Cái Cò Lặn Lội Bờ Sông

Cái Cò (*)

(Nguyệt Ánh sáng tác và trình bày)
Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Thương em dạ sắt lòng son, một thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng
Bàn tay ai tốt vàng ròng, bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi
Nhìn nhau muốn nói vạn lời, mà tim se thắt rối bời tâm can

Cái cò ngày nay không còn gánh gạo
Gạo đã thành một quá khứ xa xôi
Cái cò ngày nay xuống biển tìm mồi
Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng nước mắt tuôn rơi

Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con
Thương em lội suối trèo non vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng
Triền dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan nước mất vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc tay cày đất hoang

Cái cò ngày nay mơ tìm chén gạo
Giọt máu đào dành để bán nuôi con
Cái cò ngày nay gối mỏi chân mòn
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn non

Cái cò lặn lội bờ đê, đói khổ trăm bề nước mắt đầy vơi
Thương em tuổi mới đôi mươi, vì cơn uất biến hoa trôi hương tàn
Chiều trên quốc lộ kinh hoàng, chồng em tuẫn tiết máu tràn như sông
Chồng em chiến sĩ anh hùng, vì dân chiến đấu thác cùng muôn dân

Cái cò ngày nay đã thành góa phụ
Tay dắt mẹ chồng tay dắt đàn con
Muốn về làng quê, quê cũ không còn
Giặt bắt lên rừng đi vào vùng chướng khí Lam Sơn

Cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường cái rét lạnh căm
Chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào
Một đêm gió lộng mưa gào, được tin anh đã đi vào thiên thu
Chồng em chết giữa ngục thù, khổ sai đói rét cộng thù giết anh

Cái cò một thân lên vùng đất lạ
Đến trại tù tóc quấn vành tang
Đếm từng mồ hoang máu lệ hai hàng
Đau xót cho chồng không mộ phần không khói không nhang ..

Trại Tù Suối Máu
(*) Ca khúc “Cái Cò” kể những nỗi khổ đau và cực nhọc của những người vợ chiến sĩ VNCH và tù nhân tại các trại cải tạo sau năm 1975. Bài hát không nói về câu chuyện của một người vợ nào, mà là câu chuyện tổng quát về cuộc đời những người vợ của quân cán chính VNCH sống trong chuỗi ngày lầm than dưới sự áp bức của nhóm cầm quyền cộng sản sau 1975.

Bài hát mở đầu bằng cuộc gặp gỡ ngắn giữa người chồng trong tù cải tạo và người vợ đi thăm nuôi chồng. Người vợ trèo non lội suối đi thăm nuôi chồ̀ng là tù cải tạo trong trại tù xa xôi. Nàng thương nhớ chồng và khóc cho thân phận bị ngược đãi (“Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”). Câu mở đầu này lấy từ câu ca dao, tạo nên nền tảng của câu chuyện về người vợ tần tảo nuôi chồng. 

Gặp nhau trong giây phút ngắn ngủi, người chồng thương xót cho vợ mình kiên tâm trì chí, chung thủy với chồng. Chỉ có một thân một mình, nàng tận tụy nuôi con và thăm viếng chồng bị tù đày xa xôi (“Thương em dạ sắt lòng son, một thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng”). Trong khi tay những người đàn bà khác đẹp đẽ tươi tốt như vàng bạc, tay của nàng nứt nẻ khô cằn rướm máu vì làm lụng cực khổ (“Bàn tay ai tốt vàng ròng, bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi”). Hai người nhìn nhau trong cuộc hội ngộ ngắn ngủi, muốn nói với nhau biết bao nhiêu lời kể lể tâm sự, nhưng nỗi tái tê và hỗn loạn tâm hồn khiến họ không nói nên lời (“Nhìn nhau muốn nói vạn lời, mà tim se thắt rối bời tâm can”).

Người vợ bây giờ không còn gánh gạo nữa vì lúa gạo không có, là thứ xa xỉ phẩm, và thuộc về quá khứ. Nàng bòn thức ăn từng chút một, như ngô sắn khoai sùng, để ăn sống qua ngày trong nỗi khổ đau buồn thảm (“Cái cò ngày nay không còn gánh gạo/ Gạo đã thành một quá khứ xa xôi/ Cái cò ngày nay xuống biển tìm mồi/ Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng nước mắt tuôn rơi”). Cảnh thiếu ăn, thiếu gạo là thực trạng xảy ra tại Việt Nam sau ngày cộng sản Bắc Việt chiếm đóng miền Nam. Sau khi thu chiếm miền Nam, nhóm cầm quyền cộng sản Bắc Việt phá hoại kinh tế đất nước và đem mức sản xuất nông nghiệp của miền Nam có thời cao nhất Đông Nam Á xuống thấp nhất, đến độ phải vay mượn thực phẩm từ các quốc gia khác. Trong cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, dân Việt không còn được ăn gạo thường xuyên nữa. Tại Sài Gòn, “đô thị lớn nhất miền Nam từ thừa mứa gạo trong suốt 300 năm qua, lần đầu phải ăn độn khoai mì, khoai lang, kể cả bo bo, thứ hạt cứng ngắc mà Liên Xô viện trợ” (Quốc 2015a). “Loại bo bo mà dân Việt một thời phải trệu trạo nhai để sinh tồn còn gọi lúa miến (sorghum)” (Quốc 2015b). Khoai sùng là loại khoai lang bị sùng ăn và phá hoại. Sùng, còn gọi là sùng đất hoặc bọ dím, hà, là ấu trùng của bọ hung. Chúng ăn và phá ruột củ khoai khiến củ khoai thay đổi mùi vị, trở thành đắng và không thể ăn được, ngay cả cho gia súc. 

Người vợ không quản khó nhọc, vẫn ráng làm lụng cực khổ để nuôi đàn con nheo nhóc. Tài sản đã mất hết, không còn gì để bán nữa, nàng chỉ còn những giọt máu đào trong cơ thể phải bán đi để có tiền hoặc tem phiếu cho thực phẩm mang về nuôi con. Nàng bị ép buộc phải lội suối trèo non đi tới vùng kinh tế mới xa xôi, cố gây dựng cuộc sống nơi đất đai cằn cỗi, làm lụng thay chồng nuôi đàn con (“Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con/ Thương em lội suối trèo non vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng”). Hình ảnh người dân bán máu để sinh sống không xa lạ gì với dân Việt Nam, ngay cả hiện nay. Trong cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, dưới thời bao cấp, cuộc sống người dân rất cực khổ, thức ăn thiếu thốn. Do đó, dân nảy ra nhiều kế sinh nhai. Một trong những kế sinh nhai đó là “nghề” bán máu. “Những người bán máu là những người dân nghèo nhất; họ không còn gì khác để bán nữa” (Thành 2002). Ngoài ra, như trình bày ở trên, các vùng kinh tế mới chỉ là biện pháp nhóm cầm quyền cộng sản phân tán và kiểm soát dân. Người dân, nhất là thân nhân của những tù nhân cải tạo, bị ép buộc phải đi tới những nơi đất đai cằn cỗi, rất khó trồng trọt. Nhiều người phải bỏ vùng kinh tế mới, trở về thành phố đô thị, sống lây lất với người quen.

Cuộc đời dâu bể bây giờ biến thành cuộc đời sống còn. Đất nước đã bị cộng phỉ chiếm đóng, nhà cửa, tài sản bị chúng cướp đoạt, vợ chồng ly tán. Chồng bị bắt đi tù cải tạo biết bao nhiêu năm không thấy về. Vợ bị ép buộc đi vùng kinh tế xa xôi hẻo lánh, cày sâu cuốc bẫm đất đai cằn cỗi hoang vu, cố gắng trồng trọt (“Biển dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan nước mất vợ chồng chia ly/ Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc tay cày đất hoang”).

Nàng bây giờ chỉ ước mơ có được chén cơm bát gạo để nuôi con và sống qua ngày. Nàng phải lấy sức, để dành giọt máu đào để bán khi cần phải nuôi con. Nhưmg cuộc sống quá gian nan, nàng kiệt lực vì làm lụng vất vả, bây giờ đầu gối chân và gót chân mòn mỏi vì phải lê bước khắp nơi. Thêm vào đó, nàng phải gồng gánh gói kiện thức ăn mang đến thăm nuôi chồng đi qua những nơi xa xôi hiểm trở, núi non ngăn trở (“Cái cò ngày nay mơ tìm chén gạo/ Giọt máu đào dành để bán nuôi con/ Cái cò ngày nay gối mỏi chân mòn/ Vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn non”).

