Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng
Ban Hợp Ca Thăng Long – playlist
Ban hợp ca Thăng Long là một ban hợp ca gia đình, được thành lập năm 1949 tại Hà Nội.
Khi chuyển vào Nam , được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Saigon trước năm 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng, trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy.
Thành viên :
· Hoài Trung – Phạm Đình Viêm người anh cùng cha khác mẹ của Phạm Đình Chương.
· Thái Hằng – Phạm Thị Quang Thái (vợ nhạc sĩ Phạm Duy, chị gái ruột của Phạm Đình Chương, thân mẫu ca sĩ Thái Hiền, Duy Quang, Thái Thảo)
· Hoài Bắc – Phạm Đình Chương
· Thái Thanh – Phạm Thị Băng Thanh, em gái út của gia đình, có cô con gái cả là ca sĩ Ý Lan.
Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung
Vài chi tiết về ban hợp ca Thăng Long
– Trích trong Hồi ký Phạm Duy (tập 3)
… Ở chung với Phạm Xuân Thái trong ít ngày rồi chúng tôi dọn nhà bằng xe thổ mộ vào Thị Nghè. Đó là một căn phố nhỏ ở ngay cạnh chợ, chỉ có hai phòng nhỏ mà chứa đủ tám người lớn và một con nít. Sau những năm chịu gian khổ của tản cư và kháng chiến, gia đình Bắc Kỳ di cư này sống những ngày ổn định đầu tiên nơi cận đô êm ả.
Chiều chiều vợ chồng tôi đẩy xe con nít đưa bé Quang đi dạo chơi trong Sở Thú. Để sinh sống trong cuộc đời đã đổi mới, chúng tôi tới hát tại Đài phát thanh Pháp-Á (RADIO FRANCE ASIE), phòng thu thanh đặt ở Boulevard de La Somme (đường Hàm Nghi) gần chợ Bến Thành. Mấy anh em họ Phạm thành lập một ban hợp ca lấy tên là ban THĂNG LONG (tên này đã được dùng làm bảng hiệu cho quán phở gia đình ở Chợ Đại, Chợ Neo trước đây). Rồi cũng trong tâm trạng lưu luyến dĩ vãng rất gần, Phạm Đình Viêm lấy tên là Hoài Trung (nhớ Khu 4 chăng ?), Phạm Đình Chương lấy tên là Hoài Bắc (1). Cô em út trong gia đình, Băng Thanh đổi tên là Thái Thanh để đi đôi với tên chị Thái Hằng.
Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung
Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh
Hát tại Đài Pháp-Á, chúng tôi thành công ngay. So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Những bài hát như Về Đồng Quê, Về Miền Trung v. v… phản ảnh thời đại một cách sắc nét. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát những bài đó. Lẽ dĩ nhiên, vì người Pháp còn đang chiếm đóng Saigon, lời ca phải sửa đổi ít nhiều. Sau này, những bài đó được in ra và hát lên với lời ca của nguyên bản…
… Các nữ ca sĩ lúc trước đều dùng tên đầu là Ngọc (Ngọc Trâm, Ngọc Hà, Ngọc Thanh), bây giờ, để cũng giống như Minh Trang, Minh Diệu, các cô mang tên là Minh Tần (em Minh Diệu), Minh Nguyệt (vợ Trần Văn Lý), Minh Hoan (vợ Vũ Huyến)… Sau đợt các nữ ca sĩ ”Ngọc” và ”Minh” này là đợt Mộc Lan, Châu Hà, Linh Sơn, Ánh Tuyết… tất cả đều đóng góp vào việc phát triển mạnh mẽ của Tân Nhạc.
Ban Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng lại càng làm cho Tân Nhạc ở Saigon trong đầu thập niên 50 thêm phần rực rỡ.
