Nếu chúng ta nhìn lại bản đồ nước nhà, hình cong chữ S, thì toàn thể biên giới về mặt Bắc là Trung quốc, từ bao lâu vẫn nhòm ngó, muốn xâm chiếm nước ta. Sự tranh chấp đất đai đã xẩy ra từ hơn hai ngàn năm nay. Khởi đầu là Việt Nam đã bị đặt dưới sự đô hộ của Tầu trên một ngàn năm, từ 111 tr. Tây lịch tới năm 931. Tuy bị đô hộ một ngàn năm, nhưng có điều làm chúng ta tự hào là người Việt vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng nói của mình, và những phong tục riêng, như ăn trầu, hay những lễ cưới hỏi, khác với tục lệ Trung quốc.
Để bắt đầu cuộc xâm lăng và thống trị, Vua Hán Vũ Đế cho Phục Ba tuớng quân là Lộ Bác Đức đem 5 đạo quân hùng mạnh sang đánh chiếm nước ta, lúc đó có tên là Nam Việt. Năm ấy là năm Canh Ngọ và nuớc Nam Việt bị người Tàu chiếm lấy, cải là Giao Chỉ bộ, chia làm 9 quận, và đặt quan cai trị như các châu quận bên Tàu. Từ đó bắt đầu cuộc nổi dậy dành lại đất đai, giang sơn gấm vóc của người dân Việt, theo truyền thuyết được coi như là giòng giống con Rồng cháu Tiên. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ này để chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc, đã nhiều lần có những bản văn kiệt tác, hay những tiếng nói hào hùng, được ghi lại trong Việt sử. Dưới đây tôi nhắc lại một cách tiêu biểu một số những hùng văn đã làm chúng ta tự hào.
Đã là người Việt Nam, chúng ta phải biết đến công ơn của hai Bà Trưng đã nổi lên đánh đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi nước Nam. Thuở nhỏ các học sinh Việt đã học thuộc nằm lòng những câu thơ xưng tụng hai Bà trong cuốn Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca:
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Năm Giáp Ngọ (34), vua Quang Vũ nhà Hán sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Là người bạo ngược tàn ác, dùng đường lối sắt máu để cai trị, năm 40 Tô Định lại giết ông Thi Sách và gây thêm nỗi oán giận cho người dân. Vợ ông Thi Sách là bà Trưng Trắc, cùng với em gái là Trưng Nhị nổi lên đưa quân về đánh Tô Định phải trốn chạy và cùng với người dân nơi nơi vùng lên dẹp được 65 thành trì. Hai bà lên ngôi vua và đóng đô ở Mê Linh là nơi quê nhà.
Năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đưa một đạo quân hùng mạnh sang đánh Trưng Vương. Mã Viện là một danh tướng nhà Đông Hán, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn oai vũ, đưa quân dọc theo miền bể, phá rừng đào núi làm đường sạn đạo tới Lạng Bạc, gặp quân của hai Bà, đánh thắng mấy trận và dồn quân ta về Cẩm Khê.
Mã Viện lại tiến quân lên đánh tiếp, hai Bà thua chạy về đến xã Hát Môn, nay thuộc địa hạt tỉnh Sơn Tây, gặp thế cùng cả hai chị em cùng gieo mình xuống sông Hát Giang mà tuẫn quốc năm 43, để cho đến nay gần hai ngàn năm sau, vẫn được dân Việt đời đời thờ phụng.
Mã Viện đánh được Trưng Vương, đem đất Giao Chỉ thuộc về nhà Hán và dựng một cây cột đồng ở chỗ phân địa giới, trên có khắc sáu chữ:
“Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”
có nghĩa là cây cột đồng mà đổ thì người Giao Chỉ mất nòi. Theo trong dã sử chép lại thì người Giao Chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân đồng trụ một hòn đá cho nên chỗ ấy về sau thành như một quả núi phủ kín cột đồng làm biến mất di tích.
