(Huế qua thơ và ca dao)
Kinh thành Huế nằm trong tỉnh Thừa Thiên; trong địa phận tỉnh này có nhiều thắng cảnh rải rác từ phía Bắc cho đến phía Nam. Đáng kể nhất là:
1. Phá Tam Giang: nằm sát bờ biển phía Đông, thường có sóng lớn. Có câu ca dao về phá này:
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang
Truông nhà Hồ là một bãi cát dài ở phia Bắc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), ở đó có nhiều bọn cướp ẩn núp, vào thời đầu nhà Nguyễn.
2. Núi Túy Vân và chùa Túy Vân. Bài thơ của vua Thiệu Trị về núi Túy Vân có tên là Vân Sơn Thắng Tích (Cảnh đẹp núi Túy Vân).
3. Đầm Cầu Hai và phá Hà Trung 4. Núi Bạch Mã, có thác nước cao 400 thước .
5. Bãi Lăng Cô: ở dưới chân đèo Hải Vân, cây cối xanh tươi, bãi biển cát trắng, thuyền bè san sát trên biển; có hải sản ngon nổi tiếng là sò huyết.
6. Đèo Hải Vân: cao 400 thước, nằm giữa ranh giới Thừa Thiên-Quảng Nam; núi và biển liền nhau. Đỉnh đèo có lũy cũ. Đứng ở đỉnh đèo nhìn ra phía Đông là Đông Hải bao la, phía Nam có nhánh núi chạy dài ra biển và đảo Tiên Trà, phía Tây là núi non trùng điệp, phía Bắc là phá Hà Trung. Theo sử sách, Hải Vân là một địa điểm trọng yếu trong công cuộc bảo vệ đất Thuận-Quảng chống quân nhà Trịnh, trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh. Hải Vân được coi là ải hiểm trở không kém gì ải Tần bên Tàu. Nhà thơ Trần Bích San có bài thơ chữ Hán “Tam Thướng Hải Vân” được thi sĩ Vũ Hoàng Chương dịch ra như sau:
Ba năm vượt ải đã ba lần
Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân
Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé
Lên cao nhật nguyệt tưởng như gần
Gió sương như búa tài thêm chuốt
Hồ bể làm nghiên bút mới thần
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở
Cười ai kêu hiếm lối sang Tần(Ba lần lên Hải Vân – Vũ Hoàng Chương)
Đèo Hải Vân
Hải Vân được coi là ải hiểm trở không kém gì ải Tần bên Tàu. Nhà thơ Trần Bích Sơn có bài thơ chữ Hán “Tam Thướng Hải Vân” được thi sĩ Vũ Hoàng Chương dịch ra như sau:
Ba năm vượt ải đã ba lần
Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân
Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé
Lên cao nhật nguyệt tưởng như gần
Gió sương như búa tài thêm chuốt
Hồ bể làm nghiên bút mới thần
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở
Cười ai kêu hiếm lối sang Tần(Ba lần lên Hải Vân – Vũ Hoàng Chương)
“Cô Gái Huế” cũng là một đề tài gợi thi hứng của các nhà thơ và dân gian; ở đây có sự khác biệt rõ rệt giữa thơ và ca dao. Ca dao thường nói về các cô gái miền quê hoặc sinh sống trên sông lạch, thơ ca ngợi các cô gái thị thành.
Huế không có một nhà thơ Nguyễn Bính chuyên làm thơ về các cô gái bình dân, cô lái đò hay cô láng giềng.Tuy nhiên, cô gái quê, tuy không có dáng vẻ bề ngoài và lối sống của cô gái thị thành, nhưng cũng biết yêu, biết vui buồn về tình duyên, số phận. Các cô cũng yêu say đắm:
Đi mô cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Các chàng trai cũng không quản ngại chông gai trên đường tình:
Thương nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua
Cuộc sống đồng quê thường làm cho những cuộc tình mới chớm không được suông sẻ như đôi trai gái mong muốn:
Rồi mùa tót rã rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm?
