Trong sâu thẳm tâm hồn ai cũng có một miền cố hương để khi chớm hạ, lúc mưa thu ta thấy lòng khắc khoải một nỗi nhớ về nguồn cội của mình. Miền cố hương có thể là quê ngoại xa xăm với những nhà mái lá nhỏ nằm cạnh hàng cau hoặc núp sau lũy tre làng xanh ngắt gợi nhớ thương hay là một góc trời tím sẫm trong màn sương chiều mờ ảo. Đó có thể là quê nội thân thương nơi có những rặng dừa xanh soi bóng trên dòng sông quê êm đềm trôi theo năm tháng, ôm ắp cuộc đời của những người dân hiền lành, chất phác…
Mỗi miền quê có thể khác nhau về địa lý, tên gọi, cảnh vật nhưng vẫn mang một nét chung. Đó là những mái nhà truyền thống mà dù có đi xa hay bất cứ nơi đâu khi gặp lại chạnh lòng ta sẽ nhớ, mái nhà xưa đầy ắp kỷ niềm ấu thơ – gọi bước chân về.
Đã hơn 10 năm từ ngày tôi tạm biệt miền quê heo hút của mình để sống đời kẻ chợ. Để rồi từ trong sâu thẳm trái tim vẫn dạt dào một tình yêu quê hương chảy trong lòng ngực. Những đêm dài trở trăn trên căn gác lạnh nơi xứ người nghe tiếng mưa lắc rắc trên mái tol, tiếng gió xạc xào trên tán phượng mang theo hơi lạnh, tôi lại nghe tận đáy lòng mình âm thanh ngọn gió quê man mác, tiếng mưa đầu mùa văng vẵng tiếng ếch đồng đầy ắp bên tai. Đó phải chăng là tiếng gọi quê hương, hay tiếng hồn đất – trời đang hoà nhập với tiếng lòng của đứa con xa xứ vọng về?
Ngày tôi rời quê, quê tôi nghèo chưa có điện đường đêm về nhà nhà leo lét ngọn đèn dầu. Cả xóm chỉ có niềm vui quây quần bên chiếc tivi trắng đen cất tiếng kêu xè xè bắt bằng chiếc bình ắc quy. Mỗi dịp gánh hát về quê vui như mở hội. Ký ức về mái nhà xưa trong tôi là những ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước mọc ngay bến sông, còn cây làm nhà có thể là bần, mắm, trâm bầu, tràm, đước, sú, vẹt… những ngôi nhà ghi đậm dấu ấn của một nghèo khó. Có lẽ từ đó mà thành ngữ “cây nhà lá vườn” như một châm ngôn sống của những người dân quê tôi.
Ngày ấy tôi chỉ là cậu bé tiểu học ham chơi. Tôi nhớ cứ dạo tháng ba, tháng tư âm lịch khi trời gầm gừ báo hiệu những cơn mưa đầu mùa sau mùa hạn là cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Chuyện làm nhà, sửa nhà là chuyện ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình trước khi chuẩn bị xuống giống cho mùa vụ mới “an cư lạc nghiệp” mà. Nhà vách lá đơn sơ nên không cần công thợ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ cây, lá gia chủ xem giờ lành cúng lễ động thổ. Ngày động thổ, cả xóm đến giúp. Chủ nhà chỉ lo ba bữa cơm và tí mồi để đưa cay khi buổi làm chiều kết thúc.
Thanh niên thời bấy giờ ai cũng biết cất nhà, trẻ con như tôi chưa biết làm nhiều thì có nhiệm vụ đưa lá cho thợ lợp. Nếu anh thanh niên nào lợp lá đẹp, buộc lạt khéo được người già đánh giá rất cao và các bà cụ cũng xem đó là tiêu chí để chọn rễ cho con gái đến tuổi xuất giá. Việc làm nhà theo kiểu dần công là nét đặc trưng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đây thắt chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, bạn bè, sui gia (sui gia, dâu, rể, anh em họ, cột chèo có mặt trước ngày dựng nhà vài hôm để phụ giúp cơm nước, bàu cây, đẻo cột, đắp nền…) tập quán “tối lửa tắt đèn có nhau” này vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Mỗi dịp rời phố thị đi ngang qua các thôn quê (không phải là quê nhà) tôi vẫn thường bách bộ đi dạo trên những con đường dù bây giờ đã được bê tông hoá. Những ngôi nhà hai bên đường cũng nhiều thay đổi chỉ còn thấp thoáng xa xa xen lẩn trong những ngôi nhà cao tầng là những ngôi nhà lá đơn sơ nấp sau vườn cây trái, hay ngôi nhà ngói ba gian xưa.
Mái nhà xưa ấy, gợi lên trong tôi hình ảnh ngôi nhà kỷ niệm chốn thôn quê. Nhà mái lá nằm trên bờ con sông, bên hông trái là hàng dừa hoặc hàng cau xanh mướt lá, bên phải là đống rơm vàng với chú trâu đang nằm nhai rơm sau buổi cày đồng, tiếng gà gáy vang vang trên từng ngõ xóm tạo âm thanh yên bình. Phía trước sân nhà là chiếc cầu tre lắc lẽo bắt ngang con sông quê mà thưở ấu thơ tôi thường nắm tay cô bạn nhỏ qua cầu đi học để tạo nên một mối tình đầu ngu ngơ vụng dại. Phía sau nhà là chiếc sàn lãng nhỏ nơi sáng chiều mẹ ngồi làm cá, rữa chén, nấu cơm. Xa hơn một chút là chiếc cầu ao cho em ngồi giặt áo và xa xa tít sau luỹ tre là cánh đồng mênh mông đến tận chân trời một màu xanh mạ non, với những cánh cò bay lã bay la đẫm sâu trong ký ức.
Ngày xưa còn bé con đâu biết rằng quê là những gì thương nhớ nhất. Nay đi xa con mới hiểu quê hương là tình mẹ thiêng liêng, là ánh mắt cha ấm áp mỗi ngày. Quê hương ơi, hai từ tha thiết quá, quê hương ngọt ngào qua câu hát, lời thơ. Quê hương không chỉ có màu xanh ruộng vườn tít tắp cuối chân trời, tia nắng vàng tươi, những hạt mưa trong vắt, hay chỉ là những bài hát mẹ ru con tấm bé mà quê hương chính là mái nhà xưa với chái bếp thân thương nơi nuôi dưỡng một phần tâm hồn tình cảm của gia đình, là cự củi mẹ chất trên sân, bó đuốc lá dừa soi con qua đêm tối. Tất cả thiêng liêng tạo nên hai tiếng quê hương, không chỉ ở trong từng thớ thịt, mà hằn trong từng nếp nghĩ để ai đi xa nghe tiếng gọi quê hương tìm bước quay về.
Lâm Ngọc Tường Nguyên