Còn vài hôm nữa là đến ngày giỗ mẹ tôi, tôi bỗng nhớ Mẹ thiết tha như một đứa bé lên ba. Có ai đã nói rằng, người ta dù đã già, nhưng khi nhớ mẹ thì vẫn thấy mình bé bỏng. Điều này với tôi thật đúng vì tôi cũng đã ngoài bảy mươi tuổi mà vẫn nhớ mẹ tha thiết.
Với tôi, Mẹ là một bà mẹ Việt Nam tuyệt vời. Cuộc đời của Mẹ, có lẽ là tiêu biểu cho đời sống của một phụ nữ Việt đảm đang, trải qua những biến chuyển lịch sử của đất nước trong khoảng 80 năm đầu của thế kỷ 20. Suốt đời Mẹ quên mình, hy sinh cho gia đình với một nghị lực phi thường, vượt qua mọi trở ngại trong gần tám mươi năm trời từ Bắc vào Nam rồi tha hương qua xứ Mỹ.
Từ Miền Bắc Việt Nam
Mẹ tôi ra đời năm 1904 tại một làng quê bên sông Đà. Ở thời điểm đó mà Mẹ được đi học chữ Nho và chữ quốc ngữ. Mẹ cũng biết dăm ba tiếng Pháp khi học chữ quốc ngữ với các cố đạo. Ông ngoại tôi là một thương gia giàu có trong làng, nên năm Mẹ 15 tuổi, ông cho Mẹ nghỉ học chữ và bắt đầu học buôn bán vì ông còn có quan điểm cổ xưa, cho rằng con gái học nhiều chữ không tốt, ế chồng, học như vậy đủ rồi, mặc dù ông rất hâm mộ văn học.
Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi lần theo Mẹ về thăm Ông, tôi rất thích được ngồi trong phòng đọc sách của Ông, nghe ông đọc truyện. Quê ngoại tôi là làng Thạnh Đồng (nhưng vẫn gọi nôm na là làng Bợ), huyện Thanh Thủy, nằm bên tả ngạn sông Đà. Mẹ tôi hàng ngày qua đò, đi học với cụ Xứ Trừu, tại làng Khê Thượng, nằm bên hữu ngạn sông Đà, ngay chân núi Tản Viên. Trong đám học trò, Cụ Xứ Trừu đặc biệt thương mến cô học trò dễ thương, và sau này khi Mẹ 17 tuổi, cụ đã xin cưới Mẹ về cho con trai cụ. Cụ Xứ Trừu chính là ông nội của tôi, anh em chú bác với thi sĩ Tản Đà.
Mẹ tôi thường kể lại là năm 15 tuổi, Mẹ bắt đầu theo thuyền ngược dòng sông Đà buôn bán. Mẹ mang vải, muối lên bán ở các chợ phiên trên miền thượng du và lúc xuôi thì mua các sản phẩm miền thượng du như quế, mộc nhĩ và các loại nấm khác … về bán lại. Mỗi chuyến ngược xuôi như thế thường kéo dài chừng năm ba ngày trên đò. Các bạn hàng thay phiên nấu nướng làm bếp hay thêu thùa khi đi đò. Mẹ tôi, nhờ biết chữ, nên được bạn hàng miễn cho việc nấu nướng, mà chỉ ngồi đọc truyện cho các bà nghe. Nhờ vậy mà mẹ tôi thuộc làu các truyện xưa như Kiều, Cung Oán ngâm Khúc, Nhị Độ Mai, Thủy Hử, Lục Vân Tiên…
Tôi còn nhớ, lúc học lớp đệ nhị trung học, khi học đến Truyện Kiều, mỗi lần học bài, vừa mới đọc câu nào lên là Mẹ biết liền; câu này là đoạn Kiều gặp Kim Trọng, chỗ kia là Hoạn Thư đánh ghen, chỗ khác là cảnh Từ Hải vì nghe lời Kiều mà chết đứng… Rồi mẹ cao hứng đọc làu làu và giảng luôn cho tôi cả một chương, thao thao bất tuyệt còn hơn thầy dạy Việt văn của tôi rất nhiều. Mẹ còn chỉ cho tôi cách bói Kiều, nhưng Mẹ nói chỉ để giải trí khi nhàn rỗi, chứ đừng quá tin vào đó dù có lúc cũng đúng. Tôi cứ ngẩn người nghe Mẹ kể chuyện ngày xưa say mê đọc sách của Mẹ. Có lẽ nhờ vậy mà tôi còn nhớ khá nhiều các tác phẩm văn chương của Việt Nam cho tới ngày nay.
Mẹ rất hâm mộ văn học nhưng cũng không kém bén nhạy về buôn bán, có lẽ là do truyền thống bên ngoại. Mẹ tôi coi ông Nội tôi như một vị thánh, Ông dạy gì Mẹ cũng ráng nghe triệt để. Duy chỉ có một điều Mẹ dấu Ông là gửi anh cả của tôi đi Hà Nội học chữ Tây vì Mẹ nhận thấy là Nho học đã hết thời, không thể cho anh lỡ vận như thầy của tôi, (tôi gọi bố là Thầy).
Thấm nhuần sự giáo dục của ông nội tôi, Mẹ luôn luôn coi trọng việc học của các anh em tôi. Trong những năm chạy loạn, túng thiếu đủ điều, nhưng việc học của chúng tôi bao giờ cũng đứng hàng đầu, làm gì Mẹ cũng có chủ đích là phải cho chúng tôi đi học.
Khi về làm dâu, từ một cô học trò dễ thương và với kinh nghiệm buôn bán, Mẹ trở thành một người phụ tá đắc lực của ông nội tôi. Ông tôi là một nhà Nho lỡ thời nên ở nhà dạy học và làm thầy thuốc Bắc. Với vốn liếng chữ Nho học từ Ông, Mẹ đọc và bốc thuốc theo toa Ông kê cho bệnh nhân, giống như một dược sĩ. Mẹ rất rành về các vị thuốc Bắc, sau này Mẹ vẫn thường chỉ cho tôi từng vị thuốc mỗi khi ghé tiệm thuốc Bắc. Với sự bén nhạy về thương mại của mình, Mẹ giúp Ông mở rộng phòng thuốc ở quê chồng, thêm vốn để thuê thợ săn vào rừng kiếm xương cọp, xương nai về nấu cao hổ cốt, cao ban long. Mẹ ngâm cao trong rượu cùng với toa thuốc do ông tôi kê ra và bán trên thị trường lúc bấy giờ. Mẹ dạy tôi là cao hổ cốt nấu bằng xương cọp dùng ngâm rượu uống, chữa bệnh tê thấp, còn cao ban long nấu bằng xương nai là thuốc bổ, vân vân…
Sau khi ông tôi mất, mẹ và thầy tôi chuyên chú vào việc buôn bán vì Thầy cũng là một người lỡ vận, theo học chữ Nho nên đành theo nghề thương mại nhưng không chuyên bằng mẹ tôi. Thầy mẹ tôi lo việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, thầy tôi lo việc kỹ thuật, còn Mẹ lo giao thiệp buôn bán bên ngoài khá thành công. Rồi mẹ tôi khuếch trương thêm nghề làm tương, cung cấp cho các chợ trong tỉnh Sơn Tây. Công việc làm ăn phát đạt, thầy mẹ tôi trở nên giàu có, xây được căn nhà lớn nhất phố huyện Bất Bạt, ruộng đồng có nhiều, cho tá điền làm thuê, trong nhà lúc nào cũng tấp nập người làm.
