Cô Lái Đò
( thơ Nguyễn Bính – Phạm Đình Phúc- Đình Vân trình bày)
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông …
Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông …
Thơ Nguyễn Bính – thi nhạc giao duyên – Tìm Về Nguồn Cội

– Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Ðịnh (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.
Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi.
Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội.
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Ðôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)…
Thơ Nguyễn Bính “chân quê”: giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo Sư Lê Ðình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu.
Theo Wikipedia.