Huế qua thơ và ca dao
Những nơi các nhà thơ không nói đến như Ngọ Môn, Kỳ Đài (Cột Cờ) và Phu Văn Lâu thì dân gian đã miêu tả bằng những câu ca dao lời lẽ bình dị, mộc mạc:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Cột Cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng
Ngọ Môn, cửa chính vào Đại Nội, là một công trình kiến trúc quy mô:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh
Em sinh ra phận gái không hỏi chốn kinh thành mần chi
Ngọ Môn đối diện với Kỳ Đài trên Hoàng Thành và với Phu văn Lâu ở phía ngoài Hoàng Thành.
Phú Văn Lâu
Phu Văn Lâu thường được nhắc đến qua mấy câu ca dao hoài niệm vua Duy Tân, vị vua yêu nước nhưng chí lớn không thành: :
Trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non (2) Trong khu vực Thành Nội có nhiều kiến trúc đẹp như Thiên Văn Đài, Đàn Xã tắc, Tàng Thơ Viện, Quốc Tử Giám, Tàng Cổ Viện, Khu Trường Thi… nhưng đáng kể hơn hết, phải nói là Hồ Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm là nơi nhà vua đến thừa lương và ngắm hoa sen nở vào mùa hạ; vua Thiệu Trị có làm một bài thơ về Hồ Tịnh Tâm với tựa đề là Tịnh Hồ Hạ Hứng (Mủa hạ dạo chơi Hồ Tịnh Tâm). Cụ Thúc Giạ, nhân cuộc “du xuân phương thảo địa” nơi Hồ Tịnh Tâm vào dịp Tết năm Mẹo (Mão) đã khai xuân bằng bài thơ “Cảnh Hồ Tịnh Tâm” sau đây:
Tháng giêng năm Mẹo bữa mồng hai
Vô Tịnh Tâm chơi buổi tối trời
Mừng tuổi tiếng oanh reo trước gió
Tin xuân cái én lượn ngoài khơi
Mày xanh liễu lại giăng tơ mới
Môi thắm sen chưa trổ nụ cười
Vòi vọi thần tiên đâu chẳng thấy
Lòng theo mặt nước cũng vơi vơi
(Thúc Giạ 1939)
Huế còn có những địa điểm gợi niềm hoài cổ trong lòng người du khách. Như Ngự Viên ở Quận nhì thành phố:
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Nguyễn Bính)
Hai chữ “Ngự Viên” trước nói đến xóm Ngự Viên. một xóm bình dân; hai chữ ”Ngự Viên” sau là Vườn Ngự, vườn của nhà vua. Thời trước, thí sinh dự kỳ thi đình, nếu đỗ trạng nguyên thì được vua ân thưởng cho cỡi ngựa dạo xem hoa ở Vườn Ngự. Chung quanh thành phố Huế có những vùng ngoại ô điểm thêm vẻ đẹp cho cố đô, có những sông đào bao quanh như những nét chạm khắc trên tấm mộc bản. Các vùng ngoại ô đều có tên gọi rất nên thơ: Vỹ Dạ (cánh đồng lau sậy), Bến Ngự (bến của vua), An Cựu (chốn cũ yên vui), Kim Long (rồng vàng), Vạn Xuân (muôn mùa xuân), An Hòa (bình yên)….
Thôn Vỹ Dạ
Vỹ Dạ có những vườn cây xanh mát, những bờ tre rủ bóng rất nên thơ, trước nay được nhiều văn nhân thi sĩ ca ngợi trong số đó có nhà thơ Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ bất hủ Đây Thôn Vỹ mở đầu bằng mấy câu:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngoc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
(Đây thôn Vỹ)
Từ Vỹ Dạ qua khỏi thôn Tây Thượng thì đến thôn Nam Phổ là nơi nổi tiếng về cau ngon. Cau cùng với vôi và trầu là ba thứ dùng để ăn trầu. Muốn có một miếng trầu ngon thì kiếm mua 3 thứ ấy ở đâu? Thưa rằng:
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Quán, chợ Cầu, chợ Dinh là 3 chợ ở không xa Nam Phổ.