Nàng kéo lê cuộc đời cực khổ đói khát với nỗi đau buổn tức tưởi. Nàng còn quá trẻ, chỉ mới đôi mươi mà phải trải qua biết bao nhiêu đau thương trong cuộc đời vì biến cố quốc gia khiến cuộc đời nàng trôi nổi lầm than, nhan sắc phai tàn (“Cái cò lặn lội bờ đê, đói khổ trăm bề nước mắt đầy vơi/ Thương em tuổi mới đôi mươi, vì cơn quốc biến hoa trôi hương tàn”).

Nàng tiêu biểu cho những người vợ của chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc hoặc bị cộng sản bắt giam trong những trại tù cải tạo tàn bạo sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chồng nàng là người chiến sĩ tuẫn tiết trên quốc lộ khi chống trả quân thù, không chịu đầu hàng trước lũ giặc xâm lăng. Máu anh tuôn ra lai láng như nước sông lan tràn. Anh ngã gục chết cùng với hàng ngàn người dân mà anh cố bảo vệ (“Chiều trên quốc lộ kinh hoàng, chồng em tuẫn tiết máu tràn như sông/ Chồng em chiến sĩ anh hùng, vì dân chiến đấu thác cùng muôn dân”). Hình ảnh người lính VNCH tuẫn tiết không đầu hàng giặc cộng sản là hình ảnh oai hùng nhất trong cuộc chiến, vì họ bảo tồn Danh Dự họ, theo đúng ba điều Trách Nhiệm, Danh Dự, và Tổ Quốc của QLVNCH. Trong cuộc chiến, có rất nhiều trường hợp lính VNCH tuẫn tiết trong trận. Bài hát “Anh không chết đâu anh”của Trần Thiện Thanh nói đến viên đạn cuối cùng mà trung úy Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương dùng để tuẫn tiết năm 1971. Vào những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam, biết bao nhiêu chiến sĩ VNCH đã tuẫn tiết, từ binh sĩ tới năm vị tướng (Nguyễn 2015a; Nguyễn 2015b).

Chồng chết, nàng trở thành góa phụ, nhưng nàng vẫn không quên bổn phận làm dâu và người mẹ. Nàng dắt díu mẹ chồng và các con đi về quê. Nhưng quê nàng đã tan hoang. Nhà cửa tài sản đã bị lũ cộng sản chiếm đoạt. Nàng bị ép buộc đi lên nơi rừng sâu nước độc vùng kinh tế mới (“Cái cò ngày nay đã thành góa phụ/ Tay dắt mẹ chồng tay dắt đàn con/ Muốn về làng quê, quê cũ không còn/ Giặc bắt lên rừng đi vào vùng chướng khí lam sơn”).

Nàng là thiếu phụ lặn lội kiếm ăn, vét cống đào đường làm lụng cực nhọc, trong cơn gió lạnh rét căm căm. Chồng nàng bị giặc cộng sản bắt đi tù cải tạo, thay đổi trại tù từ Nam ra Bắc biệt tăm tin tức, khiến nàng không biết anh ở đâu để đi thăm nuôi (“Cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường cái rét lạnh căm/ Chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào”). Thế rồi, vào một đêm mưa giông bão tố, có người đến báo cho nàng một hung tin. Chổng nàng bị giặc cộng giết trong trại tù khi anh bị đói rét lao động cực hình (“Một đêm gió lộng mưa gào, được tin anh đã đi vào thiên thu/ Chồng em chết giữa ngục tù, khổ sai đói rét cộng thù giết anh”). Chuyện tù cải tạo bị giết trong tù được biết rõ. Những vụ giết người có đủ mọi lý do: tù nhân trốn thoát, tù nhân làm loạn, theo dự tính trước với những tù nhân không có hành động phản kháng, bắn giết khơi khơi không có lý do (Vo 2004, 139-140).