Đệm đàn cho ban Thăng Long tại Đài Pháp-Á, ngoài Út thổi saxo, Nghiêm đánh contrebasse là người Việt, còn có thêm nhạc sĩ người Pháp như Méritan đánh piano, Barthélémy thổi trombone, Niflis (lấy tên Việt là Nghị Lực) kéo violon. Thu Hồ, Lê Thương cũng có những chương trình Tân Nhạc riêng. Trong ban Lê Thương có những nhạc sĩ về sau trở thành nhân vật lớn như Lê Minh Đảo (Tư Lệnh Sư Đoàn 18) đánh đàn banjo và Nguyễn Văn Minh (Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô) đánh đàn guitare. Thứ Trưởng Kinh Tế sau này của miền Nam Nguyễn Chánh Lý cũng là một nhạc sĩ của ban Thu Hồ.
Với một số ca sĩ và bài bản khá nhiều, Đài Pháp-Á mở ra mục nhạc yêu cầu. Mục này giúp cho Đài đánh giá từng bản nhạc, từng ban nhạc hay từng ca nhạc sĩ và khiến cho Tân Nhạc không chỉ thịnh hành tại Saigon mà còn bung đi khắp nơi trong nước. Bài Về Miền Trung là bài được yêu cầu nhiều nhất trong hai năm 1951-52. Bài này phổ thông đến độ mỗi khi xe lửa sắp sửa rời ga Saigon ra Huế thì dân chúng được nghe phát thanh bài Về Miền Trung qua các loa lớn. Ông xếp ga Saigon hẳn phải là người rất yêu nhạc.
Ngoài việc giúp cho tiếng tăm của nghệ sĩ đi vào quần chúng rất nhanh và rất xa, đài Pháp-Á còn tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ để đào tạo ca sĩ trẻ. Người giật giải nhất trong buổi tuyển lựa đầu đầu tiên là Tùng Lâm. Rồi tới Bích Thủy và thần đồng Quốc Thắng.
Các ca sĩ Hùng Cường và Vân Hùng cũng xuất thân từ những buổi tuyển lựa tài tử này. Ca nhạc sĩ cộng tác với Đài Pháp-Á được trả tiền thù lao rất hậu hĩnh : 100 đồng bạc Đông Dương cho mỗi ca sĩ trong mỗi chương trình. Mỗi tuần lễ hát ba lần, vị chi tiền lương cho mỗi người trong một tháng là 1.200 đồng. Đó là món tiền khá lớn vào thời buổi mà giá một bao gạo 100 kilô là 80 đồng.
Cũng như các ban nhạc khác, ban Thăng Long còn có thêm một nguồn lợi tức qua việc thu thanh đĩa hát. Sau Thế Chiến Hai, ngành đĩa hát trên thế giới đã tiến bộ hơn xưa. Ngay từ khi chúng tôi còn ở vùng kháng chiến, tại những nơi bị người Pháp chiếm đóng, họ cho nhập cảng những máy hát dùng loại đĩa microsillon, chạy với tốc độ 33 hay 45 tours một phút, thay thế cho máy hát cũ chạy với loại đĩa 78 tours.
Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay khởi sự thu thanh tân nhạc. Có ba hãng đĩa là LÊ VĂN TÀI (sau đổi tên là VIỆT NAM), ORIA và ASIA tranh nhau mời chúng tôi hát. Việc phổ biến âm nhạc qua những máy móc tối tân sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa với những máy chơi băng (tape recorder) mà quân đội Mỹ đem theo súng đạn vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 60 với hai loại băng lớn (reel-to-reel) và băng nhỏ (cassette). Vào năm 1951 này, tôi mua được một máy ghi âm bằng giây thép, tiền thân của máy chơi băng. Dù vợ khuyên phải hà tiện nhưng tôi không tiếc tiền để thoả mãn sự tò mò về cái mới lạ trong nghề. Máy wire-recorder do Mỹ mới chế tạo dùng một cuộn giây thép để ghi lại âm thanh. Mười năm sau, người ta mới sáng chế ra thứ băng nhựa để giữ tiếng.
