Mặt sau của bức tường “Những Người Con Trai của San Jose” quay về phía đường West Santa Clara.
Bài viết đặc biệt cho Mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong năm nay. Khôi An, một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose, đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. và là một trong những tác giả đạt số lượng người đọc nhiều nhất trên Việt Báo online.
Tác giả: Khôi An
Sáng ngày 30 tháng Ba, 2013, trời âm u, có mưa phùn rất nhẹ.
Những giọt mưa rơi trên tấm đá hoa cương đen bóng. Đọng lại. Long lanh. Rồi nhẹ nhàng lăn, ngập ngừng trên những dòng chữ khắc trước khi chảy xuống, thấm vào những bó hoa rực rỡ đặt bên dưới.
Bốn mươi năm sau khi người lính Hoa Kỳ cuối cùng trở về nhà, một nhóm người ở San Jose đã hoàn thành nguyện ước: gởi một lời tri ân xứng đáng đến những người lính sinh ra, lớn lên tại San Jose, và đã ngã xuống tại chiến trường Việt Nam.
Lời tri ân đó là một bức tường cao một mét tám, dài bốn mét nằm trên đường Santa Clara, con đường chính của thành phố San Jose. Bức tường có tên “Những Người Con Trai Của San Jose” (Sons of San Jose). Sau cùng, một trăm bốn mươi hai người trai trẻ đã được tưởng nhớ bằng sự kính mến và lòng biết ơn xứng đáng, tại thành phố nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
Trên nền đá hoa cương đen bóng, những cái tên khắc bên cạnh ngày sinh, ngày mất đã đem họ về trong ký ức của cư dân San Jose, trong đó có nhiều người đã đưa tiễn ngày họ lên đường thực hiện sứ mạng chiến sĩ tự do cùng với những đồng minh ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Rất nhiều người vẫn còn nhớ rằng họ đã hẹn quay trở lại.
Nhưng, dù muốn dù không, cuộc chiến tranh Việt Nam đã là một cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Từ năm 1956, khi Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp trực tiếp vào tình hình chính trị ở bán đảo Đông Dương, cho tới năm 1974 khi những chiếc máy bay chở những người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, tất cả là mười tám năm. Mười tám năm tranh cãi giữa các thế lực ở Washington DC., mười tám năm giằng co và thương thảo giữa các sức mạnh quốc tế đã làm người dân Hoa Kỳ quá mệt mỏi. Tiện thể, nhiều người đổ lỗi mọi khó khăn về kinh tế, xã hội trong thập niên 60 và đầu 70 cho cuộc chiến này.
“Ngày tôi trở lại Hoa Kỳ, hai mươi người phản chiến đã tấn công tôi, chỉ cách đây ba ngã tư đường…” một người lính năm xưa, tóc bạc trắng, đứng cạnh bức tường, bồi hồi nói :
Người sống còn bị như thế, nói gì tới người đã chết.
Họ như đã biến vào khoảng không; người ta quên họ đi, cũng giống như người ta không thích nhắc tới những thất bại trong đời. San Jose đứng thứ hai trong nước Mỹ, chỉ sau Los Angles, về số lính đã tử trận trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy vậy, hơn ba mươi năm sau, San Jose vẫn không có một nhắc nhớ gì đến những người đã ngã xuống, như thể đây chưa từng là nơi họ chào đời, chưa từng là nơi họ lần đầu họ trầy gối, sước tim.
Cũng may là vẫn còn một số người thấu hiểu những gì người lính của chiến tranh Việt Nam phải trải qua.
Frank Lopez tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến cuối năm 1967. Tết Mậu Tân đầu năm 1968, Frank đóng quân tại một ngôi làng nhỏ ở ngoại thành Huế. Khi làng chìm trong biển máu, anh phải quyết định cứu người nào trong số mấy trăm người dân bị thương nằm la liệt chung quanh. Lúc đó anh mới mười chín tuổi đời, hơn sáu tháng tuổi quân.
