Mừng Nắng Xuân Về – Playlist
Tết và mùa Xuân thường là một trong những đề tài và khởi nguồn cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong số rất nhiều thi phẩm nổi tiếng của người xưa để lại có bài thi kệ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh nói cho mọi người biết) của Mãn Giác Thiền Sư (1052- 1096) vào thời Lý-Trần. Ông là một Thiền Sư Việt Nam đời thứ 8 thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông và ông được người đời coi là một nhà thơ tiêu biểu của văn học thời Lý -Trần.
Dưới cái nhìn của một nhà thiền học mang tâm hồn nghệ sĩ, Mãn Giác Thiền sư đã thi vị hóa cái nhìn hiện thực khách quan của cảnh vật và qua đó nói lên nội tâm sâu kín của con người,đồng thời mở ra một quy luật biện chứng của sự phát triển đó là:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Bài thơ mượn cảnh thị tình để biểu đạt tâm trạng và hậu thế đã nghiên cứu đi đến một kết luận rằng: “Cáo tật thị chúng” là một bản tuyên ngôn về triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật thi ca.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác Thiền Sư)
Dịch thơ:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
(Thích Thanh Từ)
Hình ảnh một cụ già trong đêm trừ tịch chờ đón giao thừa bỗng choàng tỉnh mộng khi nghe tiếng pháo tre nổ râm ran:
“Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua ma đắng lỗ tai.
” (Đêm trừ tịch)
Hình ảnh và phong cảnh mùa Xuân còn được nhà thơ miêu tả qua các bài thơ trong Thơ quốc âm và thơ chữ Hán:
Bài 1 – Mộ xuân tức sự (Cuối xuân tức cảnh) Bản dịch trong “Nguyễn Trãi toàn tập”: “Trọn ngày thong thả khép phòng văn, Khách tục bên ngoài chẳng bén chân. Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn, Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân.”
Bài 2 – Cuối xuân (Thơ quốc âm). Đặc San Xuâ n Page 97 “Tính từ gặp tiết lương thần, Thiếu một hai mà no chín tuần. Kiếp thiếu niên đi thương đến tuổi, Ốc dương hoà lại ngõ dừng chân. Vườn hoa khóc tiếc mặt Phi tử, Trì cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân. Cầm đuốc chơi đêm này khách nói, Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân.”
(Nguyễn Trãi)
Tiếp theo sau Ức Trai Nguyễn Trãi đến thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), ngoài cái uy danh là một đấng vương quyền thì ngài còn là một nguyên súy của Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú.Ngài đã có những đóng góp tích cực cho nền thơ ca Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 15 về thơ chữ Hán và thơ quốc âm.
“Lê Thánh Tông thi Tập” và “Hồng Đức quốc âm thi tập” là tập hợp những tác phẩm của ngài mà người đời sau sưu tầm ghi chép lại.
“Vịnh cảnh mùa xuân” là một bài thơ Nôm tiêu biểu viết về mùa xuân trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”:
Vịnh cảnh mùa xuân
Lật lật bình phong mở mấy lần,
Khắp hoà chốn chốn một trời xuân.
Hiu hiu gió thổi hương lồng áo,
Phơi phới mưa sa ngọc đượm chăn.
Liễu vẽ mày xanh oanh chấp chới,
Mai tô má phấn bướm xun xoăn.
Đường chen xe ngựa tai vang nhạc,
Nào chốn nào là chẳng cõi nhân
(Lê Thánh Tông)
Đến đời nhà Mạc, vào năm Đại chính thứ 6 đời Mạc Đăng Doanh (1535) có cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Tuyết Giang Phu Tử, thi đỗ Trạng Nguyên khoa Ất mùi và cụ làm quan được 8 năm rồi xin về quê ở ẩn và mở trường dạy học bên sông Tuyết Giang.
Cụ được vua nhà Mạc tôn làm quốc sư và phong đến tước vị Trình Quốc Công.
Ngoài ra cụ còn được Chúa Trịnh và chúa Nguyễn rất kính trọng. Hai thi phẩm tiêu biểu cụ để lại cho đời là “Bạch vân thi tập” (bằng chữ Hán) và “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”.
Tuyết Giang Phu Tử có nhiều bài thơ nói về mùa Xuân và ngày Tết bằng chữ Hán,trong đó có bài thơ “Thôi làm quan về nhà”:
“Tuổi trời đã ngoại bảy mươi tư,
Mừng được an nhàn chốn ẩn cư.
Năm mới, cảnh vui đầy vũ trụ,
Nhà nghèo nếp cũ sẵn thi thư.
Xuân về ấm áp hoa, tre tốt,
Nhà trống thênh thang cửa, ghế thưa.
Ai dở ai hay thời mặc kệ,
Già này ngông dại luống mần ngơ.
” Lữ quán khách nhưng tại,
Cảm xúc về ngày Tết, về mùa xuân luôn luôn dâng trào trong tâm hồn thi sĩ và ở mỗi thời đại người thi sĩ đều có những cảm nhận riêng của mình.
Đại thi hào Nguyễn Du nhìn nhận mùa xuân qua lăng kính của người buồn thế sự:
Mộ xuân mạn hứng
Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật,
Phao trịch xuân quang thù khả liên.
Phù thế công danh khan điểu quá,
Nhàn đình tiết tự đái oanh thiên.
Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại,
Thiên tuế trường ưu vị tử tiền.
Phù lợi vinh danh chung nhất tán,
Hà như cập tảo học thần tiên ?
Nguyễn Du (1765 – 1820)
Dịch nghĩa:
Cảm hứng cuối xuân
Một năm có chín mươi ngày xuân
, Để cho cảnh xuân trôi qua, thật đáng tiếc!
Công danh ở đời nào khác cánh chim bay vút.
Trước sân vắng, thời tiết cũng theo chim oanh mà thay đổi.
Tấm thân không thể thoát ra khỏi vòng hữu hình, chưa chết, cứ lo mãi chuyện nghìn năm.
Danh lợi hão huyền cuối cùng tiêu tan hết,
Sao bằng hãy sớm theo đạo thần tiên!
Dịch thơ:
Cảm hứng cuối xuân
Một năm có chín chục ngày xuân,
Thấm thoắt xuân đi tiếc bội phần.
Cõi thế công danh qua vun vút,
Trước sân thời tiết đổi lần lần.
Chiếc thân không lọp vòng đào chú,
Nghìn thủa lo hoài lúc sống còn.
Danh lợi hão huyền chung cuộc trắng,
Sao bằng sớm học đạo thần tiên?
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang
Tết đến xuân về với nhà nho Nguyễn Công Trứ thì lại khác, như là một sự cợt đùa, trêu chọc trước cảnh hàn vi:
Tết nhà nghèo Tết nhất anh ni ai nói nghèo,
Nghèo mà lịch sự đố ai theo.
Bánh chưng chất chật chừng ba chiếc,
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu.
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo,
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu.
Ai xuân anh cũng chơi xuân với,
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều
(Nguyễn Công Trứ 1778-1858)
Còn đối với người anh hùng ẩm hận đa Cao Bá Quát thì mùa Xuân lại là mùa của tình yêu, là cơ duyên của giai nhân và khách đa tình. Khó có thể phân định giữa thực và mơ mà chỉ có mùa Xuân mới làm cho kẻ đa tình say túy lúy.
Nhớ người Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái Tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ bấy xuân về, oanh nhớ
Phong lưu tài tử đa xuân tứ
Trường đoạn tiêu tương nhất chỉ thư
Nước sông Tương một dải nông sờ
Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi !
Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi !
***
Chữ chung tình biết nói cùng ai ?
Trót vì gắn bó một hai …
(Cao Bá Quát 1809-1854)
Mùa Xuân đối với nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì lại là một ngày hội dân gian vui khôn tả hiện ra dưới ngọn bútđầy tính trào lộng và bỡn cợt bằng những ngôn từ hết sức mộc mạc và bình dị.
Đánh Đu Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi Xuân có biết Xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
(Hồ Xuân Hương)
Bà Huyện Thanh Quan tiếng là một nhà thơ hoài cổ u buồn, nên khi ngắm cảnh mùa Xuân thì cũng không sao vượt ra được cái dấu u hoài được
Chơi đài khán xuân Trấn Võ
Êm ả chiều Xuân tới khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Đối với nhà thơ Nguyễn Khuyến thì Tết đến Xuân về trong cảnh nhá nhem của cuộc đời một nhà nho túng bấn. Cũng với bút pháp trào lộng, bông đùa cụ Tam Nguyên đón tết trong cái nghèo khó mà thanh bạch.
Chợ Đồng
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.
(Nguyễn Khuyến 1835-1909)
Cũng mang tâm trạng và bỡn cợt với cuộc sống thanh bần trước mùa Xuân đến như cụ Nguyễn Công Trứ hay cụ Tam Nguyên, nhưng chỉ có Trần Tế Xương, một nhà thơ trào phúng có một không hai của Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 đã thi vị hóa cảnh nhà túng quẩn của mình khi Tết đến Xuân về bằng nghệ thuật “nổ” làm cho người đọc đến chua chát ngậm ngùi:
Tết đến Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
Tiền của trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi, đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
(Trần Tế Xương 1871-1907)
Chúng ta vừa cùng nhau du Xuân qua các thi phẩm nổi tiếng của các nhà thơ xưa trong nền văn học nước nhà và đấy mới chỉ là một “Mùa Xuân nho nhỏ” trong mùa Xuân bất tận của văn học dân tộc mà chúng ta chưa khám phá hết được. Không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ mong rằng “Lời quê chắp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài… phút xuân”.- Đồ Gàn –
* Trích từ ThuyTienMagazine của Trực Lê Doanh Doanh số Xuân năm Kỷ Hợi