâu?”  

“ Cả ngàn lần quên, quên mãi, mà không  cho nhắc nhở !”  

“ Kìa, oan cho anh không? Mấy chục năm  nay, mới quên bằng lái lần đầu, đâu mà cả ngàn  lần?”  

Sau khi đổ xăng xong, vợ tôi nói như ra  lệnh:  

“ Quay về. Quay về lấy giấy tờ rồi trở lại.”  Tôi nghĩ đến đoạn đường 300 dặm phải  quay lại mà ngán ngẩm. Nếu quay lại, thì rồi  phải lái xe ngược về, tổng cộng trên ngàn dặm  thì có sức voi, may ra chịu nỗi, huống chi tuổi  tác sức lực mình không có bao lăm. Vả lại, 300  dặm không có giấy tờ cũng ngán lắm. Thà đi tới  thêm 150 dặm nữa, tới nơi rồi tính sau. Có lẽ lấy máy bay, hay đi xe đò về thì đỡ mệt hơn.  Giá như vợ tôi nhẹ nhàng, ngọt ngào mà yêu  cầu tôi quay về, thì có khi tôi cũng xiêu lòng  làm theo. Nhưng vợ tôi nói như ra lệnh, thì tôi  phải đi tới, vì đi tới thì có lý hơn là quay lui. Vợ tôi ngồi trong xe, nhăn nhó, ôm đầu than:  “ Trời ơi, sao mà tôi khổ như thế này?”  Tôi nghe mà chột dạ, và tức cười. Tôi dịu  dàng nói:  

“ Em nghĩ cho kỹ xem. Một người lái xe  300 dặm vận tốc 85 đến 90 dặm, mắt phải chú ý  nhìn, trí óc phải tập trung để tránh xe chạy ẩu,  và một người ngồi phè đọc báo, nghe nhạc, ngủ lơ mơ, thì ai là người khổ hơn?”  

Vợ tôi giận, mở cửa bước ra khỏi xe, có ý  như nếu không quay trở lại, thì sẽ không đi  cùng. Tôi ngồi yên, chưa biết làm sao để dỗ dành đàn bà khi giận dỗi. Tôi nói:  

“ Em muốn quay lui cũng được. Bây giờ mình tìm một khách sạn nào đó, ở lại nghỉ ngơi  một hai ngày, cho anh lại sức, rồi quay về. Khi  về nhà, có lẽ anh cũng cần nghỉ ngơi một thời  gian nữa, mới đi trở lại. Cũng không sao cả.”  

Tôi vờ lái xe thụt tới thụt lui, để dọa rằng,  ừ, thì ở đó mà đón xe taxi, xe bus, máy bay về một mình. Thực sự, sức mấy mà tôi nhẫn tâm  bỏ bà vợ ở một nơi xa lạ như vậy. Một lúc sau,  vợ tôi lại lên xe và nói:  

“Thôi tiếp tục đi. Em nghĩ ra rồi, bây giờ cũng không làm chi được nữa, cứ vui đi kẻo  uổng một ngày sống”  

Tôi nghe mà thương vợ vô cùng. Nếu như cứ giận nhau, bực nhau mãi, tranh đua hơn  thua, thì chỉ thiệt thòi cho cả hai mà thôi.  Không ai lợi cả. Một ngày của đời sống trôi  qua, mà không bao giờ lấy lại được. Nhiều bà  khác cứ khăng khăng giữ ý kiến, không cần biết  đúng hay sai. Hành động cho đã nư, đã tức, chứ không phải làm cho đời sống ý nghĩa hơn, tốt  đẹp hơn. Tôi thương vợ tôi nhiều ở cái chỗ ít  khi giận dai, giận đó, rồi hết giận ngay, vợ chồng vui vẻ ngay. Chúng tôi lại vui vẻ với  nhau. Có được một bà vợ biết điều, cũng là đại  phước. Tôi nhớ, có cái bản nhạc hát rằng:  “Ngày xưa em anh hay hờn dỗi…” Chắc mấy cô  em hờ hay hờn dỗi đó, cũng bị vô số anh trai  vắt giò lên cổ cao chạy xa bay, vì không muốn  thấy cái mặt cau có khó chịu. Chưa chi mà đã  hay hờn dỗi, sau này về làm vợ, thì chỉ có nước  từ chết tới bị thương. Ngu chi mà không tránh  trước.  