Năm 2006, người lính Frank Lopez năm xưa họp lại với vài người bạn cùng lớn lên ở San Jose và cùng tham chiến ở Việt Nam. Họ có nhiều huân chương cao quý như Ngôi Sao Đồng (Bronze Stars) và Trái Tim Màu Tím (Purple Hearts), nhưng thân thể họ đầy thương tích. Họ chia sẻ những ký ức đẹp đẽ hoặc kinh hoàng, những quyết định trong khoảnh khắc lửa đạn đã trở thành những câu hỏi đeo đẳng suốt đời. Nhưng điều gắn bó họ với nhau mạnh mẽ hơn hết là quyết tâm không quên những người không có may mắn trở về. Trong suốt mấy chục năm, họ chưa từng để những tranh cãi, những thủ đoạn chính trị ở khắp nơi làm hoen mờ sự sự hy sinh tuyệt đối của những đồng đội năm xưa.
Bốn người lính – nay đã già – cùng nhau lập ra hội Tưởng Nhớ Chiến Tranh Việt Nam tại San Jose (San Jose Vietnam War Memorial Foundation) và bắt đầu cuộc vận động xây một bức tường tưởng niệm. Với những trái tim sắt son và những bàn tay trắng, họ đã làm việc trong gần sáu năm để xin đất của thành phố, xin giấy phép, quy hoạch công trình, và quyên góp được bảy mươi lăm ngàn đô la cho chi phí. Tháng Mười năm 2012, xẻng đất đầu tiên được đào lên, và cuối tháng Ba năm 2013, bức tường được khánh thành. Tên của tất cả một trăm bốn mươi hai người lính đã được đọc lên trước hơn năm trăm quan khách, trong đó có rất nhiều người thân của họ, những người chưa bao giờ quên họ.
Chẳng hạn như ông Mike, chuyên viên y tế ở chiến trường Việt Nam thời cuối 60. Ông nói trong buổi lễ “Bạn tôi, Steve Ohara, ở trên tường đó. Hai đứa thân nhau từ năm lớp Sáu. Tôi là người khiêng hòm ngày đưa đám nó, ngay trong tuần lễ tôi lên đường qua Việt Nam”. Hoặc như tám người trong nhóm của ông Raymond Bernal Jr. Chín người bạn thân cùng học tại trường Trung Học San Jose, cả nhóm đều nhập ngũ và sang Việt Nam. “Chỉ có Raymond là không trở lại”, một người bạn của ông bùi ngùi nói.
Điều đáng tiếc duy nhất là ông Frank Lopez đã không đến dự buổi lễ. Ông qua đời vào cuối tháng 11, 2012 do những di chứng từ chất độc da cam mà ông đã nhiễm trong thời gian ở Việt Nam. Trong những ngày cuối cuộc đời, ông vẫn là niềm khích lệ cho các bạn, ông đã mỉm cười hài lòng khi nghe tường thuật về buổi lễ khởi công bức tường. “Ông đã tìm được bình an”, con trai ông nói.
Thật ra, bức tường còn giúp nhiều người khác tìm được bình an.
Bởi vì, không chỉ là một lời cám ơn muộn đến những người đã chết, nó còn nối lại những nhịp gãy trong cây cầu tình cảm của người còn sống, như một lời xin lỗi công khai về những hành động giận dữ và kém hiểu biết của những người phản chiến quá khích năm xưa.
Phần giữa của bức tường.
Tôi biết tin về buổi lễ khánh thành bức tường Những Người Con Trai Của San Jose qua mạng internet. Tôi tìm ngay đến trang riêng của công trình, đọc thêm nhiều chi tiết và tự nhủ sẽ ghé thăm vào dịp gần nhất.
Và tôi đã đến đó vào một buổi trưa đầu tháng Tư, 2013.
Bức tường nằm ở đường West Santa Clara, chỉ cách tòa Thị Chính San Jose năm phút lái xe. Đứng bên dòng sông Guadalupe chảy lặng lờ, đối mặt với bãi cỏ xanh của công viên, quay lưng với dòng xe cộ ngược xuôi, bức tường trông trang nghiêm nhưng vẫn có chút gì nhỏ nhoi, đơn độc. Nhỏ nhoi như những gì những người bạn làm được cho những người đã ngã xuống.
