Quê Tôi Ngày Ấy… Bây Giờ…

Cầm tấm vé máy bay khứ hồi trong tay mà tôi thấy cả một niềm xúc cảm dâng trào, thế là tôi lại được trở về quê hương yêu dấu, được hoàn thành tâm nguyện : “Vẫn luôn mơ ước về nơi cội nguồn…”

(Ngày Về – Hoàng Giác)

Khi đã yên vị trên máy bay, tôi tần mần dở tấm vé khứ hồi ra xem, những hàng chữ ghi số chuyến bay, ghi ngày giờ, nơi đến, nơi đi… vẫn là những chữ số như trên mọi thứ giấy tờ đi đường, nhưng sao tôi cứ thấy như những con số đang nhảy múa, đang chờ đợi mời mọc, đang mở ra trước mắt tôi một khoảng trời rộng bao la vô tận của những tháng ngày xưa cũ nơi quê nhà, của thời thơ ấu , của những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát, của những con đường rợp lá me bay, những dòng sông êm đềm trải dài ngút mắt hay những rặng dừa lã lơi theo gió trong bóng chiều tà….

Tất cả ký ức xa xưa chợt quay về trong tôi … cứ như càng lúc càng rõ dần…. rõ dần… …

Ngày ấy…. cái ngày xa xưa ấy, mỗi sáng tinh sương cắp sách đến trường, tôi thường đi bộ trên con đường lộ nhỏ mà hai bên là những căn nhà, hoặc ngói hoặc lá được che chắn bằng những hàng rào bông bụp, những dãy hàng rào cao chỉ độ nửa thước tây, luôn được cắt xén ngay ngắn gọn gàng, và giữa những dậu rào xanh rì đó luôn được tô điểm bằng những cánh hoa vàng có, trắng có, đỏ có, chen chúc nhau đua nở cứ như chào mời mấy đứa học trò đi ngang qua đấy, và dĩ nhiên là có tôi… cứ len lén nhìn vô trong nhà không thấy ai là đưa tay ngắt vội một cành dấu vào dưới vạt áo hay bỏ vô cặp …. rồi đi cho nhanh. Thế là trên bàn học của tôi hôm ấy được trang điểm bằng một cánh hoa tươi … trông cũng mát mắt lắm cơ, tụi bạn vẫn thường bảo: tại nó tên Hoa nên nó yêu hoa là lẽ thường tình rồi !!!

Đó là lúc đi học, còn bận về thì mấy đứa có nhà ở khu vực Bà Chiểu, Đồng Ông Cộ (khu vực nầy lúc đó hãy còn nhiều đồng ruộng, ao hồ và thưa thớt dân cư lắm), tụi nó rũ về nhà nó hái khế, ổi, chanh … hay bình bát ( một loại trái cây có múi, và vỏ có gai lấm tấm nhỏ giống như vỏ mãn cầu xiêm nhưng khi chín thì màu vàng), cây bình bát thường mọc hoang ở ven rạch hay ao hồ, rất say trái, nhưng không bán được vì ít có người biết ăn do cái mùi của nó hăng hăng cay cay, không ngọt mà cũng chẳng thơm tí nào cả.

Mấy đứa bạn vốn biết là tôi yêu hoa nên đốc xúi : “ có cây bưởi đang ra hoa, leo lên hái đi, hoa bưởi mà vắt lên tóc là hết ý đó “, tôi đâu đành lòng từ chối vì cái mùi hoa bưởi hấp dẩn lắm kia mà … và thế là tôi :

Trèo lên lên trèo lên, trèo lên lên trèo lên, lên cây bưởi .. hái hoa.,
Bước ra ra vườn cà, bước ra ra vườn cà.. ta hái nụ …ứ ứ.. tầm ư ứ… xuân …             

     ( Nhạc phẩm Nụ Tầm Xuân của Phạm Duy )

Nói thế chứ tôi làm sao dám leo lên cây bưởi đầy gai nhọn thế kia, chỉ tìm cành nào thâm thấp thì níu nó xuống rồi nhặt hoa thôi.