Thời điểm đó, tình hình kháng chiến chống Pháp ngày một gay gắt, thôn quê trở nên bất ổn. Ban đêm, Việt Minh về, kêu đi hội họp tuyên truyền “tiêu thổ kháng chiến”, ban ngày thì quân Pháp lục lạo. Thầy mẹ tôi trở thành địa chủ, đối tượng thù ghét của những người Cộng Sản. Mẹ tôi đã rơi nước mắt khi thấy nhà cửa bị Việt Minh mượn tạm làm trụ sở, rồi còn phải vỗ tay hoan hô khi họ đập phá theo chính sách tiêu thổ kháng chiến. Thầy tôi không tin vào Việt Minh mà nghiêng về Quốc Dân Đảng, ghét cay ghét đắng các vụ hội họp chính trị suốt đêm để tuyên truyền. Ông ngại ngùng kín đáo không theo các cán bộ đến khuyến dụ, áp đặt ủng hộ tiền tài. Lý do có lẽ rất giản dị là trong gia đình mẹ tôi đã có mấy người em chú bác của Mẹ bị phe Cộng sản thủ tiêu chỉ vì theo Quốc Dân Đảng.
Vào một buổi sáng, khi Tây tấn công làng chúng tôi, Mẹ kéo anh em tôi chạy trước vào rừng, còn thầy tôi vẫn ở lại nhà, và sau đó, đã bị lính Tây bắn chết khi Thầy chạy băng qua ruộng để vào rừng tránh loạn. Lúc đó tôi vừa lên ba. Mẹ tôi kể lại, là trong cơn khẩn cấp, bạn bè của Thầy đã cuốn chiếu tạm chôn ông ngay thửa ruộng đó rồi chạy vì sợ Tây trở lại. Phải gần hai năm sau, Mẹ và một vài người quen mới có dịp lén bốc mộ thầy tôi về chôn lại tại một thửa ruộng của gia đình, vì lúc đó cuộc chiến vẫn còn gay go, và thầy tôi tạm yên mồ nơi đó cho đến ngày nay. Tôi là một kẻ bất hạnh vì không hề nhớ mặt thầy tôi, vì lúc đó tôi còn quá bé và thuở xưa các cụ ông ít khi gần con trẻ khi chúng còn thơ dại, chưa cần giúp đỡ việc học hành. Bên cạnh đó, Thầy lại rất ghét chụp hình hay ngồi cho thợ vẽ họa hình nên không có một tấm hình nào để lại. Mẹ tôi thương tôi đặc biệt vì tôi là con út, bố mất sớm và ai cũng nói tôi rất giống bố tôi.
Sau khi bố tôi mất, căn nhà của mẹ tôi, căn nhà đồ sộ nhất phố huyện, trở thành đồn đóng quân của Pháp và Mẹ dẫn chúng tôi lang thang trong rừng, chạy loạn từ làng này qua làng khác. Vài tháng sau đó, Mẹ sinh em gái út nhưng chỉ vài tháng sau khi ra đời, thì em cũng mất theo Thầy. Mẹ tôi cho rằng, tiếng đại bác của Pháp quá gần làm em hoảng sợ nên bị bệnh rồi đi luôn. Đó là lúc mẹ tôi cực kỳ bi phẫn, cô đơn nhưng Mẹ vẫn phấn đấu can đảm, dẫn dắt anh em tôi đi chạy loạn. (Lúc này anh Cả tôi đã tốt nghiệp trường Canh Nông, làm việc ở Bắc Giang và đã có gia đình riêng).
Tôi còn nhớ có những đêm nằm ngủ trong rừng, ve vắt cắn tùm lum. Ngày nay, khi nhớ lại, tôi không khỏi ngạc nhiên là mẹ con tôi đã sống sót trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy. Cứ chạy hết làng này qua làng khác, Tây sắp về làng nào thì mẹ con tôi lại chạy qua làng khác. Tới đâu, sau vài ngày yên ổn ở nhà người quen, Mẹ lại tiếp tục buôn gánh bán bưng lay lắt sống qua ngày.
Lúc này, khoảng năm 1948-1949, mẹ tôi được nghe rất nhiều tuyên truyền từ Việt Minh. Phe Việt Minh, ngày càng lộ ra thực chất Cộng sản, họ thanh toán những người Quốc gia, những đảng viên của Quốc Dân Đảng, càng ngày càng nhiều, trong đó có nhiều người trong họ hàng của tôi. Mặc dù lúc đó chính sách Cải Cách Ruộng Đất chưa chính thức phát động nhưng đã có các cuộc gây căm thù giai cấp trong quần chúng, nhất là những người chưa hoàn toàn ủng hộ Việt Minh. Hết quyên góp chuyện này qua chuyện kia, từ tuần lễ Vàng đến tuần lễ Bạc, ai ai cũng kiệt quệ. Dân chúng phải họp hành hàng ngày để ca tụng “Bác Hồ”. Mẹ tôi không phải nhà chính trị, nhưng với Mẹ, ông Hồ không phải là người tốt mà là một người muôn mặt, gây bao nhiêu thống khổ cho Mẹ. Mẹ không hề biết gì về Karl Marx hay Lenin, không màng về các chủ nghĩa Cộng sản, Dân chủ hay Tự do. Mẹ chỉ tin vào trời đất, ăn ở sao cho hợp nhân đạo, không lừa dối lường gạt ai, không áp bức ai, lúc nào cũng cần mẫn làm việc để tự nuôi sống gia đình, lo cho con cái học hành thành người hữu dụng.
Ra đời tự lập từ năm 15 tuổi, Mẹ tự hào về thành quả của công sức mình. Sự hiện diện tuyên truyền của Việt Minh là mối đe dọa thường xuyên làm cho đời sống của Mẹ thêm phần bất ổn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ có kẻ báo cáo từ chuyện thúng gạo đến con gà con vịt trong nhà. Các cán bộ càng tuyên truyền bao nhiêu thì Mẹ càng ghét ông Hồ bấy nhiêu. Mẹ chẳng nói với ai nhưng Mẹ đã kiên quyết phải rời khỏi vùng Việt Minh kiểm soát, trốn về thành phố, gọi là vùng Tề, để bớt bị khủng bố hàng ngày, để cho các con của Mẹ được đi học. Mấy năm trời lưu lạc trong vùng Việt Minh kiểm soát, tiền bạc nữ trang dành dụm đã khánh tận và các con chẳng được học hành gì cả, đó là niềm thất vọng của Mẹ. Mẹ mất tất cả chỉ còn lại mấy đứa con còn non dại.