Khi tôi viết những dòng này thì trên thế giới, qua hình thức compact disc, kỹ thuật thu thanh và nghe nhạc bằng tia laser đã đạt tới mức cao nhất. Âm thanh trong compact disc được nghe bằng ánh sáng cho nên rất trong trẻo vì không còn có những tạp âm gây nên bởi cái kim trên đĩa hát hay bởi sự cọ sát của băng nhạc khi đi qua đầu máy. Đã có may mắn sinh ra trong thời phôi thai của kỹ thuật thu thanh, ghi lại tiếng hát và bài nhạc của mình vào điã hát 78 tours và 45 tours, tôi còn có vinh dự là người nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên thu thanh tác phẩm vào compact disc tại Hoa Kỳ trong năm 1987.
Quay về với năm 1951, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào dĩa microsillon 45 tours những bài Buồn Tàn Thu, Gánh Lúa… và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ. Tôi cũng được hãng dĩa trả tiền tác giả rất sòng phẳng. Ngoài ra, tôi có thêm tiền tác quyền của các nhà ấn hành bản nhạc như THẾ GIỚI ở Hà Nội, TINH HOA ở Huế, SỐNG CHUNG và Á CHÂU ở Saigon. Lúc đó các học sinh rất thích làm collection những bản nhạc được in ra với khổ to như sách học trò hoặc với khổ nhỏ bằng nửa bàn tay, có tranh vẽ loè loẹt kiểu hoa hoè hoa sói, có thêm ảnh tác giả và ca sĩ trẻ măng, đẹp đẽ.
Nghề ấn hành bản nhạc càng ngày càng khuếch trương với sự thành lập của cái tôi gọi là chợ trời âm nhạc. Các nhà xuất bản AN PHÚ, MINH PHÁT trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ rồi ấn hành bản nhạc và bày bán trên quầy đặt tại vỉa hè, không cần cửa hàng to lớn. Tân Nhạc, vào thời này, mang tính chất bình dân, người khó tính gọi là nhạc vỉa hè, nhạc máy nước, người thức thời gọi là nhạc thời trang (!), nhạc thương phẩm.
Sau một thời gian ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp (từ đài phát thanh qua hãng đĩa), với kinh nghiệm đi hát với gánh cải lương trước đây, tôi tạo ra lối hát phụ diễn chiếu bóng. Có thêm sự cộng tác của Lê Thương, Trần Văn Trạch. Tại vài rạp cinéma, trước khi chiếu phim chính, chúng tôi ra mắt khán giả bằng mục attractions sur scène với chương trình tạp lục gồm vài tiết mục nho nhỏ như đơn ca, hợp ca, ca hài hước…
Về phần nhạc mục (répertoire) ban THĂNG LONG đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như Nương Chiều, Gánh Lúa hay mới soạn như Tình Ca, Tình Hoài Hương…
Ngoài ra những bài như Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Đợi Anh Về của Văn Chung, Được Mùa, Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương cũng được hát trước màn ảnh. Chúng tôi khai trương lối phụ diễn chiếu bóng này tại rạp Nam Việt đường Chaigneau, Chợ Cũ. Và thành công ngay. Rạp Văn Cầm Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và rạp Thanh Bình ở khu Chợ Thái Bình tuần tự mời chúng tôi tới trình diễn. Trước kia, khán giả tới nghe tôi hát nhạc cải cách trong gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU phải ngồi chung với những người chỉ thích nghe Hát Cải Lương. Bây giờ khán giả hoàn toàn là người thích Tân Nhạc và vì sự thẩm âm của dân có Tây học này Tân Nhạc phải có những bài mang nhạc tính Âu Tây. Tôi vốn chủ trương dân nhạc thì từ nay trở đi, loại dân ca của tôi cần được cải tiến.
Phạm Duy