Huế qua thơ và ca dao – tùy bút của Tôn Thất Uẩn

Huế qua Thơ và Ca Dao – phần 1

Trên khắp nước ta không nơi nào có nhiều thơ và ca dao ca tụng các thắng cảnh ở địa phương như cố đô Huế. Đó là vì Huế có nhiều thắng cảnh hơn các nơi khác, bao gồm những phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ và những công trình kiến trúc quy mô được thiên nhiên bổ sung và tô điểm để có sự hòa hợp tối hảo giữa sơn thủy và tạo tác của con người.

Những du khách đến Huế bằng đường bộ có được cái thú mà những người đến bằng đường hàng không hay đường thủy không có. Đó là thú nhìn ngắm phong cảnh ở dọc đường:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

               (Chơi Huế-Tản Đà}

Các thắng cảnh ở cố đô phần nhiều tập trung ở thành phố Huế với sông Hương, Hoàng Thành và Đại Nội; số còn lại nằm rải rác ở các vùng chung quanh thành phố và ở địa phận tỉnh Thừa Thiên.

Sông Hương là thắng cảnh gợi thi hứng của nhiều nhà thơ nhất. Vua Thiệu Trị có lẽ là thi nhân đầu tiên làm thơ ca ngợi sông Hương trong một chuyến ngự du bằng thuyền trên sông:

Nhất phái nguyên uyên hộ đế thành
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh
Ba bình xuân thủy lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thành

           (Hương Giang Hiểu Phiếm)                                                        

Dịch::

Một dải sông sâu bọc đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Bên mạn thuyền reo gió giục nhanh

(Buổi sớm dạo thuyền trên sông Hương- Nguyễn Phúc Huyền Vi)

Bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm là một trong hai mưoi bài thơ vịnh hai mươi thắng cảnh ở Huế do vua Thiệu Trị sáng tác và ghi chép trong Ngự Chế Thi Tập.

Nhà thơ Huy Cận, tác giả tập Lửa Thiêng, cũng cảm thấy “hồn thơ lai láng” trước cảnh đẹp nên thơ của sông Hương; hơn thế nữa, giữa nhà thơ và dòng sông còn có mối giao cảm như được thấy trong bài thơ sau đây và bài kế tiếp:  

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Vốn là người gốc Hà Tĩnh vào Huế tòng học tại trường Khải Định, mỗi khi chiếu tà, ngắm nhìn cảnh sông nước đìu hiu, nhà thơ không khỏi bạng khuâng nhớ tới quê nhà  

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

“Khói hoàng hôn” làm liên tưởng đến “khói song” trong hai câu cuối bài thơ Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hoàng Hac) của thi sĩ Thôi Hiệu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

                     (Tản Đà dịch)

(Nguyên văn: Nhật mộ hương quan hà xứ thị
                       Yên ba giang thượng sử nhân sầu)

Hai nhà thơ, cách biệt nhau hàng vạn dặm đường, người sinh trước kẻ sinh sau bao nhiêu thế kỷ, mà khi nhìn sông nước trong bóng hoàng hôn, cả hai đều cảm thấy buồn nhớ cố hương: Đó là vì cả hai đều xa quê và dòng sông đã gợi buồn trong lòng họ do sự giao cảm giữa họ và sông..

Sông Hương không chỉ là nơi để dạo thuyền ban mai hay ngắm cảnh chiều tà trăng lên. Nó còn là một đường giao thông thuận tiện cho dân chúng và cũng là nơi có hàng nghìn người sinh sống nhờ vào con sông. Mỗi sáng, trên khúc sông chảy ngang qua thành phố, thuyền bè qua lại tấp nập. Có những chuyến đò dọc chuyên chở hàng hóa và hành khách về các thị trấn, làng xóm dọc ven sông và từ đó trở về với những nông sản và gà vịt, rau tươi và hoa quả về bán ở chợ Đông Ba và các vùng lân cận; có những chuyến đò ngang chở khách sang sông; đặc biệt những chuyến đò ngang bến Thừa Phủ chuyên việc chở các nam nữ học sinh hai trường Đồng Khánh và Khải Định tới trường và về, đã để lại trong lòng họ những kỷ niệm khó quên. Nhà thơ Võ Quê hồi

Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa
(……)

Ngày xưa trên những chuyến đò
Có cô con gái học trò sang sông

Đêm đêm, từ vạn đò Mụ Mới, vọng lên những câu hò, khi thì chân chất, mộc mạc:

Qua cầu than thở cùng cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu
khi lại tha thiết nặng tình núi sông:
Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non

Và đây đó, bồng bềnh trên sóng là những chiếc thuyền chào đón khách dạ du tìm thú vui sông nước:  

Giữa sông Hương dợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêng
Từ thuyền vọng lên tiếng ca trầm bổng của ca nhi xướng khúc Nam ai, Nam bằng.

Sông Hương còn tạo tửu hứng cho các đồ đệ Lưu Linh. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mơ ước:

Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, lâu đài ngả nghiêng say.

