Trong một năm có bốn mùa, mùa đông thi lạnh lẽo co ro, mùa xuân thì ấm áp muôn hoa đua nở, không gian hòa quyện với con người bừng lên một sức sống mới làm rõ nét nỗi bật của mùa xuân, gió đông hãy còn se se lạnh, nắng hanh hanh hơi ấm lại, những cành cây non, hoa lá lại kết nụ, thế là báo hiệu cho mùa Xuân đến, mùa Xuân nằm trong chu kỳ của bốn mùa nhưng thiên nhiên cũng có khi thay đổi thất thường làm cho hoa nở sớm hay nở muộn, trong những cơn mưa phùn lất phất lạnh, hoa mai hoa đào nở, người ta bắt đầu gọi những ngày ấy là mùa Xuân.
Trong thi ca Việt Nam thường hay gọi là nàng Xuân hay chúa Xuân, có lẽ nó đã bắt nguồn từ ngàn năm trước. Mùa Xuân là mùa thiên nhiên làm cho vạn vật bừng sống dậy, trong đó có con người, cho nên người Việt của chúng ta lấy ngày khơi đầu của một năm làm ngày Tết hay đọc trại ra thành chữ tiết. Mùa Xuân là mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lễ hội hè đình đám là mùa của con người vui chơi, nghỉ xã hơi trong một năm làm việc mệt nhọc mà từ ngàn xưa ông bà của chúng ta đã để lại những phong tục tập quán vui xuân trong ba ngày tết là những đặc thù của nền văn hóa Việt đã trải qua nhiều thế hệ.
Tết là dịp để mọi người biểu lộ tình thương yêu tôn kính những bậc trưởng lão, tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Những người làm việc ở xa trở về sum họp với gia đình, sửa sang lại bàn thờ, mâm đăng hoa quả, bánh mức dưa hành câu đối đỏ, làm mâm cổ thờ phụng tổ tiên ông bà, hương hoa trong ba ngày tết, thăm viếng những người thân chúc phúc cho nhau, mùa xuân trên xứ người, những ngày tết tha hương, chúng ta nên nhớ lại những tập tục của những ngày tết mà tổ tiên của chúng ta đã để lại, tuy nhiên mỗi miền có khác nhau nhưng tựu chung đồng nhất một điểm là thờ phụng tổ tiên ông bà, vui xuân, lễ hội đình đám.
Sum họp đón tết
Những ngày tết là thời điểm để mọi người trong gia đình sum họp đông đủ, con cái cháu chắt, dù có đi làm xa hay đi học xa cũng về trong khoảng 23 tháng chạp âm lịch để vui vầy trong ba ngày tết.
Đối với phong tục tập quán xưa thường hay chuẩu bị đón tết trước nửa tháng để có thời gian lo cho mọi việc thật chu đáo có rất nhiều việc để làm như; sơn sửa nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, câu đối, cây kiển, mua hoa pháo nhang đèn vàng mã, chạp mã để cúng tổ tiên ông bà, sắm sửa quần áo mới, gói bánh chưng bánh tét làm bánh mức muối dưa hành . . .
Đến chiều tối ngày 3 tháng chạp âm lịch là mọi công việc phải hoàn tất, nhất là bàn thờ tổ tiên phải hoàn chỉnh nghiêm trang, các thức ăn trong ba ngày tết phải đầy đủ sẳn sàng.
Đi thăm mồ mả hay còn gọi là chạp mả
Từ sáng sớm ngày 23 tháng chạp âm lịch cho đến chiều tối, con cháu trong gia tộc phải tập trung đầy đủ để cùng đi dọn dẹp làm cỏ, sơn quét mồ mả tổ tiên ông bà, người trưởng tộc hay cha mẹ hướng dẫn đi đem theo cuốc xẻn hương hoa phẩm vật bánh trái để cúng và mời vong linh tổ tiên ông bà về ăn tết với con cháu trong ba ngày tết.
Tục cúng đưa ông Táo về trời
Sự tích Ông Táo, chuyện ngày xưa kể lại; có hai vợ chồng nghèo nhưng ăn ở rất là hạnh phúc, làm việc rất là vất vã cực lực nhưng không đủ ăn, nghèo vẫn cứ lai hoàn nghèo, anh chồng bèn nói với vợ chắc chuyến nầy em để anh đi làm ăn xa thử một chuyến, cực nhọc anh không sợ miễn làm sao có tiền để em bớt lam lũ cực khổ.