Sau khi hái được những cánh hoa bưởi trắng như bông, tôi bỏ ngay vô túi áo và chạy theo tụi bạn đi bắt còng, những con còng nho nhỏ nâu nâu đang lấp ló dưới mé mương cứ thấy bóng người là chui tọt vô hang, nhưng tụi nầy đâu có chịu thua, tìm cành cây, moi cái hang ra là nắm được hắn ngay, vì đất sình rất dể moi, nhưng đứa nào tơ lơ mơ là bị nó kẹp cho một phát đau điếng. -Thấy mấy chú còng xinh xinh thì bắt chơi chứ chỉ dăm bảy con thì làm sao nấu đủ nồi riêu cua.

Tan học, mãi mê theo lũ bạn đi rong mà quên cả giờ về, do vậy có khi về đến nhà thì bị Mẹ giảng morale cho một lúc hoặc “cúi xuống, nằm ấp mặt trên bộ ván” và được thưởng vài ba cây chổi lông gà là chuyện thường tình.

Chiều lại, cơm nước xong, nghe mấy đứa lối xóm đang cười đùa chạy giỡn ngoài sân, làm sao ngồi yên trong nhà được, tôi cũng nhào ra chơi nhảy dây, đánh đũa hay nhảy lò cò, chạy trốn bắt với tụi nó … nhưng tôi lại thích cái trò chơi thả diều hơn, vì tôi cũng làm được những con diều với khung sườn bằng nan tre và dán bằng giấy báo, con diều có cái đuôi dài hơn cả thước tây. Khi thả diều thì cột con diều vào đầu cuộn dây nhợ dài vài trăm thước, cuộn dây nhợ nầy đã được vấn tròn chung quanh chiếc lon sữa bò, xong một tay nắm cái ức con diều, một tay cầm cái lon sữa bò vừa chạy vừa đưa cho con diều tung cao lên và bọc theo gió rồi buông tay ra, còn tay nắm sợi dây kia thì cứ vừa giật dây vừa thả dây theo tầm bay của con diều cho nó lên cao và cao mãi cho đến khi nào hết cuộn dây thì ngưng, rồi tìm chỗ nào có gốc cây hay cục đá to nào đó, cài cái lon sữa bò vào đấy mà thản nhiên ngồi ngắm nó bay lượn giữa nền trời trong vắt, thú vị vô cùng…..

Cứ mỗi cuối tuần chúng tôi đều có cuộc thi thả diều như thế để tranh tài cao thấp trong cái xóm nghèo nhưng bình dị mộc mạc khó quên của thời thơ ấu.                                                   

***

 Khi hoa phượng bắt đầu nở rộ trên sân trường thì mùa bãi trường cũng vừa đến, tôi được Bố Mẹ cho đi theo nhỏ bạn về quê của nó ở Hốc Môn nghỉ hè một tuần lễ.

Và mùa hè của tôi bên những cành phượng vĩ cứ thơ mộng y như nhạc sĩ Hùng Lân đã viết :

Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang, nhạc hòa thơ đón hè sang

Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ, hè về trong tiếng sáo diều dật dờ, hè về gieo ánh tơ …

………

Hè về ! Hè về …nắng tung nguồn sống khắp nơi …
Hè về !Hè về…tiếng ca nhịp phách lên khơi,
đầu gành suối mát, reo vui dào dạt, ngộp trời gió mát, ven mây phiêu bạt …
…………Hè về non nước yêu yêu, hè về nắng thông reo … hè về nắng thông reo

Ôi chao, những ngày hè nơi thôn quê sao mà đẹp đến vậy … sáng nào hai đứa tôi cũng ra đứng giữa cánh đồng để được ngắm bình minh ló dạng sau lũy tre xanh, được thả hồn theo tiếng chim reo trong bình minh :

Reo vang reo ca hoan ca, cất tiếng hát vang đồng xanh, vang lừng,
La bao la, tươi xanh tươi… ánh sáng tưng bừng hoa lá
Cây rung cây, hoa chen hoa, hát vang chào mừng bình minh…….sáng muôn năm

        ( Nhạc phẩm Reo Vang Bình Minh của  Lưu Hữu Phước)

Khi nắng lên khỏi đầu rồi thì chúng tôi lang thang ra ruộng để ngắm những bông lúa vừa trổ đòng đòng, những hạt lúa mới lớn no tròn và xanh mơn mởn đơm đầy trên cành, đong đưa theo gió, lúc thì ngã rạp qua bên nầy, lúc qua bên khác, dợn sóng nhấp nhô theo từng dãy dài cứ y như sóng biển vậy.

