Kẹo – quà ngày Noel
Kẹo tiếng Anh là candy, tiếng Pháp là bon bon, tiếng Ý là caramelle, tiếng Bồ đào nha là doces, tiếng Tàu là tòng cổ. Riêng tại Việt nam, kẹo có rất nhiều loại, nhiều nghĩa. Kẹo que để mút, kẹo bạc hà để ngậm, kẹo gum để nhai, kẹo mè xửng, kẹo gừng, kẹo chuối, kẹo … hầm bà lằng đủ thứ. Kẹo thắng bằng đường để ra nước mầu kho thịt, người Bắc gọi là kẹo đắng. Khi ghen tương giận dữ, người ta có thể cho tình địch ăn một viên kẹo đồng. Câu chuyện xảy ra hồi Noel năm ngoái mà tôi sắp kể ra đây, cũng có liên hệ đến kẹo, nhưng là một loại kẹo khác: Kẹo … kéo!!
Kẹo kéo theo nghĩa bình thường là lọai kẹo dẻo, trắng, dễ kéo dài uốn nắn, có lấm tấm đậu phọng ăn rất thơm ngon. Thuở còn đi học tôi mê món kẹo này lắm, lâu lâu được cho tiền ăn quà là tôi mua ngay lấy một miếng nhâm nhi. Gương mặt và bàn tay của ông bán kẹo kéo đến giờ tôi vẫn nhớ. Nhưng miếng kẹo kéo mà tôi có được Noel năm ngoái không dễ nuốt như vậy. Nó có chút hương vị đắng cay, lo lắng, bồi hồi nhưng kết cuộc cũng không kém phần ngọt ngào, đáng nhớ. Thôi để tôi kể huỵch toẹt ra cho rồi, kẻo mất thì giờ của quý vị.
Số là gia đình tôi từ thuở ban đầu đã có chút gì lộn xộn, trật vuột. Chàng gốc người Trung nhưng nói tiếng Bắc, còn tôi là gái Bắc nhưng nói tiếng Nam. Trong nhà vô tình chia ra hai phe. Tôi và đứa con gái lớn mang quốc tịch Mỹ, thích ăn ngọt, tính tình chậm chạp, hạp rơ với nhau hơn. Chàng và đứa con gái nhỏ lại có quốc tịch Canada, thích ăn mặn, cách làm việc lanh lẹ, dứt khoát. Đứa con thứ nhất da đen ngăm, mắt tròn xoe nhìn giống như Phi-luật-tân. Đứa thứ hai lại tròn trĩnh, mắt một mí nên trông như lai Tàu.
Tuy lộn xộn thế nhưng gia đình tôi nói chung rất đề huề, hạnh phúc. Thỉnh thoảng cũng có lúc canh không ngọt, cơm không lành nhưng giận nhau tối đa một tuần là … đình chiến. Hai bé Trâm và Kim cũng tương đối ngoan ngoãn, thông minh nên dù nghèo chúng tôi cũng không lấy làm buồn phiền, than thân trách phận. Chúa cho chúng tôi rời được Việt nam, mới đầu đứa đi Mỹ, đứa ở Canada, bây giờ được đoàn tụ vui vẻ, thì lý nào lại than thở khen chê. Chỉ có cái tôi chưa xin được giấy phép đi làm ở Canada, còn ở nhà trông con nên đôi lúc cũng thấy buồn, mang mặc cảm vô dụng, nhất là kinh tế gia đình có phần eo hẹp, chỉ sống bám vào đồng lương căn bản của chàng.
Đúng ra, tính tôi còn kẹo hơn tính chàng nhiều, vì lúc ở Việt Nam sống tại tỉnh nhỏ, gia đình không khá giả gì, ba má tôi lại luôn khuyên nhủ phải tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, nên tính hà tiện đã đi sâu vào tâm huyết, khó mà tẩy rửa. Bắc kỳ ăn cá rô cây! Xài chút gì tôi cũng thấy phí chưa cần thiết, luôn tính toán so đo, suy nghĩ nếu ráng để dành sau này mua cái khác cần thiết hơn sẽ có lợi hơn (nhưng hiếm khi nào tôi mua cho mình cái khác đó) Chàng rộng rãi hơn, thích đồ đẹp, thích đi ăn tiệm, nhưng dưới sự kiểm soát của tôi và hoàn cảnh gia đình, chàng cũng không được rộng tay xài thoải mái. Nói không phải tự khen mình, nhưng nếu không nhờ tôi, làm sao gia đình có đồng ra đồng vào, không phải vay nợ hoặc cà visa thê thảm. Một đầu lương mà 4 miệng ăn, lại phải giúp người ở VN, đâu phải chuyện dễ. Bé Kim hình như cũng thừa hưởng được bản tính hà tiện di truyền, nên rất căn cơ, khôn trước tuổi. Hễ cầm tờ báo quảng cáo lên thấy món gì ưng ý, câu đầu tiên cháu hỏi là giá bao nhiêu vậy mẹ, và dù tôi trả lời bất kỳ con số nào khác với 99 cents, cháu cũng đều chê mắc không chịu mua.
