VOV.VN – Đó là Bức tường Chiến tranh Việt Nam bằng đá đen, khắc tên hơn 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall) hay còn gọi là Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nằm trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) tại trung tâm thủ đô Washington DC, Mỹ.
Bức tường làm bằng đá đen hình chữ V nằm với chiều dài mỗi cạnh khoảng 75 mét. Mỗi bức tường được ghép lại từ 72 tấm đá hoa cương quý lấy từ thành phố Bangalore của Ấn độ và được đánh số theo thứ tự. Trên bức tường đen láng bóng có khắc tên của hơn 58.000 người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những cái tên được khắc chi chít từng hàng, theo thứ tự ngày báo tử hoặc mất tích. Trong trường hợp những người mất tích còn sống trở về, tên họ sẽ được khoanh tròn như biểu tượng của sự sống.
Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại Washington DC – một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất khi tới thủ đô của Mỹ.
Bức tường được khởi công xây dựng ngày 26/3/1982 theo thiết kế của cô sinh viên kiến trúc trẻ người Mỹ gốc Hoa và khánh thành vào ngày 13/11 cùng năm với chi phí là 9 triệu USD, do các cựu chiến binh Mỹ, các tổ chức nhân đạo và tư nhân đóng góp. Ý tưởng xây dựng bức tường cũng đã được khởi xướng từ một nhóm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington DC, những người đã lập Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam để quyên góp tiền xây dựng tượng Đài này.
Kể từ khi được khánh thành đến nay, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm được thăm viếng nhiều ở thủ đô Washington DC với khoảng 4 triệu lượt người tới thăm hằng năm.
Hầu như ngày nào cũng có những người Mỹ, người ngoại quốc và khách du lịch muôn nơi đến thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam… Khi đến đây, dường như bước chân của mọi người đều chậm lại, nhẹ nhàng và lặng lẽ hơn. Nhiều người dừng chân đọc những cái tên khắc trên đó. Có người trầm tư tìm dòng chữ ghi tên người thân hoặc bạn bè mình để đặt hoa phía dưới. Có người gục đầu vào bức tường, người thì đứng lặng, tay sờ nhẹ lên những cái tên. Có phụ nữ thầm lau nước mắt… Đây đó, có người đang dùng bút chì cà trên tờ giấy trắng để lấy mẫu tên người đã khuất trên mặt đá. Có người khác khi ra về đã để lại bức thư hay tấm ảnh. Bên chân bức tường có lúc còn có bài thơ, cả những tấm huân chương, chiếc ủng lính, chai rượu uống dở…
Bức tường đá đen khắc 58.000 tên tuổi với từng ấy số phận khác nhau, tự bản thân nó nói lên sự bi thảm của chiến tranh, một cuộc chiến tranh với những người lính Mỹ là vô nghĩa và lẽ ra không nên có trong lịch sử Hoa Kỳ. Người Mỹ cũng bị cuộc chiến này ám ảnh suốt mấy thập kỷ.
Ở bên kia bán cầu, cuộc chiến đã gây ra mất mát vô cùng to lớn cho đất nước Việt Nam với hàng triệu người ngã xuống. Chiến tranh đã lùi xa bốn chục năm, vậy mà hậu quả đau thương của nó vẫn còn hiển hiện khắp nơi. Nhiều người dân Việt Nam vẫn đang phải sống trong những nỗi đau thời hậu chiến.
Tại Quảng trường Quốc gia Washington DC, các đài tưởng niệm quanh đó đều có màu trắng với kiến trúc uy nghi, đồ sộ, cái thì có dáng cao vút lên trời tượng trưng cho sức mạnh và lòng tự hào. Trong khi đó, bức tường của Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam thật khiêm nhường, nhưng nó lại khiến dân tộc Mỹ gợi nhớ về một trang sử đen tối của đất nước này.
Tờ Washingtonian tháng Mười năm 2002 đã có nhận xét về màu đen của Đài tưởng niệm trong một thành phố nổi tiếng về những toà kiến trúc bằng đá cẩm thạch trắng như thế này: “Tại thủ đô của một quốc gia nơi mà những cuộc chiến tranh luôn được nhớ đến như những chiến thắng, nó (Đài tưởng niệm) nhắc nhở về một cuộc chiến kết thúc tồi tệ”.
Bức tường đen thật sự gây nên cảm xúc nhức nhối cho nhiều người. Nó đã gợi lại một chặng đường mấy chục năm kéo dài của cuộc chiến tranh tàn khốc và những hậu quả nặng nề để lại cho cả 2 nước Việt Nam và Mỹ. Và dù ở phía nào, bên thắng trận hay bên thua trận thì cái chết của những người lính luôn là nỗi đau khôn cùng đối với gia đình và người thân của họ. Bức tường là lời nhắc nhở nhân loại rằng, không thể lặp lại những cuộc chiến tương tự và trách nhiệm của người đang sống là phải làm sao để cánh chim hòa bình mãi mãi tung bay trên khắp thế gian này.
Vài hình ảnh về Bức tường chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC:
Vào thời điểm khánh thành, tháng 11/1982, bức tường có tên của 57.939 lính Mỹ đã chết hoặc mất tích tại chiến trường Việt Nam. Bức tường liên tục bổ sung tên của những binh lính mới được xác định, và hiện có hơn 58.000 tên của các quân nhân nam nữ.
Hầu như ngày nào cũng có những người Mỹ, người ngoại quốc và khách du lịch đến thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam…Mỗi người tới đây có một tâm trạng khác nhau.
Bước chân của mọi người dường như chậm lại, nhẹ nhàng hơn khi đi dọc bức tường, lặng lẽ ngước nhìn những cái tên được khắc chi chít trên bức tường…
hoặc lần tìm họ tên của người thân
Tên những chiến binh Mỹ chết tại chiến trường Việt Nam. Chắc rằng, bức tường đen còn tiếp tục nói với nhiều thế hệ tương lai về chiến tranh và hòa bình, về đau thương và mất mát.
Các tấm đá đen đều được đánh số thứ tự rất khoa học. Điều này giúp cho người thăm quan có thể tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến người lính có tên trên bức tường, từ đơn vị họ tham gia đến ngày ngày tử trận, số năm phục vụ, nơi tử trận…
Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam thật khiêm nhường bên Tháp bút chì cao vút xa xa, cùng nằm trên Quảng trường Quốc gia Washington DC. Tai nơi này, hàng triệu người Mỹ từng tụ họp biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam nằm trong khu cây xanh rợp mát thật yên bình. Đến đây, ai cũng nhìn thấy hình bóng của chính mình phản chiếu trên bức tường đen. Phải chăng họ sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của người đang sống, làm sao để hòa bình luôn ngự trị trên trái đất này./.
Vũ Bích Ngọc/VOV.VN