Anh quyết định ra đi làm ăn xa để thử thời vận, để có tiền trang trải trong gia đình. Chẳng may anh ra đi đã hơn ba năm mà tin tức không rõ, vẫn chưa trở về, người vợ chờ mãi vẫn biền biệt tăm hơi, chị nghỉ rằng chắc anh chết hay đã gặp một cô nào đó giàu sang phú quý.
Dù vậy mà chị vẫn cố gắng chờ đợi, đêm đêm vẫn thương nhớ về anh, thế rồi ngày tháng đi qua chị đành bước đi một bước nửa với người tá điền giàu có, đời sống của chị được sung túc hơn.
Nhân ngày 23 tháng chạp âm lịch gia đình chị cúng cuối năm và phát chẩn bần cho những người nghèo khó ăn xin, khi chị đưa các thức ăn đến cho họ thì chị bất chợt nhận ra trong số những người ăn xin đó có chồng chị là người chồng cũ năm nào, anh nhìn thấy vợ mình thì ngạc nhiên cho rằng vợ mình không chung thủy nặng lời mắng chị, chị oan ức quá cho nên chị liền nhảy vào đống lửa đốt vàng mã cao ngun ngút ở ngoài sân để tự vận, anh chồng cũ vì quá thương vợ mà nhảy theo vào đống lửa, người chồng mới là ông tá điền vì quá thương tâm nên anh cũng nhảy luôn vào đống lửa thế là cả ba người cùng chết.
Ba linh hồn người ấy lên thượng giới chầu Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng vì cảm thương tình cảnh của ba người ấy bèn cho hóa thành ông Táo trở về hạ giới để phục vụ cho mọi người dùng để nấu ăn và có nhiệm vụ là ngày 23 tháng chạp âm lịch về chầu Ngọc Hoàng bẩm bạch những chuyện xấu tốt của con người ở trần gian, cho nên ngày 23 tháng mỗi năm đều cúng đưa ông Táo về chầu trời, ngoài thức ăn còn có áo mão, giấy tiền vàng để cúng, nhất là người Tàu họ cúng rất lớn.
Lễ rước vong linh tổ tiên ông bà
Các thứ bánh trái được xếp thành cổ để dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà, đây cũng là dịp cả gia đình bái lạy các vong linh cửu huyền thất tổ và trò chuyện tâm sự với nhau vì trong năm qua công việc quá đa đoan không có dịp gặp gỡ, cha mẹ hay anh cả trong gia đình thắp nén hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên ông bà chứng giám cầu nguyện cho gia đình được bình an và hạnh phúc tài lộc dồi dào trong năm mới, con cháu đều nghiêm trang chấp tay cung thỉnh lễ lạy.
Đốt pháo cúng giao thừa
Giao thừa là thời điểm vạn vật với con người giao hòa với nhau từ 12 giờ đến 1 giờ khuya đêm 30 tháng chạp của năm cũ đến rạng ngày mồng một tháng giêng năm mới, nhà nào cũng đốt pháo để tống cựu nghinh tân, pháo tiểu, pháo trung, pháo đại nổ đùng đùng giòn dã, mùi khói pháo và mùi nhang hương xông lên hòa quyện thành một mùi rất đặc biệt thật là tết. Ngày xưa ở thôn quê người ta tin rằng tiếng pháo nổ vang có thể trừ khử được ma quỷ để mang lại an lành cho làng xóm, cho mọi người dân được bình an, lâu rồi nó trở thành tục lệ, ngày nay chỉ có một số ít tin vào điều ấy nhưng nó trở thành tục lệ với mọi người là thích đốt pháo trong đêm giao thừa, kể cả người Âu Mỹ họ vẫn thích đốt pháo mừng năm mới. Trong ba ngày tết tiếng pháo vẫn nổ đì đùng khắp mọi nơi, có khi đến ngày mồng 5 tiếng pháo vẫn còn nổ, tiếng pháo nổ đì đùng rất vui tai, phản ảnh cho sự vui mừng trong ba ngày tết và người ta tin rằng màu hồng của xác pháo là tượng trưng cho sự may mắn.