Có hôm trên đường lái xe đến nhà thờ, bé nhờ tôi lấy dùm tờ khăn giấy để nhả miếng kẹo gum trong miệng ra, tôi tiếc tờ napkin trắng nõn nên lục lọi trong túi đưa cho bé tờ giấy hóa đơn tính tiền để thay thế. Ai lại tự nhiên vứt tờ khăn giấy mới tinh vào thùng rác bao giờ! Kim cầm tờ bill trên tay lẩm bẩm:
-Giấy này phía sau còn trắng, có thể để dành vẽ hình được. Thôi để con ráng ngậm thêm hồi nữa, đến thùng rác nhà thờ mới nhả ra!
Chàng phá ra cười:
-Mẹ con nhà trùm sò, thấy bắt sợ!
Cũng có lần đọc báo thấy kể chuyện người ta dám bỏ ra $100 để mua một muổng cafe trứng cá, loại cavier gì đó để ăn, tôi đã tiếc rẻ:
-Trời ơi, ăn chỉ có chút xíu mà phải đi làm cả buổi để bù vào. Em mà có $100, đãi cả nhà đi ăn phở cũng còn dư, tô nào tô nấy bự chẳng, no cả ngày.
Xong rồi chưa đủ phê, tôi tự động sửa lại:
-Mà thôi cũng chẳng cần đi tiệm phở làm gì cho tốn công, tốn tiền hao xăng. Đưa $100 ấy cho em, em mua cả đống xương về hầm phở lấy, được tới cả chục nồi.
Có lần đi shopping ngang qua tiệm cafe Second cup, thấy mùi thơm quá tôi buột miệng khen:
-Cafe thơm quá.
Chàng tấp vào ngay định mua hai ly, tôi hãi hùng ngăn cản:
-Họ bán gần $5 một ly, mua làm gì?
Chàng ngạc nhiên hỏi lại:
-Chính em nói thơm mà!
-Em nói thơm, chứ em đâu có nói mua. Muốn uống cafe phin về nhà em pha, thơm ngon có kém gì đâu!
Chàng và Trâm cười khúc khích, ra điều tôi quá đáng. Qua tới Âu Mỹ rồi, tôi cũng không thích kẹo kéo làm gì, nhưng ăn theo thuở ở theo thì, chừng nào tôi có giấy tờ đi làm lúc ấy sẽ tính. Tôi tự biện hộ cho mình: Kẹo với nhau trong nhà thì OK, miễn ra đường cũng đóng góp đàng hoàng vào chuyện chung, quà cáp tặng người ngoài cho phải phép là được rồi. Vả lại đàn bà Việt nam có căn cơ chút đỉnh cũng không sao, coi như bản tính tốt, đàn ông mà riết róng keo kiệt quá mới kỳ cục. Chân lý trên đời là chỉ đàn bà mới được độc quyền kẹo, đàn ông không thể xâm phạm quyền này!
Có lần tôi đi dự đám cưới người bạn thân, cũng nổi hứng đi tiệm làm móng tay, móng chân cho le lói. Làm gần xong tôi mới hối hận. Nó vừa khó chịu, vừa bất tiện lại tốn thêm tiền. Của đáng tội, mới đầu nghe bà chủ tiệm « neo » dụ chỉ tốn $5, tôi cứ tường là giá cho nguyên bàn tay, quên rằng bàn tay có 5 ngón, vì họ tính riêng $5 mỗi ngón. Khi biết ra thì đã lỡ rồi, đâu có rút lại được. Không lẽ làm một tay và để nguyên một tay!! Báo hại trong đám cưới tôi cứ sòng sành, cử động hai bàn tay liên tục để các bà chú ý vào bộ móng mới. Biết vậy để tiền bới tóc còn sướng hơn, làm tóc người khác không cần chú ý lắm cũng thấy ngay. Làm móng tay cũng tốn bằng ấy tiền mà ít ai biết tới. Thật là dại dột, tiếc tiền ruột đau như cắt.