Vào một buổi sáng tinh mơ, khoảng năm 1949 tôi được ngồi trong quang gánh của Mẹ trốn về thị xã Sơn Tây cùng anh kế tôi. Bây giờ tôi mới biết đó là một cuộc vượt biên táo bạo đầu tiên trong đời tôi, để ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát, vào vùng Tề của chính phủ Quốc gia. Mẹ tôi đã âm thầm một mình thực hiện chuyến đi này, sau khi liên lạc được với bác tôi, chị của Mẹ, tại Sơn Tây. Về Sơn Tây, mẹ tôi lại tiếp tục buôn gánh bán bưng sống qua ngày và anh em tôi bắt đầu được đi học.
Cuộc sống còn rất cực khổ, thiếu thốn đủ điều nhưng mẹ tôi yên tâm hơn vì các con của Mẹ được đi học. Hằng ngày Mẹ gánh hàng qua đò họp chợ bên kia sông Hồng, tỉnh Vĩnh Yên. Bên này sông là Sơn Tây, vùng Quốc gia. Bên kia sông Hồng là vùng “xôi đậu”, tức là ban ngày Quốc gia kiểm soát nhưng tối đến thì do Việt Minh kiểm soát. Do đó, mỗi gánh hàng đều bị giới hạn và kiểm soát gắt gao giống như qua biên giới hai nước bây giờ. Dân sống trong vùng Việt Minh thì cần muối, cần đường, mỗi ngày bạn hàng chỉ được phép mang chừng 5 kg muối, 5 kg đường qua sông. Tôi nhớ có một lần vì muốn mang nhiều hơn nên Mẹ bảo tôi mang giúp một túi 5 kg muối xuống đò cho Mẹ, qua trạm kiểm soát. Anh lính gác thấy tôi mang túi muối, anh hỏi mang cho ai. Thay vì nói dối, tôi ngây thơ nói mang cho Mẹ, thế là anh tịch thu luôn mặc cho khuôn mặt buồn thiu của tôi vì sợ Mẹ la. Đây là một kinh nghiệm đau thương của tôi khi theo Mẹ đi buôn năm 6 tuổi, làm Mẹ lỗ vốn, mà tôi cứ nhớ hoài cho đến bây giờ!
Cuộc sống của mẹ con tôi chật vật như thế nhưng Mẹ vẫn chịu đựng. Có một lần mẹ tôi hớt hải về nhà sớm, mặt mày hốc hác. Thì ra hôm đó quân Việt Minh phục kích quân Quốc gia ngay trong chợ, hai bên bắn nhau ào ào, mẹ tôi cùng các bạn hàng bỏ quang gánh lo chạy thoát chết. Tôi nhớ đêm đó Mẹ thao thức khóc sướt mướt, than thân trách phận. Mẹ trách Thầy sao ra đi quá sớm, bỏ mẹ con tôi thành mẹ góa con côi. Những lúc như vậy tôi hoảng sợ lắm và khóc theo Mẹ. Sáng ra, cơn khủng hoảng tạm qua đi, mẹ tôi lại lăn xả vào công việc buôn bán tiếp tục kiếm sống cho anh em tôi đi học. Mẹ tôi còn kiên trì vận động thuyết phục và dàn xếp để anh Cả tôi rời bỏ vùng Việt Minh, về vùng Tề sinh sống cho các cháu nội có tương lai, vì chiến tranh ngày càng khốc liệt và Việt Minh ngày càng lộ rõ là những người Cộng sản với phong trào đấu tranh giai cấp. Mãi đến khoảng năm 1950 anh cả tôi và gia đình mới trốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát để về Tề. Tôi không hiểu từ đâu Mẹ có nghị lực phi thường như thế, luôn quên mình để chỉ lo cho con cháu. Sau khoảng nửa năm thất nghiệp, anh Cả được tuyển dụng làm tại bộ Canh Nông trong chính phủ và đổi vào làm tại Huế.
Khoảng đầu năm 1953, tình hình miền Bắc rất sôi động. Chiến tranh Pháp Việt nóng bỏng cùng với phong trào Cải Cách Ruộng Đất và các cuộc đấu tố địa chủ rất dã man tại các vùng do Việt Minh kiểm soát. Tin tức về các cuộc đấu tố từ quê lan ra làm mẹ tôi rất lo sợ và thất vọng. Nhiều người hàng xóm từ quê ra tìm cách tuyên truyền kêu gọi Mẹ mang con về quê. Nhưng cùng thời điểm đó, nhiều người lo di tản về miền xuôi để ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát. Mẹ chỉ lắng nghe.
Đến đầu năm 1954 tình hình càng bi đát hơn. Tin tức về chiến trường và hiệp định Genève chia đôi đất nước có hàng ngày. Mẹ tôi lo bán đồ đạc, nói với bà con lối xóm là sửa soạn về lại làng quê. Ai cũng tin Mẹ, nhưng không ngờ vào một buổi sáng tinh mơ, Mẹ đã dẫn anh em chúng tôi ra bến xe về Hà Nội, rồi vài tuần sau đến Hải Phòng, xuống tầu thủy vào Đà Nẵng, sau đó, đi xe lửa ra Huế đoàn tụ cùng anh Cả tôi. Mẹ đã bỏ hết cơ nghiệp bên núi Tản sông Đà, ruộng vườn thẳng cánh và kỷ niệm thân thương, cùng mồ mả tổ tiên, trong đó có cả mộ của thầy tôi, để dứt áo ra đi. Cuộc chạy trốn đó chỉ vài hôm, trước ngày 20 tháng 7, năm 1954 là ngày Hiệp Định Genève ký kết chia đôi đất nước Việt Nam, chấm dứt mọi sự đi lại giữa hai miền.
Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi không khỏi kinh ngạc về sự kiên quyết ly khai khỏi chế độ Cộng sản của Mẹ thuở ấy. Mẹ tôi, cho đến lúc bấy giờ, hình như chỉ đến Hà Nội một hai lần, chưa bao giờ tới Hải Phòng và không hề biết gì về miền Trung, ngoại trừ vài lá thư của anh Cả tôi gửi về. Tôi nghĩ, sự dứt khoát đó chính là muốn hy sinh cho tương lai của chúng tôi và sự ghê sợ chính sách tàn bạo của người Cộng sản, dù rằng Mẹ chẳng biết tí gì về chính trị. Tất cả chỉ là kinh nghiệm sống bản thân.
Đó là lần đầu bỏ xứ ra đi của mẹ tôi.