Bức tường có hình dáng như một lá thư mở. Hai phần bên là danh sách của một trăm bốn mươi hai người lính đã ngã xuống ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1975. Phần giữa có giòng chữ “Cho 142 người đàn ông của San Jose đã hy sinh tất cả cho đất nước. Họ không muốn bị xét xử bằng những chính kiến về cuộc chiến Việt Nam. Họ mong được tưởng nhớ qua sự dũng cảm của chính họ. Họ nhắn rằng bạn đừng rơi nước mắt vì họ đã ra đi, nhưng hãy trân trọng sự can đảm của họ và đừng để họ bị chìm vào quên lãng”
Buổi trưa hôm đó trời rất đẹp. Mặt trời sáng rỡ nhưng không chói chang, chiếu ngời trên nền hoa cương đen bóng. Tôi đọc tên từng người trên tấm đá. Anderson… Burns … Chapa… Gonzales… La Rosa… Masuda… Owens… Spitzer… Trisler… Urrabazo… Wade… Xavier. Tất cả đều quá trẻ. Hầu hết họ chưa tới hai mươi lăm tuổi, rất nhiều người mới mười chín, và người lớn nhất cũng chỉ ba mươi bốn tuổi.
Đọc nửa chừng tôi dừng lại, ngước nhìn lên, hít một hơi dài, cảm thấy như mình đang khiêng nặng cần lấy sức. Bầu trời xanh trong, không một gợn mây. Và tôi nghĩ hơn bốn mươi năm trước, một trăm bốn mươi hai người thanh niên đã lần lượt chia tay với bầu trời thanh bình này, vượt qua mười hai ngàn cây số đến chiến đấu ở quê hương Việt Nam của tôi, và không bao giờ trở lại.
Tôi bồi hồi dừng lại lâu nhất ở Gerald Cervantes, Richard McGuire, Timothy Proudfoot, Matthew Smith, và John Tacsh.
Bởi vì họ chỉ có mười tám tuổi. Ở tuổi đó, con trai tôi mới biết lái xe, còn ngập ngừng suy tính nên chọn trường đại học gần hay xa nhà. Còn những chàng trai vừa-trở-thành người-lớn này, khi chết họ cũng mới rời thành phố quen thuộc, qua Việt Nam được vài tháng. Họ có nhớ nhà không, họ có bị sợ hãi và đau đớn nhiều không khi gục xuống ở Bình Long, Quảng Trị, Thừa Thiên?
Trong số người trên bức tường đó, có hai thân xác không bao giờ tìm được. Người thứ nhất là Thiếu Tá Hải Quân Larry Michael Jordan, ba mươi hai tuổi, biến mất khi chiếc máy bay chở ông bị bắn hạ gần vùng biển Trung Hoa năm 1966. Lúc đó, con gái đầu lòng của ông mới lên hai và vợ ông đang mang thai sinh đôi tới tháng thứ chín. Bảy năm sau, cơ quan tìm kiếm của chính phủ Hoa Kỳ mới đổi ông từ tình trạng “Mất Tích” sang “Tử Trận”. Người thứ hai là Thượng sĩ Robert Masuda, hai mươi mốt tuổi, xạ thủ súng liên thanh, mất tích năm 1969 cùng với người lính phụ tá khi đang canh phòng ở một khúc đường làng hẻo lánh thuộc tỉnh Bình Dương. Trong lá thư hồi âm hội Tưởng Nhớ Chiến Tranh Việt Nam tại San Jose, em ruột ông Masuda nói “Cha tôi qua đời vì trụy tim một năm sau khi anh tôi mất tích. Chúng tôi nghĩ rằng ông không thể chịu đựng nổi sự khắc khoải khi không biết chuyện gì đã xảy đến với anh tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mong anh tôi về, nhưng đã bốn mươi bốn năm rồi…”
Mặt chính của bức tường.
Thẫn thờ, tôi đặt tay lên những dòng chữ khắc. Nền đá lạnh …
Tác giả: Khôi An
Bài số 4223-14-29633vb3052714