Chuyện lượm lặt được qua chuyến đi nghỉ hè …
– Lê Quan Tâm –
Năm 2009, chúng tôi đi nghỉ hè thời gian ngắn tại Luân Đôn và Ba Lê vào cuối tháng 8 qua đầu tháng 9. Ngoài việc đi viếng những danh lam thắng cảnh , đi thăm thân nhân tại Ba Lê, học hỏi và thưởng thức kinh nghiệm đi Tube và xe buýt 2 tầng tại Luân Đôn và đi xe Métro (politain) tại Ba Lê, chúng tôi còn lượm lặt được những mẩu chuyện vui sau đây, xin chia sẻ với các bạn ưa thích tìm tòi chuyện vui cười, hài hước :
– Tại Luân Đôn – đi tìm chỗ ăn: Đến Luân Đôn vào buổi sáng, chúng tôi ăn sáng tại khách sạn, sauđó đi bộ một vòng quanh khách sạn có những tiệm ăn. Nhìn thực đơn của các tiệm này, thấy toàn thức ăn như thịt cừu, khoai tây tán, bắp cải luộc và tán đậu green peas…, ở tiệm Ẩn Độ thì có cà ry dê. Đây là những thức ăn mà tôi đã ngán ngược, chịu đựng cực hình phải ăn thường xuyên trong 5 năm sống tại Úc trước đây.
Trở về khách sạn để nhờ họ hướng dẫn, thấy có một cặp khách người Âu hỏi “Xin chỉ cho chúng tôi biết nơi nào có tiệm ăn Anh phục vụ những món ăn Anh ngon và thú vị – Please show us where we can find British restaurants that serve good and delicious British dishes?” Nhân viên quầy tiếp tân khách sạn trả lời bằng cách lập lại câu hỏi, trố mắt nhìn, rồi trả lời thêm “Thưa Ông, món ăn Anh như thế không bao giờ có! – Good and delicious British dishes?, there are no such things, Sir!
Đến lượt chúng tôi, tôi hỏi nơi nào có tiệm ăn Việt Nam, nhân viên tìm qua internet và in ra cho tôi bản đồ đến Nhà Hàng Me Me ở Fulham Broadway. Chúng tôi lấy xe buýt 2 tầng đến đó là một khu phố thương mại rộn rịp, không có vẻ gì như phố Tàu. Đến tiệm Me Me mới rõ ra là tiệm “Mẹ Mẹ.” Thực đơn các món ăn dán trên cửa kính trước, với hình ảnh và lời chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Việt “què.”Qua hình và lời chú thích, chúng tôi cho là thức ăn ở đây là thức ăn Việt Nam Fusion, chắc là ăn uổng tiền, nên không vào. Chúng tôi tiếp tục đi xe buýt 2 tầng ra ngoại ô Luân Đôn, đến các khu vực khác trong Thủ Đô, đến Green Park, Hyde Park và Cung điện Buckingham.
Nơi đây biết được lúc 11 giờ ngày hôm sau có nghi thức thay đổi lính gác Cung Điện, nên đưa vào lịch viếng thăm của chúng tôi ngày hôm sau. Nhưng vì giờ trên đồng hồ chỉnh sai nên chúng tôi không xem được nghi thức này, mà chỉ thấy phần diễn hành vào cuối lễ. Đi suốt ngày với vé pass “All you can go”, cuối cùng chúng tôi ghé vào tiệm Domino Pizza đề ăn Pizza, tạm gọi là ngon miệng! Mấy ngày còn lại ở Luân Đôn, chúng tôi sống còn bằng Fish and Chips, một món ăn gọi là ngon rất là Ăng Lê!
Tại Luân Đôn – Hỏi hướng đi – đường phố: Đường phố Luân Đôn rất ngoằn ngoèo, nhiều phố khá chật hẹp, xe lái phía tay trái. Chúng tôi có kinh nghiệm khi hỏi thăm hướng đi, đường phố, người Anh thường trả lời rất ngắn gọn và tình bơ “Phía trước, phía sau, … bên phải, bên trái, 10, 25 phút đi bộ…” Họ dường như không có khái niệm về Blocks. Hỏi thăm 3 người, có 3 trả lời khác nhau. Chắc đây cũng là một thể hiện của tính “Phớt tỉnh Ăng Lê” (mà chính tôi cũng bị người nhà nhận xét khi từ bên Úc trở về). Chúng tôi có cảm giác những người chỉ dẫn tận tình nhất là du khách Nhật, phần lớn thuộc giới trẻ, phần lớn tiếng Anh cũng khá bập bẹ, và đườngphố cũng không rành mấy, nhưng khi thấy mình lúng túng, họ đích thân chỉ dẫn!
–Tại Ba Lê – Tây ngủ trưa, Rệp (Á Rập) nghỉ để lạy cầu nguyện khi mặt trời lặn–
Chúng tôi không gặp phải cửa tiệm, văn phòng người Tây vì họ đóng cửa ngủ trưa, và nghe nói là họ có thể ngủ trưa đến 2 tiếng. Nhưng tôi gặp phải quán internet do người Rệp làm chủ đóng cửa, nghỉ lạy cầu nguyện giờ mặt trời lặn. Một hôm, vào quán internet để check email, xong bắt đầu trả lời email cần trả lời. Đánh chưa được nửa câu trả lời thì máy bị tắt. Tôi báo máy tôi đã bị tắt, và hỏi sao vậy thì được trả lời rất lịch sự “Chính tôi tắt máy đó vì tôi là Rệp Hồi Giáo, đến giờ này tôi phải lạy cầu nguyện, xin trở lại sau 1 tiếng nếu cần.” Tôi rời tiệm thì chủ tiệm bảo tôi phải trả tiền dùng máy 50 xu Euro. Tôi hỏi có nơi nào khác gần đây có quán internet thì được chỉ ngay phía bên kia đường. Quán này của Tây nên vẫn mở cửa!
Tại Ba Lê – Thuê xe đạp: Ở trước cửa nơi khách sạn chúng tôi ở thấy có một hàng xe đạp. Lúc đầu chúng tôi cho là đây như trạm gởi xe đạp như ở Việt Nam. Rồi chực nhớ tại Ba Lê có thể thuê xe đạp rất thuận lợi. Hỏi ra mới biết ngay trước cổng khách sạn là một trạm thuê xe đạp Tất cả đều dùng máy, chỉ dùng thẻ credit card thì lấy được xe đạp. Nửa giờ thuê đầu tiên miễn phí, sau đó tăng lên mỗi nửa giờ, rồi 1 giờ; đến sau 3 giờ thì giá thuê không tăng thêm trong cả ngày. Khi thuê, được dặn dò nên kiểm tra vỏ ruột và ghi-đông Có thể trả lại xe thuê tại bất cứ trạm nào khác trong Ba Lê. Sáng sớm hôm sau, thấy có thợ sửa xe đạp thuộc Tòa Đô Chánh đến làm những việc kiểm tra này, báo cáo về văn phòng chánh bằng điện thoại cell phone. Ở Mỹ chắc thợ sửa xe đạp khó tìm được job lắm!
– Lê Quan Tâm –