Bến Ngự có con đường dốc từng làm chồn chân khách bộ hành, nhất là các cụ già. Con sông đào chảy ngang qua vùng này gọi là sông Bến Ngự (xưa gọi là Ngự Hà) có nhiều cây cầu xinh xinh bắc ngang; ở trung tâm Bến Ngự, có cái bến.với những bậc đá đi xuống và cây già rủ bóng; người trong vùng có thể đến đấy hóng mát và ngắm nhìn thuyền bè qua lại. Phong cảnh nên thơ vùng Bến Ngự là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác bản nhạc nổi tiếng “Đêm Tàn Bến Ngự”. Đặc biệt, Bến Ngự được biết là nơi thực dân Pháp quản thúc nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Tại đay, cụ Phan đã sống những ngày tàn trong một căn nhà nhỏ và thường chia thì giờ giữa căn nhà với con thuyền đậu bến, dưới bóng một cây sung già; có lẽ từ nơi này đã phát xuất cái biệt hiệu “ông già Bến Ngự” mà người dân địa phương đã mến tặng cụ. Vào cuối đời, nhớ lại thời xưa bôn ba hải ngoại, kết nạp đồng chí hầu mưu đồ phục quốc, cụ đã làm môt bài thơ hồi ức với hai câu kết thật là cảm khái:
Những ươc anh em đầy bốn biển
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian
Những chiếc cầu trên sông Bến Ngự dẫn lối qua An Lăng, nơi có lăng của hai vị vua Thành Thái và Duy Tân, và giáo xứ Phú Cam, nơi có ngôi nhà thờ lớn nhất ở Huế.
Từ An Lăng, khách du quan tiện đường đi đến núi Ngự Bình (xưa gọi là Bình Lĩnh). Dân gian có câu:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Phía sau núi Ngự quả là hình dáng lệch lạc không đều nhưng phía trước trông rất cân đối. Sách Đại Nam Dư Địa Chí Ước Biên của Tổng Tài Cao Xuân Dục có viết:Núi Ngự Bình, tục gọi là núi Bằng, vuông chằn chặn như bức bình phong là bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành. Núi này là một trong hai mươi thắng cảnh của Kinh đô. (Trong) tâp thơ ngự chế của vua Thiệu Trị có (bài) tên: “Bình Lĩnh Đăng Cao” (Núi Bình lên cao).
Núi Ngự Bình
Núi Ngự Bình trồng toàn thông, gió thổi thông reo vi vu, nghe rất vui tai. Núi không cao lắm (103 thước), dễ leo, đỉnh núi bằng phẳng, cảnh rừng thông rất đẹp nên nhiều người đến viếng để ngắm cảnh và làm thơ. Thi hào Tuy Lý Vương thường cưỡi ngựa lên núi chơi; ông đã sáng tác hai câu thơ đượm màu triết lý thiên nhiên:
Sớm mai quất ngựa lên đầu núi
Nghe thông reo nằm nhớ ta buồn
Núi Ngự thường đi đôi với sông Hương để tạo nên vẻ “sơn thủy hữu tình” của xứ Huế và cặp thắng cảnh này đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta thường gọi Huế là “xứ sở của sông Hương núi Ngự”. Thơ ca về cặp sông Hương-núi Ngự có nhiều, ví dụ như:
Đi đâu cũng nhớ quê mình
Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo
(Huế giữa chúng ta – Lê Văn Hảo)
Từ Bến Ngự qua An Cựu đường đi rất gần. An Cựu cũng có con sông đào chảy ngang qua, nước sông có đặc tính là nắng thì đục mà mưa lại trong. Sông An cựu cũng như sông Bến Ngự đều bắt nguồn từ sông Hương và cùng chảy về Lợi Nông. An Cựu có những cánh đồng lúa lớn, sản xuất thứ gạo ngon nổi tiếng:
Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Từ An Cựu nhắm hướng làng Thanh Thủy đi một quãng khá xa thì gặp Cầu Ngói Thanh Toàn; cầu này thuộc loại “thượng gia hạ kiều“ (trên nhà dưới cầu), là một chiếc cầu vồng bằng gỗ, rộng khoảng 4 thước dài 17 thước, bên trên có mái che lợp ngói. Hai bên cầu có lan can làm tay vịn và có đủ chỗ ngồi cho người đi đường nghỉ chân. Người đi lại trên quãng đường này phần lớn là phụ nữ buôn bán; ban đêm những người đi mua hay bán hàng ở An Cựu trở về làng, họ phải đi trên con đường hoang vắng đó; họ không dám đi một mình nên phải rủ nhau họp thành đoàn để đi cho an toàn. Vì vậy, có câu:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui
Vùng Kim Long đã có một thời đưọc chúa Hiếu Chiêu Nguyễn Phúc Lan (thế kỷ XVII) chọn làm thủ phủ giang sơn các chúa Nguyễn; những lâu đài cung điện thời ấy giờ không còn nũa, nhưng hậu duệ các quan lại vá các gia đình khá giả thuở ấy còn tồn tại; lối sống, cách cư xử, ngôn ngữ cùa người dân kinh đô cũ vẫn dược duy trì, nên vùng này vẫn là nơi “cảnh lịch người thanh”. Trong dân gian có lưu truyền cấu ca dao:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Nhưng có người cho rằng hai câu này là do vua Thành Thái sáng tác. Nếu đúng vậy thì đó chỉ là một phương cách nhà vua nhằm đánh lạc hướng dò xét của thực dân Pháp. Vua Thành Thái vốn lập chí kháng Pháp nên đã giả điên giả khùng, làm bộ ham mê tửu sắc để che mắt bọn mật thám của thực dân.
