Người Việt Nam chuẩn bị đầy đủ tinh thần và vật chất cho ngày Tết. Người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng tôn trọng ngày Tết. Người theo Phật giáo và đạo thờ ông bà thời có một bàn thờ, trên bàn thờ, mâm trái cây là một điểm quan trọng. Mâm cúng hoa quả , bánh , xôi, thịt, hương, trà đều có mục đích bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc thánh thần.
Nội dung mâm cúng thay đổi tùy theo từng nhà và từng vùng của đất nước, thường là ngũ quả . Ví dụ ở miền Bắc mâm ngũ quả cũng gọi là ngũ phẩm thường có 5 loại quả như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Người ta thường lấy con số năm theo nghĩa các thứ trái cây là vũ trụ ( ngũ hành) , hay ngũ phúc ( tam đa ngũ phúc, ngũ phúc lâm môn), còn quả là kết quả. Đạo Phật chú trọng nhân quả thì trái cây lại mang màu sắc đặc biệt.
Trong lễ cúng, người Bắc và Trung đều cúng chuối. Trồng chuối có ích lợi. Lá chuối để gói bánh chưng và gói cá, thịt, xôi, bánh. Bắp chuối (hoa chuối ) để nấu hay ăn sống với rau. Người ta ăn bún bò Huế với các thứ rau trong đó có bắp chuối. Bắp chuối nấu lươn thì tuyệt vời. Bắp chuối đem bóp thấu với đậu phụng da heo thì trở thành món cao lương mỹ vị.
Trái chuối sứ cũng như sung làm món rau ăn rất ngon.
Chuối chín để cúng và ăn. Thân chuối non luộc như một món rau. Củ chuối ( gốc cây chuối) luộc ăn được. Khi mất mùa, người ta thường ăn củ chuối. Cây chuối thường xắt nhỏ trộn cám cho heo ăn. Nói chung cây chuối rất có ich. Các gia đình Bắc và Trung đều trồng chuối. Hình ảnh cây chuối đã đi sâu vào lòng dân tộc như truyện ” Trần Minh khố chuối” và các câu ca dao:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp luột, như đường mía lau.
Mẹ già như chuối chín cây,
Gió đưa trái rụng con rầy mồ côi.
Mẹ già như chuối chín cây
Gió đông cũng sợ, gió tây cũng buồn.
Mẹ già như chuối chín cây
Mong sao dâu được mỗi ngày mỗi ngoan.
“Sá gì một nải chuối xanh
Năm bảy người giành cho mủ dính tay”
“ Gió đưa bụi chuối sau hè ”.
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Chuối khoe rằng chuối đồng trinh
Chuối ở một mình sao chuối có con.
Gió đưa bụi chuối te tàu
Chồng Nam vợ Bắc làm giàu ai ăn.
Chè, xôi, chuối đã trở thành món cúng thông thường trong gia đình miền Trung và Bắc.
Mâm trái cây là một bức họa đủ màu sắc. Chuối, cam, bưởi, táo, để vào một mâm thờ xếp theo thứ tự trên nhỏ dưới to là một nghệ thuật phối hợp khối và màu sắc.
Thời gian Tết ở miền Trung rơi vào mùa đông nghiệt ngã, lại chịu nhiều bão lụt, cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Hơn nữa, miền Trung nghèo, đất sỏi đá, it hoa quả, nhất là vùng thôn quê, gặp ngày đông tháng giá, cây cối suy tàn nên hiếm trái cây, chợ búa cũng thiếu thốn cho nên đa số dân chúng thôn quê có gì cúng nấy, phần lớn là cúng nải chuối, nhà giàu có hoặc gặp buổi chợ đông hàng về thì mới có cam xã Đoài, hay trái cây Sàigòn. Do vậy mâm ngũ quả không có nét đặc trưng nhất định của địa phương, mua được gì , nhà có gì cúng nấy, không nhất thiết là ngũ quả hay tam quả .
Miền Nam khí hậu ấm áp, đất tốt, có nhiều loại trái cây lại nhập cảng nhiều loại trái cây nên mâm ngũ phẩm rất đa dạng và phong phú.
