Bộ Binh Thủ Đức – Đoạn Đường Chiến Binh – tiếp theo và hết.

 Tân khóa sinh được làm lể gắn Alpha tại Vũ Đình Trường, hãnh diện trở thành Sinh viên sĩ quan trường Bộ Binh Trừ Bị Thủ Đức.
Lúc này không phải bồng súng chạy nữa mà đi đứng thong thả hơn, oai phong lẩm liệt hơn và có quyền tới phiên đi bắt nạt đàn em….

Huynh trưởng mà em! Còn cơm nhà bàn thì nhiều anh chê, ra ăn cơm ngoài ở khu gia binh hay khu thiết giáp, tuy tốn tiền nhưng ngon hơn, lại có nhạc để nghe và có các em để nhìn lén cho đã thèm…

Bất cứ khoá huấn luyện quân sự nào cũng đều có các bạn miền Trung vào học, những vị này thường tụ tập thành một nhóm chơi chung với nhau, họ rủ rỉ tâm sự mà có khi tôi nghe lén được, muốn bật cười lên

                           Ra trường mầy đi lính chi
                           Nhất định là lính rằn ri, còn mầy ?
                           Tao thì Quân cảnh tối ngày
                           Tìm ba thằng lính như mầy, nhốt chơi.

Một hôm, đại đội tôi nhận lệnh đi gác tuyến D nguyên ngày. Sau buổi cơm trưa (do toán ẩm thực mang ra tuyến), tôi vừa leo lên chòi gác thì cơn buồn ngủ quái ác từ đâu ào ào ập tới. Mặc dù ráng banh mắt ra mà nhìn về phía trước, hoặc lắc đầu nguầy nguậy cho tỉnh táo rồi móc thuốc ra hút liền tù tì mấy điếu, cuối cùng gió vẫn đưa con buồn ngủ nó lên chòi…. Thế là , thay vì ôm súng gác như trách nhiệm của một người lính ngoài giới tuyến thì tôi rủ xuống như tàu lá làm luôn một giấc chẳng còn biết trời trăng mây nước là cái chi chi… Lúc tỉnh dậy mới hay mình … mất súng!

Mất gì chứ mất súng là chuyện tày đình, có đường ra tòa án quân sự như chơi. Thì ra ông cán bộ Trung đội trưởng đi kiểm soát bắt gặp tôi đang say giấc nồng bèn đi một đường tịch thu vũ khí. Chiều về tôi bị cán bộ dủa te tua và sau đó khăn gói vào phòng kỷ luật 301 hai ngày nằm chơi xơi nước. SVSQ trong suốt khóa học không ai mà không nghe danh F301. Căn phòng vuông vức khoảng 9, 10 thước, u ám và khai nồng :

                           Nằm ba lẻ một cũng vui
                           Cái hồn mình chợt tối thui như rừng

Sau lễ gắn Alpha, cuối tuần SVSQ được cho về phép lần thứ nhất. Diện bộ đồ tiểu lể kaki màu vàng nhạt, vai đeo dây biểu chương, dây nịt sáng chói, đầu đội caskette, giầy botte de saut bóng lưởng, tay cầm tờ giấy phép hiên ngang bước ra khỏi cổng số 1 về Saigon đi phép.

Những ngày cuối tuần sau đó, trừ đại đội nào tới phiên trực ở lại, ba đại đội còn lại phải ra Vũ đình trường thi diển hành, đội nào bết nhất sẽ bị cúp phép. Một tuần học mệt xì khói, chỉ còn lợi dụng hai ngày nghỉ phép về Saigon du hí mà bị cúp thì còn gì là đời trai. Có lần, đại đội tôi thi diển hành bị đánh rớt liên tiếp hai tuần liền, bị cúp phép, bị cán bộ “xì nẹt”, nhiều thằng nổi sùng giận cá chém thớt, đi tìm đàn em lôi ra phạt cho hả giận.
Riêng tôi buồn tình thả ra khu Tiếp tân, gần phía cổng chính , coi thiên hạ đi thăm nuôi cho đở buồn. Ngồi nhìn bức tượng trắng toát của anh SVSQ đứng bắn cung chán rồi ra ngồi dựa gốc cây bả đậu hút thuốc nhìn trời đất, nhìn người, nhìn tôi :

               Buồn tình ra khu tiếp tân
                 Dựa gốc bả đậu ngó gần ngó xa
                 Ngó thì ngó vậy ” thật ra,
               “Chẳng ngó gì hết”, nên tha hồ buồn…

Ngó cái” chẳng ngó” no con mắt rồi lửng thửng đảo xuống khu gia binh chơi. Đang buồn thả hồn lãng đãng theo một bóng hồng trong mơ, gặp huynh trưởng cũng chẳng nhìn ra để mà chào. Vậy là có cái họng hung dử gào lên “Hai mươi cái bơm, hai mươi cái hít đất, hai mươi cái nhảy xổm, thi hành!”. Đáp tuân lệnh, xong là vừa thi hành vừa đếm thật to tổng cộng một hơi sáu chục cái không thiếu:

                 Buồn tình xuống khu gia binh
                 Thả hồn ôm ấp bóng hình nơi nao
                 Gặp huynh trưởng quên không chào
                 Thôi thì nó phạt, nó gào lia chia.

