Sáng tác: Phạm Duy Nhượng.
Tiếng hát Lệ Thu
Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người ở Thành Đô đời nhà Hán. Người rất đa tài, văn hay, đàn giỏi.
Khi lìa quê lên Tràng An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: “Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều” (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).
Nhưng vốn con người phóng lãng hào hoa rất mực nên mua được một chức quan nhỏ, làm trong ít lâu, chán, cáo bịnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu.
Khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Họ Vương lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn là viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu gảy cho nghe một bài.
Họ Trác có một người con gái xinh đẹp tên Văn Quân, tuy còn nhỏ tuổi mà đã thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng cầu hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).
- Bản lược dịch (Trúc Khuê)
Chim phượng, chim phượng về cố hương, Ngao du bốn bể tìm chim hoàng Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng. Hôm nay bước đến chốn thênh thang. Có cô gái đẹp ở đài trang, Nhà gần người xa não tâm tràng. Ước gì giao kết đôi uyên ương, Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.
Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Trác ông tức giận, quyết định từ con.
Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm.
Sau Hán Vũ Đế đọc bài “Tử hư phú” của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Lần này thỏa chí bình sinh, Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Nhưng làm quan ít lâu, lại chán, cáo bịnh lui về quê.
Trong “Bích Câu kỳ ngộ” có câu:
Cầu hoàng tay lựa nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.
Và, trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du cũng có câu:
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu,
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng!
đều do điển tích trên mà ra …