Thi Sĩ Nguyễn Nhược Pháp – nhà thơ tài hoa mệnh yểu

Nguyễn Nhược Pháp (*)

(1914-1938)

Đầu Năm đi Lễ Chùa Hương với thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp – Tìm Về Nguồn Cội (nguyentran.org)

Giai thoại về nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp – Bích Huyền tường thuật :

Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp nổi danh trong trào lưu Thơ Mới những năm 30, thế kỷ trước với chất giọng tươi trẻ, hài hước, hiền lành mà có duyên như nhận xét của Hoài Thanh: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào cũng thoáng thấy bóng một người đang khúc khích cười”.

Năm 1916 sau khi mẹ mất , Nhược Pháp được cha đón về  sống với mẹ cả ở Mã Mây rồi đi học vỡ lòng. 6 năm tiếp theo học phổ thông trường Trí Tri (phố Hàng Đàn và Trung Bắc học hiệu- phố Lý Quốc Sư). 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường trung học Albert Saraut. 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, vào Đại học luật. Nhược Pháp luôn học giỏi, xứng đáng cho các em noi theo.

Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu khó khăn trầm trọng. Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, làm thơ… để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình…
Khi chị Nội đang đi học Luật năm thứ ba mắc bệnh mất (1933), rồi cha mất ( 1936), chị Vân mất ( 1938), và tin anh Hải mất trong Nam… Nhược Pháp buồn đau, nhuốm bệnh lao hạch…
Ngày 19-11-1938 ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đồn Thủy, hưởng dương 24 tuổi.
Ông để lại ba bức thư. Một bức viết bằng chữ Pháp, cám ơn các thầy thuốc đã hết lòng cứu chữa. Một bức thư vĩnh biệt mẹ cả và gia đình ( khi ấy ông Vĩnh mất được hai năm).

Một bức gửi cho người anh là nhà thơ Nguyễn Giang, với tâm nguyện, hãy chăm sóc mẹ cả và các em nhỏ tốt hơn nữa…

…  Ngưng trích…

Tác Giả: Khúc Hà Linh + Giang Hoàng

(*) Nguyễn Nhược Pháp, (sinh ngày 12 tháng 12 năm 1914, mất ngày 19 tháng 11 năm 1938.

Nguyễn Nhược Pháp sinh tại Hà nội, ông là con của nhà văn, nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, quê quán: xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Ông học tại trường Albert Sarrat và đỗ tú tài. Ông làm thơ từ sớm và đã từng viết cho các báo Annam NouveauHà Nội BáoTinh hoaĐông Dương Tạp chí. Ông mất năm 24 tuổi tại Hà nội do bệnh thương hàn.

Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp…. Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng.” Bài thơ “Chùa Hương” nổi tiếng của ông đã được ca sỹ Trung Đức và giáo sư Trần Văn Khê phổ nhạc.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Scroll to TOP