Hai đứa tôi say sưa đắm mình giữa ruộng lúa ngạt ngào thơm đó mãi cho đến lúc mặt trời đứng bóng mới lững thững quay về, nhưng khi thấy mấy cô thôn nữ vai gánh gánh đang rảo chân về phía bến đò thì tụi nầy cũng vui chân bước theo. Nhìn vào những quang gánh trống không với vỏn vẹn vài cái bánh tráng nướng, đôi cái bánh ít bánh tét trên đấy thì biết là các cô đang trên đường về nhà sau phiên chợ sáng.

Khi đến bến sông, nhìn quanh chưa thấy đò, các cô đặt quang gánh xuống, gỡ vội chiếc nón lá trên đầu ra, để lên bãi cỏ rồi ngồi lên trên vành nón một cách hết sức vô tư, tự nhiên trò chuyện cùng nhau trong lúc chờ đò …

Êm êm sóng vỗ bãi sông đầy
Vài chiếc lá  rơi theo gió bay
Con đò vội vã sang cập bến
Mái chèo khua nước, vờn bóng mây….

Thơ NgThuHoa

Thấy các cô đang vui chuyện nên tụi nầy lặng lẽ rút êm chứ không mấy cô lại tưởng mình nghe lén thì kỳ lắm.

Trên suốt quãng đường làng, những hàng phượng vĩ đỏ ối thi nhau đua nở rợp cả một khung trời, thấy vài cánh phượng rơi bay bay theo gió tôi liền chạy vội theo chụp lấy để trên lòng bàn tay mà ngắm nghía cái màu thắm tươi của mùa hè, của bọn học trò dù ít dù nhiều cũng đã một lần được bạn đồng lớp ép vào tập vở hay những quyển lưu bút gửi cho nhau.

Khi về đến nhà thì đã xế ngọ, cả nhà đang chờ cơm, tụi nầy vội vã vào nhà chào, rồi xúm xít với gia đình ngồi trên bộ ván gõ ngoài hiên ăn cơm.

Lần đầu tiên được ăn cơm nơi thôn quê, sao mà nó ngon đến thế ; khi vừa bưng bát cơm lên, cái mùi của hạt gạo thơm nó cứ ngan ngát đầy tràn mặt mũi đến nỗi tôi muốn cầm đũa lùa cơm ngay vào miệng để ăn mà không cần đến bất cứ một thức ăn nào đi kèm theo. Đang mê mẩn với bát cơm thì bà Mẹ của nhỏ bạn gắp vào bát cho mấy con tôm bạc thẻ rim nước dừa và bảo phải ăn cùng với đọt cây vạn thọ thì mới đúng điệu, ban đầu tôi hơi lúng túng, vì chưa bao giờ ăn lá cây hoa vạn thọ, nhưng khi ăn vào rồi mới thấy thiệt là đặc biệt với cái vị vừa nồng nồng vừa thơm nhẹ của lá vạn thọ cộng với cái vị beo béo của nước dừa, ngọt dòn của con tôm bạc, ngon vô cùng ….mà dân thành thị có lẽ chưa mấy ai được biết.

Ăn đến bát thứ hai thì nhỏ bạn giới thiệu đĩa hoa mướp xào mở, nhìn những chùm hoa be bé xinh xinh trong đĩa mà thấy ngạc nhiên vô cùng, đấy là những mầm non của trái mướp đó ư, sao người ta lại nhẩn tâm không cho nó kết trái nhỉ, thấy tôi còn tần ngần chưa dám gắp ăn thì Mẹ nhỏ bạn giải thích, đấy là những búp hoa đã cỗi không kết trái được nên mới hái làm thức ăn đó cháu à. Cơm nước xong, tụi này lại rũ nhau lang thang ra vườn trầu xem người ta hái trầu để sáng mang ra chợ bán. Đi dọc theo những cái mương chỉ rộng độ nửa thước tây, nhưng dài thì tận đâu đâu ấy, nó cứ loanh quanh từ khu vườn nhà nầy sang nhà khác để dẫn nước ngoài sông vào tưới trầu. Nhìn những dây trầu xanh mượt leo chung quanh thân cây cao hết sức thân thương âu yếm mà thấy cả hai cùng toát lên sự đầm ấm hạnh phúc khôn cùng của đôi vợ chồng trong chuyện cổ tích Trầu Cau :