Tục xuất hành
Tiếng pháo nghe như không ngớt trong đêm giao thừa, âm vang như vọng động thúc dục mọi người đi xuất hành hái lộc đầu năm mới, người thì đi lễ chùa, lễ nhà thờ xin lộc hái hoa, xuất hành là đi ra khỏi nhà trong những giờ phút mới của ngày đầu năm. Có người tin rằng tuổi của mình hạp với hướng nầy hướng kia, chọn giờ hạp, giờ kiết tốt để mang đến cho mình những điều may mắn mỗi khi mình xuất hành ra khỏi nhà trong năm mới.
Tục xông đất hay xông nhà
Theo phong tục và tập quán của người Việt cho rằng người đầu tiên trong năm mới bước chân vào nhà mình là người ấy sẽ đem đến những điều hên hay xui cho gia đình mình trong năm mới, vì vậy mà cứ vào những ngày đầu của năm mới, có những gia đình phải nhờ những người làm ăn phát đạt giàu sang đến xông đất nhà mình, nếu họ không tìm ra người để nhờ thì họ coi tuổi con cái đứa nào hạp tuổi, lanh lợi học hành giỏi có nhiều vận may đến xông đất hay xông nhà trong ngày đầu năm. Người xông nhà, phải ăn mặc chỉnh tề, bước vào cửa chính của gian nhà giữa rồi rảo bước quanh nhà rồi xuống tới nhà bếp, có nghĩa là nói lên sự làm ăn no đủ sung túc.
Tục chúc thọ
Trong nề nếp gia phong nền giáo dục Việt Nam luôn luôn dạy cho mọi người phải biết tôn kính những người lớn tuổi cho nên dân gian có câu ‘’ Kính lão đắc thọ ‘’ phải biết kính trọng những người lớn tuổi trong tinh thần khiêm tốn, chịu khó học hỏi ở những người lớn tuổi vì họ đã trải qua đường đời và nhiều kinh nghiệm sống cho nên phong tục Việt có lễ chúc thọ những người lớn tuổi như ông bà cha mẹ, việc chúc thọ đầu năm của người Việt trở thành tục lệ không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Mồng một tết con cháu tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc thọ ông bà cha mẹ hay còn gọi là mừng tuổi thọ, người Việt có quan niệm rằng cứ mỗi độ xuân về là mọi người thêm một tuổi cho nên việc chúc thọ hay mừng tuổi của người Việt đã trở thành tục lệ.
Tục lì xì
Một ngàn năm bị người Tàu đô hộ, người Việt không ít hay nhiều cũng bị ảnh hưởng qua những phong cách sống, nhưng người Việt biết cách sửa lại phong phú và nhiều ý nghĩa hơn. Chữ Lì xì được phiên âm từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, nguyên âm của Lì là lợi thị tiền bạc tài lộc, Xì là biếu mừng cho hay kính biếu người lớn, mừng cho bạn bè, cho con cho cháu, kính biếu ông bà cha mẹ hay còn gọi là mừng, trong những ngày lễ hội tiền Lì xì được bỏ vào trong phong bì đỏ, màu vàng thắm hay màu hồng, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, màu vàng là sang trọng quyền quý, màu hồng là hồng phúc, tiền Lì xì của các cụ cho con cháu nhiều nhất là trong ba ngày tết.
Thăm viếng
Sau khi đã có người xông nhà là đến việc tiếp đón bà con, họ hàng, bạn bè đến thăm trong dịp tết, ngày mồng một dành cho các bậc cao niên trong gia tộc cho nên trong dân gian có câu; ‘’ Mồng một tết cha, mồng hai tết thấy ‘’ ngày mồng hai là ngày dành riêng cho việc học trò thăm viếng và chúc tết thầy cô để nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày mồng ba là ngày đi thăm bạn bè và vui chơi đình đám cờ bạc trong ba ngày tết.