Vào Huế
Những ngày đầu ở Huế, Mẹ mừng vui được đoàn tụ cùng anh chị Cả của tôi và 3 đứa cháu nội sau nhiều năm xa cách. Anh Cả tôi lúc đó làm ở Ty Canh Nông Thừa Thiên nên khá bận rộn. Sau khoảng 6 tháng thì Mẹ thấy mang quá nhiều gánh nặng cho gia đình anh chị, nên nhất định dọn ra ở riêng, dù anh tôi phản đối nhưng Mẹ vẫn không nghe.
Ra riêng, mẹ tôi lại bắt đầu buôn bán để kiếm sống. Bản tính kiên cường, không muốn nhờ vả con cháu của Mẹ vẫn còn, dù bây giờ đã tha hương, xa hẳn quê nhà. Phong tục tập quán mới mẻ của xứ thần kinh làm Mẹ gặp khá nhiều trở ngại lúc ban đầu. Mẹ tôi thuê được một căn nhà nhỏ của một nhân viên làm ngay trong khu Tam Tòa (Tòa Án) gần cửa Thượng Tứ. Với số vốn ít ỏi, làm gì được để kiếm sống, đó là mối nan giải của Mẹ lúc đầu. Đồ ăn Huế thì Mẹ không biết ăn chứ đừng nói đến việc làm để bán cho khách. Sau cùng, mẹ tôi quyết định làm miến gà để gánh đi bán rong trong khu nhiều người Bắc mới di cư vào Huế.
Gánh canh miến của Mẹ là một sáng kiến độc đáo làm thỏa mãn ước ao của nhiều người gốc Bắc đang nhớ nhà, vẫn luôn tưởng nhớ món ngon Hà Nội và do đó được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người Huế cũng bắt đầu thích sự khác lạ, thay cho món bún bò quen thuộc. Mẹ cũng phải thay đổi hương vị chút ít khi khách là người Huế như thêm nhiều ớt cho cay hơn. Thật cũng lạ, vì mẹ tôi không phải là một đầu bếp rành nghề và cũng ít nấu những món cầu kỳ nhưng bây giờ Mẹ cũng làm được, có lẽ nhờ vào sự bén nhạy thương mại sẵn có của Mẹ mà thôi.
Điều khó khăn nhất cho mẹ tôi là việc hòa hợp với các phong tục địa phương của xứ Thần Kinh. Ở Huế thủa đó phụ nữ ra đường thường phải mặc áo dài, người đi chợ cũng phải mặc áo dài, nếu không thì bị coi như vô lễ. Mẹ tôi gánh hàng đi bán rong cũng phải mặc áo dài màu đen. Đó là một cực hình với Mẹ vì với người Bắc, phụ nữ chỉ mặc áo dài trong dịp lễ lạc, dạo chơi mà thôi và màu đen là màu buồn, tang tóc, phái nữ ít khi mặc. Mẹ chỉ thở dài bảo tôi: “Thôi nhập gia phải tùy tục, chứ làm sao bây giờ“. Thời đó anh em tôi được ăn miến gà thường xuyên vì mỗi lần bán không hết là chúng tôi ăn miến thay cơm. Cuối niên học đó anh kế tôi thi đậu bằng tiểu học, Mẹ mừng lắm.
Thời tiết Huế mùa mưa sùi sụt, rầu rĩ. Nước sông Hương năm nào cũng dâng lên tràn ngập nhà cửa. Có năm chúng tôi phải di tản lên tòa án tránh lụt. Mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng nực, công việc buôn bán trở nên vất vả hơn. Năm đó tôi chẳng may bị đau xương sống phải vào nhà thương Huế điều trị mãi không lành. Bác sĩ khuyên nên vào Sài Gòn vì ở đó có nhiều phương tiện chạy chữa hơn. Điều này làm mẹ tôi lo lắng vô cùng. Cũng may, đúng thời gian đó, anh Cả của tôi cũng đang rục rịch được thuyên chuyển vào Sài Gòn, nên Mẹ cũng muốn vào Sài Gòn cho tôi chữa bệnh và gần chị Hai của tôi cũng như nhiều họ hàng.
Khoảng cuối năm 1956, Mẹ đưa chúng tôi vào Sài Gòn, một miền đất mới hoàn toàn xa lạ với Mẹ.
Vào Miền Nam
Đến Sài Gòn, sau khi ở chung với gia đình chị tôi chừng 6 tháng cho quen đường xá, mẹ tôi lại ra ở riêng để chăm sóc cho ba anh em chúng tôi. Vẫn là một bà mẹ kiên cường lo cho con không ngừng nghỉ. Anh Ba tôi, với sự giúp đỡ của một người bà con, dựng một căn nhà đơn sơ trên đường Công Lý. Chúng tôi ở đó được chừng một năm thì bị chủ đất đuổi, lấy lại đất để xây cao ốc. Vì nhỏ dại, anh Ba tôi không làm giấy tờ rõ ràng nên không được bồi thường gì cả. Mẹ tôi chỉ thản nhiên dọn đi nơi khác, coi giống như chuyện nhà bị cưỡng đoạt lúc còn ở ngoài Bắc.
Mẹ tôi dành dụm mua được một căn nhà nhỏ tí teo trong một ngõ hẻm đường Yên Đổ và bắt đầu buôn bán lại kiếm sống. Cuộc sống vẫn còn chật vật lắm. Chả biết làm gì hơn, Mẹ tôi lại nấu xôi đi bán rong mỗi buổi sáng, lay lắt kiếm sống. Thuở đó, tôi được ăn xôi rất thường mỗi khi Mẹ bán không hết. Dù sao Mẹ cũng vui vì mỗi ngày khoảng 10 giờ sáng là Mẹ về nhà coi sóc cho tôi, lúc đó vẫn còn băng bột. Tuy đi lại được nhưng vẫn phải ở nhà không đi học. Nhờ kiên trì chạy chữa tại bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 2 năm sau thì tôi trở lại bình thường đi học lại được. Ngày tôi đậu thi tuyển vào lớp đệ thất trường Trần Lục, Mẹ mừng vô kể.