Đau đớn cùng cực, nàng đi tới trại tù xa xôi, nơi vùng đất xa lạ. Đầu quấn khăn tang, nàng cố tìm mộ chồng. Nàng đi qua từng ngôi mộ hoang, hy vọng tìm được mộ bia khắc tên chồng, nhưng không tìm được mộ anh. Nước mắt dầm dề, nàng thương xót cho người chồng bất hạnh, chết đi mà không được chôn cất mộ phần để được khói nhang thờ phụng (“Cái cò một thân lên vùng đất lạ/ Đến trại tù tóc quấn vành tang/ Đếm từng mồ hoang máu lệ hai hàng/ Đau xót cho chồng không mộ phần không khói không nhang”). Đối với truyền thống văn hóa Việt Nam, không có mộ phần, nhang khói cho người chết là một nỗi đau đớn tủi nhục nhất cho thân nhân người quá cố. Như đã trình bày trên, có rất nhiều vụ hành quyết xảy ra tại trại tù và xác nạn nhân thường không được trả về cho thân nhân. Đây là một hành động tàn ác nhất của cộng sản, tạo đau thương cho gia đình nạn nhân cho biết bao năm.

Tóm lại, “Cái Cò” không phải là một câu chuyện đặc biệt về một người vợ lính VNCH nào đó, mà là các câu chuyện tiêu biểu cho những người vợ chiến sĩ VNCH. Những người vợ này phải làm việc cần cù, thăm nuôi chồng nơi tù cải tạo xa xôi, đi tới các vùng kinh tế mới với đất đai hoang dã, nuôi đàn con và săn sóc cha mẹ chồng, làm tròn bổn phận của người con dâu, người vợ, và người mẹ. Họ phải chịu đựng nhọc nhằn, đói lạnh, và nỗi thống khổ khi người chồng chết trong chiến trận hoặc bị cộng sản giết trong ngục tù cải tạo.

  • Bài hát có giai điệu chậm buồn nhưng thay đổi, và lời ca có cấu trúc thăng bằng với cách dùng chữ có hiệu quả:

Ca khúc “Cái Cò” là lời kể cuộc đời cực khổ lầm than của người vợ chiến sĩ VNCH. Bài hát thể hiện nỗi niềm thê lương này với giai điệu chậm buồn, được đưa đẩy khéo léo qua vần điệu của thể loại thơ lục bát, và có những đoạn thơ theo thể thức cố định tạo nên âm điệu và tiết tấu thay đổi.

Một đặc điểm của “Cái Cò” là cách dùng điệp ngữ để nhắc đi nhắc lại lời ca đi sâu vào tâm trí khán giả. Đây là hình thức của tiểu điệp khúc (refrain), rất thường dùng trong nhạc và thơ khi một hình ảnh quan trọng nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tiểu điệp khúc là một hay hai câu trong một phiên khúc, thường nằm ở cuối hoặc ở giữa phiên khúc, và được lập lại để tạo một tác dụng nào đó (thí dụ, tóm tắt, nhấn mạnh, vần điệu) cho phiên khúc đó. Tiểu điệp khúc không mang ý chính của toàn thể bài hát như điệp khúc, và thường chỉ có tác dụng trên phiên khúc đó mà thôi.

Bài hát gồm có bốn phiên khúc chính. Mỗi phiên khúc có hai phần. Mỗi phần khởi đầu bằng “cái cò” cho thấy hình ảnh con cò xuất hiện liên tục, khiến âm hưởng này được vang vang trên khắp bài và khán giả liên tục duy trì hình ảnh này trong suốt bài hát.

Hình ảnh cái cò lặn lội săn mồi cũng được lập đi lập lại nhiều lần: “lặn lội bờ sông,” “lặn lội bờ ao,” “lặn lội bờ đê,” và “lặn lội bờ mương.” 

Trong cách dùng tiểu điệp khúc này, Nguyệt Ánh cho chút thay đổi, giúp cho hình ảnh được linh hoạt: con cò không bỏ sót chỗ nước nông nào để tìm thức ăn: sông, ao đê, mương. Con cò đi tìm thức ăn ở khắp nơi, nói lên sự cực nhọc của người vợ, lội suối trèo non, đi thăm nuôi chồng, đi làm lụng ở vùng kinh tế mới.

Scroll to TOP