Học binh pháp thì có hằng ngàn mưu thần chước qũy để mà học. Bể học mênh mông, học cả đời cũng không hết. Như chiến thuật hành quân phối hợp bộ binh và thiết giáp, xe thiết giáp chạy trước, bánh xích ầm ầm vừa chạy vừa rải đại liên càn quét địch quân, bộ binh chạy lúp xúp theo phía sau tiến chiếm mục tiêu :

                 Thiết giáp nó chạy trước mình
                 Địa thế gập ghềnh, mình chạy phía sau
                 Chạy xì khói, chạy phờ râu
                 Ba chân bốn cẳng chạy mau như gà.

Đi hành quân tùy tình hình, địa thế mà ngụy trang để địch khó bề phát hiện. Lá cây rừng là phương tiện thiên nhiên, hữu hiệu:

                 Quơ tay bẻ cụm lá rừng
                 Mình cắm mình giắt trên lưng, trên đầu
                 Soi mình xuống vũng nước sâu
                 Một thằng lạ hoắc nghoẻo đầu nhìn lên.

Mệt mà vui, nhất là đi địa hình. Từ điểm đứng trên bản đồ hành quân, ta vạch một đường thẳng hướng theo kim địa bàn xuyên qua địa hình địa vật để đến mục tiêu. Mục tiêu là những cọc gổ được đánh dấu đã bài trí sẳn theo tuyến hàng ngang cách điểm xuất phát non chục cây số đường rừng. Mới tảng sáng, cả đại đội có mặt đầy đủ, được huấn luyện viên giảng dạy lý thuyết cách đọc bản đồ, chấm tọa độ, xử dụng địa bàn, đo phương giác… Sau đó, mỗi tiểu đội dùng địa bàn xác định điểm đứng của mình rồi nhắm hướng mà đi.

Đơn giản như vậy mà lúc đi cứ bị lạc hoài, trên lý thuyết thì dể, nhưng khi thực hành mới gian nan. Có điều, không còn gì sung sướng hơn khi được thả tự do đi băng đồng vượt suối , xuyên qua vườn tược, nhà dân, bờ tre, cây lúa , ụ rơm, hít thở bầu không khí trong lành của đồng nội…

Đi lạng quạng mà tình cờ lạc vào vườn thơm, hầu hết các SVSQ đi địa hình đều biết tiếng vườn thơm, vì nghe đồn nơi đây có một cô gái tên Lan đẹp như chim sa cá lặn. Biết là chẳng bao giờ có chuyện bèo mây gặp gở, nhưng nghe qua tiếng đồn, lòng ai mà chẳng nao nao…

Cuối cùng cũng đi đến đích, tuy nhiên thay vì muc tiêu là cọc C, thì tụi tui đi lạc xuống tận cọc M, báo hại 12 thằng dở hơi phải hộc tốc chạy ngược lên cọc của mình đánh dấu để về báo cáo. Có một điều là chẵng riêng gì tiểu đoàn cà chớn chúng tôi mà mấy tiểu đội gà mờ bạn cũng đi sai địa hình không kém :

                 Kim địa bàn chỉ hướng đông
                 Cái chân lội suối, bương đồng mà đi
                 Địa hình, địa vật chi li
                 Cái chân mắc dịch dẩn đi lạc hoài.                         

Sau phần đi địa hình là môn đi Dây tử thần, dây tử thần là một sợi cáp được nối từ đỉnh đồi ngang qua hồ nước xuống tới bờ hồ,sợi cáp luồn xiên qua tâm ròng rọc có hai móc câu bằng sắt để nắm, tuần tự từng người khi đu xuống tới mức an toàn thấy tên thủ hiệu phất cờ thì buông tay cho thân mình rớt xuống hố nước sâu lút ngực, lóp ngóp lội lên bờ là xong :

  Ròng rọc lao xuống ào ào
             Tiếng dây cáp rít, gió gào hai bên
Thằng thủ hiệu phất cờ lên
                     Mình buông tay xuống rớt bên bờ hồ                    

  Rồi qua đến Dây kinh dị, dây kinh dị có ba sợi cáp thiết trí theo hình chử V giăng qua một cái vực, đi dây kinh dị đừng bao giờ nhìn xuống đất, vì độ cao cộng với sự nhún nhảy ngả nghiêng của sợi dây dể làm ta lạng quạng, mất thăng bằng trật tay té xuống không chết cũng tàn phế :

    Dây kinh dị ác ôn hơn
                                       Sợ xám mặt, ớn thấu xương sống mình
                                            Sợi dây nhún nhảy bấp bênh
                                        Dưới sâu thần tử ngó lên cười cười.