Thế nhưng không hiểu hà tiện có máu lây hay sao, mà gần đây chính chàng lại cũng tằn tiện hơn nhiều, khác hẳn với tính khí trước kia. Chàng đã vi phạm quyền hà tiện của đàn bà một cách thô bạo. Đi chợ tôi lấy thứ này bỏ vào xe, chàng tính toán và bỏ ra lấy thứ khác. Có lần phải mua bộ đồ mùa đông cho bé Kim, ngày hôm sau thấy flyer quảng cáo giá giảm xuống còn 50%, chàng đã lặn lội lái xe đi trả rồi mua lại đúng bộ đó với giá mới, bớt được 50%. Trước đây nếu tôi nẩy ra “idea” này thì chính chàng sẽ càm ràm, không bao giờ chịu đi đổi. Chàng lại không muốn đi ra ngoài ăn nữa, dù chính tôi đề nghị. Rồi chuyện này đến chuyện khác, tự nhiên tôi đâm ra lo và thấy ớn người hà tiện quá. Đàn ông mà kẹo kéo sao thấy không giống ai. Hơn nữa gần đây chàng lại dở chứng không đưa tiền cho tôi giữ. Tôi cũng tự ái không muốn mở miệng ra hỏi. Anh đi làm overtime nhiều hơn, về trễ hơn nhưng không nói năng gì đến tiền thặng dư, mặt khác lại cẩn trọng trong việc tiêu tiền hơn nữa. Tôi bỗng lạnh mình. Trời ơi, có thể chàng đang có vợ bé, hoặc có con rơi con rớt ở đâu cần phải support. Thiếu gì những chuyện đàn ông đổi tính dở quẻ, mang của nợ về bắt vợ nuôi hoặc tự động gởi giấy ly dị về bắt vợ ký, dù không hề có dấu hiệu mèo mỡ gì khả nghi báo trước. Tôi hết sức rầu rĩ, ngày nào cũng rờ rẫm, lục soát, hít ngửi quần áo chàng nhưng chàng dấu rất kỹ, tôi chưa bắt gặp bằng chứng rõ ràng.
Khuôn mặt chàng từ lúc bắt đầu biết tính toán, keo kiệt trông tối tăm hẳn ra, không thấy oai vệ phương phi như trước nữa. Chàng lại úp úp mở mở thật là khả nghi, tôi vặn vẹo, điều tra thế nào cũng không xong. Chàng lại còn tuyên bố là dù có vợ nhỏ, chàng cũng sẽ không bỏ tôi đâu mà sẽ cưới luôn hai em cho trọn nghĩa!
Lễ Giáng Sinh đã gần tới, nhưng tôi không còn lòng dạ nào để trang trí, nấu nướng tiệc tùng. Năm nay thôi nghỉ mừng lễ một lần, chờ chàng đổi tánh hay công việc ngả ngủ ra sao rồi hãy tính. Cùng lắm thì ly thân thôi chứ gì. Tôi không thích ràng buộc nhau khi tình đã hết, tại sao lại phải van xin chút tình cảm thừa? Chàng chê cơm nguội thì dù khi đói lòng, cũng đừng hòng tôi tha thứ. Công nhận gần đây tôi gầy đi và xấu hẳn. Thôi cũng đành! Tội nghiệp Trâm và Kim, hai đứa thấy ba má có gì đó trục trặc, nghi ngờ quạu quọ với nhau, nên cũng ít cười đùa, ca hát như trước. Chúng hay tròn xoe mắt nhìn thái độ dò hỏi, bực bội của chúng tôi.
Đêm vọng Giáng sinh, chắc không chịu được không khí căng thẳng, tẻ lạnh, chàng thay quần áo bảo tôi sửa soạn đi lễ. Tôi chua chát:
-Không vui thì đi lễ đêm làm gì? Trời lại lạnh quá, thôi để mai đi lễ trưa cho tiện.