Sông Hương
Đi đò ngược dòng sông Hương đến Kim Long, nhìn lên bờ, ngắm cảnh cây cối sum sê, tươi mát ở ven bờ, đây đó thấp thoáng những mái nhà ngói đỏ, quang cảnh trông thật là đẹp mắt. Nhà thơ Nam Trân đã đi tìm thi hứng ở vùng này:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo
Đăm đăm mỏi mắt vì chèo
Chèo cô còn quẩy sóng lòng còn xao “Kim Luông” là tiếng nói trại của “Kim Long”; người Huế nói trại để tránh “phạm húy”; các “mệ” hoàng phái nói trại để tỏ ra là mình khác người.
Chùa Thiên Mụ
Rời Kim Long, đi một quãng đường ngắn là đến chùa Thiên Mụ. Chùa xây trên đồi cao, kiến trúc tuyệt mỹ. Dưới chân đồi là khúc sông Hương trong lành xanh mát, bên kia sông là đồi Long Thọ, xa xa về phía tây là dãy núi Trường Sơn. Cảnh trí xinh đẹp tuyệt vời.
Thiên Mụ cũng là một trong hai mươi thắng cảnh của Kinh đô đuợc vua Thiệu Trị làm thơ ca ngợi; bài thơ có nhan đề là Thiên Mụ Chung Thanh (Tiếng chuông Thiên Mụ). Dân gian có hai câu ca dao về chùa này:
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương (3)
Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué, năm1916, có bài “La Merveilleuse Capitale” (Đế Đô Kỳ Diệu) của linh mục L. Cadière viết về cố đô Huế, trong đó có đoan tả cảnh chiều tà trên sông Hương trước chùa Thiên Mụ, lời văn cân đối, nhịp nhàng, viết theo lối “poésie en prose” (thơ tản văn) đọc nghe êm dịu, như đọc thơ (4).
Về phía ngược với Kim Long và cách chùa Thiên Mụ không xa là Văn Thánh và Võ Thánh:
Văn Thánh trồng thông,
Võ Thánh trồng bàng
Ngó xuống Xã Tắc hai hàng mù u
Văn Thánh là đền thờ Khổng Tử, Võ Thánh là đền thờ đức Trần Hưng Đạo, Xã Tắc là đàn tế thần Đất trong Thành Nội. Về phía Nam, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn rải ra dọc hai bờ sông Hương.
Lăng vua Khải Định
Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh-vât-hóa và mỗi lăng tẩm gợi lên trong lòng khách du ngoạn một cảm xúc đặc biệt. Lăng Gia Long gây ấn tượng hùng tráng và thanh thản.
Lăng vua Minh Mạng
Lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm và lăng Tự Đức u nhã, nên thơ. Điều khó hiểu là không thấy có thi ca gì cả về các kỳ quan ấy (có thể có thơ chữ Hán nhưng không thấy phổ biến); cũng may những người ghiền thơ đã được đền bù phần nào nhờ một bài viết của nhà văn Phạm Quỳnh. Văn Phạm Quỳnh thời Nam Phong tạp chí vào đầu thập kỷ 1930, cũng như một số tác giả thời đó, đều có tính cách “biền ngẫu”, đọc nghe như thơ. Sau đây là đoạn văn về lăng tẩm ở Huế:
Lăng đây là cả một tòa thành, cả một vùng núi, chớ không phải một khoảng năm ba sào,một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả màu trời sắc nước, núi cao rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải là một cái nấm con con của ta người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy, khiến cho có một cái hồn não nùng, u uất, như phảng phất trong cung điện âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt. Không biết lấy lời gì mà tả đưọc cái cảm lạ, êm đềm vô cùng, áo não vô cùng. Nó chìm đắm người khách du quan trong cái cảnh tịch mịch, u sầu ấy.
(Mười ngày ở Huế – Phạm Quỳnh)
…. tiếp phần 3 ->>>Huế qua thơ và ca dao – phần 3