Bên cạnh vẻ đẹp của hình khối và màu sắc, và bên cạnh ý nghĩa chung là cầu được quả tam đa, ngũ phúc, mỗi thứ trái cây đều có một ý nghĩa. Tết đến, bên cạnh những trái cây phổ thông, thường có quanh năm, còn có những trái cây kết quả vào dịp tết như dưa hấu. Người ta mua chậu quất hay mua quít vì chữ Hán là Cát hay Kiết (Tốt) đọc theo âm tiếng Hoa gần như là Quất hay quít.
Dưa hấu ruột đỏ mang ý nghĩa đan tâm (lòng son), và màu đỏ tượng trưng cho may mắn vì người Á Đông ta thích màu hồng điều (áo cô dâu, áo thượng thọ, pháo . . . đều màu đỏ). Ngoài ra tiếng “hấu” tiếng Hoa nghĩa là tốt (hảo). Cam có nghĩa là ngọt. Người ta cũng dùng nghĩa nôm như Cầu, dừa, đủ, xài, thơm ( danh) để nói lên mong ước của mình và gia đình.
Mong ước này là phù hợp với người bình dân, chỉ mong ước một đời bình thường. Ngoài ra, cũng có những người mơ ước cao hơn . Trái thơm nghĩa là mong được thơm danh, sung là cầu được sung túc, sung sướng.
Ở miền Bắc và Trung, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ.
Với người Huế, mâm ngũ quả thể hiện sự giao thoa Văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Giống như một số tỉnh phía Bắc, mâm ngũ quả của người Huế bao giờ cũng có nải chuối đặt ở phía dưới, từng trái chuối ôm gọn các quả khác ở phía trên. Ngoài ra, người Huế còn bị ảnh hưởng bởi Phong tục tập quán của người miền Nam nên trên mâm ngũ quả của người Huế bao giờ cũng có các loại quả sau : mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài.
Ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được
Dưa hấu tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người Nam.
Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối.
Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng 5 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Trước tiên ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế; sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người dân phương Nam.
Cũng có nơi ngũ quả là năm quả: năm quả cam, năm quả quít, năm trái đào. Vì thế mâm ngũ quả này còn được gọi là “ngũ đại kiết”. Năm trái quýt biểu tượng cho may mắn.
“Ngũ đại kiết“
Nhiều nơi cúng hoa quả , bánh trái chung với nhau không cần số mấy và loại nào. Cũng có nhiều người trang trí rất độc đáo là mâm hoa quả kết hình rồng, phượng.
Đền chùa hay nhà giàu có có mâm hoa quả mang hình rồng phượng. Để có được mâm hoa quả này, người ta tự làm hoặc phải nhờ đến những tay chuyên môn. Và như vậy cái mâm hoa quả sẽ rất lớn.
Mâm quả Long Phượng
Một số thích cầu kỳ, theo cách thức như bày mâm tam quả, ngũ quả hay mâm rồng phượng, đa số có gì cúng nấy, quan trọng là tinh sạch để cúng dường đức Phật và tổ tiên, thần thánh là được.
Trong mong ước cũng có sự kiêng kỵ. Theo người Nam, quả cam không có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì có câu “quýt làm cam chịu” nghĩa là phải tránh oan khuất…Miền Nam it trồng chuối và không cúng chuối vì người Nam đọc chuối thành ” chúi” nghĩa là cúi xuối, ngã xuống, một hình tượng không đẹp. Cũng có người theo sách nho bảo ” tiền đàng bất khả thụ ba tiêu ” (Trước nhà thì không được trồng chuối). Và trái chuối cũng mang hình tượng không đẹp. Trái chuối rất tốt cho sức khoẻ, người Âu Mỹ coi chuối là loại trái cây thông dụng nhưng khi ăn đừng cầm cả trái chuối mà ăn, xin hãy bẻ đôi rồi mới thưởng thức.
Nói tóm lại, chưng bày trái cây trong dịp Tết là một nếp văn hóa đẹp, nội dung là bày tỏ lòng tôn kính Thần, Phật, Tổ Tiên, đồng thời cũng biểu hiện nghệ thuật và ước muốn của người dân, một ước muốn thanh bình, thịnh vượng ./.