Về đến quận Cam, Orange County sau 1 giờ trưa. Không có bằng lái nhưng cứ ghé vào tiệm  ăn trưa đã, mọi sự tính sau. Về nhà, lái vào nhà  xe, thế là yên. Vấn đề là làm sao lấy lại cái  bằng lái. Vợ tôi kêu điện thoại cho anh chị hàng  xóm ở miền Bắc Cali, anh đề nghị tình nguyện  đem giúp cái ví của tôi xuống, rồi anh lấy xe trở về. Tôi nghe mà vừa cảm động, sung sướng, và  vừa xấu hổ cho mình. Cảm động sung sướng vì  có bạn tốt, xấu hổ vì mình không có được tấm  lòng tử tế của ông bạn. Ông bạn còn lớn tuổi  hơn tôi.  

Hôm sau, vợ tôi đi riêng với mấy bà chị. Tôi  có xe nhưng không dám lái, sợ rắc rối, lôi thôi,  bèn mang sau lưng một cái bị học trò, bỏ một ít  sách đọc. Trong lưng không có giấy tờ gì cả.  Tôi đi bộ, định lang thang chơi. Nắng lên vàng  phơn phớt, ấm áp, cảnh vật buổi sáng đẹp và  đáng yêu. Lòng tôi phơi phới, sung sướng nghĩ rằng, giờ này mọi người đang ngồi trong sở,  hoặc làm việc trong các hãng sản xuất, đang  mệt nhọc, lo lắng nhức đầu vì chạy theo cơm  áo, mà tôi đi lang thang, rảnh rỗi, không mục  đích, không lo lắng, không bận bịu chi cả. Đời  sao may mắn và sung sướng đến thế nầy. Tôi  cười và chào hỏi sức khỏe mấy người Mỹ không quen biết đi trên đường, ngược chiều, và  cả người xuôi chiều. Họ ríu rít lịch sự cảm ơn. 

“Chào. Ông bà có mạnh khỏe không? Hôm  nay trời đẹp quá.”  

“Cám ơn, chúng tôi khỏe lắm. Vâng, trời  quá đẹp. Còn sức khỏe ông ra sao?”  

” Cám ơn, sức khỏe tôi ngon lành. Chúc ông  bà một ngày vui”  

“ Tôi cũng chúc ông một ngày sung sướng.”  Tôi đi, và cười nói vui vẻ với vài người  đồng hành trên lề đường. Họ vui, và tôi cũng  vui, nói chuyện tếu, như bạn bè quen biết trước  từ lâu. Con người nơi dây sao cởi mở và thân  thiện dễ dàng quá. Có lẽ họ sống trong thanh bình, no ấm lâu ngày nên có thái độ cởi mở, dễ dàng hơn khi ra ngoài đường chăng. Hay là đó  cái văn hóa của xứ họ?  

Đi ngang một công trường đang xây cất, tôi  đứng khựng lại vì khứu giác bắt được cái mùi  bê-tông ướt, mùi xi măng. Tôi hít thở thật đầy  hai buồng phổi, cho đỡ nhớ. Cái mùi nầy, nhắc  nhở tôi cái thời gian yêu dấu đẹp đẽ ba bốn  chục năm trước từ bên quê nhà, khi tôi phụ trách những công trường, hay về sau, những khi  đi thăm công trường xây dựng. Mùi nầy dẫn tôi  về quá khứ xa xôi, khi mới lớn, xây đắp nhiều  mộng ước, khi vừa biết yêu, và những mối tình  “chay” thơ mộng lãng mạn không tưởng.  Những giai nhân ngày xưa, nay chắc đã móm  mém xiêu vẹo nhăn nheo cả rồi. Mới đó mà đã  ba bốn chục năm trôi qua. Hơn hai mươi lăm  năm nay, tôi ngồi trong văn phòng làm việc kỹ thuật, và né tránh đi ra công trường vì ngại gió  bụi, xe cộ, nắng mưa.  