Chàng nhất định bắt buộc tôi phải đi, đi thì đi đâu có sao, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Với tôi, sự đổi tính và thái độ dấu giếm gian dối của chàng mới là quan trọng, còn đi lễ hay không chỉ là chuyện nhỏ.
Vào nhà thờ, nghe nhạc vọng Giáng Sinh đầm ấm rộn ràng mà tôi muốn khóc. Chúa Hài đồng sinh ra trong đói rách khó hèn, nhưng gia đình Thánh Gia luôn ấm cúng yêu thương. Còn gia đình nhỏ bé của tôi, chỉ giống được Thánh gia ở chỗ … khó hèn chật vật, nhưng hạnh phúc gần đây tự nhiên biến mất, tất cả chỉ vì chàng!
Lễ xong, tôi cũng cố gắng vui vẻ dọn thức ăn cho gia đình ăn reveillon, rồi thúc Trâm và Kim khui quà. Vì tình trạng kinh tế gia đình cắt giảm, quà của hai bé năm nay rất đơn sơ, nhưng hy vọng chúng cũng sẽ vui vì dẫu có buồn chàng, tôi vẫn luôn yêu thương, chăm sóc hai con hết lòng, chắc chắn chúng cảm nhận được. Nói dại, sau này có chia hai chàng đi ở với vợ bé, tôi sẽ dành quyền nuôi con, nhất định không chia cho chàng đứa nào.
Suy nghĩ miên man, tôi ăn không vô. Chàng thì cứ cười cười làm như hiền lành ngây thơ vô số tội, bảo tôi đi mở quà. Tôi chán ngấy, già cả rồi còn quà cáp chi cho lôi thôi, những Noel trước chúng tôi làm gì có lệ tặng quà cho nhau. Lo quà cho con, cho cháu còn chưa xuể nói chi là cho người lớn. Trước tiếng vỗ tay reo hò của con, tôi đành miễn cưỡng khui hộp giấy to tướng – nhưng nhẹ tênh. Trong hộp giấy to là hộp giấy nhỏ, trong hộp giấy nhỏ là hộp giấy nhỏ hơn, Trâm và Kim thích thú reo hò, hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, trong chiếc hộp nhỏ xíu, một chiếc nhẫn kim cương xinh xắn, sáng lóng lánh hiện ra. Tôi lặng người đọc kỹ tờ thiệp gời kèm:
Em yêu,
Dành cho em một sự ngạc nhiên. Lâu rồi thấy vợ chồng mình bận rộn, lo lắng nhiều thứ, em lại tằn tiện cực khổ rất nhiều, nên anh cố gắng làm thêm giờ, hà tiện còn hơn trùm sò, mới mua được chiếc nhẫn này đây, diamond is forever, em đeo nó để nghĩ tới tình anh và con đã hãm mình ép xác trong mấy tháng vừa qua…
Nước mắt tôi rơi lả tả trên chiếc nhẫn hột xoàn – có lẽ không lớn lắm so với người khác – nhưng thật là vĩ đại với tôi. Tôi nhớ lâu lắm rồi tôi có trêu chàng là đàn bà ai cũng thích đàn ông cho mình cái hột vừa to vừa cứng, mà có lẽ tôi là người duy nhất chưa hề làm chủ hột nào, dù bé tí xíu. Lúc ấy tôi chỉ giỡn chơi thôi, chứ không cố ý đòi hỏi gì vì tôi hiểu hoàn cảnh gia đình, đâu muốn làm khó chàng.
Chàng cười tươi, ánh mắt sáng ngời, lấy tay lau nước mắt cho tôi:
-Được quà Giáng Sinh ai lại khóc bao giờ, coi chừng con nó cười cho. Đạt được mục đích rồi anh mừng quá, từ nay không phải kéo kẹo kéo nữa!
Tôi vừa mừng vừa xấu hổ, hối hận vì đã nghĩ xấu cho chàng, nước mắt rớt xuống nhiều hơn, giọt nào giọt nấy to tướng ướt đẫm chiếc cà rá hột xoàn.
Ngoài sân, ánh đèn Noel như lấp lánh hơn, huy hoàng hơn, tiếng chuông đổ xa xa từ thánh đường kế bên vọng về như nhắc nhở mủa Hồng ân, Tin yêu đang đến ….
Nguyễn Ngọc Duy Hân