Tục kiêng cữ
Vì những niềm tin của người Việt gần như nó đã có sẵn trong dòng máu của mỗi người cho nên rất dể tin và tin tưởng vào sự kiêng cữ nầy nọ, nó đã có từ lâu đời, truyền từ người nầy sang người khác một cách dể dàng, có đôi lúc còn cả tin vào các việc thần thánh hóa những chuyện huyền thoại như; Tiên sa, tượng hình rơi lệ . . . Nếu những gì hên đem đến cho ngày đầu năm là năm ấy tốt lành, còn những gì xui đem đến cho ngày đầu năm là cả một năm xui. Cho nên người Việt rất cẩn thận từ quà cáp cho đến việc ăn uống, lời nói kiêng cữ những việc không nên làm trong ngày đầu năm như; quét nhà, xác pháo có đổ đầy cũng không quét dọn, không biếu những thứ cấm kỵ, không uống thuốc hay dùng các vật bén nhọn vì coi đó là dấu hiệu không tốt, nói năng nên lựa lời không nên nói những lời thô tục, thở ra hay buồn chán, không làm bể tô chén hay gương soi mặt, không nên mặc quần áo toàn trắng hay toàn đen, những việc kiêng cữ trong ba ngày tết của người Việt bây giờ vẫn còn tin những điều ấy.
Tục dựng cây nêu
Ngày xưa trong đời sống người Việt còn quá nhiều tin tưởng vào thần linh và ma quỷ cho nên đã có những việc đã xảy ra hay họ còn tin cây nêu là sự gắn bó và báo tin khi có việc hữu sự. Theo truyền thuyết xưa làng xóm chùa chiền thường hay bị ma quỷ quậy phá cho nên phải dùng đến cây nêu trong những ngày tết hay trong các ngày lễ hội vì tin tưởng rằng cây nêu ấy sẽ trừ được ma quỷ bởi lẻ ấy mà các thầy pháp đã ém phép trừ ma. Trong dân gian còn lưu truyền lại một câu chuyện huyền thoại như thế nầy, ngày xưa làng xóm ở Việt Nam bị bệnh đậu mùa làm chết nhiều người, họ tin đó là bệnh bị ma quỷ làm chết nhiều người, họ tin bị bệnh là do ma quỷ gây ra, cho nên họ lên chùa ăn chay cầu Phật để Phật che chở cho mọi người tai qua nạn khỏi. Họ bảo rằng; Phật liền hiện ra và bắt lũ quỷ, bọn chúng xin tha tội không dám quậy phá nữa và Đức Phật căn dặn bọn chúng không được đến những nơi có dấu tích của Đức Phật rồi Đức Phật mới truyền dạy cho mọi người trong dân gian làm cây nêu, rắc vôi trắng chung quanh để trừ ma quỷ, từ đó đến ngày tết dựng cây nêu lên từ chùa chiên miếu vũ ở đình làng và nhà ở hay mỗi khi có hội hè đình đám.
Tục hái lộc đầu năm
Niềm tin của người Việt từ việc dựng cây nêu đến việc hái lộc đầu năm cũng đến chùa, nhà thờ để hái lộc hay xin lộc, chữ lộc có hai nghĩa một là lá cây non hai là bổng lộc. Sau khi đi lễ về người ta thường hay ghé qua các cây sum sê, chồi non lộc tốt để hái hay các thầy các cha cho trái cây hay tiền bạc, một cành hoa hay một nhánh lá, tiền lì xì đó gọi là lộc đầu năm, đầy ấp những niềm tin tự hào trong năm mới đã có tài lộc vào như nước.
Tục khai bút đầu năm
Niềm tin của người dân Việt khoa bản thật là mảnh liệt, đầu năm mới người ta kiêng cữ rất kỹ từ lời nói cách ăn mặc đi đứng, các người uyên bát học giả rất thận trọng từng nét chữ, câu văn, thơ phú, ý nhạc, các cụ thường hay chọn ngày tốt giờ hạp để khai bút làm thơ phú và vay mượn những cảnh trầm hương nghi ngút, hoa cảnh, xác pháo . . . Tức cảnh là thi hứng, các cụ thường làm một bài thơ chữ Nôm hay chữ Hán thơ tứ tuyệt hay thơ đường luật, các bài thơ đều mang ý nghĩa về cảnh thiên nhiên hay mang lại phúc lành cho mọi người trong năm mới. Cho đến ngày hôm nay cũng còn có những người tin theo tục lệ khai bút đầu năm mới, đầu năm mới thường hay đem lại nhiều cảm hứng, vì nhiều cảm hứng tuyệt tác trong mùa xuân an lành và hạnh phúc đến với mọi người.
ĐÔNG TRIỀU