Năm đó, bác tôi trúng thầu cung cấp thực phẩm hàng ngày cho các trung tâm thiếu nhi phạm pháp và trại tế bần ở Sài Gòn. Bác giao cho mẹ tôi làm quản lý các cơ sở đó và Mẹ có công việc mới. Mỗi ngày Mẹ dậy từ 3 giờ sáng, đón xe ngựa đến chợ Cầu Ông Lãnh và các vựa thực phẩm, mua thực phẩm đủ cho hàng ngàn người ăn, theo đúng thực đơn thay đổi hàng ngày, về giao cho nhà bếp. Tôi vẫn nhớ như chuyện vừa mới xảy ra hôm qua, sáng nào Mẹ cũng dậy sớm, mặc áo ấm, lấy một chút dầu cù là con cọp ngậm trong miệng cho khỏi cảm lạnh trước khi rời nhà. Công việc bận bịu, cực khổ nhưng Mẹ rất vui vì đúng khả năng buôn bán của Mẹ hơn. Mẹ tôi làm công việc này được chừng 2 năm thì chẳng may một hôm đang đi chợ, Mẹ bị té gãy tay nên phải nghỉ việc. Mẹ buồn lắm nhưng phải nghỉ ở nhà dưỡng bịnh một thời gian. Khi lành tay, Mẹ lại nhận một công việc khác là làm quản lý cho ông bác bên nội của tôi, trông coi xây cất một căn biệt thự, kéo dài khoảng nửa năm, rồi sau đó, Mẹ mới chịu nghỉ. Khoảng thời gian này, anh kế tôi vừa tốt nghiệp trường sư phạm và bắt đầu đi dạy học nên Mẹ cũng yên tâm. Vài năm sau tôi được học bổng du học ngoại quốc thì Mẹ không còn lo lắng về tài chánh nữa.
Ngày tôi lên đường du học, Mẹ tiễn tôi ra phi trường với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Mẹ mừng cho tôi sẽ được có tương lai rạng rỡ, khỏi lo việc lính tráng nguy nan, nhưng trong ánh mắt của Mẹ, tôi thấy rõ sự nhớ thương, lo sợ cho tôi, đứa con cưng của Mẹ. Tôi nhớ rõ như hôm qua, khi nhìn qua khung cửa kính máy bay, tôi thấy rõ nét mặt buồn hiu của Mẹ, mà mắt tôi đẫm lệ.
Thời gian qua mau, 5 năm sau tôi tốt nghiệp trở về thì Mẹ đã già nhưng mừng vui khôn xiết. Từ đó tôi chính thức thay các anh tôi săn sóc Mẹ vì các anh đều có gia đình. Tôi mua được một căn chung cư trong cư xá Thanh Đa và đón Mẹ về. Tình hình chiến sự ngày thêm nóng bỏng. Đầu năm 1975 Cộng quân ngày một gần kề. Tin tức về các cuộc di tản từ Đà Nẵng, Quảng Trị rồi Đà Lạt, Mẹ đều biết cả và rất lo lắng.
Những ngày đầu tháng Ba năm 1975, có lẽ qua báo chí và TV, mẹ tôi linh cảm những điều chẳng lành. Tôi đi làm phải trực đêm liên miên, tin tức chiến sự từ các tỉnh báo cáo về còn cấp thiết hơn nhiều mà tôi không dám cho Mẹ biết vì sợ Mẹ lo thêm. Sau cùng vì phải trực suốt đêm rất thường, tôi đưa Mẹ lên ở cùng gia đình anh Cả tôi cho Mẹ đỡ sợ. Mẹ tôi luôn luôn thúc dục tôi phải tìm cách trốn ra ngoại quốc vì Mẹ biết các con của Mẹ không thể nào sống với người Cộng sản, đặc biệt là vì tôi đi học ngoại quốc về. Mẹ đã có quá nhiều kinh nghiệm. Mẹ nói thẳng với tôi: “Mẹ đã già, sống sao cũng chịu được, chết cũng chẳng có gì đáng tiếc. Nhưng con, con phải cố gắng tìm đường đi, đừng vì lo cho Mẹ mà bị tù tội, chết đói cả nhà, con không thể sống với họ được đâu.“.. Tôi cố trấn an Mẹ: “Mẹ yên tâm đi, con tốt nghiệp ở Tân Tây Lan chứ có phải ở Mỹ đâu, với lại con là kỹ sư chứ có là lính tráng gì đâu mà họ trả thù“. Mẹ tôi chỉ lắc đầu ngao ngán cho thằng con ngây thơ của Mẹ.
Tôi lẳng lặng tìm đường ra đi nhưng những cố gắng liên lạc đều không thành. Những ngày gần cuối Tháng Tư, 1975, tại nhiệm sở, các cấp chỉ huy của tôi đều vắng mặt, không khí rất lạ bao trùm nơi tôi làm việc. Tôi về đón Mẹ, rồi chở Mẹ ra bến Bạch Đằng nhưng đành quay trở về vì cả rừng người đang chờ đợi. Một cơ may bất ngờ đến, anh Ba tôi liên lạc được với người bạn, anh bạn này cho biết là gia đình các binh sĩ Lôi Hổ đang sửa soạn lên tàu, rút ra hải phận quốc tế từ kho 5 Khánh Hội. Họ đã cho gia đình hai anh kế tôi và mẹ con tôi lên tàu đổ bộ, chờ giờ khởi hành. Chúng tôi lên tàu vào những phút cuối cùng của ngày 29 Tháng Tư năm 1975, không hành trang, chỉ với túi giấy tờ tùy thân.
Tôi chưa từng lâm vào cảnh vô định như lúc này, mình sẽ làm gì, đi đâu, trong những giờ sắp tới? Thôi đành phó mặc cho số mệnh, tôi nghĩ. Dẫn Mẹ đi vào chỗ chết hay chỗ sống? Tôi không có câu trả lời. Ngồi bệt trên sàn tàu, chung quanh đầy súng đạn. Tôi mệt đừ vì chạy ngược xuôi suốt cả ngày không ăn uống gì. Mẹ tôi chỉ yên lặng rút ra từ túi xách vài gói xôi, có thịt chà bông chia cho cả nhà. Tôi trố mắt ngạc nhiên, làm sao mà Mẹ biết lo chu đáo như vậy. Mẹ chỉ mỉm cười: “Mấy chục năm chạy loạn rồi mình lúc nào cũng phải lo xa, con ạ” . Tôi ngậm ngùi, không có mẹ chắc tôi chết đói lúc nào không biết. Khuya đó tàu tắt đèn tối om, lẳng lặng theo sông nhà Bè ra biển.
Trưa hôm sau, ngày 30 Tháng Tư 1975, trên đài phát thanh, Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc con tàu nhỏ bé vừa vào hải phận quốc tế. Mẹ tôi thở dài. Một cái gì vừa uất nghẹn vừa hụt hẫng dâng lên trong tôi. Vĩnh biệt Sài Gòn của tôi. Tôi ôm Mẹ lặng im. Ít ra tôi còn có Mẹ. Không biết gia đình anh Cả tôi có ra đi bình an không? Tôi nhớ đến cô bạn gái, cũng là cô học trò trường London School của tôi, mà tôi chưa hề có dịp mang về giới thiệu với Mẹ. Tôi nhắm mắt cầu nguyện cho mọi người trong gia đình, cho người yêu của tôi. Tôi đưa tay, sờ lên môi của mình; mới ngày hôm kia, là lần đầu tiên hôn trên trán nàng khi nói lời tiễn biệt vì nàng sắp sửa theo cha mẹ di tản đi Mỹ. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi thầm hứa, nếu trời cho bình an gặp lại, anh sẽ yêu em mãi mãi chẳng xa rời!
