Quân lực Việt Nam Cộng Hòa
Là lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thành lập từ năm 1955 với nòng cốt là lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, chủ yếu là Bảo an đoàn, Bảo chính đoàn
Ngày truyền thống (còn gọi là Ngày Quân Lực) là ngày 19 tháng 6 .
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được trang bị hùng hậu với sức cơ động cao và hỏa lực mạnh, được sự hỗ trợ tích cực của Mỹ và các đồng minh, để chống lại Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được sự viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc, và các đồng minh)
Tuy vậy, khác với đối phương được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả cao, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân đội trang bị hiện đại, mô phỏng hoàn toàn theo Hoa Kỳ nên rất tốn kém, đòi hỏi kinh phí hoạt động gần 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm (gấp 10 lần đối phương). Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, vốn quá lệ thuộc vào Mỹ đã không thể cáng đáng được kinh phí này, nên Việt Nam Cộng Hòa đã gần như phải dựa hoàn toàn vào viện trợ kinh tế của Mỹ để có thể thực hiện phòng thủ trước đối phương có sức mạnh phù hợp với hình thái chiến tranh thực địa hơn
Khi Mỹ giảm viện trợ xuống còn 1,1 tỷ đô la vào năm 1974, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa lâm vào cuộc khủng hoảng với lạm phát ở mức 200%. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vốn không được tổ chức thích hợp đã rơi vào tình trạng thiếu kinh phí để duy trì mức hoạt động như trước. Dù có không ít những đơn vị được trang bị tốt nhưng những đơn vị này rơi vào tình trạng thiếu đạn dược, bảo trì, xăng dầu dẫn đến giảm hỏa lực và tính cơ động.
Hình thành và tổ chức
Năm 1955, sau khi Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa, và Quân đội Quốc gia Việt Nam từ đó cải tên là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Cùng năm 1955, Bộ Tổng tham mưu không còn tùy thuộc hệ thống chỉ huy Pháp.
Cũng trong năm này, khối bộ binh được tổ chức là 4 sư đoàn dã chiến và 6 sư đoàn khinh chiếnNăm 1956 trụ sở Bộ Tổng tham mưu dời về trại Trần Hưng Đạo (tức Camp Chanson trước kia). Các quân khu được tổ chức lại thành 6 quân khu.
Cũng trong năm này, Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắt đầu tiếp nhận tàu chiến từ Hải quân Hoa Kỳ, gồm 31 chiến hạm với 193 chiến đỉnh đến 1963 mới chấm dứt.
Năm 1957 Quân đoàn I và Quân đoàn II được thành lập.. . Cùng năm, thành lập binh chủng Lực lượng Đặc biệt, huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan tại trường Biệt Động Đội ở Đồng Đế, và đơn vị đầu tiên mang tên Liên đội Quan sát Số 1 (LĐQSS1).
Đầu năm 1959, các sư đoàn khinh chiến và dã chiến được tổ chức lại thành 7 sư đoàn bộ binh
Ngày 1 tháng 3 năm 1959, Quân đoàn III được thành lập, gồm sư đoàn 5 và 7 Bộ binh. Cùng năm, Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tách ra khỏi Hải quân và trở thành lực lượng tổng trừ bị.
Năm 1960, binh chủng Biệt động quân (BĐQ) được thành lập với 50 đại đội và bắt đầu hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại đơn vị Quân cảnh cũng được tái tổ chức ngày 1 tháng 10, tập hợp các đơn vị cũ từ năm 1948 dưới tên mới là Quân cảnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Cũng trong năm này, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành động viên từng phần. Theo đó thì tất cả những thanh niên trong lứa tuổi quân dịch (18-35) phải vào quân ngũ trong một thời gian.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã chỉ huy một số đơn vị thuộc Lữ đoàn Dù, Biệt động quân, thiết giáp…. làm đảo chính quân sự. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bị dập tắt nhanh chóng.
Ngày 13 tháng 4 năm 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh số SL.98/QP chia lại lãnh thổ thành ba vùng chiến thuật (CT) và Biệt khu Thủ Đô. Vùng I CT gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, do Quân đoàn I trấn đóng. Vùng II CT gồm Cao nguyên Trung phần và các tỉnh từ Bình Định vào Bình Thuận, do Quân đoàn II trấn đóng. Vùng III CT gồm các tỉnh từ Bình Tuy vào Nam do quân đoàn III trấn đóng. Biệt khu Thủ đô gồm Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định.
Năm 1962, Liên đoàn Nhảy dù gồm 7 tiểu đoàn nhảy dù 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8, tiền thân là các tiểu đoàn nhảy dù thuộc địa của Pháp, được phát triển thành Lữ đoàn Nhảy dù. Liên đoàn 31 LLĐB cũng được thành lập. Các đơn vị Không quân tác chiến và yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp không đoàn tại mỗi quân đoàn, gồm các không đoàn 41 (Đà Nẵng), 62 (Pleiku), 23 (Biên Hòa), 33 (Tân Sơn Nhất), 74 (Cần Thơ). Sư đoàn 9 Bộ binh cũng được thành lập trong năm này, nâng số sư đoàn bộ binh lên 8 sư đoàn.
Ngày 1 tháng 1 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho thành lập Quân đoàn IV và Vùng IV CT. Theo đó, cơ cấu các vùng chiến thuật và các đơn vị cơ hữu quân đoàn được tổ chức lại như sau:
· Vùng I chiến thuật (Bắc Trung phần) với Quân đoàn I, gồm các sư đoàn 1 và 2 Bộ binh.
· Vùng II chiến thuật (Cao nguyên và nam Trung phần) với Quân đoàn II, gồm các sư đoàn 22 và 23 Bộ binh.
· Vùng III chiến thuật (Đông Nam phần) với Quân đoàn III, gồm các sư đoàn 5, 18 và 25 Bộ binh.
· Vùng IV chiến thuật (Tây Nam phần) với Quân đoàn IV, gồm các sư đoàn 7, 9 và 21 Bộ binh.
(Wikipedia)