….. Tang tính tình tang, tang tính tình bên sông sâu. Người Tân Sinh gần phiến đá thành cây cao trồi lên. Trông ngóng chờ tin không biết chồng sao lâu chẳng về nên bâng khuâng. Trong yêu đương nàng ra đi mong kiếm chồng yêu mến…

….. Đây cây rừng thông reo vi vu biết làm sao, đây hương hồn em xin theo anh đến trời cao……….. Tang tính tình tang, tang tính tình bên sông sâu, niềm tương tư nàng chốc biến thành ra dây trầu xanh. Lưu luyến tình xưa âu yếm trầu leo quanh khắp mình cau thân yêu. Qua bao năm tình thiêng liêng kia thắm cùng mưa nắng …..…

     ( Nhạc phẩm Trầu Cau của  Phan Huỳnh Điểu)

Đứng nhìn mấy bác gái tay trái ôm cái thúng to, tay mặt ngắt những lá trầu trên dây bỏ vào thúng, những lá trầu xanh hơi ngả sang mầu vàng được xếp thành từng xấp một hết sức thứ tự trong thúng, đầu ra đầu đuôi ra đuôi, to ra to, nhỏ ra nhỏ, cứ một xấp quay đầu ra thì xen một xấp quay đầu ngược lại. Thấy tôi đứng tần ngần nhìn vào thúng trầu, bác giải thích, phải xếp như vậy khi bán mới dể lấy ra và không phải chọn lựa sẽ làm dập lá trầu, không ngon cháu à.

Đàng kia, mấy bác trai đang bắc cái thang tre leo lên hái cau, những nhánh cau to và nặng trĩu trái thế kia mà bác chỉ đưa tay nắm kéo ngay đầu nhánh là cả chùm cao rời thân cây ngay. Nhưng không thể quăng xuống vì cau sẽ rụng nên bác phải vừa cầm nhánh cau vừa leo xuống đất để sắp vào cái thúng đặt ngay bên dưới.

Khi các bác trai bác gái hái xong trầu và cau rồi mang vô nhà, thì trời cũng đã xế bóng. Hai đứa tôi kéo nhau ra về giữa mầu vàng ửng của hoàng hôn xen lẫn mầu khói lam tỏa ra từ những mái tranh trong xóm.  Trên đường làng mấy chú mục đồng đang ngồi trên lưng trâu đứa thì thổi sáo, đứa thì thơ thẩn hát :

(Em Bé Quê – Phạm Duy )

Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu, nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng gió vi vu, em đánh vần thật mau…

một hình ảnh nên thơ tuyệt đẹp nơi thôn quê.

Chiều nay tôi lại được nếm thêm một món đặc sản của miền sông rạch, đó là món cháo cá lóc. Những miếng nạc cá trắng bong to bằng hai đầu ngón tay cái,  nằm phơi mình trong bát cháo mà hạt gao hãy còn nửa nở nửa búp, không nát mà cũng không nhừ như món cháo huyết của mấy ông Ba Tàu. Mà đặc biệt hơn là những miếng cá hãy còn lớp da đen đen bên ngoài, (do đánh vẩy chứ không lạng vẩy như ở thành thị ), tạo nên một vị ngọt béo của da cá, mà ai có ăn rồi thì chắc chắn là không thể nào quên.

                                                 ***

Tối lại, đâu thể nào đi ngủ sớm được vì trăng đang mấp mé ngoài đầu ngõ kia rồi, hai đứa tôi rủ nhau ra ụ rơm để ngắm trăng. Đưa tay kéo một mớ rơm xuống lót trên nền cỏ rồi ngả người nằm ngửa cổ lên trời để ngắm chi Hằng.