                       Tuột núi là môn chói tim cuối cùng, đó là một tấm vách dựng sừng sửng giửa trời cao khoảng 15, 20 m, bề ngang chừng 1,50m, đứng trên đỉnh tứ bề gió lộng , nghệ thuật đặt trọng tâm vào hai sợ dây và cái móc an toàn, một sợi được buột từ đỉnh

thả dài xuống mặt đất, sợi kia dùng để quấn quanh thắt lưng và háng rồi luồn vô cái móc . Khi tuột phải tuột đằng lưng, mặt dây vô vách, muốn nhanh hay chậm đều tùy vào bàn tay bóp hay nhả sợi dây luồn qua cái móc chử O :

                               Vách núi dựng đứng giữa trời
                          Chưa leo mà đã rã rời ngất ngư
                                                Chưa tuột mà đã lừ đừ
                                           Ba hồn chín viá sặc sừ rút lui

Và cuối cùng là đoạn đường chiến binh, môn học mà hầu hết SVSQ nào cũng ngao ngán. Đoạn đường này không dài mấy, chỉ  non chừng một ngàn thước, nhưng đầy những chướng ngại vật mà ai cũng phải vượt qua. Nào là đu dây, vượt tường, leo lên cầu cao, chạy qua cầu khỉ, băng qua những bải lầy, đụn cát, nhảy qua gò, bay qua ụ, phóng qua hầm, vượt qua hố, chui xuống địa đạo, bò dưới hàng rào kẻm gai trong khi hỏa lực nó khạt rát trên đầu, lâu lâu lại nghe mìn nổ gần đâu đó! Đoạn đường chiến binh hiểm ác nữa là súng cầm tay, ba lô trên lưng, SVSQ phải chạy từ đầu cho tới cuối chặng đường, một người khoẻ mạnh cách mấy vượt hết đoạn đường này cũng phải tháo mồ hôi hột mà thở :                                    

                                           Leo trèo, chạy, nhảy, phóng , bò
                               Vượt chướng ngại vật có trò lọi xương
                               Mình đi tám hướng mười phương
                             Bây giờ mới gặp đoạn đường chiến binh.                       

Đêm Di Hành, là một môn học cuối cùng trước khi mãn khoá, cả ba đại đội tập họp thành một tiểu đoàn trước Vũ đình trường rồi bắt đầu xuất phát, hướng về cổng 9 ra bãi, âm thầm lặng lẻ như một đoàn quân ma. đi qua những con đường, những ngọn đồi thấp, những rừng cây, những nơi chốn trong suốt gần 9 tháng trời đã đi qua. Buổi tối, trăng bắt đầu lên, xa xa những trái hỏa châu như những chiếc đèn lồng đong đưa trong gió, tỏa ra những ánh sáng mờ ảo, lạnh lẻo, vàng vọt. Khi chúng tôi từ trên đồi thả lài lài xuống dưới trủng thì gặp một cái hồ nước, vừa đi tới sát bên hồ thì tôi khá giựt mình vì cái đẹp lạnh lùng của bóng trăng vằng vặc dưới đáy nước nhìn ngược lên tôi bằng một ánh mắt cực kỳ hoang dại và mờ ảo đến lạ thường….

   Cuối cùng vào nửa đêm tất cả bốn đại đội của Tiểu đoàn chúng tôi lần lượt trở về tập họp tại Vũ đình trường, sau khi kiểm điểm lại quân số và vũ khí, theo hệ thống quân giai trung đội báo cáo lên đại đội, đại đội báo cáo lên tiểu đoàn , tiểu đoàn báo cáo lên liên đoàn.

                     Thời gian, không gian và sự mệt mỏi đã đọng lại trong tất cả chúng tôi để thực sự trở thành những người lính, những sỉ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, những lực lượng mà mai đây sẽ tung ra khắp bốn vùng chiến thuật :

       Cái tay cầm súng rả rời
                               Cái chân đạp trúng “bóng đời nhà binh” …                   

  Sáng hôm sau vang rền những tiếng hô nghiêm nghỉ ,đứng lên ,quì xuống giửa sân Vũ Đình Trường đầy ngập người: là quan khách, là thân nhân, bạn bè, là người yêu của lính đến tham dự lễ mãn khoá.

Những SVSQ oai phong trong bộ đồ đại lễ, vai mang biểu chương , đầu đội caskette, một chân quì xuống nôn nao chờ các huynh trưởng đến gắn cấp bậc : “Chuẩn Úy”

                                    Cái lon chuẩn úy nhìn qua,
                                     Giống hai con cá vàng da vẩy vùng…     

    Và, sau đó, hàng ngàn tân sĩ quan hân hoan bước ra khỏi cổng trại trường Bộ Binh Thủ Đức mà không bao giờ trở lại. Họ như những con chim ra ràng bay đi khắp bốn vùng chiến thuật…

Để rồi những năm tháng sau này , có những cánh chim trở thành hồn tử sỉ, có những cánh chim trở thành người thương binh, có những cánh chim trở thành kẻ bị tù đày trong nước hay có những cánh chim đang sống ẩn dật ở một nơi không phải là quê hương xứ sở, đất nước của mình…

 (Trích bài tùy bút của Thiếu Úy Tấn đăng trong tạp chí Phố Văn, xin mạn phép tác giả thân gởi đến các cựu quân nhân QLVNCH để nhớ lại những kỹ niệm khi thụ huấn tại Trường Bộ binh Thủ Đức).

Scroll to TOP