Tối ngày 30 Tháng Tư, tàu nhỏ của chúng tôi xáp được vào chiếc xà lan đi tiếp cứu nạn nhân trong hải phận quốc tế, sau khi tất cả vũ khí đạn dược trên tàu đã thảy xuống biển. Được biết chiếc xà lan này là một trong những chiếc xà lan thường chuyên chở quân nhu, vũ khí, đạn dược, ngược sông Cửu Long cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chung quanh xà lan là hai hàng rào bằng lưới sắt, giữa hai hàng rào là các bao cát để chống pháo kích đạn B40 của Cộng quân. Từ hàng rào ra đến ven ngoài của xà lan chỉ chừng nửa thước tây. Hàng rào cao chừng 3, hay 4 thước, và xà lan có lẽ chừng 60 thước chiều dài và 30 thước chiều ngang. Tàu vừa cặp sát xà lan thì các người trẻ nhảy ra, leo qua hàng rào vào bên trong. Trời đã tối, chúng tôi chỉ dám bám sát bên ngoài hàng rào, ôm nhau nghỉ ngơi chờ sáng vì sợ trợt chân rơi xuống biển. Trong cái mát lạnh của gió biển, tôi thiu thiu ngủ gục, may nhờ có Mẹ đánh thức, chứ không thì rơi xuống biển chết đuối rồi.
Sáng hôm sau cả nhà giúp nhau leo qua hàng rào vào bên trong xà lan. Mẹ tôi mặc dù lớn tuổi nhất nhưng đã leo lên một cách nhanh nhẹn gọn gàng với rất ít trợ giúp của các anh tôi, trong khi các bà chị dâu của tôi thì rớt lên rớt xuống, thật tội nghiệp. Bên trong xà lan là cả một rừng người, có lẽ vài ngàn. Cố gắng lắm mới kiếm được một chỗ ngồi xổm trên sàn, nếu đứng lên là ngồi xuống không được, vì sẽ ngồi lên đầu người khác. Thật là bi thảm. Buổi sáng trời còn mát nên tương đối dễ chịu, trưa thì nắng chang chang. Cháu bé 2 tuổi con anh tôi, la khóc vì thiếu sữa. Mọi người đều khát nước, mong có nước uống. Thỉnh thoảng có tàu Mỹ đi ngang, dùng vòi rồng cung cấp nước uống và xịt nước qua như trời mưa, cũng đỡ nóng và khát.
Lênh đênh trên biển như thế cả ngày, hôm sau mới có tàu Mỹ đến gần. Ai cũng muốn lên tàu, chen lấn vô trật tự. Tai nạn đã xảy ra, tôi lạnh người thấy một số thanh niên trẻ, đa số là lính tráng vì họ còn khỏe mạnh leo lên hàng rào, muốn qua tàu Mỹ trước. Nhưng hàng rào bị sập, một số rớt xuống biển, vừa ngoi lên thì bị kẹp chết giữa tàu và xà lan, tiếng kêu khóc thảm thiết. Tàu Mỹ thấy hỗn loạn quá lại bỏ đi, gây bao nhiêu thất vọng cho những người trên xà lan. Gia đình tôi có mẹ già và cháu bé nên không dám xông xáo, chỉ kiên nhẫn ngồi chờ, cầu xin Trời Phật gia hộ. Sau tai nạn chết người đó, một số sĩ quan đã đứng ra tổ chức và ra lệnh cho mọi người xếp hàng thứ tự khi tàu Mỹ khác ghé lại, cho phụ nữ và trẻ em được leo qua tàu Mỹ trước. Mẹ và chị tôi cùng cháu bé được lên tàu vào chiều hôm đó. Tôi và anh tôi phải đợi cho đến ngày hôm sau và là những người cuối cùng ra khỏi xà lan, lên một tàu khác. Nằm trên boong tàu Mỹ, tàu Green Forest, tôi còn nhớ rõ, tôi sốt ruột lo lắng không biết Mẹ và các chị tôi lúc đó ở đâu. Trời biển lúc nắng lúc mưa, đêm xuống sương lạnh nhưng tôi cũng không xuống hầm tàu vì quá ngột ngạt, đầy người tị nạn. Nhân viên tàu đi ngang chỗ tôi nằm phát cho một chén cháo, có lẽ vì số người quá lớn nên không đủ thực phẩm cho mọi người.
Sau khoảng một ngày đi trên biển, tàu ghé cảng Subic, một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân. Khi xếp hàng xuống thang tàu, tôi còn đang ngơ ngác tìm kiếm mẹ tôi thì nghe tiếng gọi của Mẹ trong đám người chờ đợi. Và cả bà chị dâu tôi cùng cháu bé nữa. Cảm ơn Trời Phật! Tôi và anh tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật là may mắn! Nếu họ chở mẹ tôi đi vùng khác như gia đình anh chị Ba tôi, thì khó mà kiếm ra. Vào trại, tôi được mời ngay một cái hamburger còn nóng và một ly coca cola từ các quân nhân đang lo việc tiếp đón dân tị nạn. Sau mấy ngày nhịn đói, nhịn khát, dĩ nhiên tôi ăn uống ngon lành. Thú thật, chưa bao giờ tôi thấy hamburger ngon như vậy.
Ở đó được một ngày, chúng tôi được lên máy bay quân sự C40 qua đảo Wake, một căn cứ quân sự khác của Hoa Kỳ. Sống tại đây khoảng 3 tuần chúng tôi lại lên máy bay quân sự khác, qua căn cứ Pendenton, tiểu bang California. Những ngày này, Mẹ trở thành trầm lặng, chắc vì vẫn chưa có tin tức của gia đình anh Cả, gia đình chị Hai và gia đình anh Ba của tôi. Có lẽ vì mẹ tôi quá bất ngờ, chuyến đi quá xa và hoàn cảnh thay đổi hết, ngoài sức tưởng tượng của Mẹ và của mọi người. Mẹ như cảm thấy hoàn toàn bất lực, không biết cách nào xoay sở giúp tôi và gia đình con cháu ngoài lời cầu khấn Thầy tôi hàng đêm.
