THĂNG LONG HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
(*)Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, định đô tại Huế, thì Thăng Long trở nên hoang phế. Chỉ còn là một tỉnh, nên Hà Nội bị mất đi vị trí, giá trị trung tâm của mình, vốn kéo dài suốt từ thời nhà Lý đến nhà Lê.
Thăng Long Hoài Cổ có nghĩa là nhớ thành Thăng Long xưa, được Bà Huyện Thanh Quan viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, tả cảnh tang thương để ngụ tình hoài niệm.
Bà trách ông trời sao lại biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay, thay đổi bởi con người. Đến núi sông kia là vật vô tri mà cũng còn trơ gan, thách thức, cau mặt, chẳng vui, huống hồ gì. Soi vào tấm gương mới cũ, thấy cảnh, thấy người, chỉ vừa mới qua nay thôi, mà biết bao đổi dời, tan vỡ, nghe lòng như ai cắt, nghe lòng như ai xé, đứt cả ruột gan, buồn sao mà quá đỗi.
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
(*) Xuất thân trong một gia đình quan lại, có nhan sắc, có học, có tài thơ, giỏi nữ công gia chánh, nên bà được vua Minh Mạng cho vời đến kinh đô làm nữ quan Cung Trung Giáo Tập. Trên đường ra Phú Xuân, bà đến Đèo Ngang, đúng vào lúc hoàng hôn đang buông xuống, mặt trời đã nằm ngang sườn núi, ánh vàng hắt nghiêng xuống, chênh chênh.
Đèo Ngang, con đường đèo lãng mạn và đậm chất thơ nhất Việt Nam nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo Ngang có mặt nhiều lắm, không chỉ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, mà còn trong thơ của Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát.
Lại kể thêm giai thoại nữa về bà với vua Minh Mạng. Ngày nọ, vua ban cho ông quan kia hai chữ Phúc Thọ, nhân dịp ông quan ấy lập được công trạng. Viết xong, vua đưa cho Bà Huyện Thanh Quan xem và hỏi, được không? Bà xem xong, nhỏ nhẹ, thưa bệ hạ, phúc tối hậu, thọ tối trường, (nghĩa là, phúc rất dày, thọ rất dài).
Vua ngẩn ra một hồi, sau đó, vua phát hiện ra, chữ phúc mình viết mập ù, còn chữ thọ lại dài thòn lòn. Biết là cô giáo chê chữ mình, nhưng chê hay quá, chê khéo quá, nên Minh Mạng đành cười trừ, xí xóa.
Ở trong cung vua, chốn hoàng gia, ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ, được nể nang, được trọng vọng, nhưng bà nào có vui. Bà luôn ở trong tâm trạng của nỗi nhớ nhà, thương nước, như bài thơ Chiều Hôm Nhớ Nhà dưới đây:
Vàng tỏa non tây, bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước nhường ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là?
(theo Phạm Hiền Mây 2024 )