Có những người Pháp làm việc lâu năm tại Huế coi miền đất này như một thân hữu. Họ thành lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ và xuất bản một tạp chí lấy tên là Bulletin des Amis du Vieux Huế để viết về cố đô. Nhiều người trong số đó đã làm thơ tả những buổi dạo thuyền trên sông Hương đặc biệt là vào những đêm trăng. Ta hãy nghe thơ của Henri de Rouvroy:

Tout est bleu comme au flanc nu d’une porcelaine
Sur le Fleuve Enbaumé chanté par tant de rois
La lune qui s’allume à l’horizon des plaines
Accroche son fanal aux dragons d’un vieux toit
             (Sur la Rivière des Parfums)

Dịch:

Sắc xanh ròng một màu xanh, da sứ
Dòng Thơm, từng vẫy bút các triều vua
Vầng trăng rạng từ chân trời đồng nội
Đèn trăng treo rồng lượn mái đình xưa
(Trên Dòng Hương Giang – Nguyễn Phúc Huyền Vi)

Nhà thơ Francois Henri Guibier có nỗi niềm riêng làm ông đau khổ ; ông đến với sông Hương để giãi bày tâm sự:

Du soir la tiédeur alanguie
Berce mon âme en sa douleur
Du fleuve la course ralentie
Berce la barque avec douceur
Mon âme en sa mélancholie
Berce doucement sa douleur
La barque, en sa course ralentie
Berce mon âme en sa langueur
(Nocturne sur la Rivière des Parfums)

Dịch:

Bầu trời đêm lạnh lùng quạnh quẽ
Ru hồn tôi trong nỗi đau thương
Dòng sông lững lờ con sóng nhẹ
Ru con thuyền êm ả trôi buông
Tâm hồn tôi trong cơn sầu ải
Luống vỗ về êm ái đau thương
Con thuyền nhịp chèo khua chậm rãi 
Ru hồn tôi sầu muộn mỏi mòn

(Hương Giang Dạ Khúc- Nguyễn Phúc Huyền Vi)

Nhiều người muốn biết nguồn gốc của hai chữ “sông Hương” (sông Thơm) đã được cụ Vân Bình Tôn Thất Lương giải đáp như sau:

Cỏ thơm có giống thạch xương bồ
Sinh ở hai nguồn tả hữu trạch
Hơi thơm dầm nước trong veo
Hợp thành sông thơm chảy róc rách
Quanh co rộng hẹp vài muôn sải
Thấm mát ruộng vườn gành với bãi
Êm đềm theo dọc tỉnh Thừa Thiên
Chảy về Thuận An ra Đông Hải
         (Hương Giang Hành)

Học giả Thái Văn Kiểm giải thích thêm: “Hai bên bờ tả hữu trạch sông Hương có giống cỏ thạch xương bồ, cũng gọi là ngoại xương bồ (acorus gramineus), là vị thuốc trường sinh có mùi thơm đặc biệt. Hoa và cỏ thấm vào nước sông trong vắt mà tạo nên phương danh sông Thơm”.

Đến đây, tưởng cũng nên nói đến cái nhìn đặc biệt về sông Hương của thi hào Cao Bá Quát. Trong khi các nhà thơ khác đều ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng của sông Hương thì ông đã có lúc nhìn thấy nó đột ngột có một dáng đứng khí phách:  

Sông dài như kiếm dựng trờì xanh
(Nguyên văn chữ Hán:
Trường giang như kiếm lập thanh thiên)

Sông Hương với cầu Trường Tiền bắc ngang là một trường hợp điển hình về nghệ thuật (cây cầu) được thiên nhiên (con sông) bổ sung và tô điểm. Nhà thơ Nguyễn Bính đã ví các vài cầu hình vòng cung, sơn kim nhũ như chiếc lược ngà và sông Hương như một suối tóc dài:

Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ  
(Vài nét Huế – Nguyễn Bính)

Sau đây là câu chuyện tình giữa đôi trai gái, lấy cầu Trường Tiền để vào đề:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp tội em lắm anh ơi
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa cũng tại ông Trời nên xa.

Đại Nội

Thơ về Đại Nội không có nhiều: chỉ có thơ của vua Thiệu Trị vịnh các lâu đài và ngự uyển bên trong Đại Nội, còn các thi sĩ khác không thấy có thơ của họ vì có lẽ ít ai được phép vào ngắm cảnh đề thơ ở nơi tử cấm thành. Đến năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, rời khỏi hoàng cung để ra Hà Nội nhận chức Tối Cao Cố Vấn của “chính phủ cách mạng”, thì nơi đây, sau một thời gian bị cán bộ chính quyền Hà Nội vơ vét, hối hả chở về Bắc những gì có chút giá trị trong các cung điện , đã trở thành hoang phế. khắp nơi đầy cỏ dại, lâu đài cung điện nhện giăng, cửa mốc (1).

Nhìn cảnh tang thương, thi ông Thúc Gia bùi ngùi cảm tác bài thơ bày tỏ nỗi niềm riêng tư của mình trước thời cuộc:

Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng
Ngự xe cờ phất đến Thăng Long
Trải qua non nước nhìn quanh rạng
Ngoảnh lại lâu đài bỏ trống không
Gió tạc canh thâu chim ngái tổ
Trăng soi cửa cấm nhện giăng màn
Có ai vô nội cho mình hỏi
Thần tử còn lưa lại mấy ông?
(Vua Bảo Đại thoái vị – Thúc Giạ 1946)

Xin để ý đến mấy chữ “rặt Huế”: Nỏ=không; ngái=xa; lưa=còn lại.

Để khỏi hiểu lầm.

Nhà thơ Trương Quân tỏ lòng nuối tiếc cảnh huy hoàng ngày xưa::

Một mảnh trăng khuya vượt cấm thành
Soi tìm bí sử dưới rêu xanh
Trăng đêm cung viện hồn hoa thức
Bướm rủ long sàng cánh mỏng manh
Cung vàng khánh ngọc vắng nơi đâu
Mã tượng trang nghiêm lạnh bóng chầu
Nay điện Thái Hòa mai Thế Miếu
Duy còn chín đỉnh với ngàn sau
Đại Nội từng khi trăng dõi soi
Biết gì vương đế thưở xa xôi?
Mười ba triều đại – vòng hưng phế
Vẫy bút, thời gian xóa sạch rồi!
(Vầng trăng đại nội – Trương Quân)

… đọc tiếp ->>Huế qua thơ và ca dao – phần 2  

Scroll to TOP