Tôi đột nhiên trở thành người chủ chốt trong nhà vì là người duy nhất còn thích hợp được với hoàn cảnh mới, ngôn ngữ mới. Những ngày ở trong trại tị nạn, sống chen chúc trong lều vải, ngày nắng chang chang, đêm lạnh thấu xương, Mẹ già hẳn đi. Tôi liên lạc được với Hiền, nàng và gia đình đã được nhà thờ bảo trợ, ra khỏi trại an toàn. Tôi chia sẻ tin mừng với Mẹ và mẹ tôi cũng vui hẳn lên, mong cho có ngày gặp nàng. Mẹ chỉ mong cho tôi có vợ cho yên bề gia thất. Đó là ước nguyện khát khao của Mẹ từ lâu. Hồi còn ở Saigon, mẹ tôi suốt ngày hối thúc mấy ông anh bà chị lo đi giới thiệu bạn gái cho tôi nhưng vẫn không thành. Mẹ đâm lo, một lần bảo ông anh Cả tôi hỏi thật xem tôi có bình thường không. Ông anh tôi phá ra cười : “Bà Nội ơi! Chú Út không có sao hết, còn kén vợ đó thôi, bồ bịch cả đống mà nó dấu Mẹ đó“. Mẹ tôi đỡ lo nhưng lại lo tôi lắm mối tối nằm không.
Khi tôi kể chuyện tôi quen biết Hiền đậm đà ra sao và nói là Hiền đang vận động nhà thờ bảo trợ cho gia đình ra định cư cùng tỉnh với nàng thì mẹ tôi mừng lắm, ngày nào cũng hỏi tôi về nàng, Mẹ cứ lo ba của Hiền khó tính không bằng lòng Lúc nào Mẹ cũng lo cho tôi cả, thật là tội nghiệp. Chừng một tháng sau thì chúng tôi liên lạc được với gia đình anh Cả và các anh chị khác trong nhà. Mọi người đều di tản qua Mỹ an toàn và cùng đến tạm cư tại Camp Pendleton, California làm mẹ tôi mừng khôn xiết.
Định cư tại Hoa Kỳ
Qua sự vận động của Hiền và gia đình nàng, đầu Tháng 8 năm đó, mẹ con tôi cùng gia đình anh kế được một nhà thờ bảo trợ đến định cư tại Tulsa, Oklahoma. Thêm một lần nữa đặt chân đến một thành phố hoàn toàn xa lạ. Mẹ tôi rất buồn vì ngoài con cháu trong nhà, Mẹ chẳng biết chuyện trò cùng ai vì ngôn ngữ bất đồng, phong tục xa lạ. Tuy nhiên, Mẹ cũng lấy làm yên lòng vì nhà thờ rất chu đáo trong việc giúp đỡ chúng tôi. Dù sao cuộc sống bây giờ, nếu có cực khổ, thì cũng còn được sự yên bình, các con cháu của Mẹ không phải nơm nớp lo sợ tù đầy. Bây giờ Mẹ chỉ còn mong chờ tôi được ba mẹ của Hiền chấp thuận cho hai đứa được thành hôn, nhưng trước hết phải có việc làm để nuôi sống gia đình. Mẹ bây giờ thì chịu thua, không làm sao buôn bán như hồi ở Việt Nam được nữa, và hoàn toàn trông cậy vào tôi.
Rất may mắn là chỉ sau 3 tuần thì tôi có việc làm kỹ sư với hãng điện Public Service of Oklahoma, trụ sở ngay tại Tulsa. Có lẽ vì tốt nghiệp ở một trường đại học nói tiếng Anh, nên không có trở ngại về ngôn ngữ và thêm vào đó là tôi có hơn 3 năm kinh nghiệm trong nghề khi làm việc tại Điện Lực Việt Nam. Mẹ tôi rất mừng khi tôi có việc tốt nhưng Mẹ lại bắt đầu nhắc nhở tôi phải đưa Mẹ qua gặp ba mẹ của Hiền để chính thức xin lo việc cưới hỏi cho hai đứa. Mẹ chỉ lo ba mẹ của Hiền từ chối thì Mẹ sẽ buồn lắm, không biết làm sao lo cho tôi. Nỗi băn khoăn lớn nhất của Mẹ là vấn đề gia thất của tôi. Tôi chưa lập gia đình thì Mẹ chưa an tâm.
Khi được lãnh lương lần đầu tiên ở xứ Mỹ, tôi lo sắm sửa lễ vật đưa Mẹ qua gặp ba mẹ Hiền để Mẹ chính thức xin cho tôi được đính hôn với nàng. Tôi vẫn còn nhớ như hôm qua, vẻ mặt mừng rỡ của Mẹ khi được ba mẹ Hiền hoan hỉ chấp nhận cho chúng tôi được đính hôn. Mẹ như bỏ được một gánh nặng trên vai từ mấy chục năm qua. Tôi và Hiền chỉ định lo việc tổ chức đám cưới thật đơn sơ vì lúc đó cả hai gia đình đều còn tất bật lo ổn định cuộc sống. Tuy nhiên những người trong hai nhà thờ bảo trợ chúng tôi đã tự động đóng góp, lo cho chúng tôi từng bước một, từ áo cưới cô dâu đến tiệc tiếp tân tại nhà thờ với bông hoa rực rỡ. Tôi không ngờ đám cưới chúng tôi, ngoài khoảng 20 người Việt Nam mới định cư tại thành phố này còn có khoảng ba trăm người thuộc hai nhà thờ bảo trợ cho chúng tôi, và hai vị mục sư của hai nhà thờ cùng chủ lễ. Những người trong nhà thờ cũng vui mừng như đám cưới của chính họ. Dĩ nhiên là mẹ tôi vui mừng khôn xiết vì thằng con cưng của Mẹ nay đã thành gia thất với một cô vợ xinh xắn phúc hậu, con nhà gia thế.
Cuộc sống gia đình nơi xứ lạ coi như tạm ổn. Lúc này gia đình chị gái của tôi cũng vừa được ra định cư và may mắn thuê được căn nhà ngay bên cạnh chúng tôi.
Hai tháng sau, với sự giúp đỡ của nhà thờ, chúng tôi mua được căn nhà nhỏ, trả góp như tiền thuê. Mẹ và vợ chồng chúng tôi dọn ra căn nhà riêng vì lúc đó chúng tôi sống chung với gia đình anh chị tôi và cả bà xui gia nữa, thật quá chật chội.
Về nhà mới, hàng ngày vợ chồng chúng tôi đi làm, Mẹ ở nhà một mình cũng buồn. Chỉ hơn nửa năm sau, các anh chị tôi thuê được một căn nhà nhỏ gần nhà các anh chị cho Mẹ và Mẹ dọn về ở một mình. Chúng tôi ngăn cản hết sức vì sợ không ai săn sóc Mẹ nhưng Mẹ không nghe vì Mẹ không muốn đặt gánh nặng vào vợ chồng tôi và cũng muốn gần chị tôi và các cháu hàng ngày qua lại cho đỡ buồn. Mẹ không muốn ở chung với ai vì Mẹ cho rằng cứ ở riêng như vậy cho các con được tự do và chính phủ cấp dưỡng nhiều hơn thì đỡ khổ cho các con. Mẹ vẫn tự nấu ăn lấy một mình và con cháu ghé chơi, đều được Mẹ cho ăn món Mẹ nấu. Tính tự lập của Mẹ vẫn còn, dù năm đó Mẹ đã hơn bảy mươi tuổi.
