Thơ Nguyễn Khuyến – thơ trào phúng

Chơi núi Non Nước
Chom chỏm trên sông đá một hòn,
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ, (2)

Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.
Rừng cúc tiền triều (3) trơ mốc thếch,
Hồn câu Thái phó (4) tảng rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.

Chú giải:
1. Núi Non Nước, một thắng cảnh nằm ven bờ sông Đáy ở thị xã Ninh Bình.
2. Bàn Cổ: Ông Bàn Cổ sinh từ lúc mới có trời đất.
3. Tiền triều: triều vua thời trước. 4. Hòn câu thái phó: tảng đá mà thái phó Trương Hán Siêu đã ngồi câu cá.

Thu ẩm
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.

Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Mừng ông Nghè mới đỗ
Anh mừng cho chú đỗ ông Nghè,
Chẳng đỗ thì trời cũng chẳng nghe.
Ân tứ (1) dám đâu coi rẻ rúng,
Vinh quy ắt hẳn rước tùng xòe.
Rượu ngon ả nọ khôn đường tránh, (2)
Hoãn (3) đẹp nàng này khó nhẽ che.
Hiển quí đến nay đà mới rõ,
Rõ từ những lúc tổng chưa đe. (4)
 

Chú giải:
1. Ân tứ: ơn vua ban.
2. Câu này rút ý câu ca dao:
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè.
Ông nghè sai lính ra ve,
– Trăm lạy ông Nghè, tôi đã có con.
– Có con thì mặc có con.
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.

3. Hoãn: một loại hoa tai vàng.
4. Câu này rút ý câu tục ngữ:
Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng.

Chợ Đồng

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền (1) được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.
Pháo trúc (2) nhà ai một tiếng đùng.

Chú giải:
1. Chợ Đồng họp ngay ở bên cạnh một ngôi đền. Xung quanh đền lại đắp tường đất dày bao bọc, gọi là tường đền.
2. Pháo trúc: trúc đốt trong lửa, có tiếng nổ to.

Chơi chợ trời Hương Tích
Ai đi Hương Tích chợ trời đi!
Chợ họp quanh năm cả bốn thì.
Đổi chác người tiên cùng khách bụt,
Bán buôn gió chị lại trăng dì.
Yến anh chào khách nhà mây tỏa,
Hoa quả bày hàng điếm cỏ che.
Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ.
Bán mua mặc ý muốn chi chi.

Tặng đốc Hà Nam
Ai rằng ông dại với ông điên,
Ông dại sao ông biết lấy tiền?
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp,
Khoét thằng mặt trắng (1) lấy tam nguyên (2)
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ,
Phép nước xin chừa móng lợn đen (3)
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt,
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.
 

Chú giải:
1. Thằng mặt trắng: do câu “Bạch diện thư sinh” chỉ người học trò.
2. Tam nguyên: ba đồng bạc; còn đồng âm với chữ “Tam nguyên” là đỗ đầu luôn ba khoa: thi hương, thi hội và thi đình.
3. Móng lợn đen: ám chỉ việc ông đốc học này đã có lần bị Tây đá đít.

Hỏi thăm quan tuần mất cướp
Tôi nghe khẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc có đau không?
Bây giờ mới khẽ sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa.
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!

Thầy đồ ve gái góa
Người bảo rằng thầy yêu cháu đây,
Thầy yêu mẹ cháu có ai hay!
Bắc cầu, câu cũ (1) không hờ hững,
Cầm kính, tình xưa (2) vẫn đắng cay.
Ở góa thế gian nào mấy mụ?
Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy?
Yêu thầy cũng muốn cho thầy dạy,
Dạy cháu nên rồi mẹ cháu ngây.
(Tác giả tự dịch bài “Thiền sư”)

Chú giải:
1. Do câu ca dao:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều…”
2. Do câu ca dao:
“Trách người quân tử vô tình,
Có gương mà để bên mình không soi”

Ý nói: người đàn bà goá chê thầy đồ nhát gan, không dám mạnh bạo hơn trong việc ve gái.

Mừng đốc học Hà Nam
Ông làm đốc học bấy lâu nay,
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay.
Tóc bạc răng long chừng đã cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
Học trò kẻ chợ trầu dăm miếng,
Khảo khóa ngày xưa quyển một chầy. (1)
Bổng lộc như ông không mấy nhỉ?
Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây.

Chú giải:
1. Một chầy: tức một tiền. Ngày xưa, mỗi thí sinh khi vào nộp quyển khảo thi, phải nộp kèm theo một tiền (60 đồng kẽm).

* Trong Văn học VN, Nguyễn Khuyến ( 1835-1909) là một hiện tượng đặc biệt. Cụ là nhà thơ trữ tình xuất sắc, vừa là nhà thơ trào phúng, vừa là một đại khoa quan triều vừa là một thôn dân thực thụ. Qua ba bài thơ “Thu” nổi tiếng. Cả ba khoa thi Hương, thi Hội , thi Đình cụ đều đỗ thủ khoa. Là một nhà thơ có lòng ái quốc và tự tôn dân tộc cao, cụ căm ghét chế độ thực dân và quan triều bạc nhược. Cụ coi nghiệp văn chương và lao dộng là nghiệp lớn, nghiệp nhà. Với 2 dòng văn hoá Nghệ –Tĩnh và Nam Định- Hà Nam hun đúc nên một Nguyễn Khuyến làm rạng rỡ làng Yên Đổ ( làng Và) .Ông là dòng thơ lớn chảy mãi trong văn học, trong lịch sử văn hoá Việt Nam./.

Scroll to TOP