Mảnh trăng non vừa hé như nở nụ cười chào đón hai đứa khi thấy tụi nầy cứ nhìn chăm chăm vào chị. Vài đợt gió nhẹ thoãng qua mang theo cả một khung trời ngào ngạt hương đến cho chúng tôi – với nào là lúa, nào là hoa, nào là cỏ non, nào là rơm rạ… thật thú vị đến vô cùng.

Qua ngày hôm sau, bà Ngoại của nhỏ bạn dẫn hai đứa đi ăn bì cuốn ở chợ Hốc môn, một món ăn nổi tiếng ở đấy. Vì chợ Hốc môn khá xa nhà nên bà bảo tụi nầy ra bến xe ngựa để đi.

Thú thực, tôi đã từng nhìn thấy chiếc xe thổ mộ trong sách vở, trong báo chí chứ đâu đã được leo lên ngồi, do đó thấy người ta làm sao thì mình làm theo vậy. Bước một chân lên cái bậc treo ở sau xe, ngồi vào sàn xe, rồi bỏ guốc ra treo vào cái móc bên hông xe, xong nhích vô trong ngồi trên chiếc chiếu lát trong sàn xe, ai lên trước thì phải xích vô phía trong để người đến sau vào tiếp, toàn là ngồi xếp bằng hay ngồi xổm không thôi.

Bửa nào xe ít người còn đở, chứ không thì cứ phải chen chúc nhau mà ngồi, có đứa phải ra phía trước xe leo lên ngồi kế bên ông lái xe nữa. Nhưng mà ngồi như vậy thì nhìn thấy đường sá trời đất còn thú vị là hơn mấy đứa ngồi lọt thỏm giửa xe, chỉ thấy mái tóc và cái vai áo của nhau thôi !

Khi xe bắt đầu chạy, tiếng lạc ngựa và tiếng móng ngựa gỏ đều đều trên mặt đường làm cho tôi nhớ đến câu :

Tuyết in sắc ngựa câu dòn
 Cỏ pha mùi áo, nhuộm non chân trời…
(Kiều du Xuân trong Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du)

Khi xe đến bến xe ngựa ở chợ Hốc Môn rồi thì leo xuống, lấy đôi guốc ra mang vào, đi vô một cái quán trong các hàng quán bán dọc theo dãy phố trước chợ. Tất cả đều bán bì cuốn, và chỉ một món nầy mà thôi. Chúng tôi ngồi xuống mấy cái ghế cây thấp nhỏ đặt quanh một chiếc bàn con trên có mấy chén nước mắm dầm tỏi ớt đã pha sẳn, mùi nước mắm lúc đó nghe sao mà hấp dẫn thế không biết.

Tôi quay sang nhìn bà bán hàng đang thoăn thoắt gói bì với bánh tráng mỏng, rau, giá, thịt ( loại thịt nạc lưng đã được ram vàng rồi xắt sợi mà ở đây người ta gọi là bì, chứ thật ra không có cọng bì nào hết).

Đấy là loại bì cuốn đặc biệt của quận Hốc Môn, bà của nhỏ bạn tôi nói như vậy. Sau vài phút ngồi chờ, chúng tôi được nếm những cuốn bì được gói gọn gàng trong miếng bánh tráng mỏng nhìn thấy cả cái màu trắng của giá, màu xanh của rau sống và mầu nâu sẫm của thịt ram vàng… vừa nhìn đã thấy ngon, mà khi ăn vào cái vị đậm đà của rau, dòn của giá và thơm ngọt của thịt ram vàng, quả thật là khó quên được cái hương vị riêng biệt của món bì cuốn Hốc Môn. ….

***

……..Đang tơ lơ mơ với giấc mộng dĩ vãng êm đềm của thời thơ ấu, thì đèn trong cabine máy bay bổng bật sáng, tiếng người phát thanh viên vang ra từ buồng lái : « Xin quí khách vui lòng cài lại dây an toàn, chúng ta sắp sửa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất ».

…. tiếp phần 2 –>>

Quê Tôi Ngày Ấy… Bây Giờ – phần 2 – Tìm Về Nguồn Cội (nguyentran.org)

Scroll to TOP