Hoặc họ chỉ biết tin vào duyên số, có duyên nợ với nhau thì hợp, không duyên không nợ thì dành phải chia tay. Sau đây là cảnh chia ly của đôi trai gái sinh sống trên sông lạch:
Thuyền về Đại Lược duyên ngược Kim Long
Tới nơi đây là chỗ rẽ của đôi lòng
Gặp nhau còn biết trên sông lạch nào?
Nhưng, ngược xuôi quanh năm suốt tháng, cũng có lúc gặp được duyên lành, cùng nhau cặp bến:
Dãy dọc tòa ngang giàu sang có số
Kim Luông Nam Phổ nước đổ về Sình
Đôi đứa mình nặng nợ ba sinh
Cùng chèo một chiếc thuyền tình cho vui
Chỉ có câu ca dao dưới đây, nhằm biểu lộ niềm tự hào của người Huế về sắc đẹp của người con gái Huế, là không phân biệt gái quê hay tỉnh thành:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
Câu ca dao không miêu tả trực tiếp vẻ đẹp của các cô gái Huế mà chỉ nói về tác động đối với người “học trò xứ Quảng” khi họ nhìn thấy các cô. Người nghe muốn biết các cô gái Huế đẹp như thế nào thì phải tự mình hình dung lấy.
Ngày xưa, các cụ có qui định về vẻ đẹp của người con gái qua bài “Mười Thương”. Các cô con gái sẽ được coi là đẹp hay “dễ thương” nếu hội được ít nhiều những điều đã qui định:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thưong má núng đồng tiền …
***
Chín thương em ngủ một mình
Mười thưong mắt liếc đưa tình với ai
Các nhà thơ của chúng ta thì khác; họ không tả hình dáng, làn da, mái tóc…v.v. hoặc dựa vào những tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận để nói về vẻ đẹp của người họ yêu; họ dùng lối gợi ý hay nhờ đến những từ hoa mỹ như lộng lẫy, mỹ miều, duyên dáng, dịu dàng… để ca ngợi thần tượng của họ. Hãy nghe vua Thành Thái ca ngợi cô gái Kim Luông:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Có những nhà thơ lại ưa dùng lối diễn tả của cụ Nguyễn Du khi nói về vẻ đẹp của nàng Kiều:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Nói cách khác, tức là xử dụng mỹ từ pháp, những điển cố, qui ước… để miêu tả thay vì tả chân. Một ví dụ về lối ca ngợi ngưòi đẹp như nói ở trên, được thấy trong bài thơ “Khóc Thị Bằng” của vua Tự Đức:
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
Đến đây xin mở một dấu ngoặc.
Có nhiều nhà bình luận cho rằng bài thơ Khóc Thị Bằng không phải là thơ của vua Tự Đức mà là thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều; Thị Bằng không phải là ái phi của vua Tự Đức mà lại là ái thiếp của cụ Ôn Như Hầu, có tên là Băng Cơ. Nhưng, đối với những người yêu thơ, điều quan trọng không phải ở chỗ bài thơ ấy do vị nào sáng tác mà ở chỗ bài thơ ấy đã để lại cho hậu thế hai câu tuyệt tác:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Có những nhà thơ làm thơ không phải vì sắc đẹp của người mình thầm yêu trộm nhớ mà vì một lý do riêng, người ngoài cuộc khó hiểu. Chẳng hạn như nhà thơ Lưu Trọng Lư yêu nàng Phùng Thị Cúc vi:
Em là gái trong song cửa
Anh là mây bồn phương trời
Hoặc như nhà thơ Hàn Mặc Tử khi nghe ông Trần Thanh Địch nói cho biết có cô cháu gái được thân phụ là cụ Trần Thanh Đạt, thượng thư bộ Học đương thời, đặt tên là Thương Thương, thế là nhà thơ chúng ta thấy thương đành thương đoạn và, tuy chưa từng gặp lần nào, đã làm thơ tặng nàng:
Em là Trần Thương Thương
Anh là Hàn Mặc Tử
(……)
Bàn tay mềm mại nên thơ quá
Tà áo lung linh dày tợ sương
Tóm lại, phải chăng là lối biểu dương cô gái Huế một cách gián tiếp hay bằng lời lẽ trau chuốt, thay vì tả chân, thích hợp hơn với phong cách của các cô gái Huế vốn dịu dàng, thùy mị, e ấp và kín đáo?