Trải qua nhiều thế kỷ, trong sự giao thiệp với Trung quốc, người Tầu nhiều khi còn nhắc đến cột đồng mà người mình muốn quên.
Đời nhà Lê, từ khi vua Lê Lợi khởi nghĩa dẹp được quân Minh đem lại giang sơn cho nước nhà, những đời vua kế tiếp luôn luôn lấy sự gìn giữ đất đai là hệ trọng.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có lần đã bảo với triều thần rằng:“Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại.”
Năm 1597, đời vua Lê Thế Tông, Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan, là người văn hay chữ tốt, người dân gọi là ông Trạng Bùng, được chúa Trịnh cử sang Trung Quốc cầu phong cho vua Lê với nhà Minh.
Vua quan nhà Minh bên Tàu, tuy vẫn muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng còn nhớ đến sức kháng chiến của dân Đại Việt trong thời gian Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, nên chỉ làm khó dễ nước ta về mặt ngoại giao, đặt lệ bắt mỗi ba năm phải cho sứ thần sang triều cống một lần. Trong cuộc giao tiếp, sứ thần nước ta được quan Tàu ra câu đối nhắc lại chuyện cột đồng kỷ niệm chiến thắng của Mã Viện với giọng điệu cao ngạo :
“Đồng trụ chí kim đài vị lục”
nghĩa là cột đồng cho đến nay rêu vẫn chưa xanh. Nhưng sứ thần ta là ông Trạng Bùng là người tinh thông sử Việt nên nhớ đến những chiến thắng của ta trên sông Bạch Đằng.
Năm Mậu Kỷ (938), vua Nam Hán, theo lời yêu cầu của Việt gian Kiều Công Tiễn, sai thái tử Hoàng Thao sang đánh Giao châu.
Ông Ngô Quyền bắt giết Kiều Công Tiễn làm lễ tế cờ và truyền hịch cho quân sĩ phải hết sức phòng bị rồi cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, phục binh đánh một trận thủy chiến diệt chiến thuyền của quân Nam Hán, quân Hoàng Thao bị chết quá nửa, chủ tướng cũng bị bắt giết.
Sau đó 350 năm, lịch sử lại tiếp diễn. Cũng trên Bạch Đằng Giang, vào tháng Ba năm Mậu Tí (1288), Hưng Đạo Vương đã đại phá quân nhà Nguyên máu loang đỏ cả khúc sông.
Bạch Đằng Giang nay thuôc huyện Thụy Nguyên, tỉnh Kiến An. Để đối lại với câu xướng của quan Tàu đã vô lễ xấc xược, sứ thần nước ta đã viết lại vế thứ hai với bẩy chữ như những gai nhọn sói vào tim óc đối phuơng:
“Đằng giang tự cổ huyết do hồng”
Câu này có nghĩa là sông Đằng từ xưa máu còn đỏ thắm. Thật là một câu ngắn nhưng đối chọi rất chỉnh và đã nói lên niềm tự hào của dân tộc về những chiến tích oanh liệt của tiền nhân trên sông Bạch Đằng.
Từ khi Nam Việt thoát đuợc ách đô hộ của nước Tàu, kể từ đời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1010, người mình luôn luôn phải chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc. Lý Thường Kiệt là một danh tướng triều Lý, phạt Tống ở phương Bắc, bình Chiêm về phía Nam. Khi đánh Tống năm 1076, trước cửa ải Nam quan, ông làm bài thơ khích lệ quân sĩ :
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bốn câu thơ có nghĩa là núi sông của nước Nam, sách trời đã định là thuộc về vua nước Nam. Nếu quân cướp định xâm phạm thì thế nào cũng bị thảm bại. Quân lính nghe mấy câu thơ ai nấy đều nức lòng cự địch. Tám vạn quân sĩ nhà Tống sang xâm lăng, gặp nơi chướng địa, đánh mãi không nổi, dần dà chết quá nửa, sau cùng vua nhà Tống đành phải giảng hoà lui binh.
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh