Góc Tết
Từ trước đến nay, chưa thấy sử sách nào định rõ lễ Tết của nước ta bắt đầu khi nào, chỉ hiểu rằng nó có từ rất xa xưa. Tết là do chữ tiết mà ra vì chính lúc ấy là Tết nguyên đán. Ta có câu ca ghi cái Tết thời xưa như sau:
Một tết chưa đủ sạch nhà
Phải nhiều cái tết mới là no nê.
Tết Trần, Tết Lý, Tết Lê
Hơn trăm cái Tết ai chê tết nào.
Rồi mời các bạn đọc thêm mấy câu nữa, đã đề cập đến cái tết của một thời kỳ. Tết Trung Quốc tràn sang Nam Việt
Đất Hoa Lư chưa biết tre nêu.
Một mai tre đổ nhà xiêu
Chỉ còn sông trắng con diều lượn bay.
Và dưới đây, một bài tứ tuyệt về tết, có giá trị tài liệu lịch sử:
Hồng Bàng trăm tết diễn trăm nơi
Thiên hạ vui thay rượu ngập trời.
Nhưng đến Dương Vương cùng họ Triệu
Tết buồn như gió, pháo như hơi
Theo sách “Le Khmer, thì trước kia dân ta ăn Tết theo Tàu, ta đã có thời gian ăn Tết theo Chiêm Thành. Tết này bắt đầu vào tháng 2 âm lịch, có đủ lễ lạc vui chơi, hát xướng, chè rượu trong ba ngày liên tiếp, cũng đi viếng thăm nhau, và cũng kiêng cữ nhiều điều. Trong mấy ngày ấy, dù gặp kẻ thù, người ta cũng chào và chúc mừng nhau. Vì theo tục lệ người Chiêm thì ngày ấy là ngày xóa hờn, xóa giận. Cái tục đầu năm lên chùa hái lộc, dân ta vẫn còn giữ. Những sách khảo cứu về dân tộc Chăm, có đề cập đến tục lệ ấy.
Kiêng cữ:
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”
Hai câu ca dao đó chỉ rõ phong tục kiêng trong ba ngày tết như không mua vôi ngày đầu năm. Vì vôi có nghĩa là bạc bẽo. Nhưng đầu năm họ mua muối, có ý đằm thắm mặn nồng. Khi lễ giao thừa xong mọi người ngồi chờ nghe coi con vật gì kêu trước tiên. Nếu được nghe tiếng chuột thì may mắn, vì chuột kêu “túc túc” là có đầy đủ, nếu là tiếng mèo hay tiếng cú là không may vì dân ta có câu
“Mèo kêu rậm rú, cú kêu rậm ma”.
Trước kia còn nhiều điều kiêng cữ gay gắt nữa. Tối ba mươi mọi gia đình nhúm một ngọn lửa và phải giữ cho ngọn lửa ấy cháy liên tục trong ba ngày, nước cũng phải dự chữ đủ trong 3 ngày, nhất là lu nước luôn đầy. Ba ngày tết không hề chẻ một cây củi, không quét một nhát chổi nào, có gia đình còn giấu kín cây chổi đi một nơi, vì chổi mà mất thì bao nhiêu tiền bạc bị quét ra khỏi nhà.
Đoán mộng ngày tết:
Trong đêm ba mươi Tết, nằm chiêm bao thấy gì, cứ theo đó mà đoán:
“Đoán mộng thì đoán ngược – Lội nước tức lên non.
Thấy còn thì chắc mất – Tưởng trật ắt trúng nhiều.
Xem xiêu thì đoán đúng – Trông cứng thì hẳn mềm.
Muôn sự được êm êm – Là khi quên chuyện mộng”.
Bói tết:
Lối bói có nhiều cách. Bói bằng cách lắc ống xăm, ở các nhà chùa, miếu trong Nam Bộ là thông dụng nhất, không mấy ai mà không biết tục lệ này. Trước đây, dân Saigon -Cholon thường đi xin xăm ở “Lăng Ông Bà Chiểu”, phần đông là người Trung Quốc.
Bói Truyện:
Thường dùng những quyển Kim Vân Kiều, Lục Văn Tiên, Nhị Độ Mai, miệng khấn khứa rầm rầm rồi lật một trang ra, chỉ vào một hàng chữ sẽ nương theo nghĩa câu ấy hoặc đoạn chuyện có câu ấy mà đoán vận mạng mình trong cả năm.
Bói lửa:
Đêm ba mươi, bắc nồi lên bếp, rồi cứ trông ngọn lửa cháy thế nào thì đoán theo mấy câu dân ca này:
“Ông táo bằng đất
Ông phật bằng vàng
lửa cháy xuê xoang
là điềm vui vẻ
củi hay nắc nẻ
là điềm gây nhau
lửa trước lửa sau
là điềm tụ họp…”
Bói đò:
Đầu năm qua sông, bói đò theo mấy câu dân ca này:
Hể đò xây mũi thì hay
Thiên hạ tiếp rước đủ đầy cả năm.
Quay lại thì bị tiếng tăm
Làm ăn không được đứng nằm không yên.
Đò xa thì triệu ưu phiền
Đò gần thì sướng như tiên trên trời”
Bói tuồng:
Đầu năm đi xem hát ở rạp, khi vào gặp vai nào thì đoán mệnh mình trong năm theo vận hạn của vai ấy. Gặp vai nịnh thì được sung sướng trước, nhưng cực khổ về sau. Gặp người trung thì tuy có gian nan, nhưng có quý nhân phò trợ và được ấm êm hạnh phúc.
Bói người:
Đầu năm đi đường gặp ai trước hết tùy theo người ấy mà đoán điều. Gặp đàn bà là điều không tốt, nhưng đàn bà có gánh trên vai lại là điềm hay
.”Đầu năm gặp đàn bà không gánh – thì thà bị trời đánh còn hơn”.
Bói ông táo:
Đầu năm có lệ thay ông Táo mới và bắc nồi nước trà lên nấu trước tiên. Khi nấu xong đem nồi xuống, cứ coi theo hình ba ông Táo, nếu ngã ngửa ra thì ấy là tiền chĩa ra, ba ông dụm đầu vào là bao sự vui vẻ đoàn tụ, đầu ba ông bằng nhau ra điềm an ủi đề huề.
“Gục đầu lại vui như ca, ngã đầu ra buồn như chết”.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật )