Nhạc và Lời : Phạm Duy – Hợp Ca
Khởi Hành Từ Miền Bắc


Vào Miền Nam


Trường ca ”Con Ðường Cái Quan” là một nhạc phẩm có giá trị về phần ý cũng như về phần nhạc. Ai cũng muốn được như ”người lữ khách đi trên đường xuyên Việt, đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau” (. . .) đi để ”nối liền được lòng người và đất nước”. Ai cũng mong rằng con đường ấy không có ranh giới để đồng bào trong một nước có thể nắm tay nhau mà xây đắp một ngày mai tươi sáng. Người ở ”miền xuôi” hay ”miền núi”, ở giữa ”ruộng nghèo” hay ”ven bờ biển sâu”, người ở ”Ðồng Ðăng nhớ nàng Tô Thị” hay là ”về Cà Mau, chiến đấu với rừng tràm, với lũ muỗi đặc dầy như đám mây”, đều thấy ”băn khoăn thương ai đầu nguồn”, đầu nguồn có tổ tiên chúng ta, những người đã lập nên nước Việt, đã khai phá những vùng hoang vu.
Nhân vật chánh là một lữ khách, một người Việt trong dân chúng. Có nhắc đến một trăm người con của vua Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ là chỉ nhớ đến cội nguồn. Có nhắc đến công chúa Huyền Trân là nhắc đến sự hy sinh của một thân gái như ”cây quế giữa rừng” đem hương sắc mình đổi lấy Châu Ô, Châu Rí, mở mang thêm bờ cõi. Những nhân vật anh gặp trên đường cái quan là cô cắt cỏ, cô lái đò, một bà mẹ, và cô gái miền Nam – mà sau này trở nên người vợ lữ khách – cùng dân chúng miền Thượng Du, miền Trung và miền Nam, toàn là những người trong dân gian.
Theo mấy lời nói đầu của tác giả, thì người lữ khách ”đi trong lịch sử và lòng dân”. Về lịch sử, chúng tôi thấy rằng từ 100 người con của bà Âu Cơ, Huyền Trân công chúa, vua Lê, chúa Nguyễn, không có những ”trạm đường” khác, nơi mà lữ khách có thể dừng chân trên con đường ”nối liền đất nước” như con sông Gianh ngày xưa chẳng hạn. Nhưng trong một loạt bài hát nhỏ để làm một bài trường ca không thể nói hết những giai đoạn lịch sử đáng kể ý chánh của tác giả là ”một nhịp cầu”, ”nối lại lòng dân”.Tác giả đã khéo gợi lại những phong cảnh của ba miền. Từ Nam Quan, vùng biên ải quan san, có núi, có đèo, có nhịp cầu tả tơi, lữ khách đi đến Thăng Long, Hà Nội, đến Thủ đô rồi vô xứ Huế có tiếng chuông Thiên Mụ, có dòng nước lờ đờ của sông Hương đi dọc theo miền duyên hải, ”leo qua cồn cát” ”vượt đèo Hải Vân” để đi vô đến ”cánh sông Ðồng Nai” đến miền Nam tận mũi Cà Mau để ”đốt ngọn lửa vui”.
Miền Bắc có nhiều di tích lịch sử như Ải Chi Lăng, như Tháp Rùa. Miền Trung thơ mộng với ngọn trúc la đà, nhưng ”ruộng còn nghèo” chẳng được phì nhiêu như giải đất ”phù sa” miền Nam với bao nhiêu cây ngon trái ngọt, xóm dừa vườn chuối. Với ”bầu vú sữa tròn, và mảnh trái thơm giòn, hương sầu riêng ngọt ngon”. Qua mỗi vùng, người lữ khách lại nghe giọng nói địa phương.
Cô cắt cỏ miền Bắc gọi người đi đường bằng câu:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời.
Ðến miền Trung nghe dân vùng ấy gọi:
Ai đi trên đường là dặm đường
Ði mô mà vội vã, cùng hò khoan…
Trong khi cô gái miền Nam gọi:
Bớ anh đi đường vắng đường xa
Dừng chưn đứng lại nghe em ca đôi lời.
– Trần Văn Khê