Thời gian qua mau, khoảng lễ Thanksgiving, tuyết bắt đầu rơi ở Tulsa. Lần đầu tiên thấy tuyết, chúng tôi mừng rỡ chạy ra vườn chơi tuyết, Mẹ cũng vui dù rằng kêu lạnh. Những mùa tuyết sau thì chúng tôi bắt đầu ngao ngán vì phải lội tuyết đi làm. Mẹ bắt đầu buồn bã vì không thể ra ngoài, tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, nhìn qua cửa sổ chỉ thấy tuyết trắng xóa. Mẹ tôi chỉ chờ chúng tôi và con cháu đi học, đi làm về qua chơi. Sức khỏe của Mẹ cũng bắt đầu suy sụp vì bệnh tê thấp hành hạ trong mùa đông lạnh giá. Mẹ nhớ những ngày sống ở quê nhà nắng ấm nhưng không hề than vãn. Mùa đông qua, mùa xuân tới cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộn ràng làm Mẹ vui hơn nhưng vẫn lạnh mình khi thấy mùa đông sắp tới.
Cùng lúc đó, các anh chị của tôi cũng sợ thời tiết khắc nghiệt của Tulsa, muốn về Houston lập nghiệp vì Houston có nhiều người Việt sinh sống, có nhiều việc làm và thời tiết ấm áp hơn. Houston nóng ấm gần như quanh năm, rất giống Sài Gòn. Lúc đó nhiều người Việt từ các tiểu bang khác, cũng rủ nhau về định cư tại Houston. “Houston nắng ấm” mau chóng trở thành một trung tâm cho người Việt tha hương giống như vùng Orange county của tiểu bang California. Các hàng quán, cơ sở thương mại của người Việt mọc lên như nấm, làm ấm lòng dân tị nạn xa quê hương. Các anh chị của tôi cũng về Houston lập nghiệp và mang Mẹ theo.
Sau vài tháng Mẹ theo anh chị tôi về Houston, tôi đến thành phố này thăm Mẹ. Tôi đã nạp đơn xin việc tại công ty Điện Lực Houston, lúc đó có tên là Houston Light & Power. Tôi chỉ nạp đơn cầu may vì họ không có thông báo tuyển dụng gì cả. Rất may mắn cho tôi, khoảng ba tuần sau, họ gửi thư gọi tôi đến phỏng vấn và cho việc với lương cao hơn lương tôi đang có. Tôi mừng rỡ cho Mẹ hay nhưng Mẹ cũng còn ngại ngùng không thúc dục tôi vì không muốn tôi bỏ việc tốt về Houston chỉ vì muốn gần Mẹ. Mẹ ngại ngùng vì sợ gây thêm gánh nặng cho tôi.
Vài tháng sau, tôi dọn về Houston và bắt đầu việc mới. Tôi thuê một căn phòng ở một chung cư gần căn chung cư của mẹ tôi, Mẹ mừng vô cùng. Mỗi chiều đi làm về, tôi dẫn đứa con đầu lòng đang chập chững biết đi, qua chơi với bà nội. Lúc đó chùa Phật Quang ở South Houston thành lập một nghĩa trang dành cho người Việt. Mẹ thúc dục tôi phải mua ngay một khu cho gia đình để Mẹ có chỗ an nghỉ khi mãn phần. Sau khi mua đất, tôi dẫn Mẹ đi coi, rồi Mẹ nhất quyết bỏ hết tiền dành dụm được bắt tôi phải mua sẵn một khế ước chôn cất Mẹ cho đầy đủ để khi Mẹ mất, không đứa con nào phải tốn kém lo cho Mẹ.
Từ đó, Mẹ yên tâm, hàng ngày cầu nguyện được về với thầy tôi. Đối với Mẹ, cuộc sống như vậy là quá mãn nguyện, con cháu được an toàn sống ở Mỹ, làm ăn tốt đẹp. Bây giờ Mẹ biết khi nằm xuống đã có chỗ chôn cất khang trang, và không để lại gánh nặng cho đứa con nào cả. Tính tự lập tự cường không muốn nhờ vả vào bất cứ ai và suốt đời chỉ mong cho con cái thành đạt của Mẹ, nhiều lúc làm tôi sững sờ mỗi khi nhớ Mẹ. Gần đây, thấy nhiều người Việt, dù sống tại Mỹ cả mấy chục năm, nhưng lúc già cũng rất sợ phải sống một mình trong các nhà già, luôn luôn muốn con cái phụng dưỡng, tôi lại càng khâm phục sự hy sinh và cách sống độc lập của Mẹ.
Cũng như mọi năm, năm 1979, khi gần ngày giỗ thầy tôi, Mẹ lo bày bàn thờ, tắm gội sạch sẽ để sửa soạn cúng Thầy. Trước ngày giỗ hai hôm, Mẹ đột nhiên bị cảm lạnh, anh tôi đưa Mẹ vào nhà thương nhưng quá trễ. Tôi từ sở làm vội vã vào nhà thương nhưng Mẹ đã ra đi nhẹ nhàng như đang ngủ, làm tất cả gia đình bất ngờ ngậm ngùi thương tiếc.
Tang lễ của mẹ tôi diễn ra đúng như lời di chúc của Mẹ. Các con cháu không ai phải chi phí gì cho Mẹ, Mẹ còn dư tiền dành dụm được, để chia cho các cháu như một món quà.
Đám tang Mẹ, ai cũng khóc sụt sùi, trừ tôi. Có lẽ vì tôi còn bị xúc động quá chăng, hay tại mải lo tang lễ, hay tự trách mình không có mặt lúc Mẹ hấp hối? Tôi cũng không biết rõ. Ngày đưa Mẹ ra nghĩa trang về, thì tối đó, khi về đến nhà, tôi bỗng dưng nhớ Mẹ quay quắt và tự nhiên dòng lệ tuôn trào. Tôi đã khóc như một đứa trẻ thơ và vợ con tôi chỉ biết ôm tôi khóc theo.
Từ đó gia đình tôi vẫn giỗ chung Thầy Mẹ vào một ngày. Tôi thực sự tin là Thầy đã linh thiêng về đón Mẹ đi như lời cầu nguyện hằng đêm của Mẹ.
Mẹ ơi! Năm nay giỗ Mẹ, con nhớ Mẹ vô cùng và vẫn khóc như một đứa trẻ, dù năm nay con đã ngoài 70 tuổi. Gương hy sinh của Mẹ cho anh chị em chúng con, mà đặc biệt cho con, thật không sao kể xiết. Tinh thần và lối sống tự lực tự cường của Mẹ đã thấm nhuần vào cuộc sống của con, hướng dẫn cuộc sống của con, vực con dậy trong những lúc thất bại. Con xin cảm ơn Mẹ.
Nguyễn Phục Hưng – Cuối Năm 2017 – Houston Texas