Đêm Giáng Sinh và Người Chiến Sĩ VNCH

Đêm nay, đêm Giáng Sinh – Đêm Thánh Vô Cùng – Đêm chia hai lịch sử của nhân loại.

Mọi người ở trên mặt địa cầu này, dù có tin Chúa hay không; nhưng mỗi lần đặt bút xuống, để ghi lại một ngày tháng nào đó, dù là ngày vui hay là một ngày buồn, thì chính họ, mặc nhiên công nhận: đó là ngày đánh dấu niên lịch của sự kiện Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh.

Cùng giao hòa với sự đổi thay của đất Trời, để nhân loại có một niên lịch vĩnh cửu như hôm nay; chúng ta, những người Việt đang sống đời vong quốc ở khắp bốn phương Trời; hồi tưởng về những năm tháng cũ của một thời chinh chiến; đặc biệt, với những chàng thư sinh đã từng tình nguyện xếp bút nghiên theo việc đao binh, từ giã mái trường cùng bè bạn thân yêu, lên đường tòng quân, với nguyện ước để bảo vệ đồng bào, bảo vệ miền Nam Tự Do, vì đó là bổn phận của người thanh niên giữa thời đất nước đang lâm vào cơn nguy biến.

Những ngày tháng đầu tiên nơi “Thao trường đổ mồ hôi, Chiến trường bớt đổ máu”; lần đầu tiên khoác chiến y, trở thành người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những “Đoạn Đường Chiến Binh” đầy thử thách, nhưng với chí nam nhi các anh đều vượt qua tất cả, để làm tròn trách nhiệm: đem sinh mạng của chính mình, để bảo vệ non sông

Từ những năm tháng ấy, gót chinh nhân đã từng lưu dấu trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, mà có khi cả năm, các anh không được một lần về phép, để sum họp cùng người thân bên mái ấm gia đình. Cho đến khi những đám mây đen vần vũ trên khắp đầu non, và những ngọn gió Đông giá buốt xoáy vào những chốn rừng sâu, ở các đơn vị nơi biên phòng giới tuyến, thì các anh bỗng nhớ đến rằng: Mùa Vọng và Giáng Sinh lại trở về giữa chốn núi rừng hoang lạnh, thế rồi, với những đôi tay khéo léo như một nghệ nhân của các anh – các chị – các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến của đơn vị, đã gom góp những tấm cạt-tông, những tờ giấy xi-măng được tách ra, những cọng cỏ, rơm khô, những nắm đất sét mềm mại vàng nâu, những viên đá, viên sỏi… những cục nhựa đặc biệt mềm và dẻo của loại cây Sưng (sâng) có một mầu vàng trong suốt… và để có những sắc mầu trang trí cho Hang Đá, thì các anh đã lấy mầu vàng từ cốt nước của loại lá Dung, mầu đỏ từ cốt nước của thân cây Vang ở ven rừng… rồi pha thêm thành nhiều mầu khác, sau đó, đem trộn lẫn với một chất keo chiết từ lá khoai lang, cộng thêm với những nhánh Thạch Thảo, thế là đã đủ, để các anh-các chị-các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến cứ vừa hát vừa biến tất cả thành những chiếc Hang Đá thật tự nhiên, tái hiện một Hang Bê-Lem của từ nghìn năm trước, và được đem đặt ở một nơi trang trọng nhất của đơn vị, có nơi là một Phòng Văn Khang; để đêm về người Chiến Sĩ quỳ bên máng cỏ, hoặc ở một nơi nào đó của đơn vị và cất tiếng hát giữa đêm thâu bài: Đêm Nguyện Cầu, với những lời như bài Kinh Nguyện thiết tha: Thượng Đế hỡi … có thấu cho người dân hiền, vì đất nước đang còn ưu phiền, còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên… Thượng Đế hỡi … Quê Hương non nước tôi ai gây hận thù, tội tình, nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình… Thượng Đế hỡi! Thượng Đế hỡi … Quê Hương non nước tôi ai gây hận thù, tội tình, nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình…”

Quê Hương non nước tôi, ai gây hận thù, tội tình? Câu hỏi trong bài hát Đêm Nguyện Cầu cũng như trong một bài thơ khác:

“Ai gây nên cuộc bể dâu?
Trẻ thơ vô tội vấn đầu khăn tang!
Ai gieo binh lửa lan tràn?
Dân quê đói khổ, xóm làng quạnh hiu!
Ai gây nên cảnh tiêu điều?
Con thơ đứng tựa mái lều chờ Cha!”

Với những câu hỏi, qua những lời nhạc và thơ ấy, thì kẻ đã gây bao nhiêu cảnh điêu linh kia, chính là bọn cộng sản Bắc Việt đã xua quân xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa; những quả pháo kích, và chất nổ đủ loại, đã nổ tung ở các sân trường tiểu học tại miền Nam, đã làm tan xương, nát thịt, của không biết bao nhiêu sinh mạng của những em thơ vô tội !!! Nên nhớ, bọn cộng sản Bắc Việt đã xâm lăng miền Nam tự do, nên bắt buộc Dân-Quân-Cán-Chính của nước Việt Nam Cộng Hòa phải đứng lên để tự vệ, để Bảo Quốc An Dân.

Cũng nên ghi nhớ, sau ngày 30.4.1975, khi chiếm được miền Nam, thì cũng chính bọn “… giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào, giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu anh em… “ Chẳng phải chỉ vấy máu đồng bào miền Nam, mà chúng còn cướp đoạt hết tài sản từ quý giá, cho đến tận cùng như những đôi đũa, cái chén nhỏ… chúng không hề chừa bất kể một cái gì của người dân miền Nam cả.

Trở về với những Đêm Giáng Sinh vào một thời chinh chiến đã xa, giờ đây các anh Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, có người đã vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ: “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ?!”.

Ôi! ai đã từng chứng kiến hình ảnh của những người thương phế binh đã từng bị Bắc cộng xua đuổi ra khỏi các Quân Y Viện vào ngày mất nước, trong lúc những vết thương trên thân thể của các anh vẫn còn rỉ máu! Còn nỗi bi thương, thê thảm, còn niềm đau đớn, xót xa nào có thể sánh bằng!!! Riêng những người may mắn hơn, nhưng đang phải sống đời tỵ nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới, thì làm sao có thể quên đi một thời cùng đồng đội cận kề với sự tử-sinh; những Đêm Giáng Sinh không trăng sao, run rẩy vì giá buốt dưới những chiến hào giữa núi rừng xa thẳm, sương phủ mờ, che kín cả tầm mắt, ngước nhìn bầu Trời cao, chỉ thấy một mầu đen tối, tang tóc, thê lương! Người Chiến Sĩ bỗng nhớ đến Cha-Mẹ già, em thơ, những người thân, và nhớ đến người vợ, người yêu của mình có lẽ cũng đang nhớ đến mình qua những lời thống thiết của Lá Thư Trần Thế:

“… Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống, Ánh sao lung linh muôn mầu, Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu… Đêm nay Người xuống đời, Xin đem nguồn vui tới, Những đôi môi lạnh đã lâu không cười.”

Pháp quốc, ngày 24/12/2011

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Scroll to TOP