Tôi tiếp tục đi lang thang và lắng nghe lũ chim vui hát trong tàn cây bên đường. Tôi thấy  mình là người sung sướng, không vương một  hệ lụy nào. ( Chỉ hơi phiền là không có giấy tờ chi cả, không có cái bằng lái xe). Tôi đang đi,  thì nghe tiếng kêu, quay phắt lại, thấy một ông  Mỹ da đen mốc xì, áo hở bụng đầy lông lá, ăn  mặc dơ dáy xốc xếch, mặt mày dữ dằn hung ác,  đang đuổi theo, đưa tay ngoắt tôi. Tôi hơi ngại,  đi mau hơn. Ông đuổi theo kịp, tôi hơi hốt  hoảng vì sợ bị tấn công. Ông chìa cho tôi tấm  giấy bạc 20 đồng và nói:  

“ Từ trong túi quần anh rơi ra. Tôi nhặt  được, trả lại anh.”  

Tôi hoảng hồn, mò vào túi, và không chắc  tiền đó của tôi hay không. Tôi hơi ngượng vì  

hiểu lầm qua dáng vẻ bề ngoài của ông khách  bộ hành, tôi hỏi:  

“Ông có chắc thấy tiền nầy từ túi tôi rơi ra  không?”  

“Đúng, chính mắt tôi thấy.”  

Chưa hoàn hồn vì chuyện ông Mỹ , tôi đi  ngang qua một trạm xe buýt, thấy hai ông Việt  Nam đang đứng nói chuyện, tôi chào hỏi:  

” Chào hai bác, có khỏe mạnh không?.”  Một trong hai ông quay phắt lại trả lời:  “Không quen biết chi cả. Tôi không quen  biết anh.”  

Nói xong ông quay đầu đi. Tôi thì ngỡ ngàng, và hơi ngượng, nhưng cũng thấy tức  cười vì thái độ lịch sự khác lạ của ông đồng  hương. Tôi bước tiếp, nhưng thấy xe buýt trờ tới, vội vã quay lui và leo lên trước khi xe  chuyển bánh. Dù bị hai ông đồng hương khước  từ câu chào hỏi, tôi vẫn không bỏ được thói  chào người không quen, tôi nói với người lái  xe:  

” Chào bà, có khỏe mạnh không? Cho tôi  một cái vé người già.”  

“ Anh bao nhiêu tuổi mà mua vé người  già?”  

“ Sáu mươi lăm tuổi”  

“ Anh không thể sáu lăm tuổi được, xin cho  tôi xem bằng lái xe hay giấy tờ chứng minh tuổi  già.”  

Tôi không có giấy tờ chi cả, đành chịu thua,  móc tiền trả vé bình thường. Bà tài xế cười:  “Tôi biết mà, anh không qua mặt tôi được  đâu. Quá lắm, anh cũng chừng năm mươi là  cùng.”  

Tôi cười, cám ơn bà tài xế đã rộng rãi đánh  giá tuổi tôi ít hơn 15 năm. Đàn bà mà được ai  khen như thế nầy, thì chắc sướng lịm người đi,  và về nhà ăn thêm được ba chén cơm. Thấy tôi  cứ nhấp nhỏm nhìn tên đường mãi, một thanh  niên người Mễ ngồi cạnh tôi hỏi:  

“ Anh muốn xuống trạm nào?”  

“ Trạm nào gần sở Lộ Vận nhất”  

Xe lúc lắc, làm tôi chợp mắt, giấc ngủ đến  bất ngờ. Người thanh niên lay tôi, đánh thức:  “Đến nơi rồi, xuống xe đi!”  

