Chơi chữ hay lộng ngữ là một cách dùng chữ , chọn chữ sao cho khéo léo , có nghệ thuật cao , mà thường có tính cách hý lộng , làm cho người đọc thích thú , sảng khoái .
Các nhà Nho xưa thường trào lộng , phúng thế , đôi khi tự trào nữa .
Trong phê bình thơ văn các cụ , người ta thường nói : cụ này , cụ kia ” thâm lắm ” . Càng thâm thì người ta càng ái mộ , tìm đọc .
Theo tôi thấy thì dường như nghệ thuật cao siêu này chỉ phát triển gần đây . Thơ văn Lý Trần , cũng như Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm …thường nghiêm túc , ít thấy tính cách hý lộng .
Ta chỉ thấy trào phúng với nghệ thuật chơi chữ nở rộ vào thời cuối Lê sang Nguyễn với Ba Giai , Tú Xuất , Trạng Quỳnh …. rồi Nguyễn Khuyến , Tú Xương …
Trạng Quỳnh lang thang đây đó , gặp một cô chủ ruộng đang coi gặt lúa . Trạng làm bộ mất mùa phải đi ăn xin :
Tuyên Quang , Hoằng Hoá cũng thì vua
Nắng cực cho nên phải mất mùa
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị
Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho.
khi nói đi xin người ta dùng từ láy xin xỏ , nhưng ở đây Trạng dùng hai chữ xin xỏ với nghĩa đểu .
Ở trong bài bỡn cô hàng nước :
Bán hàng nay cô đã mấy tuổi
Nước cô còn nóng hay là nguội
phải chăng Trạng cũng dùng chữ với hai nghĩa (?)
Còn với Nguyễn Khuyến , một vị đậu Tam Nguyên , làm tới Đại Thần thì đôi khi tế nhị , thâm thuý :
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a !
cụ nói chê bai đời trước , rồi câu cuối cùng hạ chữ : ” cũng ” làm ta rất khoái chí : tưởng chỉ có đời nay mới tham nhũng , ai ngờ đời trước ” cũng ” thế . Các giáo sư khi giảng bài thường rất nhấn mạnh chữ ” cũng ” , sợ học sinh không hiểu .
Hồi đó có một cô lẳng lơ , lấy Tây . Nhân dịp đói kém , cô ta làm từ thiện rất lớn … được Tây ban bằng cấp , danh hiệu , phẩm hàm … không những cho cô ta , mà còn cho cả cha mẹ cô ! Nguyễn Khuyến bèn làm một câu đối :
Ngũ phẩm vua ban hàm cụ lớn
Ngàn năm công đức của bà to
lấy chữ hàm ( còn có nghĩa là hàm răng ) của cụ lớn đối với chữ của ( còn có nghĩa đểu là của quý ) của bà Tư Hồng , quả là cụ Yên Đổ thâm và ác quá !
Trong bài thơ Ông Cò , cụ Tú Xương có cặp thực được cụ đối như sau :
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
hai chữ trống tung là mái nhà trống huơ trống hoác , cụ đã lấy nghĩa trống là cái trống để rồi đối trống tung với chuông đánh . Đó là một cách cụ ” chơi chữ ” chứ không phải đối một cách gượng ép đâu !
Trong bài đùa ba người bạn chụp chung một tấm ảnh :
Cử Thăng , huấn Mỹ , tú Tây Hồ
Ba bác chung nhau một cái đồ
Mới biết trời cho xum họp mặt
Thôi đừng chê nhỏ lại cười to
Hồi đó người ta gọi một bức ảnh là bức đồ , nên cụ Tú Xương dùng chữ đồ có hai nghĩa để nhạo mấy người bạn .
Đồ Phồn là một nhân vật đầu thế kỷ trước , vốn có tinh thần tiến bộ , chống thực dân và phong kiến , bài bác hủ tục , chống lại cái tệ ” hương ẩm ” trong làng :
Nước đã tra nồi chiếu giải sân
Bây giờ mời các cụ trong rân (dân)
Đến nơi chứng kiến cho gia chủ
Con lợn xin chừa có nắm phân
Các tỉnh ven biển Bắc Bộ thường hay phát âm d và r giống nhau như cụ trong dân = cụ trong rân . Ở đây Đồ Phồn muốn nhạo các cụ trong làng là : cụ trong rân = rận trong cu .
Tới Hàn Mặc Tử , ta thấy tác giả của hai câu thơ mới tuyệt vời
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
cũng không hề kém cạnh trong nghề Lộng Ngữ
Mở cửa nhìn trăng trăng ” tái mặt “
Khép phòng đốt nến nến rơi châu !
Đến ông Thầy của tôi , thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì nghệ thuật chơi chữ đã lên đến tuyệt đỉnh công phu.
Trong một lần vịnh gà lợn ( ở trong tù ) thầy đã viết
Sáng chưa sáng hẳn , tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai , thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi , ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
thật đúng là chữ nhả ngọc phun châu . Chữ nào cũng ” đắc địa ” . Có hô ứng , bắt ngoàm bắt đố ! Câu ba và câu năm có nghĩa bóng đầy ý vị . Câu ba hô ứng thật chặt chịa , nghĩa đen nghĩa bóng quá đậm đà . Câu tục ngữ ” bức vách có tai quá hợp với hoàn cảnh của thi sĩ !
Thơ có hoạ đây không phải là thi trung hữu hoạ như Vương Duy . Cũng không phải là xướng hoạ thù tạc nhàn đàm , mà nó là Tai Hoạ ! Chữ Hoạ này hô ứng với chữ tai ở trên thật là thú vị !
Ôi ! Thầy (Vũ Hoàng Chương) quả là mang hoạ vì thơ ! Thầy đã bị đi tù vì thơ Thầy dám hay hơn thơ Tố Hữu ! Thầy đã dám chê thơ Tố Hữu chẳng ra gì ! Thật đúng là ” Thơ có Hoạ “
Chân Diện Mục