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã dùng lối miêu tả trực diện để ca ngợi cô gái thôn Vỹ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền Có điều là một khuôn “mặt chữ điền” vuông vắn giữa cảnh nên thơ của mảnh vườn “xanh như ngọc” e khó được mọi người cho là khuôn mặt đẹp. Hay phải chăng nhà thơ muốn nói là với lá trúc che ngang và cái mũi sổ dọc, khuôn mặt đó có dạng chữ điền?
Nhà thơ Huy Cận là một nhà thơ khác chọn lối tả thực để ca ngợi người yêu:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em thương đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non
Em nói anh nghe tiếng lẫn lời
Hồn em anh thở ở trong hơi
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài
Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay
(Áo Trắng – Huy Cận) Thơ hay quá. Người đọc có thể tự hỏi người đẹp trong thơ có thật hay không , tuy có thật, nhưng được lý tưởng hóa, hoặc chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng? Dù sao đi nữa, ai có quyền cấm một nhà thơ tưởng tượng hay mơ mộng? Mặt khác, nhờ các nhà thơ chúng ta mói có thơ hay mà ngâm nga những khi buồn nhớ cố nhân.
Ngoài ra, các nhà thơ còn dùng chiếc nón lá và tà áo dài để làm tăng vẻ đẹp của các cô gái Huế. Ngày xưa các cụ cho là chiếc nón Thượng làm cho cô gái trông dễ thương:
Sáu thương nón Thượng quai tua dịu dàng
Về sau, nón Thượng được thay bằng chiếc nón lá. Và nón lá làm nổi bật nét duyên dáng của các cô, còn hơn nón Thượng. Nhà thơ Quỳnh Dao nhìn cảnh các nữ sinh, đầu đội nón lá, tươi cười bước xuống đò sang sông đã có hai câu thơ ca ngợi:
Một hàng tôn nữ cười trong nón
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.
Nhà thơ gọi các cô là “tôn nữ” vì thấy dáng vẻ thanh lịch của các cô nên nghĩ là họ phải là con cái nhà quí tộc.
Thi sĩ Đông Hồ nhìn dáng cô “Tôn nữ” đang đi qua cầu Trường Tiền cũng có thơ về chiếc nón và tà áo của cô:
Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ
(……….)
Mơ mộng giai nhân buông mắt nhìn
Lâu đài cung điện bóng in xa
Các nghệ nhân làm nón ở Huế ắt cũng ý thức được nón lá là một món trang sức nên đã chế ra chiếc nón bài thơ mà nhà thơ gọi là “nón thơ”.
Chiếc áo dài truyền thống của chúng ta, khác với chiếc kimono của Nhật Bản và hanbok của Đại Hàn, ở chỗ không những được mặc vào dịp lễ lạc trọng đại mà còn được dùng trong nhiều trường hợp khác như để tiếp khách, tới sở làm, khi đi ra đường…trừ khi làm việc nhà hay công việc đồng áng; trong trường hợp này các bà các cô mặc chiếc áo ngắn (áo lá hay áo cụt); chỉ có phụ nữ lao động ở Huế vẫn mặc áo dài vải thô, sậm màu, khi gánh gồng, bán hàng ở chợ, rao hàng rong ở các xóm hay chèo đò trên sông lạch. Từ tính cách một y phục thông dụng, chiếc áo dài, nếu may khéo, khi được khoác lên người các thiếu nữ, các cô học sinh, nó trở thành một thứ trang sức làm tăng vẻ đẹp của thân hình các cô, Đó là nét gợi cảm hứng nơi các nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ…
Bài thơ áo dài được cho là hay nhất là bài Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng
(………..)
Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Nhạc về áo dài có nhiều hơn thơ. Trong số các bản nhạc hay nhất phải kể:
Bài “Tà Áo Xanh” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, bài “Ngàn Thu Áo Tím” của Hoàng Trọng và bài “Một Đời Áo Mẹ Áo Em” của Trầm Tử Thiêng. Về hội họa, đáng kể nhất là bức họa “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ một cô gái mặc áo trắng ngồi bên một lọ hoa huệ màu trắng.
.. tiếp phần 4 –>>> Huế qua thơ và ca dao – phần 4 và hết