“ Cám ơn, cám ơn”  

Tôi hốt hoảng vùng dậy chạy ra cửa, nhảy  xuống xe, rồi vươn vai cho đỡ mệt mõi, thì thấy một bóng người ngã nhoài ra, nằm sấp trên mặt  đất, định thần nhìn kỹ, thấy chính là ông đồng  hương đã nạt tôi, khi tôi chào hỏi. Có lẽ người  đi sau đạp lên dây giày bị sút của ông, làm  vướng chân mà ngã sấp. Bàn tay của ông chảy  máu, mặt ông nhăn nhó như cái bị rách, có lẽ 

đau lắm. Tôi sực nhớ trong cái bị đeo trên lưng  có mấy miếng băng cấp cứu, vội ngồi xuống  đường, dán băng cấp cứu vào nơi rách da chảy  máu cho ông. Tôi rán không để máu ông vấy  lên tay mình. Biết đâu trong máu nầy có viêm  gan, liệt kháng, hay các thứ truyền nhiểm khác,  cẩn thận là hơn. Ông nầy ngững lên, nhìn ra tôi  là người đã chào ông khi nãy, mà ông bảo là  không quen biết. Ông nói nho nhỏ:  

“ Có phải hồi nãy anh muốn xin tiền tôi  không?”  

Tôi lắc đầu lia lịa:  

“Không. Không. Ông hiểu lầm rồi. Tôi chưa  xin tiền ai bao giờ.”  

Tôi nhìn lại mình, ăn mặc giản dị nhưng  cũng đủ lịch sự, không đến nỗi bần hàn xơ xác  để bị tưởng lầm với người đi xin tiền. Mà chỉ ông đồng hương nầy thôi, còn các ông bà Mỹ khác trên phố, ai cũng chuyện trò vui vẻ, lịch  sự. Tôi sực nhớ chuyện một anh bạn tôi, kỹ sư Công Chánh, bị gảy chân, bó bột, chống nạng,  và mang cái áo bành tô dài, đứng chờ bà vợ trước một tiệm sang trọng trong thành phố San  Francisco, anh bị một bà hành khất không nhà  la lối đuổi đi, không cho đứng đó. Bà nói: “Đây  là chỗ của trao đã xí phần bao năm nay. Mày từ đâu tới dành chỗ của bà? Cút đi ngay” . Anh  bạn tôi sợ hãi, đứng qua bên tiệm khác mà chờ vợ.  

 Tôi vào sở Lộ Vận, lấy một con số, và ngồi  chờ, nhìn thiên hạ chung quanh. Ai cũng có vẻ nôn nao, gấp gáp. Tôi thì cứ thong thả, từ từ.  Cũng mất chỉ mười lăm phút là được gọi. Tôi  nói thật với cô thư ký là để quên bằng lái xe tại  nhà, tận miền Bắc California. Hỏi cô bây giờ làm sao mà lái xe. Cô cười rất tử tế, bảo tôi  điền đơn xin phó bản, đóng 20 đồng lệ phí, và  dắt tôi đi chụp hình lại. Chỉ trong vòng mười  phút là xong. Cô cấp cho tôi một cái giấy tạm  để lái xe trong khi chờ bằng lái chính thức gởi  về tận nhà. Dễ như chơi. Cái cô thư ký nầy thật  là niềm nở và tử tế. Nhiều người có kinh nghiệm nhận xét rằng, đa số công chức làm  những việc có tiếp xúc với công chúng, thường  thường mất đi cái ngọt ngào tử tế với những kẻ mà họ phục vụ. Rất nhiều người trở thành lạnh  lùng, khô khan, khó khăn và gắt gỏng. Có lẽ vì  phải tiếp xúc với nhiều kẻ có những câu hỏi mà  họ nghĩ là vớ vẫn, ngây ngô, những đòi hỏi vô  lý, những ngộ nhận. Phải giải thích, phải trả lời, lặp lại, họ chán ngán, bực mình, và thành ra  khó khăn, gắt gỏng chăng? Đôi khi cái gắt gỏng  lạnh lùng đó trở thành thói quen trong nếp sống  của họ luôn.  

Tôi ra ngoài, rút tờ giấy, viết một cái thơ ngắn, gởi cho ông Tổng Giám Đốc Lộ Vận  California, lấy tư cách của một công dân đóng  thuế, khen cô Cecile nầy, và đề nghị ông khen  thưởng cho cô. Bỏ thơ vào thùng xong, tôi thấy  buồn cười và hơi ngượng với chính mình, vì chỉ ở bọn “Bác Đảng” có mấy năm thôi, mà đã  nhiễm cái thói ưa cho người khác ăn bánh vẽ.  Nhớ lời vợ yêu cầu, tôi vào một quán bán  băng nhạc, định mua chục cái dĩa nhạc bỏ vào  xe mà nghe trong lúc đi đường xa. Bởi các băng  nhạc hay đều để quên lại tại nhà. Quán vắng  hoe, chị chủ quán có vẻ ủ rủ ngồi ngáp vặt. Tôi  tìm chưa được những cuốn băng có nhạc mà tôi  quen và thích. Tôi hỏi chị bán hàng:  “ Chị có băng nhạc nào hay, xin chỉ giúp tôi  với”  

Chị đưa cho tôi năm sáu dĩa nhạc, loại nhạc  mới, do ca sĩ bên Việt Nam hát mà gào như mèo đêm động đực. Nhạc không hợp với tôi.  Tôi cám ơn, để lại trên kệ, rồi đi vòng qua các  kệ khác tìm thêm. Đang tìm, thì tôi thấy chị bán  hàng chạy ra chỗ tôi đứng, mặt mày nhăn nhó,  gầm to lên:  

“ Không mua thì hỏi làm chi? Tại sao không  mua mà hỏi?”  

Tôi bở ngở, bàng hoàng, vì từ lâu chưa thấy  người bán hàng nào gắt gỏng với khách, nên  hơi bực mình, nói:  

“ Tôi chưa tìm được dĩa nào vừa ý.”  “ Biết bao nhiêu dĩa, mà không tìm được dĩa  nào là sao? Không mua thì đừng hỏi”  “ Chị buôn bán kiểu nầy, đối xử với khách  hàng như thế nầy, thì e đóng cửa tiệm sớm mà  thôi”  

“Ừ, thì cũng sắp đóng cửa rồi đó.” 
Đến đây, tôi chợt tự trách mình, đáng ra im  lặng mà bỏ đi thì hơn, nói qua nói lại làm chi  cho bực mình cả đôi bên, không ích lợi gì, mà  còn tỏ ra thiếu tử tế với người, và thiếu tử tế với  cả mình. Có lẽ chị nầy chưa quen lối buôn bán  tại Mỹ. Ở Việt Nam nhiều người bán hàng la  mắng, nặng lời sỉ nhục khách hàng hằng ngày,  thế mà họ vẫn sống mạnh, sống hùng. Tôi chợt  nhớ, chừng hai chục năm trước, đầu thập niên  80, trong các quán ăn Việt Nam tại Mỹ, chủ quán và người dọn bàn đa số là đám thiên thần  gãy cánh. Họ là giáo sư, luật sư, quan tòa,  tướng tá, giám đốc, tổng giám đốc, mệnh phụ phu nhân. Những đám chủ nhân lẫn công nhân  nầy mặt mày buồn hiu, nặng nề, hồn như vướng  vất trên mây, làm việc miễn cưỡng, khinh khỉnh  với khách hàng. Như thầm bảo, chúng mày đâu  biết ta là ai, chúng mầy là cái thá gì mà bắt ông,  bà phải hầu hạ, phục dịch, bưng thức ăn. Những  bát phở, những dĩa cơm đưa ra, dằn lên bàn  loảng xoảng, như ném vào mặt thực khách, như thí cho đám cô hồn ăn. Khách hàng đa số cũng  là loại đại nhẫn, chịu đựng, vì thèm thức ăn  Việt Nam quá, nên tuy không vui, mà cũng im  lặng là vàng. Ngày nay, cái đám thiên thần gãy  cánh ấy đã không còn nữa, hoặc họ đã nhú cánh  mới, hoặc đã bị đào thải ra khỏi thương trường,  vì vi phạm nguyên tắc căn bản sơ đẳng nhất của  ngành thương mãi, là thiếu tử tế với khách  hàng. Ông bạn tôi cũng vậy, quen làm quan lớn,  khi ra thương mãi, thấy khách hàng nào lấc cấc,  thì ông không bán, lắc đầu lia lịa, cái gì cũng  hết rồi, hết rồi. Kết thúc cho cửa hàng của ông  ra sao, thì kẻ ngu si đần độn nhất cũng đoán  được. Quán ăn Việt Nam ngày nay chuyển vào  tay các thế hệ mới, khôn ngoan và thông hiểu  luật chơi hơn, đối xử với khách hàng lịch sự không thua gì các tiệm Mỹ, miễn sao móc được  tiền, còn thực khách là cha căng chú kiết nào  cũng không cần biết. Bị chị bán hàng trong  tiệm băng nhạc cự nự, từ đó, tôi e ngại luôn cả những tiệm Việt Nam khác, không dám ghé vào  xem hàng, mua hàng hóa.  

Tôi gặp một chị bạn, chào hỏi vui vẻ. Trước  khi chia tay, chị nói: “Anh hớt tóc đi. Dài quá  rồi. Chỉ có sáu đồng thôi, tiệm ở góc đường  Harbor và Mc Fadden” Tôi cười. Cái đầu tóc bù  xù rậm rịt của tôi, có khối anh bị hói thèm cho  nhỏ dãi ra cũng không có được. Tôi đã đọc  được cái thèm thuồng ấy trong ánh mắt của  đám bạn cùng tuổi, hoặc thua tôi chừng cả mười lăm tuổi. Có người phải đi trồng thêm tóc  để cưới vợ, mỗi sợi bị chém cả chục đồng. Có  người phải vớt một mớ tóc lưa thưa từ sau ra  phía trước để làm một cái màn thưa che phần  hói. Có người, cái trán kéo cao lên tận đỉnh  đầu, láng bóng, họ không hãnh diện vì cái đầu  có dáng bác học, mà họ lại hơi mặc cảm. Thế thì cái đầu tóc dài rậm của tôi ở tuổi nầy, là một  thứ của quý, mà chị bạn không biết, tử tế xúi tôi  đem cắt đi.  

Tôi về nhà, nhận được vi thư của đám bạn  thời trung học, mời đi ăn, họp mặt nói chuyện  đời cho vui trong tuổi già. Cuộc họp mặt quy tụ được 15 ông già và sáu bà . Năm bà là vợ các  bạn, một bà là bạn học cùng lứa vào thuở xa  xưa. Tuổi già, có được những cuộc họp mặt  như thế nầy là một thứ hạnh phúc quý báu,  không dễ chi có được. Mấy ông già nhắc lại  chuyện hoang nghịch ngày xưa, đi phá làng,  phá xóm, chọc ghẹo cô nầy, ngắm nghía cô  kia. Nhắc lại những giai nhân sắc nước hương  trời, mà ngày nay đã thành méo mó lệch lạc. Ăn  uống thì phụ, mà hàn huyên là chính. Nói mãi  không hết chuyện, ăn xong, kéo nhau ra ngoài  sân quán, nói chuyện thêm cả gần một giờ sau  mới giải tán. Một anh ngâm nga:  

“ Mai sau đời có buồn tênh  

Về đây đốt lửa ngồi canh tuổi già  

Kiếp người bóng ngựa song qua,  

Trăm năm oanh liệt cũng là hư không . ” 

Nơi quê người, mà có được bấy nhiêu bè  bạn sưởi ấm lòng già, thì lấy chi mà đong cho  hết cái hạnh phúc nầy? Trong đám bạn già nầy,  có vài ba anh còn đi làm việc. Họ quan niệm  rằng, còn có sức khỏe, thì còn đóng góp ích lợi  cho xã hội. Họ cũng có lý. Nhưng người nghỉ việc rong chơi sau bao nhiêu năm hiến dâng  sức khỏe, hiến dâng tuổi trẻ cho đời, thì cũng  có lý nốt.  

Cuộc đời có nhiều mặt, mặt nào cũng đúng  cả.  

Mùa đông 2005  

Tràm Cà Mau

Scroll to TOP