
Cô Hái Mơ
Cô Lái Đò
Chân Quê
Ghen
Thời Trước – Trăng Sáng Vườn Chè
(Bài thơ Thời Trước đã được nhạc sĩ Văn Phụng phổ nhạc thành nhạc phẩm Trăng Sáng Vườn Chè)
Sáng giăng chia nửa vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bõ công đèn sách từ ngày lấy tôi
Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa.
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
“Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.
Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem giăng giãi lên trên vườn chè….

(*) Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Ðịnh (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.
Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi.
Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội.
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Ðôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)…
Thơ Nguyễn Bính “chân quê”: giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo Sư Lê Ðình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu.
Theo Wikipedia.